logo

Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ: Bao giờ em về thăm Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ sau đây:

Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam

(Trích Miền Trung – Hoàng Trần Cương, Trầm tích, NXB Hội nhà văn, 1996)


Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ Bao giờ em về thăm

1. Mở bài: Dẫn dắt, mở đoạn nêu vấn đề

- Yếu tố ngôn ngữ trong văn bản “Miền Trung”

- Làm rõ vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài: Phân tích
- Đoạn thơ  trích “Miền Trung” của Hoàng Trần Cương viết về miền Trung, với ngôn ngữ giàu hình ảnh, giản dị trong sáng nhưng cũng rất trau chuốt đã góp phần diễn tả vẻ đẹp của mảnh đất miền Trung và tính yêu của nhà thơ với quê hương mình.

- Dòng thơ đầu tiên cũng gợi ra một tình huống trữ tình tạo ra không gian cho người đọc hình dung.

- Những từ ngữ: “một thời khói lửa, mỏng, sắc như cật nứa, chuốt, dải lụa” là những từ giàu sức gợi. Mảnh đât gánh hai đầu đất nước, một bên giáp biển, một bên tựa vào dãy Trường Sơn được tác giả ví như cật nứa mỏng mà sắc. 

+ Ở đó sông Lam được ví như dải lụa mềm ôm ấp, quấn lấy mảnh đất này. Không chỉ vậy hình ảnh dải lụa còn là biểu tượng cho sự cao quý, đẹp đẽ. Hình ảnh con sông Lam đôi bờ thương nhớ, nơi anh tắm mát tuổi thơ. 

Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ: Bao giờ em về thăm Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa (ảnh 1)

+Từ “ngút lửa” gợi ra sự khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung đã trải qua thời chiến tranh bom đạn khốc liệt chịu nhiều đau thương mất mát. Cảm xúc về quê hương về tuổi thơ những kỷ niệm vui buồn

- Những từ ngữ cô đọng đã gói gém vẻ đẹp của mảnh đất miền Trung vừa kiên cường bất khuất trong chiến đấu, dữ dội trong thời chiến nhưng cũng đẹp, dịu dàng, tha thướt trong đời thường, trong những áng thơ.

- Hình ảnh thơ cụ thể, gợi hình gần gũi mang hơi thở cuộc sống con người.

3. Kết bài: Kết luận lại vấn đề.


Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ Bao giờ em về thăm

Âm nhạc sẽ không xuất hiện và không làm rung động lòng người nếu cuộc sống không kỳ diệu với muôn ngàn âm thanh trầm bổng. Nếu như âm thanh là phương tiện biểu hiện của âm nhạc; màu sắc, đường nét là phương tiện biểu hiện của hội họa thì ngôn ngữ nghệ thuật làm nên thế giới của văn chương. Tác phẩm văn chương có thể trở thành vốn liếng tinh thần quý báu của nhân loại hay không là tùy thuộc vào nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Nghệ thuật của văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, người nghệ sĩ luôn phải khám phá, tìm tòi thì mới hấp dẫn người đọc. Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã tạo được những dư âm lắng đọng trong lòng bạn đọc qua đoạn trích từ tác phẩm mang tên “Miền Trung”:

“Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”

Nếu phải chọn ra ý nghĩa nhân văn nhất của thơ ca trong đời sống thì đó là việc thơ ca đã cống hiến cho cuộc đời này những tiếng lòng đẹp đẽ, những vẻ đẹp trong sáng, đầy cảm xúc trong tâm hồn các thi nhân. Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã cống hiến những ngôn ngữ thơ đẹp nhất viết về miền Trung yêu thương. Có thể nói ông đã vô cùng thành công trong việc viết về mảnh đất và con người xứ Nghệ.

Đoạn thơ trích “Miền Trung” của Hoàng Trần Cương viết về miền Trung, với ngôn ngữ giàu hình ảnh, giản dị trong sáng nhưng cũng rất trau chuốt đã góp phần diễn tả vẻ đẹp của mảnh đất miền Trung và tình yêu của nhà thơ với quê hương mình. Chỉ với bốn câu thơ trong đoạn trích đã có thể cho ta thấy được cái nhìn sâu sắc về vẻ đẹp trong ngôn ngữ của nhà thơ.

Mở đầu đoạn trích với câu thơ: “Bao giờ em về thăm”, tác giả sử dụng từ “em” gợi ra một sự gần gũi, thân thuộc trong lòng người đọc. Không chỉ đơn thuần là một chuyến thăm mà đây là việc quay trở về với cội nguồn, với mảnh đất tác giả coi như ruột thịt. Câu thơ mở ra cho người đọc như một chuyến thăm về quê vô cùng ấm áp, đầy sự nhớ nhung.

Ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ Hoàng Trần Cương đã truyền tải được sự mộc mạc của quê hương miền Trung thông qua những ngôn từ đầy giản dị. Bằng cách sử dụng các từ ngữ “mảnh đất quê”, “miền Trung”, “ngút lửa”, tác giả đã mở ra một không gian miền quê đầy thơ mộng và gần gũi giúp người đoc có thể cảm nhận được sự gắn bó như sâu nặng của ông với quê hương.

Nhìn vào cách tác giả miêu tả mảnh đất quê hương yêu dấu: “Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa”. Hình ảnh “ngút lửa” trong câu thơ lại tiếp tục đưa độc giả đến một không gian khác liên tưởng về mảnh đất miền Trung trong thời kỳ kháng chiến. Từ ngữ gợi ra cho ta thấy những khung cảnh vô cùng sống động trong tâm trí về thời chiến tranh bom đạn khốc liệt chịu nhiều đau thương mất mát. Mảnh đất ấy trở nên vô cùng khắc nghiệt với nắng giá, thiên tai, đất đai khó canh tác, dù vậy, người dân nơi đây vẫn gắn bó với miền Trung ấy.

Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ: Bao giờ em về thăm Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa (ảnh 2)

Tiếp theo, tác giả sử dụng hình ảnh so sánh: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa” tạo ra hình ảnh liên tưởng tới mảnh đất gánh hai đầu đất nước, một bên giáp biển, một bên tựa vào dãy Trường Sơn được tác giả ví như cật nứa mỏng mà sắc. Bên cạnh sự mỏng manh đó cũng để nhấn mạnh về cuộc sống nơi đây người dân vô cùng vất vả trong việc sinh sống trên mảnh đất đầy nắng gió. “Sắc như cật nứa” phép so sánh cũng giúp người đọc liên tưởng đến tính cách mạnh mẽ và tâm hồn cứng rắn của những người con xứ Nghệ khi phải đối mặt với những khó khăn, vất vả của cuộc sống.

“Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam” – câu thơ kết thúc đoạn thơ vô cùng lãng mạn và tinh tế. Hình ảnh về dải lụa sông Lam không chỉ cho ta thấy được vẻ đẹp của miền đất này mà còn hiện lên sự mềm mại, nhẹ nhàng. Nếu miền Trung được ví sắc như cật nứa thì vẫn có một dòng sông Lam được ví như dải lụa mềm ôm ấp, quấn lấy mảnh đất này. Không chỉ vậy, hình ảnh dải lụa còn là biểu tượng cho sự cao quý và đẹp đẽ nhất. Sông Lam được mô tả như một phần quan trọng làm đẹp thêm cho mảnh đất xứ Nghệ. Hình ảnh con sông Lam qua từ ngữ của nhà thơ Hoàng Trần Cương trở nên thật thơ mộng, dịu dàng là “đôi bờ thương nhớ, nơi anh tắm mát tuổi thơ”. 

Tô Hoài đã từng viết: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ” và “mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống trong bản thảo. Hạt ngọc mới nhất tìm được phong cách riêng của mình mà có”. Và quả thật, chỉ với đoạn trích ngắn trong tác phẩm “ Miền Trung” với những bông hoa ngôn từ nghệ thuật nở rộ với những hạt ngọc từ ngữ được nhà thơ Hoàng Trần Cương gieo vào từng câu thơ.

Hoàng Trần Cương gắn bó với mảnh đất xứ Nghệ ấy như gan ruột, mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên là quê hương máu thịt. Quê hương là nguồn cảm xúc vô tận có lẽ chính vì thế ông đã dung những ngôn từ gần gũi, giản dị nhất để có thể cho độc giả cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc của mình.

“Thế giới không chỉ được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập” (Mác-xen Prút). Người nghệ sĩ đến với cuộc đời, mang lại cho đời một dấu ấn riêng với những sáng tạo của riêng mình nhà thơ Hoàng Trần Cương đã làm được điều đó chỉ với đoạn trích ngắn trong bài thơ “Miền Trung”. Qua đoạn thơ này, tác giả tạo ra một bức tranh sống động, sâu sắc về vẻ đẹp và nỗi nhớ về miền Trung yêu dấu. Những từ ngữ giản dị nhưng lại rất cô đọng đã gói gém vẻ đẹp của mảnh đất miền Trung vừa kiên cường bất khuất trong chiến đấu, dữ dội trong thời chiến nhưng cũng đẹp, dịu dàng, tha thướt trong đời thường, trong những áng thơ. Tác giả không chỉ cho người đọc cảm nhận được tình yêu quê hương mà còn cho thấy được sự kiên cường mạnh mẽ của của những người con xứ Nghệ.

icon-date
Xuất bản : 16/04/2024 - Cập nhật : 16/04/2024