logo

Nghị luận phân tích đánh giá bài Giai điệu quê hương

Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam, vì vậy có thể nói rằng Việt Nam chính là cái nôi của nền văn lúa nước. Hình ảnh làng quê, lũy tre, con trâu, cánh đồng...đã trở nên quen thuộc trong thơ ca nước nhà, bài thơ “Giai điệu quê hương”. Hãy cùng đến với bài Nghị luận phân tích đánh giá bài Giai điệu quê hương để hòa mình vào những nét đẹp quê hương nhé!


Dàn ý Nghị luận phân tích đánh giá bài Giai điệu quê hương

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

2. Thân bài: 

* Sáu câu thơ đầu: Khúc ca lúa chín và tình khúc bậc thang (vẻ đẹp của cách đồng bậc thang vào mùa lúa chín cùng khúc ca vụ mùa bội thu)

- “Mênh mang - đất - trời”: gợi không gian ba chiều vừa có chiều rộng, vừa có chiều cao và chiều dài

- “Khúc ca lúa chín”: những bài hát, giai điệu mừng mùa bội thu, bài ca lao động chăm chỉ, hăng say, của con người...

- “Lả lơi – óng vàng” : gợi cánh đồng lúa chín vàng với những cây lúa nhẹ nhàng đung đưa trong gió. 

- Tình khúc bậc thang: bức tranh không chỉ là 1 cánh đồng mà cả một đồng ruộng bậc thang, uốn lượn, đẹp đẽ như một giải lụa....

- Âm vang, giai điệu cuộc sống: bản giao hưởng của thiên nhiên và con người lao động...

* Bốn câu thơ tiếp theo: Vẻ đẹp vừa kì vĩ vừa nên thơ của rừng núi làng quê.

- Bao la rừng núi dệt thơ: không gian vừa rộng lớn, bao la vừa thơ mộng, xanh thẳm.

- Kì vĩ – sững sờ nhân gian: nét đẹp hùng vĩ khiến con người choáng ngợp, sững sờ...

- Hai câu thơ sóng đôi “đồi núi đan xen – núi ngàn khoe duyên”: sự đan cài, quấn quýt, giao hòa của thiên nhiên, vạn vật đua nhau khoe sắc.

* Hai câu thơ cuối: Cảm nhận của lãng khách trước vẻ đẹp của thiên nhiên

- “Cảnh vật thần tiên”: cảnh đẹp là kì quan thiên nhiên, ngỡ bồng lai tiên cảnh.

=> Thái độ ngỡ ngàng, say sưa trước vẻ đẹp thiên nhiên làng quê + niềm tự hào trước kì quan dân tộc. 

3. Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật tác phẩm.

Nghị luận phân tích đánh giá bài Giai điệu quê hương

Nghị luận phân tích đánh giá bài Giai điệu quê hương

Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam, vì vậy có thể nói rằng Việt Nam chính là cái nôi của nền văn lúa nước. Hình ảnh làng quê, lũy tre, con trâu, cánh đồng...đã trở nên quen thuộc trong thơ ca nước nhà, bài thơ “Giai điệu quê hương” – Lãng Du Khách là một trong những bài thơ khắc họa bức tranh rừng núi, những thửa ruộng bậc thang vừa hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng. Với điểm nhìn bao quát, nhân vật trữ tình dường như gói trọn đất trời ngay trong tầm mắt mình. 

Mênh mang giữa đất với trời

Khúc ca lúa chín lả lơi óng vàng

Dệt lên tình khúc bậc thang

Âm vang, hùng vĩ bản làng quê hương.

