logo

Nghị luận phân tích vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong đoạn thơ của bài thơ Thu Hà Nội

Mùa thu của Hà Nội luôn là một trong những mùa đẹp nhất, thơ mộng nhất và đã được đi sâu vào kí ức độc giả qua biết bao câu văn, áng thơ. Hãy cùng Toploigiai viết bài Nghị luận phân tích vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong đoạn thơ của bài thơ Thu Hà Nội nhé!


Dàn ý Nghị luận phân tích vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong đoạn thơ của bài thơ Thu Hà Nội

a. Mở bài:

+ Giới thiệu về tác giả Hoàng Cát và bài thơ "Thu Hà Nội"

+ Giới thiệu về mùa thu đặc trưng của Hà Nội: gió heo may, lá chuyển vàng,...

b. Thân bài:

- Những miêu tả về mùa thu Hà Nội thông qua cảm nhận của tác giả Hoàng Cát:

+ Mỗi khi gió heo may thổi, con người như tự nhắc nhở mình: "Mùa thu đã tới rồi".

+ Thu tới, cũng là lúc mà lá cây ngả vàng, dần dần kết thúc vòng đời của mình và chào cây để về với đất.

+ Trên những cành cây cao, chỉ còn vài chiếc lá vẫn đang lưu luyến mà chưa thể nói lời tạm biệt.

+ Con đường trải đầy lá rụng xào xạc theo mỗi bước chân của người đang đi trên phố.

+ Gió heo may giúp cho mùi hương sấu chín bay đi xa hơn nhưng vẫn cứ vẩn vương nơi đầu mũi.

+ Màu vàng đậm của sấu chín tựa như những mặt trời nhỏ, soi sáng cho bầu trời phủ mây ngày thu.

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình khi được đứng giữa Thủ đô ngàn năm khi mùa thu sang:

+ Tựa hồ như tâm trạng rối bời của nhân vật trữ tình bị treo lại lơ lửng, bâng khuâng dần dần dịu xuống, bay theo những cơn gió kia đi đến một nơi thật xa.

- Nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:

+ Sự giản dị, mộc mạc của ngôn từ đã khiến cho chúng ta mường tượng được ra một bức tranh mùa thu Hà Nội với đong đầy những nét gợi hình, gợi cảm.

c. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm nhận của em về tác phẩm trên

Nghị luận phân tích vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong đoạn thơ của bài thơ Thu Hà Nội

Nghị luận phân tích vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong đoạn thơ của bài thơ Thu Hà Nội

Bốn mùa trong năm ở thành phố cổ kính, mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng biệt, một nét hút hồn con người bằng những cách khác nhau. Nếu như mùa xuân là lúc người ta đang háo hức chờ đợi bánh chưng, hoa đào ngày Tết, mùa đông là lúc những ngày lễ nhộn nhịp làm bừng sáng lên cả thành phố khỏi những ảm đạm của thời tiết, thì mùa thu lại thu hút người ta bằng sự nhẹ nhàng, nhịp sống chậm rãi của mình. Có lẽ cũng vì say mê cái đẹp nhẹ nhàng ấy mà tác giả Hoàng Cát đã đặt bút viết nên thi phẩm "Thu Hà Nội".

Vẻ đẹp của mùa thu vốn đã đi sâu vào nghệ thuật từ lâu. Từ những bức tranh tứ quý, đến những bài thơ Trung đại, cho tới cả những vở kịch, bài hát từ xa xưa. Mùa thu đẹp là vậy, nhẹ nhàng là vậy nhưng dường như vẫn ẩn dấu trong mình đâu đây sự trầm buồn, yên lặng. Thu Hà Nội tựa như một "nàng thơ" thanh mảnh, tuy xinh đẹp là vậy nhưng phảng phất trên gương mặt nàng vẫn là một nỗi buồn không thể giãi bày với ai. "Nàng thơ" ấy đã khiến cho biết bao chàng thi sĩ si tình phải mê, phải yêu, phải viết ra để cho mọi người thấy được tình cảm của mình. Anh chàng thi sĩ Hoàng Cát tựa hồ như cũng đã thương lấy điều đó, nhưng không mĩ miều hóa, không nâng cao vẻ đẹp của "nàng" mà cảm nhận mùa thu Hà Nội bằng những điều đơn giản, gần gũi nhất:

Se se gió heo may, xào xạc lạnh

Lá vàng khô lùa trên phố bâng khuâng

Mùa thu là lúc mà những cái nắng oi ả của mùa hạ đã qua đi, thay vào đó là cái lạnh se se, man mát. Mỗi khi gió heo may thổi, con người như tự nhắc nhở mình: "Mùa thu đã tới rồi". Thu tới, cũng là lúc mà lá cây ngả vàng, dần dần kết thúc vòng đời của mình và chào cây để về với đất. Trên những cành cây cao, chỉ còn vài chiếc lá vẫn đang lưu luyến mà chưa thể nói lời tạm biệt. Con đường trải đầy lá rụng xào xạc theo mỗi bước chân của người đang đi trên phố. Tựa hồ như tâm trạng rối bời của nhân vật trữ tình bị treo lại lơ lửng, bâng khuâng dần dần dịu xuống, bay theo những cơn gió kia đi đến một nơi thật xa.

Thế nhưng, mùa thu đâu phải là chỉ trầm buồn như vậy. Thu vẫn lưu giữ lại những kỉ niệm, những sức sống tiềm ẩn đang sục sôi sâu bên trong mình:

Ô! Hàng sấu vẫn còn đây quả sót

Rụng vu vơ một trái vàng ươm

Ta nhặt được cả chùm nắng hạ

Trong mùi hương trời đất dậy trên đường

Gió heo may giúp cho mùi hương sấu chín bay đi xa hơn nhưng vẫn cứ vẩn vương nơi đầu mũi. Màu vàng đậm của sấu chín tựa như những mặt trời nhỏ, soi sáng cho bầu trời phủ mây ngày thu. Thu như làm nền cho cuộc sống sôi động của con người, là lúc các em nhỏ được cùng nhau trông trăng phá cỗ, là những khoảng khắc khai trường với màu áo trắng mộng mơ. Mùa thu trầm buồn là vậy nhưng những vẻ đẹp mà mùa thu mang lại làm sao khiến ai đã chứng kiến qua lại quên được.

Bài thơ tuy không sử dụng quá nhiều biện pháp tu từ hay ngôn ngữ hoa mĩ nhưng lại vô cùng khiến người ta ấn tượng. Sự giản dị, mộc mạc của ngôn từ đã khiến cho chúng ta mường tượng được ra một bức tranh mùa thu Hà Nội với đong đầy những nét gợi hình, gợi cảm. Mùa thu Hà Nội thông qua nét bút của nhà thơ Hoàng Cát tựa như sống dậy trong tâm trí của độc giả cả nước.

Mùa thu Hà Nội từ lâu đã đi vào lòng độc giả cả nước. Thế nhưng, tác phẩm "Thu Hà Nội" của nhà thơ Hoàng Cát vẫn đạt được một vị trí riêng của mình trong kho tàng thơ ca đồ sộ của nước nhà.

icon-date
Xuất bản : 15/03/2024 - Cập nhật : 15/03/2024