logo

Phân tích bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm

Lá Diêu Bông là câu chuyện tình có thật của tác giả Hoàng Cầm. Để hiểu rõ hơn về câu chuyện tình, hãy cùng đến với bài Phân tích bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm sau đây nhé!


Dàn ý Phân tích bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả:

+ Nhà thơ nổi tiếng với các chủ đề về đất nước, con người và tình yêu đôi lứa.

+ Ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm giản dị, mộc mạc, đậm chất Kinh Bắc.

- Giới thiệu tác phẩm:

+ Lá Diêu Bông được viết vào năm 1959, kể về chuyện tình có thật của nhà thơ.

+ Bài thơ có sự độc đáo ở nghệ thuật được thể hiện trong thể thơ, cách gieo vật, ngắt nhịp,…; bên cạnh đó là nội dung da diết về khát vọng tìm kiếm tình yêu đích thực của nhân vật trữ tình. 

2.Thân bài 

a) Nội dung: Bài thơ thể hiện khát vọng tìm kiếm tình yêu đích thực, chân thành nhưng không thành qua cặp nhân vật trữ tình Chị - Em và hình tượng lá Diêu Bông.

* Cặp nhân vật trữ tình Chị - Em

- Nhân vật trữ tình Chị:

+ Xuất hiện đầu bài thơ, trong trang phục đậm chất Kinh Bắc với “váy Đình Bảng”.

+ Lá Diêu Bông chị tìm không thấy, chị vu vơ thách đố ai tìm được lá chị gọi làm chồng.

- Nhân vật trữ tình Em:

+ Tin vào lời hứa vu vơ của nhân vật Chị.

+ Miệt mài tìm lá Diêu Bông, tìm thấy rồi nhưng lời hứa kia không bao giờ được thực hiện. Từ đó, em cầm chiếc lá “đi đầu non cuối bể”.

- Nhân vật Chị - Em trong bốn lần nhận lá: cả hai đều có sự thay đổi.

+ Em: vui mừng – hi vọng – từ bỏ.

+ Chị: nỗi đau tăng dần: “chau mày” – “lắc đầu” – “cười” – “xòe tay phủ mặt không nhìn”.

=> Hai nhân vật đều bị ám ảnh bởi lá Diêu Bông hay cũng chính là thứ tình yêu viển vông, vô vọng. Hành trình đi tìm lá Diêu Bông của hai người như hai đường thẳng song song, không bao giờ giao nhau.

* Hình tượng lá Diêu Bông:

- Hình ảnh xuyên suốt bài thơ, là sợi dây liên hệ duy nhất của hai nhân vật.

- Lá diêu bông tượng trưng cho tình yêu đích thực, chân thành nhưng cũng là thứ tình yêu hư ảo, không thể xác định có thực hay không.

b) Nghệ thuật

- Thể thơ tự do không gò bó giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc một cách chân thật nhất.

- Giàu nhạc tính bởi cách gieo vần “ông” ở cuối câu thơ “bông”, “chồng”, “sông”…

- Lặp cấu trúc: thời gian

+ Em tìm thấy lá: nhấn mạnh hành trình nỗ lực kiếm tìm không mệt mỏi của nhân vật trữ tình.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Đánh giá vị trí của tác giả trong nền văn học Việt Nam.


Phân tích bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Cầm là một hồn thơ đậm chất Kinh Bắc, thơ ông giản dị, thân thuộc, ông nổi tiếng với các bài thơ về chủ đề đất nước, con người, và đặc biệt là về chủ đề tình yêu đôi lứa. Với thơ ca kháng chiến, Hoàng Cầm nổi tiếng với bài Bên kia sông Đuống, còn ở mang thơ về tình yêu đôi lứa, bạn đọc hẳn là biết đến Lá diêu bông nhiều nhất. Lá diêu bông là câu chuyện tình có thật của tác giả. Bài thơ mang đến cho độc giả cảm giác mới mẻ ở nghệ thuật, bên cạnh đó là cảm xúc về tình yêu mộng tưởng và sự đi tìm trong vô vọng một thứ viển vông, được hứa hẹn bởi ai đó.

