logo

Phân tích cấu tứ của bài thơ Lời hứa muộn của Nguyễn Bình Phương

Với nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nỗi lòng của ông là tâm trạng day dứt, xót xa, bâng khuâng, tiếc nuối khi thấy được những điều đã mất trở về, chìm lắng trong bóng tối. Tất cả những nỗi mất mát ấy được tái hiện vừa vặn, tròn đầy trong cấu tứ thơ sâu sắc ở bài "Lời hứa muộn".


Dàn ý Phân tích cấu tứ của bài thơ Lời hứa muộn của Nguyễn Bình Phương

1. Mở bài
Đặt vấn đề: Phân tích cấu tứ của bài thơ Lời hứa muộn của Nguyễn Bình Phương

2. Thân bài

- Các hình ảnh "ngôi nhà vàng", "tơ hồng vàng giăng trước". "Đừng ai rứt, đừng ai ca ngợi tôi…"=> Gợi nhắc bức tranh trầm buồn về sự trống rỗng, cảm giác bất an và sự chán chường của nhân vật. 

- 2 câu thơ đầu không chỉ được lặp lại câu thơ đầu mà còn xuất hiện ở khổ thơ cuối như chất chứa nỗi tương tư.

- Các câu tiếp theo sử dụng biện pháp so sánh và ẩn dụ tạo sự chuyển đổi cảm giác để nhấn mạnh thêm cái hư ảo khi mọi thứ bỗng trở về từ bóng tối.

Phân tích cấu tứ của bài thơ Lời hứa muộn của Nguyễn Bình Phương (ảnh 1)

- Hình ảnh "ghế hoa nhài" và "thảm trải nhà hơi nước"=> Gửi gắm một niềm hi vọng về không khí tình yêu và cuộc sống yên bình, thanh khiết, đầy tươi mới trong thứ cảm xúc đan xen.

- Các câu thơ còn lại=> Giãi bày lời hứa vẫn còn đây nhưng em không ở lại. 

3. Kết bài

Qua bài thơ "Lời hứa muộn" của Nguyễn Bình Phương ta như được hiểu thêm về cái chất thơ "rất riêng" của tác giả. Cái thế giới tình yêu trong "Lời hứa muộn" được dựng lên bởi cảm giác cô đơn, trống trải, những bất an, nỗi day dứt của anh, của thứ đã không còn tồn tại, chỉ còn hình bóng em hiện về trong tâm thức.


Phân tích cấu tứ của bài thơ “Lời hứa muộn” của Nguyễn Bình Phương

Mỗi tác phẩm văn học là một mảnh ghép vừa vặn của cuộc sống. Ở đó, các nhà văn, nhà thơ thỏa sức thể hiện rõ tâm hồn của mình, giãy bài cảm xúc về những góc khuất trong xã hội mà ít ai chạm đến. Với nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nỗi lòng của ông là tâm trạng day dứt, xót xa, bâng khuâng, tiếc nuối khi thấy được những điều đã mất trở về, chìm lắng trong bóng tối. Tất cả những nỗi mất mát ấy được tái hiện vừa vặn, tròn đầy trong cấu tứ thơ sâu sắc ở bài "Lời hứa muộn":

“Tơ hồng vàng giăng trước ngôi nhà vàng
Đừng ai rứt đừng ai ca ngợi tôi
Cái đã mất lại về từ bóng tối
áo như mây tóc như khói trên tường
Mắt em nhìn thời gian dần héo
Trong ánh sáng những câu thơ lạc nẻo
Ta tặng em
ghế hoa nhài
thảm trải nhà hơi nước
Những khuôn mặt miên man chùm quả dại
Sống mũi lạnh lùng làm tình yêu không tàn phai
Vĩnh viễn còn lại nụ hôn cỏ úa
Còn lại cây trong mưa
Anh
Tơ hồng vàng giăng trước ngôi nhà vàng
Đừng ai rứt đừng ai ca ngợi tôi...”

Bài thơ "Lời hứa muộn" của Nguyễn Bình Phương được xây dựng trên cấu trúc tư duy sâu sắc, phản ánh tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình. Đó là sự rung cảm lạ lùng, một dòng chảy năng lượng kết nối từ tiềm thức từ quá khứ tới hiện tại, trong mối quan hệ giữa cái còn - mất, trong cái mất nhưng vẫn còn. Tất cả cứ thế neo bám lấy tâm não người đọc ở sự xúc động trong lặng yên.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh một "ngôi nhà vàng", "tơ hồng vàng giăng trước" cùng với lời tự tình khuyên dặn "Đừng ai rứt, đừng ai ca ngợi tôi…". Đây là bức tranh trầm buồn về sự trống rỗng, cảm giác bất an và sự chán chường của nhân vật. 

Hình ảnh này không chỉ được lặp lại câu thơ đầu mà còn xuất hiện ở khổ thơ cuối như chất chứa nỗi tương tư, những ảo giác chập chờn, mộng mị mà ta phải bớt đi sự tỉnh táo ráo tiết của lý trí, gia tăng sự phiêu lưu của trí tưởng tượng để thả hồn vào sự mơ hồ bất định ấy mà cảm nhận. Cái nỗi nhớ trống rỗng, bất an trong mộng mị tình yêu ấy, ta cũng từng bắt gặp đâu đó trong "Tương tư chiều" của Xuân Diệu:  

Với sương lá rụng trên đầu gần gũi,
Thôi đã hết hờn ghen và giận tủi.
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh..

