logo

Phân tích chi tiết bài thơ Cầu Bố của Nguyễn Duy

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng tham khảo bài Phân tích bài thơ “Cầu Bố” để thấy được những hi sinh của người cha đối với gia đình, quê hương cũng như tình cảm của con đối với đấng sinh thành ấy. 

Dàn ý Phân tích chi tiết bài thơ Cầu Bố của Nguyễn Duy. 

Mở bài: Giới thiệu tác giả Nguyễn Duy, bài thơ “Cầu Bố”, khái quát nội dung và nghệ thuật bài thơ.

Thân bài: 

- Hai khổ thơ đầu: Hình ảnh của cây cầu, quê hương, ngồi nhà quen thuộc hiện lên trong tâm trí nhân vật trữ tình.

+ Cầu Bố là cây cầu thuộc tỉnh Thanh Hoá, xuất hiện từ thời nhà Lê

+ “men rượu” cũng là hương vị đặc trưng, làm nên bản sắc quê hương.

+ “không cổng, không cửa, nhiều cửa sổ”: sự đặc biệt của ngôi nhà làm nó trở nên gần gũi, thoải mái với tất cả mọi người, ai cũng có thể ghé qua hút thuốc lào và cảm nhận gió nam thổi từ các ô cửa. 

- Hai khổ thơ tiếp theo: Hình ảnh bố với chiếc xe thồ trong những năm tháng chiến tranh.

+ Chiếc xe thồ “lọc xọc”: Từ Điện Biên hay ngược sông Mạ lên Tây Bắc, những chiếc xe thồ “lọc xọc” kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình.

+ Đường xá xa xôi, nhiều hiểm nguy, gian khổ nên bất kì ai đi về cũng ốm sốt kinh niên

+ Trong đoàn xe ấy, cha tôi xuất hiện và vượt qua những trận bom đạn như gieo mạ.

=> Cha hiện lên như một chiến sĩ, một vị anh hùng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. 

- Hai khổ thơ tiếp theo: Những dấu vết xưa đã dần mở đi và trở thành kỉ niệm đẹp đẽ và niềm tự hào của con. 

+ “Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa/vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn”: những dấu vết xưa giờ đã bị cỏ lấp dần, vết xe thồ đỉnh Trường Sơn cũng mờ dần theo năm tháng.

+ Hình ảnh “ông già đầu bạc xóa” cũng không còn đẩy xe thồ dọc lũng Tà Cơn.

=> Xuất phát từ những người nông dân giản dị, khi đất nước gọi tên, họ đã không ngần ngại xả thân vì nước, trở thành những chiến sĩ anh dũng, quả cảm. Khi đất nước hòa bình, họ không cần phải được “biết mặt đặt tên” mà quay về “sống lặng yên như cây cỏ trong vườn”
Hai khổ thơ cuối: Sự biết ơn, kính trọng, yêu mến, tự hào của con đối với cha 

=> Người cha già đã hi sinh cả cuộc đời cho đất nước, gia đình. Đến ngày họp mặt, cha như được trở lại tuổi trẻ khi có các con quây quần bên cạnh. Tình cảm ấm áp đã khiến người cha ấy cảm thấy hạnh phúc, yên bình và mãn nguyện sau cuộc đời đầy gian khổ, hi sinh.

Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

Phân tích chi tiết bài thơ Cầu Bố của Nguyễn Duy.

Bài mẫu Phân tích chi tiết bài thơ Cầu Bố của Nguyễn Duy. 

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông viết về cha rất ít nhưng các tác phẩm viết về cha đều lấy động trái tim bạn đọc bởi tình cảm chân thành, tha thiết. Bài thơ “Cầu Bố” là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về những hi sinh của người cha đối với gia đình, quê hương cũng như tình cảm của con đối với đấng sinh thành ấy. 

Hai khổ thơ đầu tác giả đã giới thiệu về vị trí của cây cầu cũng như quê hương của mình, bên cạnh đó tác giả còn miêu tả căn nhà được chính tay cha thiết kế. Cầu Bố là cây cầu thuộc tỉnh Thanh Hoá, xuất hiện từ thời nhà Lê, tác giả đã giới thiệu vị trí cây cầu bằng câu hỏi mang đậm màu sắc ca dao: 

Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời

Nhà tôi đó, không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam thoải mái ra vào

Những địa danh “Thanh Hoá, Quảng Xá” được tác giả vận dụng khéo léo, đưa vào thơ một cách tự nhiên, sinh động. Cầu Bố vô cùng quen thuộc không chỉ riêng tác giả mà còn với tất cả những người dân nơi đây. Bên cạnh cây cầu, “men rượu” cũng là hương vị đặc trưng, làm nên bản sắc quê hương. Ngôi nhà của nhân vật trữ tình cũng được giới thiệu một cách tự nhiên với những đặc điểm khác lạ: không cổng, không cửa, nhiều cửa sổ. Nhưng chính vì sự đặc biệt ấy mà ngôi nhà trở nên gần gũi, thoải mái với tất cả mọi người, ai cũng có thể ghé qua hút thuốc lào và cảm nhận gió nam thổi từ các ô cửa. Quê hương, căn nhà hiện lên thật giản dị, thân thương! Mặc dù không được miêu tả một cách hoa mĩ, trau chuốt nhưng không gian ấy vẫn khiến cho con người cảm thấy dễ chịu, yên bình, không quen thuộc đến kì lạ.