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do đã giúp tác giả thể hiện tâm tư, tình cảm của mình một cách chân thành, xúc động mà không bị gò bó. Bài thơ bắt đầu với hình ảnh nhân vật trữ tình Chị trong trang phục ấn tượng:

Phân tích bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ

đi tìm

đồng chiều,

cuống rạ

Chị bảo:

- đứa nào tìm được Lá Diêu bông

Từ nay, Chị gọi là chồng”.

Nhân vật Chị được xuất hiện với dáng vẻ người gái quê Kinh Bắc qua trang phục váy Đình Bảng. Hình ảnh người Chị đi tìm “Lá” hay đi tìm tình yêu đích thực? Lá diêu bông – một biểu tượng xuyên suốt tác phẩm, nó dường như ám ảnh Chị và rồi qua lời thách đố vu vơ “đứa nào tìm được Lá Diêu bông/ Từ nay, Chị gọi là chồng” nó lại ám ảnh nhân vật trữ tình Em.

Em đi chiếc lá, lần đầu em tìm thấy lá, em vui mừng vì chiến thắng trò chơi, nào đâu chị lại “chau mày/ đâu phải lá Diêu Bông”. Em chẳng hề tụt chí, em vẫn đi tìm lá, em tìm lá vào những ngày đông, em vẫn tìm lá ngay cả khi chị lên xe hoa, cả khi chị đã thành mẹ của ba đứa con. Em vẫn nuôi hi vọng lá Diêu Bông em tìm cũng là chiếc là Chị ngày nào còn “thẩn thơ đi tìm” nơi “đồng chiều, cuống rạ”. Nhân vật trữ tình Em tìm lá trong hi vọng nhưng rồi cũng đành từ bỏ, chiếc lá em tìm “Xòa tay phủ mặt Chị không nhìn”. Nhưng em chẳng vứt được chiếc lá, em mang lá “đi đầu non cuối bể” trong lời thì thầm buồn thương, tuyệt vọng “Diêu Bông hỡi… ới Diêu Bông”.

Lá diêu bông dường như là sợi dây liên kết duy nhất của hai nhân vật Chị và Em. Hình ảnh hai nhân vật hiện lên hoàn toàn khác nhau qua bốn lần nhận lá. Lần đầu là vui mừng của người chiến thắng, những lần sau là sự khấp khởi hi vọng. Chị đố lá để tìm tình yêu, Em kiếm lá cũng để tìm tình yêu nhưng hai hành trình kiếm tìm tình yêu của hai chị em lại chỉ như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp thấy điểm chung. Trò chơi đố lá bỗng trở nên nghiệt ngã. Trong mối tương quan với nhân vật trữ tình, bốn lần Em tìm thấy lá với các sắc điệu cảm xúc khác nhau thì cảm xúc của Chị cũng ngày một hiện ra rõ nét hơn: Từ “chau mày” không chấp nhận chiếc lá đầu tiên em tìm là lá Diêu Bông, “lắc đầu” thẫn thờ “trông nắng vãn bên sông”, cười gượng gạo “xe chỉ ấn trôn kim” đến đau khổ “xòe tay phủ mặt Chị không nhìn”. Mỗi lần em tìm thấy là mỗi lần nỗi buồn chị lại tăng lên. Chị mượn hình ảnh lá Diêu Bông đố em đi tìm nhưng nào đâu có chiếc lá đó. Trò chơi tìm lá hay phải chăng là lời chối từ ý nhị của Chị khi biết em có tình cảm với mình, hay là nỗi đau của Chị khi không thể vượt qua được những rào cản, định kiến của xã hội. Tất cả đều mông lung trong thế giới huyền ảo của nhân vật trữ tình cũng là những hồi ức quá vãng của tác giả.

