logo

Phân tích nội dung và nghệ thuật của Thanh minh ngẫu hứng

Đề bài: Phân tích nội dung và nghệ thuật của Thanh minh ngẫu hứng

THANH MINH NGẪU HỨNG

Đông phong trú dạ động giang thành,

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,

Thiên nhai vô tửu đối thanh minh.

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.

Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,

Mạc giao mao thảo cận giai sinh

Dịch nghĩa:

TIẾT THANH MINH NGẪU HỨNG

Gió đông thổi qua tòa thành bên sông suốt ngày đêm.

Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.

Ngày xuân, mình có thân nhưng không còn trẻ nữa.

Ở góc trời, không có rượu uống tiết thanh minh.

Câu hát thôn dã giúp ta hiểu tiếng nói của kẻ trồng gai trồng dâu.

Ngoài đồng nội thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh.

Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi,

Chớ để cỏ săng mọc gần thềm!

Dịch thơ:

Gió đông lay động giang thành,
Người buồn buồn rũ, cỏ xanh xanh rì.
Ngày xuân mình đã qua thì,
Thanh minh không rượu lấy gì làm vui.
Ca về vườn ruộng học đòi,
Ngoài đồng nghe khóc tưởng hồi chiến tranh.
Nội buồn lữ khách mông mênh,
Đừng cho săng cỏ mọc quanh thềm nhà.

Bản dịch của Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh. Nguồn: Kiều Văn, Thanh Hiên thi tập, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001, tr. 121

(Thanh minh ngẫu hứng – Nguyễn Du – https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Du/Thanh-minh-ng%E1%BA%ABu-h%E1%BB%A9ng/poem-57J_3jUE4dURA9Ne4FM4aA)

Phân tích nội dung và nghệ thuật của Thanh minh ngẫu hứng

      Chữ Xuân xuất hiện rất nhiều lần trong thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng mùa xuân ví thân phận nàng Kiều là một biểu tượng, một khoảnh khắc thời gian trong năm rất đẹp, rất hoàn hảo của mùa xuân. Xuân là khởi đầu của mọi cái đẹp, cái xuân sắc, khởi đầu của tình yêu, của hạnh phúc, là bước chuyển mình của vạn vật. Một lần nữa, xuân lại xuất hiện trong Thanh minh ngẫu hứng, cảnh xuân trong bài tuy đẹp nhưng lại mang lại cảm giác bi ai, đó phải chăng là nỗi niềm của tác giả, những suy tư, chất chứa về nhân sinh thế sự.

Với thể thơ chữ Hán, cùng niềm cảm hứng xuân tình, Thanh Minh Ngẫu hứng được người thi nhân viết để bộc lộ trạng thái tàn tạ, bi thương, khắc khoải của một kẻ phải chịu li biệt quê hương. 

Đông phong trú dạ động giang thành,
Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Hai câu thơ đầu là khung cảnh của mùa xuân:

Gió đông lay động giang thành,
Người buồn buồn rũ, cỏ xanh xanh rì.

Gió đông lay chuyển giang thành, giang thành ở đây có lẽ là chỗ chú ẩn duy nhất của nhà thơ, gió đông là gió vào đầu mùa xuân. Đáng lẽ ra vào mùa đẹp nhất trong năm ấy, tác giả phải được đoàn viên với gia đình ở nơi quê hương quen thuộc, nhưng lại phải một mình nơi đất khách quê người. gió đông làm rung chuyển không gian, khiến không khí trở nên lạnh lẽo và u ám, khiến người cô đơn lại càng cô đơn. Trong truyện Kiều từng viết: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, ý chỉ sự đồng hoá giữa cảnh với tâm trạng con người, cảnh và người như có sự liên kết sâu sắc. Nhưng ở đây, “ nhân tự bi thê, thảo tự thanh “. Dường như trời đất không còn đồng cảm với cảm xúc của người nữa, tác giả cũng muốn ám chỉ rằng nỗi trăn trở trong lòng mình chỉ có mình mình biết, không chỉ cỏ cây mà mọi thứ xung quanh dường như cũng phớt lờ nỗi đau ấy.

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,
Thiên nhai vô tửu đối thanh minh

Dịch thơ:

Ngày xuân mình đã qua thì,
Thanh minh không rượu lấy gì làm vui.

Nhìn vào sự thay đổi của đất trời, sự chuyển dịch của không gian và thời gian bước vào mùa xuân mới, nhà thơ ngộ ra rằng tuổi xuân của mình đã qua đi mất từ khi nào. Vào dịp tết thanh minh, người người nhà nhà cùng nhau quây quần nâng chén thưởng thức cảnh xuân, vậy mà nhà thơ phải làm khách nơi xứ lạ, cũng không thể cầm chén rượu để nhâm nhi thắng cảnh. Nỗi cô đơn đến tột cùng ấy không điều gì kể siết, không thể có được một chén rượu để uống cho quên sầu.

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.

Phân tích nội dung và nghệ thuật của Thanh minh ngẫu hứng

Tiếng ca xen lẫn tiếng khóc càng làm cho khung cảnh trở nên thê lương hơn nữa. Dường như đó chính là sự đối lập giữa khung cảnh tươi vui bên ngoài với tâm trạng của nhà thơ. Bên ngoài là cảnh ca hát, lễ hội rộn ràng, bên trong là tâm trạng vụn vơ, nỗi nhớ thương quê hương da diết, cũng như một linh cảm chẳng lành về một mùa xuân mới.

Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,
Mạc giao mao thảo cận giai sinh

Hai câu thơ kết, tác giả đã trực tiếp bộc lộ tâm trạng của bản thân:

Nội buồn lữ khách mông mênh,
Đừng cho săng cỏ mọc quanh thềm nhà.

Không còn mượn cảnh để tả tình, Nguyễn Du đã trực tiếp nói lên cảm xúc của mình khi ấy, mắc kẹt ở nơi vùng trời xa lạ, người lữ khách xa quê cảm thấy lạc lõng, cô đơn, không nơi nương tựa. Một mình giữa chốn mông mênh hiu quạnh ấy, ông chỉ mong cỏ săng đừng mọc để gợi lên nỗi nhớ xa quê. Cỏ săng là một loài cỏ dại, mùa xuân là mùa của sự sinh sôi nảy nở, loài cỏ ấy mọc lên như xoáy sâu vào nỗi buồn của nhà thơ, giống như loài cỏ dại lạnh lẽo mọc lên trên đất lạ.

Nguyễn Du đã rất thành công trong việc mượn cảnh sắc thiên nhiên để nói lên nỗi lòng con người . Thơ chữ Hán quen thuộc, ngôn ngữ mang đậm chất hoài niệm càng làm nổi bật lên tâm trạng bi ai và nỗi cô đơn của tác giả. 

Mùa xuân trong “ Thanh minh ngẫu hứng” của Nguyễn Du là bài ca về nỗi niềm lưu lạc, là ngẫu hứng viết nên thơ nhưng nó khắc hoạ rất chi tiết tâm trạng của nhà thơ. Bài thơ là sự cảm thương cho thân phận cô đơn, lưu lạc giữa dòng đời dâu bể, một mình chống chọi với bất hạnh đau thương, có thể thấy rằng, tiếng lòng thống thiết của nỗi đau lạc loài luôn hiện diện trong thơ ông. 

icon-date
Xuất bản : 14/03/2024 - Cập nhật : 14/03/2024