logo

Cảm nhận số phận người nông dân trong cảnh đói qua truyện Nghèo của Nam Cao

“Nghèo” tác phẩm nói lên tiếng lòng thương cảm của tác giả và là một lời tố cáo, phê phán một xã hội dồn ép người nông dân nghèo vào đường cùng. Để hiểu rõ hơn về số phận người nông dân trong tác phẩm, hãy cùng đến với bài Cảm nhận số phận người nông dân trong cảnh đói qua truyện Nghèo của Nam Cao sau đây nhé!


Dàn ý cảm nhận số phận người nông dân trong cảnh đói qua truyện Nghèo của Nam Cao

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Số phận người nông dân trong truyện “Nghèo”.

2. Thân bài:

* Luận điểm 1 : Khái quát nhân vật.

* Luận điểm 2 : Hình ảnh những người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng 8 được Nam Cao thể hiện rõ qua 3 mẹ con chị đĩ Chuột.

- Thằng cu bé đòi ăn liên tục vì quá đói, không còn sức làm gì chỉ có thể gục xuống đợi ăn.

- Cái Gái làm quần quật từ sáng đến tối trong vườn với cái bụng rỗng, hớn hở chạy về khi biết sắp được ăn, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch trong mấy mảnh giẻ rách tả tơi.

- Chị Chuột nhìn con đói mà xót xa, luôn yêu thương con nhưng nhà quá nghèo. Chị còn là một người vợ tốt, một người vợ hiểu chồng : luôn lo lắng cho chồng, đi vay nợ để thuốc thang cho chồng, ăn cám nhưng dấu vì sợ chồng biết chồng sẽ lo lắng.

* Luận điểm 3 : Số phận anh đĩ Chuột thật thảm thương, cái nghèo đã giết anh từng chút một.

- Luôn lo lắng cho gia đình nhỏ, nói dối để vợ yên lòng. Anh là một người cha, một người chồng biết lo nghĩ nhưng lại mang bệnh tật trong người.

- Anh Chuột đã quá hiểu vợ mình, vạch trần lời nói dối của vợ và cho con ăn gạo vợ mua cho mình.

- Anh nhận thức được mình là một gánh nặng, anh chọn cái chết để giải thoát cho bản thân cũng như trút bỏ nỗi lo của vợ con.

- Giá trị nội dung và nghệ thuật.

3. Kết bài: Khái quát giá trị của tác phẩm, liên hệ bản thân và đưa ra bài học.

Cảm nhận số phận người nông dân trong cảnh đói qua truyện Nghèo của Nam Cao

Cảm nhận số phận người nông dân trong cảnh đói qua truyện Nghèo của Nam Cao

Văn học nghệ thuật luôn gắn liền với hiện thực cuộc sống. Hiện thực cuộc sống được xem là cái nôi sinh ra văn học, là nguồn cảm hứng vô tận cho những thi sĩ yêu văn học mặc sức khám phá và dệt nên những tác phẩm giá trị. Với tấm lòng của một nhà văn chân chính Nam Cao đã cảm thông, thương xót cho số phận của tầng lớp người nông dân trước Cách mạng tháng Tám và vẽ nên bức tranh hiện thực cuộc sống lúc bấy giờ trong tác phẩm “Nghèo”. Tác phẩm là tiếng lòng thương cảm của tác giả và là một lời tố cáo, phê phán một xã hội dồn ép người nông dân nghèo vào đường cùng.

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung. Ông là nhà văn lớn, một cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại. Là nhà văn hiện thực nhân đạo xuất sắc của thế kỉ XX. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Ông đề cao tư tưởng con người: Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người". Những tác phẩm của ông đi sau vào khám phá nội tâm nhân vật, thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký và “Nghèo” là một trong những tác phẩm nổi trội của ông. Tác phẩm đã thể hiện tính hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Đồng thời tác phẩm cũng là nơi bày tỏ nỗi lòng của người nông dân đặc biệt là số phận nghèo đói đầy bi kịch của gia đình chị Chuột trong cảnh đói.

Truyện ngắn kể về một gia đình nhỏ nhưng phải gánh chịu sự nghiệt ngã của xã hội thời ấy, một xã hội kìm hãm người nông dân nghèo. Vợ chồng anh đĩ Chuột rất quan tâm nhau và rất yêu thương các con của mình. Họ vốn dĩ đã có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn nhưng cuộc sống quá trêu ngươi người nghèo, gia đình họ ăn không đủ no còn phải đi vay tiền để chạy chữa bệnh tật, thuốc thang. Tuy yêu thương nhau là thế nhưng họ vẫn không thể hạnh phúc với cái bụng đói, khi bị đẩy đến đường cùng họ lại chọn cái chết để giải thoát cho kiếp sống của mình và những người họ yêu thương. Có lẽ tình cảnh của gia định anh chị đĩ Chuột là tình trạng chung của hầu hết số phận người nông dân nghèo. Hiện thực ấy vẫn mãi là nỗi đau nhói trong tim mọi người.

