logo

Phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang

Thơ Việt Nam hiện đại thành công với những nhà thơ mới có phong cách sáng tác hết sức độc đáo và đặc biệt, phải kể đến tác giả Bình Nguyên Trang và bài thơ Hoa vàng mùa thu. Sau đây, mời các em cùng Toploigiai tìm hiểu bài viết phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang. 


Dàn ý phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang

Phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang - ảnh 1

1. Mở bài: 

- Giới thiệu khái quát về bài thơ Hoa vàng mùa thu

- Giới thiệu về tác giả Bình Nguyên Trang

- Nêu vấn đề cần nghị luận văn học: Phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Trích dẫn thơ

2. Thân bài:

- Nêu những đặc điểm nổi bật, độc đáo trong phong cách sáng tác của tác giả Bình Nguyên Trang.

- Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ và nội dung chính của toàn bộ bài thơ Hoa vàng mùa thu.

- Bốn câu thơ đầu:

+ Phân tích nội dung: Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp khi sắc trời bắt đầu chuyển dần sang mùa thu

+ Tác giả đã miêu tả hàng loạt những sự thay đổi của thiên nhiên, động vật, con người: Những chú chim thi nhau hót, bầu trời trong xanh, người lái đò và con đò nhẹ nhàng trôi giữa dòng nước xanh 

+ Phân tích nghệ thuật: Tác giả đã vận dụng biện pháp tu từ nhân hoá trong câu “Lũ sẻ đồng tíu tít giục nhau đi” và vận dụng hàng loạt các từ láy “tíu tít, thăm thẳm, “ngút ngàn”

- Bốn câu thơ tiếp: 

+ Phân tích nội dung: Vạn vật đều trở nên vui mừng, hạnh phúc khi đón chào mùa thu tươi mát, đẹp đẽ đang dần đến.

+ Bình Nguyên Trang đã vô cùng tinh tế khi miêu tả hành trình đi tìm mật của những chú ong, hay là những bông hoa cúc nhẹ nhàng khép những cánh hoa.

+ Phân tích nghệ thuật: Từ láy “rộn rã”, “bồi hồi” đã thể hiện rõ những cảm xúc đặc biệt mà tác giả Bình Nguyên Trang dành cho mùa thu.

- Bốn câu thơ tiếp:

+ Phân tích nội dung: Tác giả miêu tả vẻ đẹp, sức sống tươi mới, quyến rũ của những bông hoa cúc. Loài hoa đẹp đẽ chiếm trọn trái tim của tác giả.

+ Phân tích nghệ thuật: Tác giả đã sử dụng từ ngữ vô cùng khéo léo, gợi ra cho người đọc nhiều liên tưởng, giàu sức gợi hình, gợi tả như “vương bâng quơ, mơ ngọt ngào” 

- Bốn câu thơ cuối cùng:

+ Phân tích nội dung: Bốn câu thơ như một lời khẳng định về tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu, yêu quê hương mình của tác giả, dù đi đâu về đâu thì tác giả sẽ mãi nhớ đến những giây phút tươi đẹp ấy.

+ Phân tích nghệ thuật: Bình Nguyên Trang đã thể hiện rõ tình cảm của mình dành cho mùa thu thông qua những từ giàu sức gợi hình, gợi tả.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bộ bài thơ Hoa vàng mùa thu.

- Nêu cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ và vị trí của tác phẩm trong nền văn học Việt Nam hay trong trái tim bạn đọc.


Phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang (hay nhất) 

Phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang - ảnh 2

Đề tài thiên nhiên luôn là đề tài bất tận trong thơ ca Việt Nam, có rất nhiều bài thơ nổi tiếng viết về mùa thu thế nhưng có lẽ người đọc sẽ mãi không bao giờ quên bài thơ nổi tiếng Hoa vàng mùa thu của tác giả Bình Nguyên Trang đã gợi nên rất nhiều cảm xúc về vẻ đẹp của thiên nhiên và cảnh vật mùa thu.

Lũ sẻ đồng tíu tít giục nhau đi
Thắp nắng ngọt cho ngày vàng thêm mãi
Thăm thẳm trời xanh, ngút ngàn bến bãi
Con đò bình yên nghe sóng giữa dòng trôi.

Mùa chín dần trên trái bưởi xinh tươi
Nghe rộn rã bầy ong đi tìm mật
Vàng ở trên trời và vàng ở dưới đất
Cúc bồi hồi khép cánh tinh khôi.

Loài hoa khiêm nhường đã thắm lòng tôi
Thuở chân đất mùa thu đến lớp
Vương bâng quơ trên sắc áo hoa vàng
Mơ ngọt ngào dép mới, cặp xinh.

Ta không quên bài hát tuổi thơ mình
Có hoa cúc như mặt trời mới thức
Lũ sẻ đồng gọi mùa thu đi học
Ngơ ngẩn buồn như nước giữa dòng sông.

Bình Nguyên Trang là một nhà thơ gốc Hải Hậu, Nam Định. Hiện nay chị đang làm việc tại chuyên đề Văn nghệ công an của báo Công an nhân dân ở Hà Nội. Trong suốt sự nghiệp văn chương của riêng mình, chị đã sáng tác rất nhiều tập thơ nổi tiếng như Lối về, chuyến tàu thời gian, Sông của nhiều bờ,… và bài thơ Hoa vàng mùa thu cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của chị. 

