logo

Cảm nhận về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật cụ Nhiêu trong Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng của Kim Lân

Trong văn học có vô vàn những hình tượng nhân vật, nổi bật trong những hình tượng ấy là các nhân vật người cha, người mẹ với những phẩm chất tốt đẹp. Trong số đó có nhân vật cụ Nhiêu trong truyện ngắn Cơm con. Qua tìm hiểu tác phẩm Cơm con, chúng ta sẽ thấy được những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật cụ Nhiêu cũng như bài học sâu sắc mà Kim Lân gửi gắm thông qua nhân vật cũng như toàn tác phẩm.


Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật cụ Nhiêu trong Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Nhân vật trong tác phẩm văn học.

- Nêu vấn đề cần phân tích: Phẩm chất của nhân vật cụ Nhiêu trong truyện ngắn Cơm con của Kim Lân.

2. Thân bài

2.1 Khái quát nhà văn Kim Lân và tác phẩm Cơm con

- Nhà văn Kim Lân:

+ Nhà văn hiện thực nổi tiếng, chuyên viết truyện ngắn.

+ Chủ đề: những người nông dân nghèo khổ và nông thôn Việt Nam.

+ Tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện ngắn Nên vợ nên chồng (1955), tập truyện ngắn Con chó xấu xí (1962)

- Tác phẩm Cơm con: in lần đầu trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số ra ngày 28/8/1943. Tác phẩm thể hiện sự chân trọng phẩm chất tốt đẹp của người cha qua nhân vật cụ Nhiêu đồng thới lên án thói vô ơn, bạc bẽo của con người. 

2.2 Hoàn cảnh sống của cụ Nhiêu

- Góa vợ, có hai người con trai, sống cùng người con cả trong mái nhà tranh lụp xụp.

- Tuổi cao, sức yếu: bộ mặt hom hem, tái bủng.

- Bị vợ chồng cả Anh khinh thường, đối xử tệ bạc, luôn kiếm chuyện, bóng gió cụ.

2.3 Những phẩm chất đáng quý của cụ Nhiêu

* Cụ Nhiêu là người rất yêu thương con cháu

- Khi góa vợ, cụ không đi bước mà một mình nuôi con vì sợ người ta không thực thương con mình. => Hi sinh hạnh phúc cá nhân để lo cho con cái.

- Trước sự bạc bẽo của vợ chồng người ảnh cả, cụ Nhiêu chỉ âm thầm chịu đựng: “không hề lộ ra một nét giận”.

- Muốn về ở với con trai út nhưng nghĩ đến gia cảnh nghèo của người con lại thôi, thà chịu khổ một mình chứ cụ Nhiêu không muốn hai vợ chồng con út thêm gánh nặng.

- Yêu thương đứa cháu: ân cần bón cơm, dỗ dành nó.

Cảm nhận về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật cụ Nhiêu trong Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng của Kim Lân (ảnh 1)

* Cụ Nhiêu là người cha có trách nhiệm

- Lo cho con cái đến nơi đến chốn.

- Người con thứ hai lấy vợ thiếu tiền, cụ đánh liều bán mâm của con cả dù sau này luôn bị hắn lôi ra dằn vặt cụ nhưng cụ không hề hối hận.

* Cụ Nhiêu là người biết lo xa

- Không chỉ xây dựng tương lai cho con cái, mà cụ còn lo cho tuổi già của mình nên đã mua một mẫu ruộng để làm vốn dưỡng già.

2.4 Nghệ thuật xây dựng nhân vật 

- Ngôi kể thứ ba làm tăng tính khách quan của câu chuyện.

- Kết hợp cả hai điểm nhìn bên ngoài và bên trong: khắc họa cuộc đời cơ cực của cụ Nhiêu và những tâm sự sâu kín của cụ.

- Đối thoại, độc thoại nội tâm diễn tả sâu sắc tính cách và nỗi đau tâm hồn của cụ Nhiêu.

3. Kết bài

- Đánh giá chung về nhân vật cụ Nhiêu.

- Sự đồng cảm của nhà văn với nhân vật.

- Bài học về đạo làm con và sự lên án những con người có lối sống vô ơn.


Cảm nhận về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật cụ Nhiêu trong Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng của Kim Lân

Nhà văn hào người Đức có nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”. Con người là nội dung quan trọng nhất của văn học. Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ các hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Trong văn học có vô vàn những hình tượng nhân vật, nổi bật trong những hình tượng ấy là các nhân vật người cha, người mẹ với những phẩm chất tốt đẹp như lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, nhân vật người mẹ trong Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam hay nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng,… Nhà văn Kim Lân cũng đóng góp cho văn học Việt Nam những nhân vật người cha, người mẹ tốt đẹp, trong Vợ nhặt, chúng ta có bà cụ Tứ - người mẹ thương con với niềm tin, hi vọng vào tương lai, còn ở truyện ngắn Cơm con, nhà văn đã tạo ra nhân vật cụ Nhiêu – một người cha giàu lòng nhân ai nhưng lại chịu rất nhiều tủi nhục. Qua tìm hiểu tác phẩm Cơm con, chúng ta sẽ thấy được những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật cụ Nhiêu cũng như bài học sâu sắc mà Kim Lân gửi gắm thông qua nhân vật cũng như toàn tác phẩm.

