logo

Phân tích, đánh giá những đặc điểm phong cách kể của tác giả qua truyện ngắn Suối nguồn và dòng sông

Truyện ngắn “Suối nguồn và dòng sông” là tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Ngọc. Truyện ngắn thể hiện tình mẫu tử sâu sắc của Suối nguồn khi Dòng Sông phải đi để trải nghiệm, đặc biệt truyện ngắn đã khẳng định được tài năng của tác giả thông qua phong cách kể thật độc đáo.


Dàn ý phân tích, đánh giá những đặc điểm phong cách kể của tác giả qua truyện ngắn Suối nguồn và dòng sông

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Nêu nét phong cách nghệ thuật tiêu biểu, đặc biệt là phong cách kể.

II. Thân bài

Luận điểm 1 : Khái quát sơ lược về tác phẩm.

Luận điểm 2 : Mạch truyện liền mạch và điểm nhìn mới lạ của tác giả đã tạo ra một hành trình trải nghiệm đầy thú vị cho Dòng Sông.

- Mạch truyện liền mạch giúp người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện:  đầu tiên là cảnh hai mẹ con từ biệt nhau, tiếp đến là những lời nhắn gửi cho con, sau đó khi rời đi Dòng Sông đã bị thu hút bởi những điều mới mẻ, thú vị mà tạm thời quên mất mình đã đi rất xa người mẹ của mình. Khi nhớ ra thì đã quá muộn, thật may là có một đám mây đi qua đã tạo điều kiện cho Dòng Sông về thăm mẹ.

- Điểm nhìn:

+ Đi sâu vào tập trung phân tích cụ thể, chi tiết hình dáng và tâm trạng của nhân vật Dòng Sông, chuyển dần điểm nhìn từ bên ngoài đến bên trong nhân vật.

+ Đặt điểm nhìn chủ yếu vào bên trong nhân vật Suối Nguồn, phân tích, thấu hiểu được thế giới nội tâm của một người mẹ.

Luận điểm 3 : Nguyễn Minh Ngọc đã vận dụng ngôn ngữ trần thuật một cách linh hoạt cùng với việc tận dụng các biện pháp nghệ thuật để kể chuyện tạo nên một câu chuyện đầy thu hút và thú vị.

- Vận dụng ngôn ngữ trần thuật : linh hoạt giữa ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được cảm xúc của nhân vật.

- Các biện pháp nghệ thuật : sử dụng các từ ngữ độc thoại nội tâm, kể chuyện ở ngôi thứ ba, nhân cách hóa những hiện tượng tự nhiên để tạo nên các nhân vật.

Giá trị nội dung và nghệ thuật.

III. Kết bài

- Khái quát nội dung và nghệ thuật, đưa ra thông điệp của tác giả.

- Liên hệ bản thân và đưa ra bài học nhận thức.


Phân tích, đánh giá những đặc điểm phong cách kể của tác giả qua truyện ngắn Suối nguồn và dòng sông

Khi nói về hành trình ra đời của những trang văn sâu sắc Nguyễn Minh Châu đã từng bày tỏ : “Cách tốt nhất để tiêu hóa những khó khăn trong cuộc đời riêng là phải đưa nó vào trang viết”. Phải chăng trên đường văn trải dài của người nghệ sĩ, họ đã chọn vun nhặt từng mảnh vụn phù sa của đời sống, ngày ngày lam lũ trên trang giấy mộc thô nhưng thơm lừng bao hoài bão, bao chất xám để dốc cạn đời mình cho nghệ thuật ? Bởi thế, trong những sáng tác của mình, người nghệ sĩ nói chung và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nói riêng luôn trân trọng từng câu chữ, từng trang viết để tạo nên những tác phẩm của mình. Và “Suối nguồn và dòng sông” là một trong những thành quả của Nguyễn Minh Ngọc.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc sinh ra tại Hà Tĩnh và hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông học tại Trường Sĩ quan Không quân (1980-1983), từng là Trưởng ban Tuyên huấn Nhà trường, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (1991). Từ năm 1997, biên tập văn xuôi Tạp chí Nha Trang. Nghỉ hưu năm 2015, hàm Đại tá. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện ông là Phó Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông có các tác phẩm nổi trội như : Cành mận trắng (1977), Bay đêm (2002) hay Đất lành (2014),...Và trong số đó truyện ngắn “Suối nguồn và dòng sông” là tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của ông. Truyện ngắn thể hiện tình mẫu tử sâu sắc của Suối nguồn khi Dòng Sông phải đi để trải nghiệm, đặc biệt truyện ngắn đã khẳng định được tài năng của tác giả thông qua phong cách kể thật độc đáo.

