logo

Nghị luận làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn thơ: Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh... Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Đề bài: Nghị luận làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn thơ sau:

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh 
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.

Anh yêu em như anh yêu đất nước 
Vất vả đau thương sớm tối vô ngần 
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước 
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.

(Nhớ, Nguyễn Đình Thi, Tuyến tác phẩm văn học, Nhà in Bộ LĐTBXH, 2001)


Dàn ý Nghị luận làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn thơ: Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh... Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

a. Mở bài:

- Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đình Thi và bài thơ “Nhớ”

- Tóm tắt nội dung chính của đoạn thơ, bài thơ

- Giới thiệu vấn đề nghị luận “Làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình”

b. Thân bài: 

- Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

+ Nghệ thuật nhân hóa “ngôi sao nhớ…”, nhấn mạnh nỗi nhớ của người chiến sĩ dành cho người yêu, Tổ quốc.

+ Động từ “soi sáng” như ánh sáng tự do dẫn đường cho người lính.

- Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

+ Nhân hóa hình ảnh “ngọn lửa nhớ”, như tô đậm nỗi nhớ hơn bao giờ hết, và chính nỗi nhớ đó trở thành động lực cho người chiến sĩ giữa những đêm lạnh giá.

- Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương sớm tối vô ngần

+ Tình yêu nhỏ bé được so sánh ngang bằng với lý tưởng cao cả

+ Dù có gian nan “vất vả” cũng không sao, vì từ tình yêu nhỏ bé đã trở thành sức mạnh cho tình yêu to lớn hơn cả- Tình yêu Tổ Quốc

- Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

+ Nỗi nhớ da diết, dải dẳng không dứt ra được dành cho người thương.

+ Nỗi nhớ đó hòa cùng với nỗi niềm yêu nước cao đẹp.

+ Điệp từ “mỗi” càng làm cho nỗi nhớ thêm đậm sâu

=> Tình yêu Tổ quốc xuất phát từ tình yêu đôi lứa đơn thuần, yêu những điều giản dị, chứng tỏ tài năng của Nguyễn Đình Thi.  

c. Kết bài

- Nhấn mạnh lại vị trí và tầm quan trọng của đoạn thơ và tác giả


Nghị luận làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn thơ: Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh... Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu và bài thơ “Nhớ” là một trong các bài thơ nổi bật nhất. Bài thơ được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, biểu hiện hồn thơ hàm súc và giản dị, gợi hình và gợi cảm, bài thơ không chỉ miêu tả tình yêu đôi lứa mà còn nhân lên thành tình yêu Tổ quốc qua nỗi nhớ triền miên của người chiến sĩ đang kháng chiến chống thực dân Pháp. Thông qua bài thơ, tác giả biểu hiện tình yêu đất nước, cách mạng của mình. Hai đoạn thơ đầu đã thể hiện rõ các cảm xúc của chủ thể trữ tình. 

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh 
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.

Anh yêu em như anh yêu đất nước 
Vất vả đau thương sớm tối vô ngần 
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước 
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.

Hai câu thơ đầu hiện lên với hình ảnh nhân hóa “ngôi sao nhớ…” đã thể hiện được nỗi niềm khắc khoải của người chiến sĩ. Hình ảnh ngôi sao là hình ảnh anh bộ đội ngày đêm nhớ mong quê hương và cũng vì nỗi nhớ kìm nén mà trở nên “lấp lánh” “soi sáng” giữa rừng núi hiểm nguy.

“Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng  đường chiến sĩ giữa đèo mây.”

Hình ảnh “đường chiến sĩ” được chiếu sáng bởi ngôi sao như muốn nói mỗi người lính đều là một ngôi sao hy vọng của Tổ quốc, họ đang ngày đêm dùng những ánh sáng nhỏ bé của mình thắp lên hình hài tổ quốc, những người “Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất nước” (Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm). 

“Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa đèo mây.”

“Ngọn lửa nhớ” được nhân hóa tượng trưng cho sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đó là “Những tuổi đôi mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo), những người thanh niên trẻ tuổi phải ra chiến trường vì người thân, người yêu, quê hương, họ chiến đấu vì tình yêu của mình nhưng cũng ra đi vì tình yêu ấy. Nhưng những tình yêu nhỏ bé ấy, nó đã phát triển trở nên to lớn là tình yêu Tổ quốc, trở thành động lực “sưởi ấm” và sức mạnh của người chiến sĩ. Bằng những ngôn từ giản dị, hình ảnh thơ mộc mạc, gần gũi, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện được tình yêu nước qua những câu thơ vô cùng xúc tích.

“Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương sớm tối vô ngần”

Nghị luận làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn thơ: Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh... Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Nỗi nhớ da diết, không thể tả bằng lời bắt nguồn từ những tình yêu đơn thuần nhất. Tác giả đặt hình tượng tình yêu lứa đôi ngay bên cạnh tình yêu Tổ quốc, thì ra những điều to lớn, vĩ đại nhất, đều xuất phát từ những điều nhỏ bé, đơn sơ nhất. Bởi vậy dù đầy “vất vả”, “đau thương” trải dài dai dẳng, không chấm dứt, dù “sớm tối vô ngần” cũng không  làm tan biến tình yêu mãnh liệt ấy vì nó đã hóa thành tình yêu nước cháy bỏng không thể dập tắt. Bởi vậy, độc giả cũng thấy được tâm tình của nhà thơ qua những câu thơ ngắn gọn mà chất phát. 

“Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.”

Đến đây, nỗi nhớ không còn le lói trong tâm trí anh bộ đội cụ Hồ mà đã thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Nỗi nhớ hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi không gian, thời gian. Không dừng lại ở đó, nỗi nhớ càng trở nên dai dẳng hơn, mãnh liệt hơn qua từng ngày, từng tháng, từng năm, nó chỉ dừng lại khi hòa bình đến, khi họ được gặp lại người thân của mình. Nguyễn Đình Thi thật tài tình khi dùng điệp từ “mỗi” để nhấn mạnh từng nỗi lòng của tình yêu, bởi có yêu mới nhớ.

Bằng thể thơ tám chữ, bài thơ “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi hàm súc và giản dị, đằng sau từng lời thơ đều có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ của ông phóng khoáng tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Vì vậy, hai khổ thơ trên đã thành công trong việc làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình cũng như của tác giả thông qua nỗi niềm gửi gắm vào tình yêu đôi lứa, từ đó nảy sinh một tình cảm to lớn hơn - Tình yêu Tổ quốc. 

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ vĩ đại trong thời kỳ chống Pháp, giữa những bom đạn chiến tranh, ông vẫn đưa chất thơ giản đơn và chân thật, những áng thơ đầy tình cảm khiến ta không nghĩ bài thơ “Nhớ” được sáng tác vào thời chiến tranh. Vì độc đáo mà thơ ông đã trở thành những dòng thơ bất hủ trường tồn mãi mãi về sau.

icon-date
Xuất bản : 26/03/2024 - Cập nhật : 26/03/2024