Kim Lân là nhà văn hiện thực nổi tiếng, ông có những đóng góp lớn cho văn học Việt Nam, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Ông nổi tiếng với các tập truyện ngắn như Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962). Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Bên cạnh hai truyện ngắn rất nổi tiếng của ông là Làng và Vợ nhặt, tác phẩm Cơm con cũng là một truyện ngắn nổi bật của Kim Lân. Cơm con được in lần đầu trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số ra ngày 28/8/1943. Tác phẩm đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với độc giả, đặc biệt là ở nhân vật cụ Nhiêu cùng những phẩm chất tốt đẹp của cụ.

Nhà văn Kim Lân đã mở đầu truyện ngắn bằng câu tục ngữ “Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng”. Câu tục ngữ đã phần nào gợi lên nội dung của tác phẩm. Cụ Nhiêu – nhân vật chính của tác phẩm, một người cha già sống cùng gia đình người con trai cả. Tưởng rằng tuổi già sẽ được nương tựa vào con cái, được yêu thương, chăm sóc, nhưng cụ Nhiêu lại phải sống trong cảnh cơ cực, tủi hổ. Cụ bị vợ chồng cả Anh hắt hủi, khinh thường, coi cụ “cái nợ”. Chiều nào, cứ rượu vào, cả Anh lại chút hết những bực tức lên cụ Nhiêu, lỗi chuyện cũ ra để “cà khịa” “ông thân sinh ra hắn”. Trong mắt cả Anh, cụ Nhiêu là “ông bố già nua vô dụng”, “móm mém”, “thứ bẩn mắt. Những lời bóng gió, khinh thường, mắng mỏ ấy đã bào mòn cả tinh thần lẫn tâm hồn cụ, cụ có ngày nào được ăn ngon, mặt cụ “hom hem, tái bủng”. Trước sự cạn kiệt tình nghĩa của vợ chồng cả Anh, cụ Nhiêu chỉ biết nhẫn nhịn. Kết truyện là hình ảnh cụ Nhiêu ngồi ở xó thềm với “những giọt lệ vẫn âm thầm lăn trên gò má răn reo”. Chuỗi ngày tàn cục của cụ như một buổi chiều thê lương. 

Sống trong “không khí nặng nề, u uất” nơi “nhà tranh lụp xụp” của vợ chồng cả Anh, trong sự bạc bẽo, khinh thường của con trai con dâu, sự xấu xa ấy càng làm sáng lên vẻ đẹp phẩm chất của cụ Nhiêu. Trước hết là tình yêu thương con cháu của cụ.

Tình yêu thương của cụ dành cho những đứa con là vô bờ bến. Cụ Nhiêu có hai người con trai, thời trẻ cụ sống cảnh gà trống nuôi con, vợ cụ mất khi người anh mới biết bò, người em còn đỏ hòn. Anh em trong họ khuyên cụ đi bước nữa nhưng vì thương con cụ Nhiêu “không dám tơ tưởng đến đến đường vợ lẽ con thêm làm gì nữa”. Suy nghĩ “biết người ta về nhà mình người ta có thực thương con mình không? Hay lại tan cửa nát nhà” thể hiện tình thương con sâu sắc của cụ Nhiêu. Và từ ngày ấy, dù khổ cực biết bao, cụ vẫn “tần tảo buôn rau bán hành, buôn đấu bán thúng, thôi thì xoay xỏa đủ vành” để nuôi hai đứa con trưởng thành. Tình yêu thương cao cả ấy khiến cụ Nhiêu cũng tin tưởng con cái vô điều kiện, trước những lời mật ngọt của vợ chồng cả Anh, cụ đã sang tên cho chúng mảnh ruộng cụ vất vả mới mua được, để rồi ngay sau đó, khi có được mảnh ruộng, chúng “ra ý khủng khỉnh với ông cụ ngay”. Biết mình là gánh nặng cho vợ chồng con cả nên dù bị đối xử lạnh nhạt, cụ vẫn âm thầm chịu đựng một mình. Mỗi bữa cơm, cụ Nhiêu đều bị cả anh kiếm chuyện để dày vò, những cụ vẫn nhẫn nhịn “trên mặt không lộ ra một nét giận”. Có lúc không chịu đựng được nữa, cụ tức giận đáp trả nhưng khi thấy cả Anh đập phá đồ đạc, cụ lại hết ngay cơn giận mà luống cuống vì những bát đũa đã vỡ “Cụ Nhiêu cuống quá sinh quẫn, lập cập những mảnh vỡ chắp chắp, nối nối” rồi khi “biết rằng cãi vã với chúng chỉ tổ dại mặt, cụ Nhiêu đành lảng ra chỗ khác” và âm thầm khóc một mình. Tình yêu thương con của cụ Nhiêu còn thể hiện ở tình cảm của cụ dành cho người con trai thứ hai. Người con ấy của cụ tốt hơn vợ chồng của cả Anh rất nhiều, cụ muốn về ở với vợ chồng con út nhưng lại nghĩ đến cảnh nghèo khổ của con, cụ đành ở lại với anh cả, thà chịu khổ một mình chứ không để cho vợ chồng đứa con thứ hai đã khổ lại thêm khổ.

