logo

Phân tích, đánh giá những đặc điểm trong cách kể của truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư đã có rất nhiều truyện ngắn nổi tiếng, tất cả những tác phẩm ấy đều thể hiện được phong cách sáng tác riêng của nhà văn, bài viết này xin giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của tác giả, bên cạnh đó là những đánh giá về nghệ thuật tự sự trong tác phẩm này.


Dàn ý Phân tích, đánh giá những đặc điểm trong cách kể của truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Ngôn ngữ văn chương.

- Ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Ngọc Tư.

- Đặc điểm của các kể chuyện trong truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng.

2. Thân bài

2.1 Khái quát về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

*Tác giả:

- Nữ nhà văn Nam Bộ.

- Các truyện ngắn thường khai thác những câu chuyện đời thường trong cuộc sống bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tự nhiên cùng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ.

* Tác phẩm

- Thể hiện phong cách sáng tác quen thuộc trong sáng tác của nhà văn.

- Lời trăn trối cuối cùng như một “lời nhắc nhở” đến những đứa con trong gia đình.

2.2 Khái quát về thể loại truyện ngắn

- Truyện ngắn là một hình thức hư cấu tự sự cỡ nhỏ, thường miêu tả một lát cắt của đời sống, một giai đoạn, thậm chí là một khoảnh khắc, một phút lóe sáng đầy ý nghĩa khám phá trong cuộc đời nhân vật.

- Đặc điểm của truyện ngắn: 

+ Ngắn gọn.

+ Thường tập trung cao độ xung quanh một chủ đề, 

+ Cốt truyện thường xây dựng trên một hành động cỡ nhỏ, đơn giản trong một không gian và thời gian nhất định với những chi thiết được chắt lọc, dồn nén nhằm hướng tới một hiệu quả duy nhất ở phần kết thúc.

- Có nhiều cách phân loại truyện ngắn.

2.3 Nghệ thuật kể truyện trong Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn Ngọc Tư

*Cốt truyện: Cuộc gặp gỡ của nhân vật kể truyện xưng tôi – chị giáo và vợ chồng ông Lĩnh, những lời nhờ vả của ông Lĩnh với chị giáo trong căn nhà của ông Lĩnh. => Thời gian ngắn, không gian bó hẹp.

* Kết cấu truyện: không theo trật tự thời gian: hiện tại – quá khứ - hiện tại.

- Bắt đầu từ sự kiện vợ ông Lĩnh sang vay tiền chị giáo và cũng là mời chị sang nhà để nhờ vả chị đứng ra lo hậu sự cho ông Lĩnh. 

- Tiếp đó là câu chuyện quá khứ qua lời kể của ông Lĩnh

- Cuối cùng trở về hiện thực và lời dặn dò của ông Lĩnh với vợ, và sự nhờ vả chị giáo.

*Tình huống truyện: có sự đan xen giữa tình huống truyện nhận thức và tình huống truyện tâm trạng.

- Tình huống nhận thức: 

+ Ông Lĩnh buồn bã khi nhận được sự đối xử lanh nhạt của bốn người con (ông Lĩnh nhờ những đứa con đưa đến bệnh viện khám nhưng họ đưa tiền để hai vợ chồng già tự lo liệu và còn nói lời lạnh lùng với ông Lĩnh: “Bố cũng đã biết bệnh mình rồi không khỏi được đâu, bố cứ làm nũng…).

+ Chị giáo khi nhìn thấy ông Lĩnh yếu ớt =>nhận ra bệnh tật tàn phá con người nhiều như thế nào.

- Tình huống tâm trạng: Tâm trạng vừa đau buồn, chua xót, vừa giận của ông Lĩnh khi nhắc về những đứa con vô tâm, sự lo lắng cho bà Na – vợ ông qua lời dặn dò ân cần, sự tức giận với những đứa con trở về khóc lóc hỏi han ông.

Phân tích, đánh giá những đặc điểm trong cách kể của truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn Ngọc Tư (ảnh 1)

* Ngôi kể và điểm nhìn:

- Ngôi kể: ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi – nhân vật chị giáo.

- Điểm nhìn:

+ Điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện: giúp khắc họa rõ dáng vẻ, ngoại hình của nhân vật ông Lĩnh và các sự việc xảy ra với gia đình ông.

+ Điểm nhìn bên trong: ông Lĩnh =>giúp độc giả dễ dàng thấu hiểu những tâm tư, tình cảm, mong muốn của ông và đồng thời cho thấy sự thay đổi của ông Lĩnh. 

=>Sự dịch chuyển điểm nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác như vậy đã tạo ra kết cấu đa tầng cho tác phẩm, truyện lồng trong truyện, một câu chuyện này nằm trong một câu truyện khác. 

