logo

Nghị luận về một tác phẩm Đứa con của người vợ lẽ

Kim Lân là một trong những nhà văn rất thành công với thể loại truyện ngắn. Đứa con người vợ lẽ cũng là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Hãy cùng đi viết bài Nghị luận về một tác phẩm Đứa con của người vợ lẽ nhé!

Nghị luận về một tác phẩm Đứa con của người vợ lẽ

Đứa con của người vợ lẽ

Được mệnh danh là " nhà văn của nông dân và nông thôn Việt Nam" - Kim Lân thường đưa vào những tác phẩm của mình những số phận, những câu truyện về số phận éo le của người nông dân trong thời kì xã hội bấy giờ. Truyện ngắn " Đứa con người vợ lẽ" cũng là câu truyện về một số phận bi thảm và éo le như thế. 

Câu truyện xoay quanh nhân vật chính là Tư - một người con vợ lẽ sinh ra trong một gia đình giàu có. Thế nhưng, khác với người anh Cả, mẹ và Tư không được gia đình quý trọng bởi mẹ Tư chỉ là một người vợ lẽ cưới về với mục đích làm việc đồng áng cho gia đình. Sau khi cha mất, Tư và mẹ lâm vào cuộc sống khó khăn, khốn khổ nhưng họ nhất quyết không chịu ngửa tay xin bố thí từ ai cả. Cả hai mẹ con đều cùng chung một suy nghĩ " đói cho sạch, rách cho thơm" nên người mẹ vẫn ngày ngày đi kiếm việc làm thuê để kiếm lấy cái ăn cho hai mẹ con. Thế rồi lần này mẹ đi mãi vẫn chưa về, Tư như bị cái đói che mờ con mắt. Anh Cả đi ngang qua nhà vào ngủ như càng tô đậm khoảng cách vị trí trong gia đình giữa hai người. Thấy bát nước phở còn thừa mà người anh ăn còn dở lại, Tư đã đấu tranh giữa cái đói và cái tôi của mình và anh quyết định thà chết đói chứ vẫn phải giữ lại phẩm hạnh của một con người. Tới tối, anh Thân là bạn thân của Tư sang thăm bạn. Tuy chỉ là món ăn bình dị, dân giã như hạt mít nhưng cũng đủ để khiến Tư cảm thấy ngon miệng, cảm thấy được an ủi.

Cuộc sống của con người vợ lẽ là không hề dễ dàng một chút nào khi cả mẹ anh lẫn anh đều được đối sử như kể hầu, kẻ tôi tớ trong nhà. Mang tiếng là vợ lẽ của nhà giàu, thế nhưng mẹ của Tư chỉ được cưới về để lo chuyện đồng áng cho gia đình. Không phải là tình yêu, cũng chẳng phải vì địa vị, cứ như vậy cả hai mẹ con nghiễm nhiên chỉ là vợ con của cha Tư trên danh nghĩa. Được mẹ Cả thương yêu, Tư mới được cắp sách tới trường đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng rồi khi cha anh và mẹ Cả lần lượt qua đời, tất cả mọi thứ như bỗng nhiên biến mất ngay trước mắt anh. Chẳng phải người con nối dõi như anh Cả nên Tư phải đi theo mẹ ra ngoài sống mà chẳng ai đoái hoài tới. Thậm chí, anh phải từ bỏ cả việc đi học để ở nhà đi kiếm việc làm. Nhưng mùa màng, xã hội khó khăn, lấy đâu việc để cho anh đi làm? Vậy là anh lại phải ở nhà ăn bám mẹ mình.

Những đồng tiền ít ỏi mà mẹ anh kiếm được chẳng đủ để có nổi một bữa no, thậm chí còn bữa được bữa không, hai mẹ con cùng phải nhịn đói. Vậy mà lần này mẹ anh đi lâu quá. Ta cảm tưởng như cái đói chuẩn bị tước đoạt mạng sống của một con người tới nơi rồi vậy. Anh đói đến hoa cả mắt, cái đói khiến anh không còn đủ sức lực để làm gì nữa. Anh thi thoảng vặn mình, đập hờ xuống cái phản là để chắc chắn mình còn sống, chắc chắn rằng mình vẫn đang hiện diện ở trên đời. Giờ đây, từng ngụm nước nhỏ cũng quý giá đối với anh. Đó là phao cứu sinh cho mạng sống của anh, là sợi dây duy nhất để anh có thể chờ đợi được cho tới khi hình bóng của mẹ mình xuất hiện.

