logo

Nghị luận, phân tích và đánh giá chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn Nghèo của Nam Cao

Nam Cao nổi tiếng là một nhà văn tài ba, những sáng tác của ông đều đa số viết về số phận của người nông dân trong xã hội ngày xưa, bức tranh cuộc sống đói nghèo, vất vả và tác phẩm Nghèo cũng là một tác phẩm xuất sắc như thế. Sau đây, mời các em tìm hiểu bài viết nghị luận, phân tích và đánh giá chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn Nghèo của Nam Cao. 

Nghị luận, phân tích và đánh giá chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn Nghèo của Nam Cao

An-đéc-xen có một câu nói rất hay “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”, có thể thấy hiện thực cuộc sống chính là nguồn cảm hứng bất tận trong văn chương. Cùng uống chung dòng suối nguồn hiện thực vì vậy đòi hỏi mỗi nhà văn phải có cái tôi cá nhân, nhìn sự việc bằng một góc nhìn khác. Viết về đề tài hiện thực cuộc sống, Nam Cao đã có cá nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống của những người dân khổ cực hiện lên trong tác phẩm “Nghèo” và thông qua tác phẩm, người đọc cảm nhận được sự tài ba của Nam Cao trong việc lựa chọn chủ đề và miêu tả nhân vật.

Từ trước đến nay, chủ đề và cốt truyện trong các tác phẩm của Nam Cao đều giản đơn và nhẹ nhàng, nếu các nhà văn cùng thời với ông đều viết nên những tình tiết li kì, kịch tính thì Nam Cao đã chọn cho mình một lối đi riêng. Cũng viết về cái đói, cái nghèo của những người dân thấp cổ bé họng trong xã hội ngày xưa, nhưng trong tác phẩm không chỉ miêu tả cái đói đơn thuần mà còn ẩn sâu là những đức tính của con người, của xã hội và đồng thời còn bộc lộ thái độ, tình cảm của chính tác giả với số phận con người lúc bấy giờ. Nghị luận, phân tích và đánh giá chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn Nghèo của Nam Cao - ảnh 1

Ta biết được rằng cái đói đã tràn vào trong những tác phẩm thời bấy giờ, ta nhớ đến Lão Hạc phải chọn cái chết, ta nhớ chị Dậu phải bán con, ta nhớ đến cô thị vì bốn bát bánh đúc mà phải theo một người đàn ông xa lạ về nhà, có thể thấy cái đói nó kinh khủng như thế nào. Mở đầu tác phẩm là câu nói “Bu ơi con đói…” sao mà xót xa đến thế, vọng lại sau đó là tiếng quát của chị Đĩ Chuột “Đã bảo là hết cơm rồi…” một gam màu đen tối bao trùm lên toàn bộ tác phẩm, gam màu của cái đói, cái nghèo bủa vây không lối thoát, đưa người nông dân vào bước đường cùng. 

Hàng loạt chi tiết khắc hoạ cái đói “Hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát chè màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút” hay “há hốc mồm ra như con chim đợi mẹ mớm mồi”, dù chị Chuột nghèo khổ, nhưng dù sao chị cũng là một người mẹ, chị thương con hơn bao giờ hết và sẵn sàng làm mọi thứ vì con. Nhưng trong tình huống bây giờ, chị Chuột cũng đành bất lực, chị đầu hàng trước cái đói thê thảm “Chị lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như con người ngã nước”, chị bảo thằng bé con chờ đến khi chè chín. Người đọc tưởng rằng có lẽ cái đói lúc bấy giờ đã được “giải quyết”, chị sẽ cho thằng bé một bữa ăn thật ngon, thế nhưng một lần nữa người đọc “vỡ oà” khi nhận ra mấy bát chè màu nâu đục đang bốc khói nghi ngút thì lại nhận ra đó không phải chè mà là cám nâu. 

Sự trông chờ của đứa con, sau đó là sự thất vọng khi nhận ra đó không phải là chè, những lời nói hồn nhiên và ngây thơ của trẻ con như cứa một nhát dao vào trái tim người làm mẹ “À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè!”. Chi tiết này vô cùng đắt giá bởi vì nó đã làm bật lên hoàn cảnh đáng thương, nghèo khổ, vất vả và đói khát của gia đình chị Chuột, cũng như là tấm lòng làm mẹ của chị, chị không nỡ nói cho con biết sự thật rằng nhà mình không có chè, chị vẫn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình, thật đáng buồn làm sao!

Cái đói làm ta nhớ đến những câu thơ của Bàng Bá Lân trong bài thơ Đói:

“Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương

Những thây ma thất thểu đầy đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói”

Hiện thực tàn nhẫn đã phá hoại đi tuổi thơ, ước mơ của những đứa trẻ, không dùng nhiều dòng miêu tả trực tiếp nhưng lại chạm đến tận sâu bên trong trái tim người đọc. Nam Cao đã đi sâu vào miêu tả và phân tích thế giới nội tâm nhân vật, lựa chọn một chủ đề đặc biệt, dù không mới nhưng lại mới dưới góc nhìn của Nam Cao, đồng thời là sự tài ba trong việc xây dựng tính cách các nhân vật, bộc lộ được những tâm tư tình cảm. 

Có thể thấy qua tác phẩm Nghèo của nhà văn Nam Cao, người đọc càng hiểu thêm về số phận của người nông dân, đồng thời lên án bọn thực dân phong kiến tàn ác đã đẩy số phận người nông dân vào cảnh lầm than. Thông qua đó, ta cảm nhận được sự tài tình trong cách lựa chọn chủ đề và nhân vật của Nam Cao đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

--------------------------------------

Trên đây là bài viết nghị luận, phân tích và đánh giá chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn Nghèo của Nam Cao. Hi vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!

icon-date
Xuất bản : 23/09/2023 - Cập nhật : 25/09/2023