logo

Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bà Bủ của Tố Hữu

Hình ảnh người mẹ là hình ảnh tiêu biểu trong các tác phẩm của Tố Hữu, một trong số đó có bài thơ Bà Bủ. Bài thơ nói về nỗi lòng người mẹ già có con trai tham gia kháng chiến chống đế quốc thực dân. Dưới đây là bài Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bà Bủ của Tố Hữu do Toploigiai biên soạn


Dàn ý Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bà Bủ của Tố Hữu

I. Mở bài

Giới thiệu:

- Nhà thơ Tố Hữu là một trong những nhà thơ cách mạng tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ 20.

- Bài thơ “Bà Bủ” nói về nỗi lòng người mẹ già có con trai tham gia kháng chiến.

II. Thân bài

1. Cấu tứ bài thơ:

- Bài thơ được sắp xếp theo mạch cảm xúc của người mẹ.

- Bố cục hợp lý: đoạn đầu nêu không gian, thời gian, giới thiệu nhân vật người mẹ, hoàn cảnh có con đi bộ đội; đoạn giữa nói về nỗi trăn trở của người mẹ; đoạn kết là thời điểm trời sáng kết thúc đêm dài suy tư. 

2. Phân tích hình ảnh người mẹ

- Tình thương con của người mẹ thể hiện ngay đoạn đầu: không ngủ, nhớ con.

- Tâm trạng mòn mỏi mong ngày con trở về.

- Nỗi suy tư trăn trở, lo lắng cho con vất vả nơi chiến khu.

- Nét đẹp chở che của tình mẫu tử.

- Bà Bủ là hình ảnh tiêu biểu của người mẹ Việt Nam: nhân hậu, giản dị, kiên cường, giàu lòng yêu nước.

III. Kết luận

Tổng kết: tác giả khắc họa bức chân dung người mẹ cao đẹp, gửi gắm sự kính trọng và lòng biết ơn những người đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc.


Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bà Bủ của Tố Hữu

Tố Hữu là một trong những nhà thơ cách mạng tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, qua đó ca ngợi vẻ đẹp của người dân Việt Nam và niềm tin vào ngày đất nước độc lập. Đặc biệt, chủ đề thường gặp trong các bài thơ của Tố Hữu là hình ảnh người mẹ, ông viết về những người mẹ trên khắp mọi miền Tổ quốc, tiêu biểu là các bài thơ “Bầm ơi!”, “Mẹ Suốt”, “Bà má Hậu Giang”… Trong đó, “Bà Bủ” là bài thơ xúc động về hình ảnh người mẹ chờ con chiến đấu trở về.

Bố cục bài thơ được sắp xếp hợp lý theo mạch cảm xúc của người mẹ: đoạn đầu tiên mở ra bối cảnh không gian, thời gian và hình ảnh người mẹ thao thức nhớ con đang chiến đấu xa nhà; đoạn thứ hai là tình thương, sự nhói lòng khi nghĩ đến những vất vả con phải trải qua; đoạn cuối chỉ hai câu với câu kết miêu tả “Con gà đã gáy đầu thôn sáng rồi” kết thúc đêm dài suy tư. Xuyên suốt bài thơ là những dòng ngắn gọn, từ ngữ đơn giản, mộc mạc, súc tích. Những câu thơ gồm nhiều thể loại tường thuật, tự vấn, cảm thán liên kết với nhau trong một tổng thể chung. 

Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bà Bủ của Tố Hữu

Hình ảnh người mẹ xuất hiện ngay hai câu mở đầu bài thơ thật sống động khiến người đọc phải cay mắt:

“Bà Bủ nằm ổ chuối khô
Bà Bủ không ngủ bà lo bời bời…”