Cái hay trong thơ của Nguyễn Bình Phương còn khéo léo trong việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh để tăng thêm sức gợi cảm, gợi hình khiến người đọc dễ dàng hình dung ra diện mạo, bóng hình của người thương. Đó là người con gái "áo như mây tóc", "như khói trên tường" mỏng manh, yểu điệu như sương như gió. Thế nhưng, tất cả đều là những hình ảnh không còn vẹn nguyên như xưa mà lơ thơ, khó nắm bắt, khó theo đuổi.

Trong câu thơ “Mắt em nhìn thời gian dần héo”, tác giả còn khéo léo sử dụng biện pháp ẩn dụ, tạo sự chuyển đổi cảm giác để nhấn mạnh thêm cái hư ảo  khi mọi thứ bỗng trở về từ bóng tối. Tất cả đều trở nên mơ hồ, không có thực. Trong mối quan hệ quá khứ xen lẫn hiện tại ấy, sự tồn tại duy nhất chắc chỉ là hai sợi dây hữu hình (tơ hồng) và sợ dậy vô hình (lời hứa) xâu chuỗi cùng những hình ảnh tưởng chừng rời rạc, không ăn khớp với nhau để tạo thành một thể thống nhất.

Cái nỗi lòng chất chứa tâm trạng ấy khiến ta liên tưởng tới Hàn Mặc tử với ký ức màu trắng của áo, của sương khói, của ký ức, hoài vọng xa xôi không bao giờ có thật:

"Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ớ đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Không chỉ vậy! Đoạn thơ tiếp theo chuyển sang hình ảnh tưởng tượng của người làm thơ khi tặng "ghế hoa nhài" và "thảm trải nhà hơi nước" cho người đối tác của mình. Ở đây, tác giả tự xưng bằng "ta" để thể hiện cho sự gần gũi, chân thành gửi gắm tới người trong mộng. 

Nếu "Ghế hoa nhài" là món quà biểu tượng cho vẻ đẹp thanh tao, nhã khiết thì "thảm trải nhà hơi nước" là vật dụng thường xuyên sử dụng trong ngôi nhà nhằm giữ ẩm, tạo sự thoáng mát. Nó cũng chính là thứ tượng trưng cho sự êm đềm, mềm mại và yên bình. 

Phân tích cấu tứ của bài thơ Lời hứa muộn của Nguyễn Bình Phương (ảnh 2)

Mượn những hình ảnh thân thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tác giả mong muốn gửi gắm một niềm hi vọng về không khí tình yêu và cuộc sống yên bình, thanh khiết, đầy tươi mới trong thứ cảm xúc đan xen. Thế nhưng đằng sau sự ngọt ngào, lãng mạn ấy lại là nỗi khổ đau, trống rỗng giữa thứ "ánh sáng trong những câu thơ lạc nẻo". Phải chăng tất cả chỉ là những ảo vọng mà chúng ta trao tặng cho nhau???

Suy cho cùng tất cả vàng son của quá khứ đã không còn ở hiện tại. Nhưng trong cái tồn tại xuyên thời gian đó, có cái đã không còn hiện hữu trong không gian quen thuộc, đó chính là em. 

"Những khuôn mặt miên man chùm quả dại
Sống mũi lạnh lùng làm tình yêu không tàn phai
Vĩnh viễn còn lại nụ hôn cỏ úa
Còn lại cây trong mưa
Anh"

Lời hứa vẫn còn vẹn nguyên ở đây nhưng hình bóng em đã không còn ở lại. Anh vẫn còn đây nhưng anh đã không còn em. Cái mất mà lại còn đó là mất em nhưng còn tơ hồng, còn những lời hứa muộn, còn hình bóng em cứ hiện về trong tâm thức, trong bóng tối xa xăm. Có thể thấy, cả đoạn thơ là một giọng điệu thâm trầm, suy tư. 

Những cảm xúc ấy không nông nổi, trào dâng mà ẩn sâu trong mỗi câu chữ, hình ảnh, đó là “nụ hôn vĩnh viễn màu cỏ úa”. Chắc hẳn nhân vật trữ tình ấy phải còn yêu lắm mới day dứt, xót xa đến như vậy. Cái tình yêu khó có thể buông bỏ ấy cũng từng tái hiện trong thơ của Nguyễn Bính như thế: 

“Tơ vương chín mối sầu cho một lòng
Tình tôi như đóa hoa hồng
Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu
Kinh đô cát bụi bay nhiều
Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?”

Qua bài thơ "Lời hứa muộn" của Nguyễn Bình Phương ta như được hiểu thêm về cái chất thơ "rất riêng" của tác giả. Đó là thơ của cảm giác, của những rung cảm mà khi đọc, người đọc chỉ có thể dùng con tim để thấu hiểu. Cái thế giới tình yêu trong "Lời hứa muộn" cũng thế! Mọi thứ được dựng lên bởi cảm giác trống trải, những bất an, nỗi day dứt của anh, của thứ đã không còn tồn tại, chỉ còn hình bóng em hiện về trong tâm thức. Hóa ra "yêu là chết ở trong lòng một ít" như thế, có lẽ bởi "Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt/Những người si theo dõi dấu chân yêu".

icon-date
Xuất bản : 16/04/2024 - Cập nhật : 16/04/2024