Giai điệu cuộc sống vô thường

Giải lụa lượn sóng ruộng nương trổ cờ

Từ láy “mênh mang” gợi không gian rộng lớn, bao la, trải dài bất tận của cảnh vật. Không những vậy “đất - trời” còn gợi chiều cao, chiều sâu của bức tranh, không gian không bị giới hạn mà mở rộng theo tầm nhìn của nhân vật trữ tình. Đứng giữa không gian ấy, tác giả nghe thấy “khúc ca lúa chín”, phá vỡ sự yên tĩnh của cảnh vật. Khúc ca ấy phải chăng là bài hát, giai điệu mừng mùa bội thu? Hay là bài ca lao động chăm chỉ, hăng say, của con người trong quá trình tăng gia sản xuất? Những cây lúa chín vàng dường như cũng say sưa, hòa mình vào giai  điệu rộn ràng ấy, “lả lơi” đung đưa trong gió, uyển chuyển theo từng nhịp của khúc ca. Đọc câu thơ ta dường như còn thấy hình ảnh của những người con gái nhẹ nhàng, thướt tha đang hát những khúc ca trong quá trình thu hoạch mùa vụ. Tất cả như đan cài, thêu dệt vào nhau để tạo nên những thửa ruộng bậc thang vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Phép so sánh “ruộng nương – giải lụa lượn sóng” mở ra trước mắt người đọc những thửa ruộng bậc thang chín vàng, uốn lượn như những tấm lụa bao trùm cảnh vật. Sự giao hòa giữa màu sắc, âm thanh; giữa thiên nhiên, con người đã họa nên bức tranh rộn ràng, đầy sức sống của lành quê, đó cũng là “giai điệu cuộc sống – giai điệu quê hương” Việt Nam.

Nếu sáu câu thơ đầu là “tình khúc bậc thang” thì bốn câu thơ tiếp theo là “âm vang rừng núi”. Nét đẹp của đồi núi làng quê khiến du khách ngỡ ngàng, tưởng chừng như lạc vào tiên cảnh.

Bao la rừng núi dệt thơ

Nét đẹp kỳ vĩ sững sờ nhân gian

Đan xen đồi núi xếp làn

Nhấp nhô gọi gió núi ngàn khoe duyên

Cũng giống như bức tranh đồng lúa, bức tranh rừng núi được miêu tả trong không gian bao la, rộng lớn. Đồi núi cao lớn, kì vì là vậy thế nhưng “ rừng núi dệt thơ” lại gợi sự thơ mộng, yên bình đến kì lạ. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp hùng vĩ – nên thơ khiến tác giả cũng như nhân gian phải sững sờ, ngỡ ngàng, choáng ngợp. Hai câu thơ sóng đôi “đồi núi đan xen – núi ngàn khoe duyên” thể hiện sự đan cài, quấn quýt, giao hòa của thiên nhiên, vạn vật đua nhau khoe sắc. Phép nhân hóa “đan xen, xếp làn, nhấp nhô gọi gió, khoe duyên” làm cho những ngọn núi trở nên gần gũi, duyên dáng như con người. Tất cả như giao hòa, cùng nhau phô diễn nét đẹp riêng đế làm nổi bật vẻ đẹp chung của quê hương, đất nước.

Khác chi cảnh vật thần tiên

Kỳ quan thắng cảnh vùng miền cước sơn.

Đứng trước vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ của cánh đồng, rừng núi làng quê như vậy, lữ khách đã có những cảm nhận, rung động sâu sắc. Ngỡ như không phải trần thế, du khách say sưa thưởng thức, tưởng chừng không gian trước mắt là chốn bồng lai tiên cảnh. Một kì quan thắng cảnh ngay trong làng quê thanh bình, yên ả, đó không chỉ là không gian sinh hoạt nhân dân mà còn là biểu tượng cho đất nước Việt Nam – cái nôi nền văn minh lúa nước.

Góp phần quan trọng cho thành công của tác phẩm là các biện pháp nghệ thuật được vận dụng đa dạng, sáng tạo. Trước hết, hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, gắn liền với cuộc sống hằng ngày của làng quê Việt Nam: những cây lúa chín vàng, những thửa ruộng bậc thang, rừng núi... Bên cạnh đó, biện pháp đảo ngữ, nhân hóa cũng được vận dụng linh hoạt, hệ thống từ láy “mênh mang, lả lơi, nhấp nhô...” tạo nhịp điệu, nhạc tính cho bài thơ. Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết kết hợp với ngôn ngữ giản dị, giàu sức gọi hình gợi cảm...đã vẽ ra bức tranh làng quê Việt Nam tươi đẹp, tràn đầy sức sống, đồng thời cũng thể hiện sự say sưa, tự hào của tác giả trước kì quan dân tộc.

icon-date
Xuất bản : 01/12/2023 - Cập nhật : 01/12/2023