logo

Nghị luận bàn về lòng tự trọng của con người được gợi ra từ văn bản Một bữa no của Nam Cao

“Một bữa no” được Nam Cao viết trong thời kì đất nước ta còn nhiều khó khăn, phải chống lại giặc đói, giặc dốt. Chính trong hoàn cảnh đó, cái đói đã làm con người mất đi lòng tự trọng. Cùng Toploigiai bàn về lòng tự trọng của con người được gợi ra từ văn bản Một bữa no của Nam Cao để thấy rõ hơn điều này nhé!


Dàn ý Nghị luận bàn về lòng tự trọng của con người được gợi ra từ văn bản Một bữa no

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Khái quát vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

* Phân tích tác phẩm

- Tóm tắt, nêu khái quát nội dung trọng tâm của tác phẩm

- Khái quát nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao

- Rút ra ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận

Nghị luận bàn về lòng tự trọng của con người được gợi ra từ văn bản Một bữa no của Nam Cao (ảnh 1)

* Nghị luận về vấn đề được rút ra từ tác phẩm: lòng tự trọng

- Lòng tự trọng của con người khi chưa bị cái đói dồn vào đường cùng

+ Khi bà lão vẫn còn sức khoẻ để đi làm

+ Tuổi già khiến cho bà không còn sức để làm việc

+ Bà lão thử và làm mọi việc để kiếm sống

- Khi bị cái đói dồn vào đường cùng, lòng tự trọng của con người trở nên rẻ rúng

+ Đến khi không còn việc làm, không còn gì để ăn

+ Câu chuyện xảy ra ở nhà bà phó Thụ

+ Cái kết của “ một bữa no”

* Phân tích giá trị nghệ thuật

- Tình huống truyện trong tác phẩm của Nam Cao

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

- Giọng văn, lối kể chuyện

- Tâm tư , tình cảm của tác giả muốn gửi gắm vào tác phẩm

3. Kết bài

- Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận

- Khái quát lại nghệ thuật

- Bài học mà vấn đề nghị luận muốn truyền đạt.


Nghị luận bàn về lòng tự trọng của con người được gợi ra từ văn bản Một bữa no của Nam Cao

Nguyễn Minh Châu từng nhận định rằng “Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra ,trước hết là tâm lí ,nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người”. Các tác phẩm của Nam Cao đều mang một màu sắc u tối của xã hội thời bấy giờ, nhân vật trong truyện của ông đều là nạn nhân của cái nghèo, cái khổ, đều bị ép đi vào bước đường cùng. Truyện ngắn “ Một bữa no” đã xây dựng một tình huống truyện quen thuộc, từ đó bộc lộ được những suy tư, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm, đồng thời nêu lên được ý nghĩa về lòng tự trọng của con người trong hoàn cảnh cùng cùng cực ấy.

“Một bữa no” được Nam Cao viết trong thời kì đất nước ta còn nhiều khó khăn, phải chống lại giặc đói, giặc dốt. Nhân vật trong truyện của ông thường được đặt vào hoàn cảnh tiêu biểu, đó là cái nghèo. Có lẽ rằng chỉ trong hoàn cảnh cùng cực, con người ta mới bộc lộ được hết những góc khuất của bản thân. Ngay cả một sự việc tưởng chừng như đơn giản, đó là một bữa ăn cũng có thể trở thành một tình huống truyện cao trào thay đổi cuộc sống của một người. Chí Phèo, Lão Hạc, …. những nhân vật trong truyện của ông đều phải đối mặt với hiện thực khốc liệt ấy và rồi nhận lại một cái kết tàn nhẫn. “Một bữa no” là câu chuyện gửi gắm nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị huỷ hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. 

Nhân vật chính trong tác phẩm là một bà lão chồng mất sớm, cả đời chịu thương chịu khó cặm cụi nuôi con với niềm hi vọng lớn lên con sẽ là điểm tựa cho bà. Nhưng trớ trêu thay, đứa con ấy cũng mất sớm, đứa con dâu sau tang chồng cũng bỏ bà mà đi, để lại cho bà đứa cháu gái duy nhất. Vì quá khó khăn nên bà đành dứt ruột bán đứa cháu gái của mình làm người ở cho nhà bà phó- đại diện cho giai cấp giàu có ở xã hội bấy giờ. Bằng nghệ thuật khắc hoạ tình huống truyện tài tình, tác giả đã tái hiện được sự đối lập về điều kiện sống của các giai cấp lúc bấy giờ. Sự phân chia giàu nghèo trong xã hội đã đẩy những kẻ yếu vào ngõ cụt mà phải than lên “Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao?” Ngòi bút của Nam Cao vẽ lên nhân vật của mình ở cái tận cùng của sự nghèo khổ. Họ là những người dân lam lũ, chịu khó  nhưng bị cái xã hội ấy đè nén, dồn ép đến tận cùng. 

