logo

Nghị luận trình bày suy nghĩ về nét đặc sắc nội dung và nghệ thuật qua đoạn trích "Bóng của thành phố" của Nguyễn Ngọc Tư

Đề bài: Nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về nét đặc sắc nội dung và nghệ thuật qua đoạn trích “Bóng của thành phố” của Nguyễn Ngọc Tư.

Như bao bà mẹ khác, mẹ tiễn con gái về nhà chồng cũng sụt sịt lấy tay áo lau nước mắt. Mọi người xúm lại kêu, gả con về chợ, mắc gì mà khóc. Trong lòng những bà dì bà thím ở quê, về chợ nghĩa là ăn sung mặc sướng, đèn đóm sáng trưng, thiếu thứ chi chỉ cần bước ngay ra cửa là có, “mãn năm móng chân không dính miếng sình”.

Nhưng chỉ bữa sau đám cưới, cô dâu mới đã phải xoắn tay áo hì hụi tát nước, kê cao những vật dụng trong nhà. Sau trận mưa khuya đường sá biến thành sông, nước tràn vào lòng những căn nhà thấp hệt thung lũng, sau mấy bận người ta cơi cao mặt đường chống ngập. Nước mưa và triều cường cứ dùng dằng mãi trên đường không chịu rút. Cô thấy cái cảnh mình xoắn quần lội lò dò đi giữa rác rưởi và nước cống rảnh đen ngòm, có khác gì ở quê những ngày lụt. Thành phố cuối năm, những bữa tiệc nước không mong đợi cứ theo gió chướng mà về.

Nhưng cô dâu mới không vỡ mộng, cái nơi chốn cô vừa trở thành nông dân chính thức không lạ gì sau năm năm trọ học. Cũng có thể cô đã từng hơi thất vọng, vào những ngày đầu khăn gói đến đây. Thấy chợ cũng như cái xóm quê mình, mưa đầu mùa cũng gặp mấy con cá rô ốm ròm vác cái bụng lặc lè trứng lóc qua sân nhà trọ. Chạng vạng ễnh ương, nhắc nheng kêu sầu trời đất. Có bữa dậy thấy rắn nước nằm khoanh tìm hơi ấm trong giày. Đường sá quãng cuối năm thành sông, lút nửa vành bánh xe đạp. Ở cái nơi là chợ, lâu lâu thấy một ông già lùa đàn bò ngang qua, nhiều khu dân cư mới người tới chưa đông, cỏ dại mọc đầy. Cái anh trọ ở đầu dãy, suốt ngày vác trúm đặt lươn quanh quanh mấy mương cống, mà đủ sống.

/…/

Nhưng cư dân xóm chợ nào đã trải qua những tối dài nhàm chán không cách chi làm đầy, những khi khách xa đòi ngồi ở quán cà phê ngắm mấy dòng sông mà thành phố đã quyết liệt giấu chúng sau những dãy phố ken chật, những lần trẻ con níu áo hỏi ba ơi mình đi đây vậy, lúc ấy, mới thấy thành phố vẫn chưa đủ sáng, thứ ánh sáng không đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy.

(Trích “Bóng của thành phố” của Nguyễn Ngọc Tư)

Nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về nét đặc sắc nội dung và nghệ thuật qua đoạn trích “Bóng của thành phố” của Nguyễn Ngọc Tư

Bài làm

“Bóng của thành phố” của Nguyễn Ngọc Tư đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh của cuộc sống thực tại trong thành phố thông qua góc nhìn của nhân vật chính - một cô dâu mới với nét đặc sắc nội dung và nghệ thuật đặc biệt. Tác giả đã miêu tả sinh động và chân thực về những khó khăn, thử thách mà cô dâu phải trải qua, như những trận mưa lụt, những căn nhà ngập nước, đường sá lầy lội... Những chi tiết này tạo nên một bức tranh ấn tượng về cuộc sống thực tế ở một vùng ngoại ô thành phố.

Trước hết, nét đặc sắc của nội dung trong đoạn trích này là sự tương phản giữa hình ảnh lãng mạn của việc lên xe hoa và cuộc sống khắc nghiệt sau đám cưới. Đám cưới thường được coi là một dịp vui vẻ, đầy hạnh phúc, nhưng sau đó, cuộc sống hàng ngày tiếp diễn với những thách thức không ngờ đến. “Nghĩ là ăn sung mặc sướng, đèn đóm sáng trưng, thiếu thứ chi chỉ cần bước ngay ra cửa là có, “mãn năm móng chân không dính miếng sình”, nhưng thực tế “chỉ bữa sau đám cưới, cô dâu mới đã phải xoắn tay áo hì hụi tát nước, kê cao những vật dụng trong nhà.” Hơn thế nữa còn là sự đối lập hai không gian - nông thôn và thành thị, ở nông thôn, mưa lụ, cá rô ốm yếu, tiếng ễnh ương kêu sầu, đều là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi. Nhưng khi về thành phố, thành phố vẫn chưa đủ sáng, thứ ánh sáng không đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy. Có lẽ rằng nhân vật nàng dâu mới ấy mặc dù không quá bất ngờ với cuộc sống nơi thành thị nhưng vẫn cảm thấy hụt hẫng về cuộc sống nơi đây, nơi thắp sáng cuộc đời không bằng tình cảm, bằng sự gần gũi, đoàn kết mà bằng những ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy. Đây chính là sự tương phản giữa cuộc sống ấm áp, thiếu thốn nhưng yên bình ở quê với sự lạnh lẽo, ồn ào của thành thị.
Về nghệ thuật, tác giả sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, chi tiết cụ thể, giàu cảm xúc để tái hiện sinh động không gian và cuộc sống của cô dâu mới. Đồng thời sử dụng bút pháp tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm và biện pháp tư từ: liệt kê, so sánh, ẩn dụ,… thể hiện tâm lí, khát vọng của nhân vật.Việc tái hiện khung cảnh đối lập giữa cuộc sống khi ở quê hương và cuộc sống khi về làm dâu bằng ngôi kể thứ ba thể hiện sự khách quan trong cách nhìn nhận vấn đề cũng như thể hiện sinh động cảm xúc của nhân vật. Nhân vật được tái hiện thông qua hành động bằng nghệ thuật khắc hoạ tâm lí tinh tế. Điều này góp phần tạo nên sự đồng cảm, sẻ chia với người đọc.

Đoạn trích "Bóng của thành phố" của Nguyễn Ngọc Tư thể hiện sự quan sát tinh tế và cách viết sinh động, chân thực của tác giả về cuộc sống ở thành phố, tác giả đã tài tình thể hiện sự đa chiều của cuộc sống thành thị thông qua góc nhìn cá nhân của nhân vật. Tác phẩm không chỉ là một tấm gương phản ánh sự đối lập giữa hình ảnh lãng mạn và thực tế của cuộc sống, mà còn là một bức tranh chân thực về cuộc sống đầy thách thức và khó khăn trong thành phố hiện đại.

icon-date
Xuất bản : 17/04/2024 - Cập nhật : 17/04/2024