Hình ảnh những người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng 8 được Nam Cao thể hiện rõ qua 3 mẹ con chị đĩ Chuột. Mở đầu câu chuyện là một câu than vãn đầu ám ảnh của những người nông dân nghèo khổ : “Bu ơi con đói…”. Một câu nói được thốt ra từ một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng lại không có gì để ăn. Là một người mẹ khi nhìn con như vậy chị đĩ Chuột không khỏi xót xa, nhưng có thể làm gì khác đâu ?. Năm lần bảy lượt như thế chị đành phải vớt vát những thứ còn lại nấu cho con ăn. Có lẽ chị biết được rằng đứa con của mình sẽ không ăn được món cám nên chị tự lừa dối lòng, lừa dối con món cám là món chè. Thằng cu bé ngây thơ chỉ có thể ngồi gục xuống đợi ăn. Còn cái Gái, phận là con lớn cảm thông cho nỗi vất vả của mẹ, cái Gái làm quần quật từ sáng đến tối trong vườn với cái bụng rỗng, hớn hở chạy về khi biết sắp được ăn, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch trong mấy mảnh giẻ rách tả tơi. Một xã hội “khốn nạn”, một xã hội quá khắc nghiệt với những người nông dân nghèo. Cái nghèo, cái đói dường như đã trở thành nỗi ám ảnh quá lớn đối với họ. Đối diện với hiện thực phũ phàng chị đĩ Chuột dù là một người mẹ thương con hay là một người vợ đảm đang cũng đành bất lực. Chị đĩ Chuột đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ, họ là những hậu phương vững chắc cho gia đình, là chỗ dựa tinh thần của những đứa con. Họ luôn hi sinh hết mình, dường như họ chỉ sống vì gia đình của họ, họ sống vì chồng, vì con, vì đất nước của họ. Nam Cao đã khắc họa nên một bức tranh với gam màu tối u ám, một bức tranh mang tính hiện thực sâu sắc phản ánh mặt tối của xã hội.

Số phận những người nông dân nghèo dường như lâm vào thế bế tắc, họ chăm chỉ nhưng những gì họ nhận lại không xứng đáng với họ. Số phận anh đĩ Chuột đã khổ còn thảm thương hơn nữa khi cái nghèo gắn với bệnh tật giết anh từng chút một. Anh là một người cha mẫu mực, một người chồng luôn nghĩ cho vợ con. Khi nghe con than đói, khi nhìn thấy con phải ăn cám thay vì cơm, khi nhìn vợ phải khổ sở lo lắng tiền nong và khi nhìn lại mình, anh thấy mình như một gánh nặng. Người cha khốn nạn ấy chỉ biết khóc khi bất lực trước số phận hẩm hiu. Cái nghèo ngày ấy thật quá tàn nhẫn, nó đã cướp đi bao số phận nghèo khổ. Vốn dĩ gia đình họ hay những người nông dân họ cũng chỉ là nạn nhân của cái đói. Chỉ tiếc thay chẳng ai lắng nghe và cứu với lấy họ, ngược lại họ ngày càng bị xã hội dồn đẩy vào bước đường cùng. Cũng chính cái đói, cái nghèo đã đẩy anh đĩ Chuột lâm vào cảnh bệnh tật, từ một người trụ cột trong gia đình anh giờ đây chỉ có thể phụ thuộc vào vợ hiền con thơ, làm sao anh không đau khổ cho được. Anh chẳng thể làm gì được nữa, anh nghĩ mình là một gánh nặng và anh chọn cái chết, anh chọn cái chết để giải thoát cho bản thân và gia đình mình. Hiện thực năm ấy thật tàn khốc, đó là một nỗi ám ảnh lớn đến tận bây giờ.

Viết về nỗi khổ của người nông dân, Nam Cao đã thực sự viết nên một bản “cáo trạng” thay cho tầng lớp không có tiếng nói trong xã hội. Qua tác phẩm, ông đã thực sự khẳng định được tài năng sáng tác của mình với biện pháp nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật một cách sắc sảo, tinh tế. Từng câu đối thoại, từng lời văn đều phản ánh một hiện thực tàn nhẫn cướp đi hạnh phúc của người nông dân.

Dưới những câu chữ đầy chua chát ẩn sâu bên trong là lời cảm thông, là một trái tim nồng ấm của Nam Cao. Bức tranh hiện thực về một xã hội thời phong kiến đã gói gọn trong “Nghèo”. Cuộc sống lay lắt, khổ sở của bao kiếp người đã để lại những trang văn đẫm nước mắt và một dấu ấn khó phai.

icon-date
Xuất bản : 01/04/2024 - Cập nhật : 01/04/2024