Đến với bốn câu thơ đầu tiên, tác giả đã miêu tả những chuyển biến của vạn vật, đất trời, động vật và cả con người khi thời tiết bắt đầu chuyển dần sang mùa thu. 

Lũ sẻ đồng tíu tít giục nhau đi
Thắp nắng ngọt cho ngày vàng thêm mãi
Thăm thẳm trời xanh, ngút ngàn bến bãi
Con đò bình yên nghe sóng giữa dòng trôi.


Tác giả đã vận dụng biện pháp tu từ nhân hoá khi những chú chim sẻ lại biết “tíu tít giục nhau đi”, vội vã đón chào mùa thu. Khung cảnh đất trời tươi đẹp ngọt ngào hiện lên qua các từ láy “ngút ngàn, thăm thẳm” vô cùng đẹp đẽ và lôi cuốn. Lúc này đây, những giọt nắng được cảm nhận bằng thị giác, nay lại được tác giả miêu tả bằng vị giác, nắng thế nhưng lại "ngọt". Ánh nắng đã chiếu lên bầu trời thăm thẳm xanh, khung cảnh giờ đây mới yên bình và dịu dàng làm sao. Con đò thư thả trôi như đang tận hưởng khung cảnh đẹp đẽ bấy giờ.

Mùa chín dần trên trái bưởi xinh tươi
Nghe rộn rã bầy ong đi tìm mật
Vàng ở trên trời và vàng ở dưới đất
Cúc bồi hồi khép cánh tinh khôi.


Khi đã vào thu, trái cây cũng dần dần trở nên chín và có thể thu hoạch được. Tác giả Bình Nguyên Trang đã có những quan sát hết sức tinh tế khi miêu tả sự “rộn rã” của bầy ong, màu vàng đó có thể hiểu là những chú ong bay lượn, cũng có thể hiểu là bầu trời mùa thu hoặc là lá vàng rụng dưới mặt đất. Đồng thời, màu vàng ấy còn tượng trưng cho những bông hoa cúc khoe sắc hương thơm. Những cánh hoa cúc được nhân hóa một cách đặc biệt, cúc thế nhưng lại cảm thấy "bồi hồi", nhẹ nhàng khép những chiếc cánh hoa tràn đầy màu sắc và hương thơm.

Loài hoa khiêm nhường đã thắm lòng tôi
Thuở chân đất mùa thu đến lớp
Vương bâng quơ trên sắc áo hoa vàng
Mơ ngọt ngào dép mới, cặp xinh.


Hoa cúc là một loài hoa tuyệt đẹp, nó chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tác giả. Để rồi giờ đây những cánh hoa cúc chỉ “vương bâng quơ” nhưng lại đọng lại trong trái tim người đọc những cảm xúc đặc biệt mãi không quên. Cách dùng từ của tác giả vô cùng khéo léo, giàu sức gợi hình và gợi tả đặc biệt. Thông qua khổ thơ này, người đọc đã cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà tác giả dành cho những cánh hoa cúc vàng và mùa thu đặc biệt, đó chính là sự trân trọng, yêu thương da diết.

Ta không quên bài hát tuổi thơ mình
Có hoa cúc như mặt trời mới thức
Lũ sẻ đồng gọi mùa thu đi học
Ngơ ngẩn buồn như nước giữa dòng sông.

Cuối cùng chính là tình cảm của tác giả dành cho tuổi thơ, cho mùa thu và thiên nhiên đất trời. Khung cảnh mùa thu sẽ mãi đẹp đẽ như thế với những tiếng hát tuổi thơ, những bông hoa cúc nở rộ và lũ sẻ đồng ríu rít gọi mùa thu. Bình Nguyên Trang đã nhắc lại hình ảnh lũ sẻ ở đầu bài vào khổ cuối của bài thơ để tạo nên sự hô ứng, góp phần làm trọn vẹn hơn cho cảm xúc của người đọc.

Bài thơ Hoa vàng mùa thu là một tác phẩm thơ xuất sắc và để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc, bài thơ với nội dung mùa thu đã quen thuộc nhưng lại được Bình Nguyên Trang miêu tả dưới rất nhiều góc độ mới lạ, tạo nên vẻ đẹp khác biệt và tươi mới của mùa thu. Kết hợp với nội dung đặc biệt chính là nghệ thuật miêu tả tài tình, vận dụng từ ngữ một cách linh hoạt và khéo léo đã tạo nên sự thành công cho bài thơ.

Thời gian như dòng nước chảy vô hình cuốn trôi đi tất cả nhưng sẽ mãi không thể nào quên đi được những tác phẩm nghệ thuật chân chính gây ấn tượng cho bạn đọc, bài thơ Hoa vàng mùa thu cũng là một tác phẩm xuất sắc như thế. Sau khi đọc xong bài thơ, em càng thấy yêu thêm mùa thu và thiên nhiên tươi đẹp. 

icon-date
Xuất bản : 08/12/2023 - Cập nhật : 14/03/2024