Cụ Nhiêu không chỉ yêu thương con cái mà còn yêu quý những đứa cháu của mình dù cho cha mẹ chúng tệ bạc với cụ. Cụ Nhiêu có thể chút những nỗi buồn, bất hạnh của mình lên những đứa con của cả Anh, trả cho nó những thứ mà cha mẹ nó đổ lên người cụ. Nhưng con người giàu lòng nhân hậu ấy lại không làm vậy, cụ Nhiêu vẫn ân cần chăm sóc đứa cháu, vẫn dịu dàng bón cơm, dỗ dành người cháu nhỏ “Nào! Cháu ống ngoan quá, ăn một lúc cứ là hết nay ba bát cơm cho mà xem.”

Đi cùng với tình yêu thương con cháu ấy, cụ Nhiêu còn là người cha có trách nhiệm cao. Cụ không lấy vợ mới, gánh nặng một mình nuôi con không được san sẻ nhưng cụ vẫn giữ đúng trách nhiệm của bậc cha mẹ với con cái. Cụ tần tảo nuôi hai người con lớn khôn và lo cho chúng đến nơi đến chốn. Người con trai út thiếu tiền cưới vợ, cụ sẵn sàng lấy mâm của con cả đi bán lấy tiền lo việc cho đứa con, để rồi sau này thằng con cả lấy chuyện đó ra dằn vặt cụ, cụ cũng không hối hận.

Cụ Nhiêu còn là một người biết lo xa. Cổ nhân có câu “Người không lo xa tất có họa gần”, cụ không chỉ gây dựng tương lai tốt cho hai đứa con mà còn lo cho tuổi già của mình nên cụ đã mua một mẫu ruộng thượng đẳng điền để làm vốn dưỡng già. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, “vốn dưỡng già” của cụ đã bị cả Anh lừa mất, cụ không còn thứ gì cả, và như vợ chồng cả Anh nói, “giá trị cụ trong già đình này mỗi ngày một kém dần”.

Cảm nhận về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật cụ Nhiêu trong Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng của Kim Lân (ảnh 2)

Từ câu tục ngữ đầy tính chất vấn “Cơm mẹ thì ngon cơm con thì đắng”, Kim Lân đã xây dựng một câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc, và lúc là bài học răn dạy với những bậc con cháu, về trách nhiệm của con cháu với cha mẹ. Truyện ngắn kể theo ngôi thứ ba đã làm tăng tính khách quan của câu chuyện, tình huống truyện chỉ xảy ra trong một bữa cơm nhưng lại có tính khái quát cao, thể hiện tập trung tư tưởng của tác phẩm. Kết hợp điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong vừa giới thiệu đầy đủ về cuộc đời cụ Nhiêu, vừa cho thấy được những suy ngẫm, tâm tư sâu kín của nhân vật. Diễn tả tâm trạng của cụ Nhiêu qua những lời độc thoại nội tâm đã khắc họa sâu sắc nỗi cô đơn và buồn tủi của ông lão. “Nó không nhớ cái hồi mẹ nó chết đi ư…Chao ôi, cứ nghĩ đến cái đận gà trống nuôi con mà phát sợ”. Bên cạnh đó là cách sử dụng ngôn ngữ đối thoại sinh động cũng góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Kết chuyện là bài học luân lí thằng Kề nhớ ra ra học “Bổn phận đối với a với a cha mẹ. Bổn ư a phận đối a với a cha mẹ…” như một lời nhắc của nhà văn Kim Lân đến mọi người về đạo làm con và cũng là đạo làm người.

Nhà văn Kim Lân cùng với giọng văn dung dị, ngôn ngữ mộc mạc, dân dã đã xây dựng hình tượng nhân vật cụ Nhiêu với những phẩm chất tốt đẹp của một người cha, đó không chỉ là phẩm chất của bậc sinh thành mà còn là những đức tính của con người. Cụ Nhiêu - con người dám hi sinh hạnh phúc cá nhân cho con cái, một người cha, người ông yêu thương con cháu hết sức chân thành, cụ cũng là còn người nhân hậu, có tinh thần trách nhiệm, chịu thương chịu khó, biết lo nghĩ cho tương lai. Xây dựng nhân vật người cha như vậy cho thấy sự đồng cảm của nhà văn với nỗi cơ cực của tuổi già mà cụ Nhiêu phải nếm trải. Nhà văn đưa ra bài học về đạo làm con đồng thời lên án những người con có lối sống vô ơn, sống chạy theo vật chất, cạn tình cạn nghĩa, bội bạc với người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình khôn lớn như nhân vật vợ chồng cả Anh.

icon-date
Xuất bản : 10/04/2024 - Cập nhật : 10/04/2024