Quay ngược thời gian về thời kì chiến tranh, những con đường làng hay cây cầu đều xuất hiện những chiếc xe đạp thồ cung cấp lương thực, vật liệu cho cách mạng:

Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc
chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên
ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc
ai xuôi về cũng sốt kinh niên

Những năm bom đạn như gieo mạ
lại chiếc xe thồ đi về Nam
cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép
tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoàng

Từ Điện Biên hay ngược sông Mạ lên Tây Bắc, những chiếc xe thồ “lọc xọc” kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình. Bởi vì đường xá xa xôi, nhiều hiểm nguy, gian khổ nên bất kì ai đi về cũng ốm sốt kinh niên. Thế nhưng những chiếc xe vẫn nối tiếp nhau ngày đêm, tình yêu Tổ quốc đã cung cấp sức mạnh cho đoàn xe hoàn thành chuyến hành trình của mình. Trong đoàn xe ấy, cha tôi xuất hiện và vượt qua những trận bom đạn như gieo mạ. Đến đây người đọc có thể thấy được nhân vật trung tâm của bài thơ là người cha, phải chăng nhan đề “Cầu Bố” cũng là yếu tố làm nổi bật “cha”? “Cha tôi” đã đi qua không chỉ cây cầu Bố mà còn cả cầu Bùng, cầu Ghép. Trong kí ức của tác giả, cha đã không sợ nguy hiểm, khó khăn chính vì thế nhân vật trữ tình nhìn theo bóng cha trong ánh chớp lửa lập lòe, nhấp nhoáng. Cha hiện lên như một chiến sĩ, một vị anh hùng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. 

Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa
vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá
đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn

Thời gian trôi qua và hòa bình lập lại, những dấu vết xưa giờ đã bị cỏ lấp dần, vết xe thồ đỉnh Trường Sơn cũng mờ dần theo năm tháng. Hình ảnh “ông già đầu bạc xóa” cũng không còn đẩy xe thồ dọc lũng Tà Cơn. Những con người ấy là cha, là những người tham gia hành trình tiếp tế lương thực. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đoàn xe hậu phương ngày đêm nối nhau đã dần dần trở thành kí ức, kỉ niệm trong tâm trí mọi người. Những con người ở quê hương cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp Tổ quốc, đến khi hòa bình thống nhất, họ lại quay trở về với ruộng đồng, cuộc sống hằng ngày. Trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm cũng từng viết: “Không ai nhớ mặt, đặt tên/Nhưng họ đã tạo nên đất nước”. Xuất phát từ những người nông dân giản dị, khi đất nước gọi tên, họ đã không ngần ngại xả thân vì nước, trở thành những chiến sĩ anh dũng, quả cảm. Khi đất nước hòa bình, họ không cần phải được “biết mặt đặt tên” mà quay về “sống lặng yên như cây cỏ trong vườn” - quay lại với đồng ruộng, xóm làng. 

Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng
trĩu cả hai vai việc nước - việc nhà
bom rồi bão, mấy lần nhà sập
lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa

Ngày họp mặt, cha già như trẻ lại
bếp rượu đặt giữa nhà, bè bạn vây quanh
con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột
càng thêm say hương rượu nếp thanh bình.

Hình ảnh cha với chiếc xe thồ nặng đã trở thành biểu tượng bất tử trong lòng con, cha vừa gánh vác trách nhiệm gia đình, vừa trĩu nặng nghĩa vụ với Tổ quốc. Hết mưa bom bão đạn rồi đến bão lớn làm đổ nhà, vất vả của cha lại càng lớn hơn. Thế nhưng cha vẫn không một lời oán trách, âm thầm nỗ lực nuôi dưỡng những đứa con. Lúc con trưởng thành cũng là lúc phải rời xa vòng tay cha, tiếp tục chuyến hành trình của mình. Người cha già đã hi sinh cả cuộc đời cho đất nước, gia đình. Đến ngày họp mặt, cha như được trở lại tuổi trẻ khi có các con quây quần bên cạnh. Tình cảm ấm áp đã khiến người cha ấy cảm thấy hạnh phúc, yên bình và mãn nguyện sau cuộc đời đầy gian khổ, hi sinh. Con đường chiến tranh càng ngoằn ngoèo thì cảm giác thanh bình đạt được càng sâu sắc, quý giá. Hương rượu nếp giữa nhà cùng con cháu, bè bạn chính là điểm tựa tinh thần lớn nhất của cha, là những điều mà cuộc đời cha bảo vệ, trân trọng. 

Bằng thể thơ tự do, câu thơ dài và chỉ biết hoa chữ đầu tiên đã thể hiện dòng cảm xúc, kí ức liền mạch, liên tục của tác giả. Hình ảnh thơ giản dị, có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, điểm nhìn linh hoạt từ quá khứ tới hiện tại tạo cảm giác chân thực, gần gũi cho bài thơ. Bên cạnh đó nhịp thơ nhẹ nhàng, tha thiết, sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ thể hiện tình cảm dạt dào của người con dành cho cha. Tuy Nguyễn Duy viết về người cha rất ít nhưng các tác phẩm của ông đều chạm tới trái tim người đọc, bài thơ mượn hình ảnh “cầu Bố” để thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn của tác giả đối với cha của mình. 
 

icon-date
Xuất bản : 09/04/2024 - Cập nhật : 09/04/2024