logo

Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông

Đề bài: Viết đoạn văn trình bày cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông

Đọc đoạn trích sau:

…(1) Và một đêm, bị bà tôi mắng nhiếc tàn tệ, tôi uất ức thầm thì khóc tới một hai giờ. Rồi nhọc quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Thoát khỏi những sự đau tủi giày vò, tâm hồn tôi lại trở nên thư thái đi vào một cảnh mộng rất tươi sáng. Đó là một buổi tối tôi đi học thêm ở nhà một người bạn học, trên con đường vắng về nhà. Dưới ánh trăng bàng bạc bỗng hiện ra một bóng người mảnh dẻ, nhẹ bước trên bóng những cành lá xoan tây mờ mờ xao động suốt dải đường nhựa lấp loáng. Tôi vội chạy theo, nhưng không kêu gọi. Bóng người liền quay lại. Tôi thoáng thấy hai con mắt long lanh trên gương mặt trắng mát chiếu lên nhìn tôi. Trước chiều gió, những sợi tóc bay xoã ra như tơ, phấp phới dưới vành trăng ngọc.

(2) Tôi vội nắm lấy hai cánh tay ẻo lả của người con gái nhỏ tuổi ấy giơ ra đón tôi như trao cho tôi, muốn đưa đi chạy nhảy, múa hát hay nô đùa thế nào thì muốn. Bao nhiêu phút giờ không rõ, tôi và cô bé có một da thịt ấm áp và những tiếng nói âu yếm thơm tho kia đầu tựa vào vai nhau, im lặng trong con mắt nhìn thẫn thờ như xót thương, như san sẻ, chia đắp cho nhau. Không biết trong lòng cô bé đó có những cảm tưởng gì đương nảy nở. Riêng tôi, tôi thấy hồi hộp, ngực lạnh hẳn đi. Tôi chẳng còn nghĩ đến cảnh đời đày đoạ của tôi nữa. Lắm phen tôi muốn cất một tiếng nói bên tai cô, nhưng vừa trông qua vẻ mặt dịu hiền với đôi mắt lặng lẽ và những sợi tóc nhẹ nhàng phấp phới kia, tôi lại run sợ, ngồi im. Dần dần, tôi thiu thiu ngủ trong đôi mắt và hơi thở của cô bé mảnh dẻ. Trên bờ đê, ở chỗ chúng tôi ngồi, những vụn lá xoan vàng luôn luôn bay lên, tản mạn ra các nơi. Đồng thời lại có những vụn lá khác như bụi của vành trăng trong biếc loang loáng rơi xuống, rắc cả lên mái tóc chúng tôi và bay cả vào lòng chúng tôi. Thu – tên cô bé mảnh dẻ dịu dàng đã sống với tôi những giây phút êm đềm trong mơ ấy – là một cô học trò bằng trạc tôi. Hàng ngày Thu cùng với tôi đi về một đường. Trường học Thu cách trường học tôi chưa đầy một trăm thước, cách nhau có một bờ hè, một đầu đường và một hàng cây. Muốn tránh sự lôi thôi xảy ra cho bọn trò nhỏ (bao giờ gây lỗi cũng là bọn trò trai) bà đốc trường Thu bao giờ cũng để học trò mình về sau. Nhưng tôi cứ lùi lại để gặp Thu, hoặc đứng dưới mái hiên ở đầu đường chờ Thu đi qua. Mới mười ba tuổi, đối với người con gái nhỏ ấy, tôi không hề có ý nghĩ gì vẩn đục cả. Tôi chờ đợi Thu, ngóng trông Thu như thế chỉ vì nhớ tiếc một buổi sáng.

(Trích Trong đêm đông – Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng, NXB Văn học)

Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông (ảnh 1)

Bài làm

Ta gặp nhau vào những ngày giông tố, ta bước vào cuộc đời trong những ngày tháng chông chênh để rồi vấp ngã, tổn thương, buông bỏ rồi lại phải vùng dậy bước tiếp. Cuộc đời là như thế, đã bao giờ ta nhìn lại quá khứ và cảm thấy biết ơn tất cả những điều đã qua. Dù tốt đẹp hay xấu xa, kỷ niệm cũng là thứ điểm tựa vững chắc của con người, là bến đậu của tâm hồn mỗi khi mệt mỏi. Trong đoạn trích văn của tác phẩm "Trong đêm đông" của Nguyên Hồng, nhân vật "Tôi" đã trải qua muôn hình vạn trạng khó khăn của cuộc sống, nhưng “tôi” vẫn có một bến đỗ trong tâm hồn của riêng mình.

Nguyên Hồng sinh năm 1918 tại phố Hàng Cau, nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua những ngày tháng nhiều cay đắng và tủi cực vì đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương. Ông đã phải đi đánh đáo kiếm tiền ăn học và chung đụng với đủ mọi hạng trẻ hư hỏng của các lớp "cặn bã" nơi vườn hoa, cổng chợ, bến tàu, bến ô tô, bãi đá bóng. Vì có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh, cay đắng nên ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người nghèo khó gần gũi mà ông yêu thương với một sự cảm thông sâu sắc, với tâm hồn của một người từng trải. Nhà văn Nguyên Hồng được nhận định rằng ông là "nhà văn của phụ nữ và trẻ em" vì hai đối tượng này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm giống như hình ảnh của ông và người mẹ thuở nhỏ. “Trong đêm đông” là một trong chín chương của tiểu thuyết “những ngày thơ ấu” được sáng tác năm 1940, một tập hồi ký viết về tuổi thơ đầy cay đắng và khắc nghiệt của chính tác giả. Thạch Lam đánh giá bút pháp của Những ngày thơ ấu “là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại lạc loài trong những lề lối khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn”. Ta có thể thấy nhân vật “tôi” trong tiểu thuyết chính là tác giả Nguyên Hồng, là một nhân vật chịu đầy những tổn thương của tuổi thơ nhưng cũng là nhân vật có một tâm hồn sâu sắc, đáng thương.

Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông (ảnh 2)

“Và một đêm, bị bà tôi mắng nhiếc tàn tệ, tôi uất ức thầm thì khóc tới một hai giờ. Rồi nhọc quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không rõ….Tôi chờ đợi Thu, ngóng trông Thu như thế chỉ vì nhớ tiếc một buổi sáng.”
Trong thế giới của nhân vật "Tôi", gia đình không phải là nơi nghỉ ngơi, chữa lành mà lại là bi kịch đối với một đứa trẻ nhỏ tuổi, là nơi hỗn loạn và ồn ào. Chính vì vậy, cảm xúc uất ức và cô đơn thường xuyên hiện hữu trong tâm hồn của đứa trẻ ấy. Những lúc bị mắng mỏ, cậu cảm thấy bản thân tàn tệ, khóc đến bao giờ mệt và thiếp đi thì thôi. Ta thấy trong tác phẩm, hai chữ gia đình không hề nguyên vẹn mà rất hỗn loạn và vỡ nát đối với tác giả.Sự cô đơn và uất ức thường xuyên hiện hữu trong tâm hồn của cậu, đặc biệt khi phải đối diện với sự mắng mỏ của bà nội, sự thiếu thốn tình thương đã tạo nên một cảm giác hoang mang và khao khát trong nhân vật khiến cho cậu luôn tìm kiếm và mong chờ một nguồn an ủi và yêu thương chân thành. Từ đó khiến cho nhân vật “tôi” luôn khao khát và hy vọng có người che chở và yêu thương, vì vậy mà cậu luôn trốn trong hồi ức của chính mình để trở lại những ngày bình yên. Ở nơi đó luôn có một cậu bé khao khát tình yêu thương và thấu hiểu, khao khát sự bình yên dù chỉ qua một buổi đón nắng.

Giấc mơ về cô bé trong đoạn trích là biểu tượng cho niềm tin và hy vọng đó, nơi mà cậu ta tìm thấy sự ấm áp và thân thiết. Trong giấc mơ đó, cảm xúc của cậu  được thể hiện qua những trải nghiệm gần gũi và trong sáng, cảm nhận của một đứa trẻ nhưng đã phải trải qua quá nhiều sóng gió của cuộc đời. Sự khao khát và mong chờ về tình thương đó đã làm cho nhân vật trở nên đầy cảm xúc và có chiều sâu hơn, dù sống trong một môi trường gia đình thiếu thốn tình thương, "Tôi" vẫn không ngừng khao khát và tìm kiếm tình yêu thương và sự chăm sóc. Việc “tôi” mong muốn gặp lại cô bé Thu chính là cách mà nhân vật lẩn trốn thực tại để tìm lấy sự yên bình và yêu thương hết sức trong sáng của một đức trẻ. Nguyên Hồng là một đứa trẻ hết sức mạnh mẽ, dám theo đuổi điều mà mình mong ước khi không ngần ngại chạy theo bóng người trong đêm tối để rồi chìm dần vào hồi tưởng. Mối quan hệ giữa “tôi” và Thu cũng là điểm sáng trong cuộc đời tối tăm của tác giả. Sự gần gũi và thân thiện giữa hai người không chỉ là bạn bè mà còn là một nguồn động viên trong cuộc sống khó khăn của đứa trẻ ấy, tuy không hề nói một lời nào mà : “im lặng trong con mắt nhìn thẫn thờ như xót thương, như san sẻ, chia đắp cho nhau”. Bằng cách sử dụng các từ ngữ tinh tế, ta có thể thấy những cảnh vật đang diễn ra xung quanh đứa trẻ ấy chính là nỗi lòng của tác giả, bình lặng và nhẹ nhàng nhưng cũng đầy hỗn loạn thông qua hình ảnh gió và lá cuộn vào nhau bay khắp không trung, cũng như cái tên “Thu”. “tên cô bé mảnh dẻ dịu dàng đã sống với tôi những giây phút êm đềm trong mơ ấy”. “Thu” là điểm đỗ bình yên duy nhất của đứa trẻ ấy, tình cảm mà “tôi” dành cho Thu hết sức trong sáng mà không có một chút vẩn đục nào, chỉ đơn giản là tình bạn trong sáng thuần khiết.

Thông qua tác phẩm, ta có thể thấy một Nguyên Hồng hết sức nhạy cảm và đáng thương. Thông qua nhân vật “tôi”, có lẽ tác giả muốn gửi gắm đến những bậc phụ huynh phải có một cái nhìn đồng cảm hơn với con cái, để nhà là nơi để về, là bến đỗ của tâm hồn chứ không phải là một thế giới hỗn loạn. Mặc dù đã trải qua một tuổi thơ không mấy tốt đẹp, tác giả không đề cập nhiều đến sự đau đớn mà kể lại về cách ông tự chữa lành bản thân mình, ca ngợi tình bạn trong sáng và sự quan trọng của ký ức, hồi ức.

“Mục tiêu của cuộc sống rốt cuộc lại là đi tìm hạnh phúc, ai cũng thế, bởi hạnh phúc không phải là mâm cỗ được dọn sẵn cho từng người”

icon-date
Xuất bản : 04/04/2024 - Cập nhật : 04/04/2024