logo

Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2

Các sáng tác của bà chúa thơ Nôm có rất nhiều và đều có một tâm thế chung là vừa xót thương tuổi trẻ, vừa hận chế độ phong kiến thối nát chà đạp, tước đi hạnh phúc của người phụ nữ. Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2 của bà để thấy được điều này nhé. 


Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2 với một số tác phẩm

1, Trước tiên có thể liên hệ trực tiếp với tác phẩm Tự tình 1 của nhà thơ. Cả hai bài thơ đều thể hiện tình cảnh cô đơn, bất lực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Là khát khao được sống, được yêu đến hết mình nhưng không được đáp trả.

2, Khi phân tích thân phận người phụ nữ trong hai cầu đề có thể liên hệ đến bài thơ “Bánh trôi nước”, cũng diễn tả chung số phận chung của người phụ nữ luôn bị phụ thuộc, không thể tự quyết định được vận mệnh của bản thân. Hạnh phúc hay khổ đau là hoàn toàn lệ thuộc vào người khác.

3, Phân tích hai câu thực liên hệ vòng quẩn quanh say lại tỉnh của nhân vật trữ tình với vòng quẩn quanh xót xa của nàng Kiều “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ giật mình mình lại thương mình xót xa”.

Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2

Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2

   Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một cái tôi rất đặc biệt trong văn học trung đại Việt Nam. Hiếm có người phụ nữ nào lại có cách thể hiện táo bạo như thế trong thơ. Trên trang thơ của bà cái tôi vừa kiêu hãnh, vừa ngẩng cao đầu của người luôn ý thức được tài năng, cốt cách của bản thân, nhưng đôi lúc lại có sự yếu đuối xót xa trước tình cảnh ngang trái của người phụ nữ. Tự tình là một bài thơ đã thể hiện rất rõ cảm hứng đó.

    Tự tình 2 là bài thơ thứ 2 trong chùm ba bài thơ Tự tình. Đây là bài thơ Đường luật đặc sắc đã được Việt hóa mang dấu ấn đậm nét của Hồ Xuân Hương. Bài thơ đã thể hiện nỗi đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với số phận đau khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tự tình chính là tự bộc lộ tâm tình của mình, ở đây có thể hiểu nhan đề bài thơ chính là tự đối diện với bản thân mình, độc thoại với mình để thể hiện tâm trạng, nỗi niềm. 

    Bài thơ mở ra một không gian và thời gian đặc biệt gợi tâm trạng. Đó là lúc đêm khuya thanh vắng. Đây là thời điểm vắng lặng, cả không gian chìm trong bóng tối, tịch mịch cô liêu và mọi âm thanh đều có thể cảm nhận rất rõ. Trong hoàn cảnh ấy nữ sĩ Xuân Hương đã cảm nhận được âm thanh quen thuộc “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”, từ láy văng vẳng kết hợp với động từ dồn gợi ra âm thanh liên hồi, gấp gáp và vội vã, cũng thể hiện lòng người xốn xang, hốt hoảng trước sự trôi chảy mau lẹ của thời gian. Câu thơ làm người đọc liên tưởng đến hình ảnh : “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” trong bài thơ Tự tình 1. Cả hai âm thanh tiếng trống dồn hay tiếng gà gáy đều là âm thanh của tự nhiên, quen thuộc trong đêm khuya và đều có tác dụng gợi ra tâm trạng ở người đọc.

    Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy hình ảnh người phụ nữ hiện ra với thân phận bẽ bàng nhưng cũng ẩn chứa một sự thách thức với xã hội và chế độ : “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Trơ ở đây chính là trơ trọi, cô đơn, vô phận và rất bẽ bàng, đáng thương của người phụ nữ. Trơ cũng là thể hiện sự thách thức và là cái tôi đầy mạnh mẽ của những người phụ nữ trước những sự bất công ngang trái của xã hội. Nhưng trơ lại đi cùng với cái hồng nhan thì sự phản kháng ấy lại trở nên thật bẽ bàng, bất lực. Bởi “cái” là sự suồng sã lại kết hợp với “hồng nhan” thì thật rẻ rúng. Cái hồng nhan lại đối lập với nước non thì đúng là bi kịch của người phụ nữ đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Người phụ nữ nhỏ bé như vậy làm sao có thể chống chọi được với sự dâu bể, rộng lớn của cuộc đời? 

Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2 ảnh 2

    Cùng lột tả về số phận bẽ bàng, tủi hổ của người phụ nữ trong bài  “Bánh trôi nước” Hồ Xuân Hương đã từng viết : “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Rõ ràng số phận của người phụ nữ sướng hay khổ đều là do người khác quyết định. Thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa là hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Thứ duy nhất người phụ nữ có thể làm chủ được chính là tấm lòng, cốt cách của mình.

    Đêm càng dài, càng lạnh lẽo, thi sĩ càng đau đớn trước tình cảnh bẽ bàng của phụ nữ. Bà mượn chén rượu để giải sầu nhưng lạ thay càng uống càng tỉnh : “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Rượu chỉ càng làm cho con người thêm thấm thía về tình cảnh của mình mà thôi. Nhưng rượu cũng là “yếu tố” giúp bà hiểu được tuổi xuân qua thật mau, tuổi trẻ cũng chẳng bao giờ có thể trở lại nữa. Điều này cũng đã được phản ánh rất sâu sắc trong thơ của Nguyễn Du qua hình ảnh nàng Kiều : “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”.  Chúng ta thấy giữa hai thế hệ nhà thơ nhưng đã điểm gặp gỡ rất đáng trân trọng.

    Sóng Hồng đã từng nói : “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, chạm khắc theo một cách riêng”. Điều này rất đúng với thơ Hồ Xuân Hương. Những vần thơ của bà hội tụ đầy đủ yếu tố nhạc hoạ và hơn hết đó là một bức chân dung tự hoạ đầy sống động về cuộc đời, con người của bà. Một phụ nữ luôn khát khao được sống, được thể hiện cái tôi của mình trong xã hội.

-------------------------

Toploigiai vừa hướng dẫn các em Liên hệ mở rộng bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương. Qua bài thơ người đọc càng thêm trân trọng, đồng cảm với số phận của người phụ nữ xưa. Cảm phục cả tài năng, cốt cách của bà chúa Thơ Nôm - người phụ nữ có một không hai trong văn học trung đại.

icon-date
Xuất bản : 22/08/2023 - Cập nhật : 22/08/2023