Tác giả sử dụng cụm từ giàu hình tượng “nằm ổ chuối khô” gợi tả hình ảnh người mẹ già nằm co ro trong đêm mùng mười tháng Chạp mưa gió ầm ì như nỗi lòng bà đang cồn cào gào thét vì thương nhớ con trai út đang đi bộ đội. Cụm từ “lo bời bời” diễn tả nỗi đau đáu, cồn cào giằng xé vì sự xa cách. Với cách mở đầu đi thẳng vào trực diện vấn đề là người mẹ thao thức chờ con như thế, tác giả triển khai nội dung bài thơ theo dòng cảm xúc suy nghĩ của bà, từ trông ngóng đến kỳ nghỉ con được trở về thăm gia đình; đến nỗi trăn trở lúc này con đang làm gì, vất vả thế nào; rồi lòng căm thù giặc, căm thù chiến tranh. Biết bao suy tư đè nặng, hằng đêm trong cơn mê man bà đều cầu khấn ngày đất nước toàn thắng, con được bình yên trở về. Cứ “gan ruột bồn chồn” như thế, cho đến khi gà gáy báo hiệu trời sáng, ta hiểu thì ra bà đã trải qua một đêm thức trắng.

Tố Hữu đã mô tả sinh động tâm trạng mòn mỏi ngóng vọng người ở xa: thương nhớ, tưởng tượng, lo lắng, tiếc nuối. Sự chờ đợi khắc khoải bao giờ cũng bào mòn con người, đặc biệt trong chiến tranh, sự chờ đợi ấy còn khắc nghiệt hơn. Tác giả đã tạo ra mối liên kết không gian thực tại nơi bà mẹ sống với nơi con trai đang làm nhiệm vụ mà ở đây đường dây liên kết chính là tấm lòng người mẹ. Nghe nơi mình ở mưa gió, bà hình dung thương xót con mình vất vả thế nào trong những đêm mưa ở chiến khu. Dẫu đang chỉ lót ổ chuối khô đơn sơ, bà vẫn lo “Nó đi đánh giặc, đêm hôm sưởi gì?”. Bà còn cám cảnh năm trước ở nhà con phải ăn cơm độn khoai, nay khi nhà có cơm gạo ngon thì con lại không có mặt. Biết bao suy tư của người mẹ nơi hậu phương được thể hiện trong đoạn thơ giữa bài, kết hợp với thể thơ lục bát ềm đềm, chan chứa tình cảm, dạt dào cảm xúc.

Tố Hữu đã rất tài tình khi khắc họa nép đẹp đặc trưng của người mẹ là sự bảo bọc chở che. Đó là bản năng của tình mẫu tử, như người ta nói dù đã khôn lớn và trưởng thành thế nào, con vẫn là con của mẹ. Do đó, lòng mẹ thương con là điều bất biến không thể thay đổi dù trong bất cứ thời đại nào. Tình cảm nồng ấm là hành trang quý báu để những đứa con xa nhà làm điểm tựa và niềm tin vào ngày đoàn tụ.
Hình ảnh người mẹ già trong bài thơ hiện lên thật cảm động và giàu đức hy sinh. “Bà Bủ” là từ mà một số vùng miền Bắc thường dùng để gọi người già. Khác với người mẹ trong một số bài thơ của Tố Hữu có tên cụ thể như mẹ Suốt, mẹ Tơm hay được xác định là mẹ Gái trong bài “Bầm ơi!”, người mẹ trong bài thơ này không có tên, qua đó ta thấy đây chỉ là một trong hàng ngàn người mẹ Việt Nam có con tham gia kháng chiến. Người mẹ ấy là hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao quý nhân hậu, giản dị, kiên cường, giàu lòng yêu nước.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, chủ nghĩa cá nhân phải đứng sau chủ nghĩa dân tộc, tình thương con của những bà mẹ đi kèm với trách nhiệm đối với quốc gia. Có nhiều đứa con ra đi mãi mãi không về với lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bằng lời thơ chân thực, xúc động, Tố Hữu đã khắc họa bức chân dung người mẹ nơi hậu phương thật cao đẹp trong tác phẩm “Bà Bủ”, để các thế hệ sau phải kính trọng và biết ơn những con người đã hy sinh tính mạng và hạnh phúc gia đình cho nền độc lập dân tộc.

icon-date
Xuất bản : 10/04/2024 - Cập nhật : 10/04/2024