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Qua lời trần thuật của người kể truyện, lời đối thoại của các nhân vật => Khắc họa nhân vật ông Lĩnh – bà Na với những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ.

2.4 Đánh giá lại nội dung nghệ thuật của tác phẩm

- Nghệ thuật: nghệ thuật kể chuyện cách tân, hiện đại thoát ra khỏi kiểu truyện ngắn truyền thống.

- Nội dung:

+ Lên án sự vô tâm của những người con.

+ Phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ và sự đồng cảm của tác giả với những nỗi buồn của cha mẹ khi ở tuổi già.

3. Kết bài

- Khẳng định vị trí của nhà văn trên văn đàn Việt Nam.


Phân tích, đánh giá những đặc điểm trong cách kể của truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn Ngọc Tư

Maksim Gorky đã từng nhận định: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học”. Như vậy nhà văn lấy cảm hứng từ hiện thực rồi dùng ngôn ngữ của bản thân tái hiện thứ hiện thực ấy trong sáng tác của mình. Có nhà văn dùng những ngôn từ hoa mỹ, bay bổng, lại có những nhà văn viết bằng thứ ngôn ngữ bình dị, mộc mạc. Dù viết bằng ngôn ngữ nào thì mỗi tác phẩm đều có sức hấp dẫn riêng. Nói đến những nhà văn Việt Nam khai thác những vấn đề rất đời thường trong cuộc sống bằng lời văn gần gũi, mộc mạc, đặc biệt là trong văn học sau Đổi mới, chúng ta chắc hẳn không thể bỏ qua nữ nhà văn Nam Bộ - Nguyễn Ngọc Tư. Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, nhất là ở thể loại truyện ngắn, không chỉ gây ấn tượng với độc giả ở tính bình dị của ngôn ngữ mà còn là ở cách kể truyện vượt ra khỏi cách kể truyện truyền thống. Nguyễn Ngọc Tư đã có rất nhiều truyện ngắn nổi tiếng, tất cả những tác phẩm ấy đều thể hiện được phong cách sáng tác riêng của nhà văn, bài viết này xin giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của tác giả, bên cạnh đó là những đánh giá về nghệ thuật tự sự trong tác phẩm này.

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại tỉnh Cà Mau. Năm 2015, nhà văn cho ra đời tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, tác phẩm nhanh chóng nổi tiếng và trở thành một hiện tượng của văn học Việt Nam. Các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường khai thác những câu chuyện đời thường trong cuộc sống bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tự nhiên cùng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ. Đó là chuyện ông già đi tìm con, chuyện tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ, chuyện về những ước mơ bình dị, chuyện về sự tha hóa của một lớp người trong cuộc sống,… Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ so với các truyện ngắn khác, tác phẩm ít được biết đến hơn nhưng đây vẫn là một truyện đáng được nhắn đến, bên cạnh yếu tố nghệ thuật quen thuộc trong sáng tác của nhà văn, Lời trăn trối cuối cùng còn như một “lời nhắc nhở” đến những đứa con trong gia đình.

Trước khi tìm hiểu về nghệ thuật tự sự của trong truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng, chúng ta cần tìm hiểu truyện ngắn là gì. Không có một định nghĩa chung nào cho truyện ngắn, có rất nhiều các định nghĩa khác nhau cho thể loại này. Konstantin Paustovsky, một nhà văn nổi tiếng của nước Nga, truyện ngắn “là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu  nói “Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc”.  Trong Từ điển thuật ngữ văn học các tác giả đã định nghĩa truyện ngắn là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ…” Và còn rất nhiều các định nghĩa khác về truyện ngắn. Nhìn chung có thể coi truyện ngắn là một hình thức hư cấu tự sự cỡ nhỏ, thường miêu tả một lát cắt của đời sống, một giai đoạn, thậm chí là một khoảnh khắc, một phút lóe sáng đầy ý nghĩa khám phá trong cuộc đời nhân vật. Do tính ngắn gọn nên truyện ngắn thường tập trung cao độ xung quanh một chủ đề, cốt truyện thường xây dựng trên một hành động cỡ nhỏ, đơn giản trong một không gian và thời gian nhất định với những chi thiết được chắt lọc, dồn nén nhằm hướng tới một hiệu quả duy nhất ở phần kết thúc.

Có nhiều cách phân loại truyện ngắn, các cách phân chia truyện ngắn đều mang tính chất tương đối, mỗi kiểu phân chia sẽ mang đến một một hướng nhận thức khác nhau về đối tượng, giúp cho người nghiên cứu tác phẩm có thể đi sâu tìm hiểu tác phẩm của mình.