Thế rồi, người đẩy anh tới cùng cực của giới hạn không phải là cái đói chết người mà lại là anh Cả của anh. Anh oán trách số phận mình vì sao cùng một người cha mà số phận của hai người lại khác xa nhau đến vậy. Nếu như anh Cả không bao giờ phải lo về tiền bạc, thậm chí còn có tiền để đi chơi cờ bạc thì anh Tư lại sống trong khó khăn, thậm chí là đói tưởng số phận mình sắp đến hồi kết. Anh nghĩ rằng nếu mình cũng là con nối dõi của gia đình không phải là con của người vợ lẽ có khi số phận anh đã không bi thảm tới thế.

Chi tiết bát phở đã khiến chúng ta có một cái nhìn, một cảm nhận khác về anh Tư. Bát phở trắng phau, thơm phức là biểu trưng cho những cám dỗ ngọt ngào, những giá trị vật chất đầy sức nặng trong cuộc sống con người. Tuy vậy dù có đói hoa mắt, có thèm tới đọng ứ nước miếng, anh Tư vẫn nhất quyết không mó tay vào ước mơ ngọt ngào kia. Rồi tới khi bát phở chỉ còn lại nước lõng bõng, anh đã nghĩ tới một bát cơm nguội với nước phở - thứ có thể xóa tan cái đói ngay trước mắt đây. Nhưng rồi, anh vẫn lựa chọn lí trí, lựa chọn danh dự của bản thân mình. Nếu như anh ăn bát nước đó chẳng phải là anh đã chấp nhận đầu hàng số phận hay sao? Chấp nhận rằng mình chỉ là con của một người vợ lẽ không xứng đáng được đối xử bình đẳng hay sao? Anh cầm "tô phở" ném xuống đất cũng chính là thể hiện sự dứt khoát  của bản thân anh về quan niệm của bản thân.

Bát hạt mít của anh Thân chính là sự cứu rỗi dành cho Tư. Tuy không phải là món ăn cao sang, nhiều tiền gì cả chỉ là hạt mít luộc lên mà thôi nhưng đó là sự sẻ chia, là sự quan tâm giữa hai người bạn. Không phân biệt giai cấp, dù anh giàu tôi nghèo chúng ta cũng ăn những món ăn như nhau, cùng ngồi với nhau, cùng tâm sự và sẻ chia cùng nhau. Đó không chỉ là một hình ảnh đẹp cho tình bạn mà còn là một hình ảnh đẹp giữa hai giai cấp xã hội lúc bấy giờ.

Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật đặc sắc, kết hợp với những chi tiết gây nút thắt - mở tâm lý bất ngờ đã tạo ra một thành công cho truyện ngắn " Đứa con của người vợ lẽ " tới thế. Nội dung truyện không có nhiều chi tiết cao trào nghẹt thở, bất ngờ nhưng lại khiến cho độc giả ngạc nhiên và đồng cảm với những quyết định của nhân vật Tư. Những câu truyện hết sức đời thường trong bối cảnh xã hội đó nhưng làm chúng ta cũng phải yên lặng và suy nghĩ lại về những quyết định giữa hoàn cảnh trước mắt và danh dự cá nhân. 

Dù đã rời cõi tạm để đi về với chốn văn chương xa xôi kia, thế nhưng Kim Lân vẫn luôn là ngôi sao sáng mãi trong lòng bạn đọc cả nước. Không chỉ Kim Lân mà Đứa con của người vợ lẽ cũng sẽ luôn được nhắc tới đến mãi sau này.

icon-date
Xuất bản : 26/09/2023 - Cập nhật : 26/09/2023