Khi còn có thể chịu được cực khổ, bà lão vẫn bôn ba khắp chốn để kiếm được miếng ăn cho mình, khi ấy, lòng tự trọng của một người nhà quê chân chất, thật thà vẫn còn hiện hữu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, việc tự mình kiếm lấy miếng cơm là một điều đáng quý, không chỉ thương xót cho số phận bất hạnh của nhân vật, Nam Cao còn làm ánh lên những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam.
Văn học của Nam Cao không dừng lại ở đó, các tác phẩm của ông đều đẩy con người ta tới tận cùng để ép họ phải bộc lộ hết bản năng của con người. Tâm lí của nhân vật bà lão bắt đầu xuất hiện sự thay đổi khi bà không thể tự kiếm ra miếng ăn cho mình. “Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn.” Cái đói, cái nghèo thật đáng sợ, nó là nỗi ám ảnh, nó dày vò, tàn nhẫn ức hiếp nhân cách của người ta. Nam Cao đã thành công trong việc tái hiện hình ảnh con người khi nạn đói, phải chăng hình ảnh đó bám lấy tâm trí ông không buông, nên những gì ông viết ra mới chân thực đến như vậy. Sự nghèo đói ấy đã ép buộc con người phải tới bước đường cùng, có lẽ khi quá đói, thì lòng tự trọng đối với họ không còn quan trọng nữa. 

Nghị luận bàn về lòng tự trọng của con người được gợi ra từ văn bản Một bữa no của Nam Cao (ảnh 2)

Bà lão thậm chí còn phải ghen tỵ với cái chết, ghen tỵ với “ anh con trai đã cướp công bà để về với đất, yên thân mà mặc tất cả những gì còn lại. Anh con trai chẳng còn phải khổ sở như bà ngày nay.” Cái chết còn không đáng sợ bằng cái đói khiến người ta run rẩy, bủn rủn tay chân. Không thể cầm cự nữa, bà tìm tới nhà nhận nuôi đứa cháu gái của mình. Bỏ đi tất cả lòng tự trọng còn sót lại, ở đây bà được một bữa no dưới sự khinh bỉ của bà phó Thụ. Sau bữa ăn no sau thời gian dài bị chết đói, trở về nhà bà bị hết tả lại đến lị, để rồi nửa tháng sau, bà chết no. Cuối câu chuyện là bài học của bà phó dạy cho lũ con gái “Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!”. Không chết vì cái đói mà lại chết vì một bữa no. Sự đối lập ấy chính là bi kịch mà tác giả dựng lên cho nhân vật, khi lòng tự trọng không còn nữa, nhân cách con người bị tha hoá, thì có lẽ giá trị của họ cũng dần từ đó bị mai một đi. 

Khi cái nghèo đói bủa vây thì con người ta đánh mất đi nhân phẩm, lòng tự trọng. Để rồi cuối cùng lại chết trong ê chề. Những người nghèo họ cũng đã đánh đổi cả giá trị của mình chỉ mong có một cuộc sống khá khẩm hơn. Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, khả năng khắc hoạ tâm lí nhân vật sâu sắc, Nam Cao đã vẽ nên thành công bức tranh chân dung của xã hội lúc bấy giờ, vạch trần bộ mặt giai cấp thống thị đã đẩy những người dân khốn khó đứng bên bờ vực thẳm, sự thương xót, bất lực trước nhân cách con người bị biến chất. Khi cái nghèo đói bủa vây, con người ta sẽ đánh mất đi nhân phẩm và lòng tự trọng của chính mình.

"Một bữa no" của Nam Cao là cả một tấn bi kịch về cuộc đời của một con người, ông đã dũng cảm đứng lên vạch trần những cái xấu xa của xã hội lúc bấy giờ. Từ đó muốn nhắc nhở mọi người, đứng trước hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống, dù khó khăn tới đâu chúng ta cũng cần phải giữ vững nhân phẩm, giữ vững lòng tự trọng của mình, không để nhân cách bị tha hoá, lòng tự trọng của con người trở nên rẻ mạt.

icon-date
Xuất bản : 12/03/2024 - Cập nhật : 12/03/2024