Mang những đặc điểm của thể loại truyện ngắn, truyện Lời trăn trối cuối cùng có dung lượng rất ngắn, câu chuyện trong tác phẩm cũng chỉ gói gọn nội dung như chính nhan đề của truyện. Một cốt truyện đơn giản, xoanh quanh câu chuyện về người cha già là ông Lĩnh mắc căn bệnh hiểm nghèo nhưng lại bị các con thờ ơ, lạnh nhạt và những lời trăn trối của ông qua lời kể của nhân vật kể chuyện xưng tôi – chị giáo.

Truyện không đi theo trật tự thời gian từ quá khứ - hiện tại – tương lai, mà đi từ hiện tại rồi hồi tưởng về quá khứ sau lại trở về với thực tại. Bắt đầu từ sự kiện vợ ông Lĩnh sang vay tiền chị giáo và cũng là mời chị sang nhà để nhờ vả chị đứng ra lo hậu sự cho ông Lĩnh. Qua cuộc trò truyện của chị giáo và vợ chồng ông Lĩnh, những hồi ức của ông Lĩnh giúp chị giáo cũng như người đọc thấu hiểu được hoàn cảnh của cặp vợ chồng già và sự lạnh nhạt, vô tâm của những người con trai và con dâu. Sau đó quay về với hiện tại, đó là những lời nhờ vả chị giáo, những lời dặn dò chan chứa yêu thương dành cho người vợ của ông Lĩnh. Kết thúc truyện khi những đứa con được thông báo về tình hình của người cha, họ trở về nhưng ông Lĩnh lại nhất định cự tuyết chúng bằng những lời trăn trối “đanh thép mà như cứa từng khúc ruột” của ông. 

Tác giả đã xây dựng một tình huống truyện nhận thức. Truyện ngắn được xây dựng trên tình huống nhận thức thường đặt nhân vật vào một thời điểm, một khoảnh khắc chứa đựng những sự kiện có thể khiến nhân vật thay đổi một xác tín nào đó của mình về hiện thực, khiến cho những niềm tin mà nhân vật cho là lẽ phải trước đó bị lung lay, bị rạn vỡ. Trong Lời trăn trối cuối cùng, sự kiện ông Lĩnh nhờ các con ông cho ông lên viện khám và lấy thuốc nhưng cả bốn đứa con trai và con dâu đều từ chối với nhiều lí do, vô tâm đưa tiền để hai ông bà tự lo liệu, đã vậy còn nói “Bố cũng đã biết bệnh mình rồi không khỏi được đâu, bố cứ làm nũng…” khiến ông Lĩnh lòng đau hơn cắt. Sự hững hờ của những đứa con khiến ông vô cùng thất vọng, cái ý nghĩ rằng hai vợ chồng ông đã cực khổ nuôi bốn đứa con với hy vọng sau này sẽ được nương tựa chúng đã vỡ vụn. Ông lĩnh vô cùng chua xót. Và với nhân vật xưng tôi – chị giáo, hoàn cảnh của ông Lĩnh cũng khiến chị nhận ra bệnh tật và đau khổ có thể tàn phá một con người như thế nào. Ông Lĩnh mới ngày nào còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn với “nước da hồng hào” mà giờ đây những cơn đau đã hành hạ ông cả thể xác lẫn tinh thần khiến ông yếu ớt, mệt mỏi với đôi tay “run rẩy khô héo chỉ còn da bọc xương”.

Phân tích, đánh giá những đặc điểm trong cách kể của truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn Ngọc Tư (ảnh 2)

Lời trăn trối cuối cùng là một truyện ngắn đặc biệt, mọi sự xếp loại, phân loại cho tác phẩm chỉ mang tính chất tương đối. Truyện vừa có kiểu tình huống nhận thức lại vừa mang hơi hướng của kiểu tình huống tâm trạng. Với kiểu tình huống này, nhân vật trải qua một trạng thái tâm lí phức tạp nhưng tính chất phức tạp đó không được chú trọng ở hành động mà thường hiện lên qua những trạng thái tâm lí, tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Với tình huống tâm trạng, truyện để lại trong tâm trí người đọc ấn tượng, dư ba về thế giới tinh thần, đời sống tâm hồn phong phú của nhân vật trong hoàn cảnh nào đó. Tâm trạng vừa đau buồn, chua xót, vừa giận của ông Lĩnh khi nhắc về những đứa con vô tâm, sự lo lắng cho bà Na – vợ ông qua lời dặn dò ân cần, sự tức giận với những đứa con trở về khóc lóc hỏi han ông. Những tâm tư, tình cảm của ông Lĩnh có lẽ cũng dấy lên trong lòng người đọc những suy tư về người cha người mẹ, người thân của mình rằng liệu bản thân có đang dẫn xa cách họ. Bên cạnh đó còn là suy tư về tình cảm bền chặt giữa những con người đã đi cùng nhau đến cuối cuộc đời như vợ chồng ông Lĩnh.

Truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng được kể theo ngôi thứ nhất với nhân vật chị giáo là người hàng xóm đã chứng kiến, nghe kể lại từ nhân vật chính là ông Lĩnh về hoàn cảnh gia đình, về những tâm sự, nguyện vọng cuối đời của ông. Người kể chuyện có một, những điểm nhìn của truyện lại không giới hạn trong số một, trong tác phẩm chúng ta thấy điểm nhìn của chị giáo – là điểm nhìn chính, chi phối nội dung câu chuyện. Điểm nhìn của người kể chuyện giúp khắc họa rõ dáng vẻ, ngoại hình của nhân vật ông Lĩnh và các sự việc xảy ra với gia đình ông. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được điểm nhìn của ông Lĩnh – người trong cuộc. Điểm nhìn của nhân vật ông Lĩnh giúp độc giả dễ dàng thấu hiểu những tâm tư, tình cảm, mong muốn của ông và đồng thời cho thấy sự thay đổi của ông Lĩnh. Sự dịch chuyển điểm nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác như vậy đã tạo ra kết cấu đa tầng cho tác phẩm, truyện lồng trong truyện, một câu chuyện này nằm trong một câu chuyện khác. Bên trong câu chuyện nhờ vả người hàng xóm chuyện hậu sự là câu chuyện của một người cha mắc bệnh hiểm nghèo bị các con lảng tránh, câu chuyện về sự hi sinh, vất vả của cha mẹ để lo cho các con một tương lai tươi sáng, ấm no,…

Bên cạnh những yếu tố về tình huống hay kết cấu ở trên, truyện ngắn Lời trăng trối cuối cùng còn xây dựng nhân vật khá tốt thông qua lời trần thuật của người kể truyện, lời đối thoại của các nhân vật. Nhà văn đã khắc họa nhân vật ông Lĩnh – bà Na với những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ. Những người sẵn sàng “ăn đói, nhịn khát dành cho con bát cháo, miếng cơm không phải ăn độn” để “nuôi chúng ăn học cho bằng bạn bằng bè”. Thêm nữa, ông Lĩnh còn được khắc họa là một người chồng yêu thương vợ, những lời dặn dò ít ỏi thôi nhưng cũng đủ để thấy tình cảm của ông dành cho vợ, người duy nhất ở cạnh ông, chăm sóc ông trong những ngày bệnh tật hành hạ và hẳn người đọc sẽ cảm động với lời hứa của một người sắp ra đi với người ở lại “bà yên tâm, tôi sẽ ở bên cạnh bà suốt ngày đêm, cho nên bà không được buồn,...”.

Một tác phẩm hay cần cân bằng giữa nội dung và hình thức thể hiện. Truyện ngắn Lời trăn trối cuối cùng của tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã cân bằng được điều đó. Câu chuyện về gia đình, cụ thể là sự thờ ơ của những người con với đấng sinh thành. Tác giả đã khơi gợi điều đáng buồn trong xã hội ngày nay, khi con người quá coi trọng đồng tiền, nghĩ rằng tiền sẽ khỏa lấp được mọi thứ mà đôi khi quên mất khi cô đơn, bệnh tật chúng ta luôn cần có người bên cạnh. Tác phẩm như lời khuyên cho những người thân không phải chỉ riêng cha mẹ hay con cái, tất cả chúng ta nên quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cùng nhau tạo ra những kí ức tốt đẹp, hay để những người sắp ra đi sẽ đi trong niềm vui, hạnh phúc thay vì những tiếng than khóc, hối hận hay những mắng mỏ cự tuyệt như ông Lĩnh và những đứa con ở cuối truyện.

Nguyễn Ngọc Tư vẫn với những chất liệu quen thuộc từ hiện thực, bằng những ngôn từ gần gũi, đời thường, tác giả lại đem đến một tác phẩm đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm. Nghệ thuật tự sự (tình huống, kết cấu, điểm nhìn,…) của tác giả đã khiến câu chuyện trở nên sinh động hơn và những mới mẻ trong cách kiến tạo câu chuyện của nhà văn cũng là một trong những cách tân của văn học Việt Nam sau Đổi mới và cũng khiên cho Nguyễn Ngọc Tư một thời đã trở thành một hiện tượng văn học, dĩ nhiên đến nay các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ đối với người yêu thích văn chương và giới nghiên cứu.

icon-date
Xuất bản : 10/04/2024 - Cập nhật : 10/04/2024