Truyện kể về hai mẹ con Suối nguồn và Dòng sông, khi Dòng Sông lớn lên phải từ biệt mẹ đi về xuôi. Lúc từ biệt, người mẹ rất lo lắng và luôn thấp thỏm không yên, nghĩ đến  những khó khăn, thác ghềnh mà con gặp phải. Còn Dòng Sông, sau khi từ biệt mẹ đã đi dạo và nhìn ngắm khắp nơi, “càng đi, tầm mắt càng được mở rộng thêm ra”. Những niềm vui mới mẻ và hành trình đầy thú vị đã cho Dòng Sông nhìn ngắm rất nhiều thứ đến nỗi Dòng Sông không nhận ra việc mình đã đi xa mẹ nhiều ngày đường rồi. Và khi Dòng Sông nhận ra thì đã muộn. Nghĩ đến, “Dòng Sông ứa nước mắt”. Nhưng thật may mắn làm sao, có một đám mây bay qua đã thấu hiểu cho nỗi lòng của Dòng Sông, một người con xa nhà đang nhớ mẹ da diết vì thế đã ra tay giúp đỡ Dòng Sông quay trở lại gặp mẹ.

Phân tích, đánh giá những đặc điểm phong cách kể của tác giả qua truyện ngắn Suối nguồn và dòng sông

Mạch truyện liền mạch và điểm nhìn mới lạ của tác giả đã tạo ra một hành trình trải nghiệm đầy thú vị cho Dòng Sông. Dòng Sông đã bao lần đi vào những trang văn với cảm xúc ngọt ngào,tha thiết, êm đềm. Với mạch truyện liền mạch, tác giả đã giúp người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện.  Đầu tiên là cảnh hai mẹ con từ biệt nhau, tiếp đến là những lời nhắn gửi cho con, sau đó khi rời đi Dòng Sông đã bị thu hút bởi những điều mới mẻ, thú vị mà tạm thời quên mất mình đã đi rất xa người mẹ của mình. Khi nhớ ra thì đã quá muộn, thật may là có một đám mây đi qua đã tạo điều kiện cho Dòng Sông về thăm mẹ. Câu chuyện được kể theo các tình tiết tăng dần, từ những cảm xúc da diết, bồi hồi đến những cảm xúc lo lắng và nhớ nhung. Tuy cốt truyện và chủ đề không quá mới mẻ nhưng chính điểm nhìn của tác giả đã tạo nên sự khác biệt so với các tác phẩm khác. Điểm nhìn của ông đi sâu vào tập trung phân tích cụ thể, chi tiết hình dáng và tâm trạng của nhân vật Dòng Sông, chuyển dần điểm nhìn từ bên ngoài đến bên trong nhân vật. Đặc biệt, ông còn đặt điểm nhìn chủ yếu vào bên trong nhân vật Suối Nguồn, phân tích, thấu hiểu được thế giới nội tâm của một người mẹ.

Nguyễn Minh Ngọc đã vận dụng ngôn ngữ trần thuật một cách linh hoạt cùng với việc tận dụng các biện pháp nghệ thuật để kể chuyện tạo nên một câu chuyện đầy thu hút và thú vị. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ trần thuật để kể chuyện, ông đã linh hoạt giữa ngôn ngữ kể và ngôn ngữ của nhân vật giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được cảm xúc của nhân vật. Đó là cảm xúc về tình mẫu tử, cảm xúc khi tiễn con đi xa, lòng mẹ vẫn luôn hướng về con, luôn lo âu, thấp thỏm, và ở nơi xa người con cũng không nguôi nhớ mẹ. Ngoài ra, tác giả còn đưa vào các biện pháp nghệ thuật như việc sử dụng các từ ngữ độc thoại nội tâm, kể chuyện ở ngôi thứ ba, nhân cách hóa những hiện tượng tự nhiên để tạo nên các nhân vật. Tất cả những chi tiết ấy đã hòa quyện với nhau tạo nên một tác phẩm ấn tượng qua sức tưởng tượng thú vị của tác giả. Tác giả đã cho thấy tình mẫu tử được nói đến ở đây là tình cảm bao la, rộng lớn biết nhường nào.

Nguyễn Minh Ngọc thực sự là một người nghệ sĩ tài ba khi có thể vận dụng tốt những chi tiết nghệ thuật, đưa các biện pháp nghệ thuật vào truyện ngắn một cách rất tự nhiên, không tạo cho người đọc cảm giác trừu tượng mà rất chân thật, gần gũi.

Nhà văn Oscar Wilde đã từng nói : “Cái đẹp là thứ duy nhất mà thời gian không thể làm tổn hại”. Cái đẹp của đời sống, cái đẹp của những tư tưởng, tình cảm, cái đẹp trong sự chuyển biến cảm xúc, nhận thức nơi thế giới nội tâm của con người là cái cao thượng mà mỗi người nghệ sĩ đã vươn tới. Với “Suối nguồn và dòng sông” Nguyễn Minh Ngọc đã gieo vào truyện ngắn những hạt giống hy vọng của tháng năm, bày tỏ niềm trân trọng đối với tình mẫu tử cao cả.

icon-date
Xuất bản : 10/04/2024 - Cập nhật : 10/04/2024