Lá diêu bông là một tình yêu tuyệt vọng và ẩn chứa cả hi vọng nữa. “Lá” vừa thể hiện sự thách đố tình yêu, vừa thể hiện một khát vọng đi tìm tình yêu, hạnh phúc. Lá Diêu Bông là biểu tượng rất quan trọng của bài thơ cũng như của nhân vật trữ tình. Đây không chỉ là sợi chỉ gắn kết mọi sự việc, mọi mối quan hệ, mọi nhân vật vào trong một câu chuyện tình buồn. Nó còn là một biểu tượng đa nghĩa, biểu trưng cho mối tình hư ảo, lá bùa tình yêu… và cũng biểu trưng cho cái Đẹp.

Lá Diêu Bông được làm theo thể thơ tự do, không gò bó luật lệ, số lượng âm tiết từng dòng không cố định, dài ngắn khác nhau. Trong bài thơ Lá Diêu Bông còn xuất hiện nhiều khoảng trống, dấu lặng từ sự xuống dòng đột ngột, xé câu, tạo hình thang câu chữ, hay của sự vô ngôn, lời nói bị hãm đột ngột và dấu … của sự im lặng. Bài thơ rất khéo léo trong việc tạo ra một kết cấu đặc biệt. Với thể thơ tự do phóng túng, tác giả sắp đặt hai lăm câu thơ dài ngắn khác nhau thành ba phần. Phần đầu gồm bảy câu thơ, là lời thách đố của Chị đồng thời cũng là khởi nguồn cho câu chuyện của nhân vật trữ tình. Mười hai câu thơ tiếp theo là hành trình song hành của hai chị em còn sáu câu thơ cuối cùng là dư âm của em. Chị mở đầu câu chuyện, Em kết thúc câu chuyện và xuyên suốt từ đầu đến cuối là hình ảnh lá Diêu Bông. Đến đây người đọc thấy nhân vật trữ tình đã một lần nữa dùng hình ảnh lá Diêu Bông làm vĩ thanh cho câu chuyện tình của mình. Lá Diêu Bông thành nỗi ám ảnh cho Em, trong cái ngẩn ngơ, khắc khoải, da diết. Sáu câu thơ đã khép lại bài thơ nhưng chuyện tình của nhân vật Em thì dường như chưa kết thúc. Lá Diêu Bông ám ảnh nhân vật trữ tình hay ám ảnh bạn đọc về hình ảnh một chàng thi sĩ không biết từ bao giờ cứ cầm chiếc lá như giữ bên mình kỉ niệm tuổi thơ, về hình bóng Chị xưa… để đi khắp mọi miền đất nước.

Bài thơ Lá Diêu Bông còn giàu tính nhạc bởi cách tổ chức nhịp điệu như hiệp các vần “ông”, “im” giữa các câu “võng… chồng… Bông…sông”, “tìm… kim… nhìn” ; điệp cấu trúc “thời gian… em tìm thấy lá”, cấu trúc ngữ pháp lặp lại bốn lần đã nhấn mạnh hành trình nỗ lực kiếm tìm không mệt mỏi của nhân vật trữ tình. Các vần “im”, “ông” đều tạo ra các âm tiết khép tạo cảm giác bế tắc của nhân vật trữ tình và phụ âm vang “m” còn góp thêm tính mênh mang, da diết cho xúc cảm của nhân vật. 

Bài thơ Lá Diêu Bông là một câu chuyện tình vừa thực lại vừa huyền ảo của Hoàng Cầm, bài thơ mang âm hưởng dân ca Quan họ, vô cùng du dương, tha thiết với câu chuyện tình yêu vừa hi vọng lại vừa tuyệt vọng của hai nhận vật trữ tình Chị Và Em, đó là niềm khao khát tìm kiếm tình yêu đích thực, chân thành nhưng không thành. Bài thơ Lá Diêu Bông cùng những sáng tác khác của Hoàng Cầm, với những tìm tòi cách tân về nghệ thuật những vẫn giữ cho riêng mình một vốn ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng Kinh Bắc, độc đáo, tài hóa, giọng thơ trũ tình, mượn mà của ông đã ghi dấu ấn trong lòng bao thế hệ độc giả, đồng thời cũng khẳng định vị trí, tầm ảnh hưởng của nhà thơ trong nền văn học Việt Nam.

icon-date
Xuất bản : 01/04/2024 - Cập nhật : 01/04/2024