logo

Nghị luận phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Nam Cao qua đoạn trích Trẻ con không được ăn thịt chó

Từ lâu, Nam Cao đã trở thành tác giả có lối kể chuyện đặc sắc với những cảnh tả thực chấn động lòng người. Để tìm hiểu về sự thành công ấy, mời các em đến với bài viết nghị luận phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Nam Cao qua đoạn trích Trẻ con không được ăn thịt chó.


Dàn ý phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao qua Trẻ con không được ăn thịt chó

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Nam Cao và truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó

- Nêu vấn đề cần phân tích: Nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao qua truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó

Thân bài:

- Tóm tắt nội dung của truyện ngắn và khái quát về tiêu đề truyện

- Tình huống truyện độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ:

+ Nhân vật không có tên, là đại diện cho cả một lớp người trong xã hội

+ Cái đói khiến con người bị mờ mắt, chỉ có thể xoay quanh miếng ăn

+ Nhân vật thèm thịt chó, trong nhà cũng nuôi con chó vện

- Kết cấu truyện chặt chẽ, logic: xây dựng theo trình tự tuyến tính, từ đầu đến cuối giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được mạch truyện và cảm nhận được những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc

- Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giàu tính biểu cảm

Kết bài: Đóng góp của nghệ thuật kể chuyện đến sự thành công của tác phẩm

Nghị luận phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Nam Cao qua đoạn trích Trẻ con không được ăn thịt chó

Phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao qua Trẻ con không được ăn thịt chó

Đôi ba dòng chữ không thể làm nên một đời người, nhưng đôi ba nét bút của Nam Cao lại có thể tạo nên cả một xã hội. Có người nói: “Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới”. Đúng thật là như vậy, đi qua những Chí Phèo, Lão Hạc,... người đọc lại bắt gặp những hoàn cảnh khốn cùng khác trong Trẻ con không được ăn thịt chó qua lời kể của ông. Những cái lạ, cái độc đáo trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao đã đưa người đọc vào những tình huống trớ trêu chân thật.

Trẻ con không được ăn thịt chó như là một lời nhận định ngớ ngẩn, buồn cười của những người lớn. Đó là khi ta vừa nhìn thấy cái tiêu đề, khi đọc xong nội dung truyện, ta mới thấy nó châm biếm nhường nào! Truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó kể về một gia đình nghèo, trong đó có bốn đứa con, đứa nào cũng gầy ốm. Ấy vậy mà người cha của chúng lại là một kẻ không biết lo, biết nghĩ, chỉ nghĩ tới ăn uống rượu chè. Một hôm, vì thèm thịt chó nên hắn thịt cả con chó nhà mình nhưng lại dùng để đãi khách, mà không cho vợ con miếng ăn. Trong khi hắn và mấy ông khách ngồi ăn thì năm mẹ con phải chịu đói ngồi dưới bếp. Đến khi chị lên dọn mâm xuống để mấy mẹ con “ăn đồ thừa” thì chúng nó mới gào khóc nhận ra, trong mâm đã chẳng còn chút gì.

Cốt truyện Trẻ con không được ăn thịt chó cực kỳ đơn giản, không có những cú ngoặt hay diễn biến tâm lý nhân vật quá phức tạp. Nhưng chính cái đơn giản ấy lại khiến cho chúng ta giật mình nhận ra, đó chính là hiện thực của xã hội Việt Nam những năm 1945. Con người không có cái ăn, người dân không chết vì chiến tranh nhưng lại chết vì đói nghèo. Ấy vậy mà người cha trong truyện lại được tác giả xây dựng một cách kỳ lạ. Hắn là người trụ cột trong nhà nhưng lại không có công ăn việc làm, suốt ngày rượu chè ăn uống, tính tình nóng nảy với vợ con. Hắn giết thịt con chó, mời bạn bè đến uống rượu, trong khi đó bỏ mặc vợ con đói khát với hàng nước mắt ở dưới bếp.

Nghị luận phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Nam Cao qua đoạn trích Trẻ con không được ăn thịt chó

Kết cấu truyện Trẻ con không được ăn thịt chó được xây dựng theo trình tự thời gian rất logic, từ khi người cha thèm thịt chó, đến khi hắn đi mua nhưng nợ quá nhiều, giết thịt rồi mời bạn tới ăn. Người đọc dễ dàng nắm bắt được mạch truyện và cảm nhận được những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Đó là người vợ đi làm cả buổi, tiếc từng hào mua cây mía cho con. Đó là mấy đứa nhóc gầy còm ngóng đợi từ lúc thầy nó bắt giết con chó, đến khi òa khóc nhìn cái mâm cơm trống rỗng. Truyện được kể theo ngôi thứ 3, thậm chí cái tên của người cha còn không được nhắc tới. Có lẽ đó không chỉ là một cá nhân, mà đó còn là một lớp người trong xã hội mà cái đói có thể giết chết con người?

Nam Cao là một nhà văn bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, ông chú ý và tận dụng từng chi tiết nhỏ của nhân vật trong truyện. Từ màn nội tâm cơn thèm réo rắt của người cha, đến sự tiết kiệm chi li của người mẹ đều được tận dụng để làm nổi bật nhân vật. Đặc biệt, thủ pháp đối lập đã được ông sử dụng để tăng thêm phần châm biếm cho tác phẩm. Đó là hình ảnh người cha chè chén với bạn bè, mẹ con đói ôm nhau trong góc bếp. Ông như thâm nhập được vào nội tâm của từng nhân vật, sống trong đó để rồi thể hiện lại một cách trọn vẹn nhất trong từng con chữ của mình.

Ngoài ra, Trẻ con không được ăn thịt chó còn sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giàu tính biểu cảm đặc trưng của Nam Cao. Chúng đã tạo nên sức hấp dẫn cho truyện và giúp tác phẩm truyền tải được những thông điệp sâu sắc. 

icon-date
Xuất bản : 02/12/2023 - Cập nhật : 03/12/2023