logo

Phân tích Tự thuật bài 9

Chùm các bài thơ Tự thuật trong tập thơ nôm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có thể xếp vào những tác phẩm thơ ca trung đại hay nhất thế kỷ 15. Trước thời kỳ đó cho đến Nguyễn Trãi với tập thơ này đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của thơ ca trung đại Việt Nam. Hãy cùng Phân tích Tự thuật bài 9 trong tập thơ này của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ điều này.


Dàn ý phân tích Tự thuật bài 9

1, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ và tác giả, hoàn cảnh sáng tác.

- Khái quát cảm hứng chủ đạo bài thơ, đánh giá chung về bài thơ.

2, Thân bài

- Hai  câu đề: mở ra đề tài đúc kết hiện thực cuộc đời: trên đời này có nhiều chuyện khóc cười.

- Hai câu thực: mở rộng thêm đề tài sáng tác, nâng cao nội dung tư tưởng của bài thơ.  Nhà thơ khẳng định lòng người trong nhân tình, thế thái này chung một nỗi hiểm ác, khó lường.

- Hai câu luận: khái quát được sự thực đau xót trong cuộc đời.

- Hai câu kết: suy nghĩ, trăn trở của tác giả.

=> Đánh giá chung về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của bài thơ:

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của tác phẩm.

- Liên hệ, mở rộng bản thân.

- Đánh giá tài năng của tác giả Nguyễn Trãi.


Phân tích Tự thuật bài 9

      Nhắc đến Nguyễn Trãi hẳn người đọc đều nhớ ngay đến một cuộc đời thơ ca vẻ vang nhưng cùng đầy bi kịch. Cả một đời sống và cống hiến cho dân tộc, Nguyễn Trãi luôn là tấm gương sáng chói về ý chí, nghị lực và phẩm chất đẹp đẽ để thế hệ chúng ta noi theo. Với bài thơ Tự thuật bài 9 nằm trong tập Quốc âm thi tập chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cốt cách, con người của vị đại thi hào dân tộc này. 

Phân tích Tự thuật bài 9

      Tự thuật được sáng tác thời kỳ Nguyễn Trãi cáo quan về quê ở ẩn tại quê  nhà Côn Sơn. Tập thơ này có nhiều bài như Tự thuật bài 1, bài 2, bài 3…Tự thuật bài 9 cũng nằm trong mạch cảm hứng sáng tác chung của các bài thơ trong chùm thơ tự thuật: tập trung khai thác cuộc sống nơi quê nhà của nhà thơ, những trăn trở về thế sự, cuộc đời, nỗi niềm đau đáu vì không thể tiếp tục phò vua, giúp nước…

      Tự thuật bài 9 được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật, tuân thủ khá nghiêm ngặt các quy tắc về niêm, luật, đối chuẩn chỉnh giữa các câu thơ. Không có sự phá cách về luật thơ, chủ yếu là sự khai thác ở đề tài, chất liệu dân gian, điều đó cũng cho thấy sự tìm tòi cố gắng của Nguyễn Trãi để mang đến làn gió mới cho thơ ca trung đại truyền thống.

      Hai câu thơ đầu tiên, hai câu đề có tác dụng mở ra đề tài nội dung của bài thơ:

Ở thế nhiều phen thấy khóc cười,

Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.

      Bằng kinh nghiệm của một người đã ngoài 40 tuổi, với nhiều năm lăn lộn quan trường Nguyễn Trãi đã đúc kết hiện thực cuộc đời: trên đời này có nhiều chuyện khóc cười, nhiều thứ chướng tai gai mắt, trắng đen lẫn lộn, xã hội này cũng đảo điên lắm chuyện, và nhà thơ hiểu rõ hơn điều đó.

Lòng người một sự yêm chưng một,

Đèn khách mười thu lạnh hết mười.

      Hai câu thực mở rộng thêm đề tài sáng tác, nâng cao nội dung tư tưởng của bài thơ.  Nhà thơ khẳng định lòng người trong nhân tình, thế thái này chung một nỗi hiểm ác, khó lường. Chính điều đó khiến Nguyễn Trãi cảm thấy lạnh lẽo, ghê sợ vì sự hiểm ác đó. Lăn lộn trên chốn quan trường nhiều năm, trực tiếp đứng ra phò vua giúp nước từ những ngày đầu gian khổ, cho đến khi huy hoàng, tươi sáng, hơn ai hết, Nguyễn Trãi là người hiểu rõ thế sự như thế nào. Với bản tính trong sạch, cốt cách thanh cao của một vị quan mẫu mực, Nguyễn Trãi quyết không thể sống chung với bè lũ quan lại nịnh vua, lòng luôn toan tính thiệt hơn, tính kế hại người. Thế nên ông mới quyết định cáo quan về quê khi đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp. Câu thơ “Đèn khách mười thu lạnh hết mười” đã tố cáo và phơi bày hiện thực đến chua xót, cả 10 năm trôi qua thì lạnh lẽo cả 10 vì lòng người không thay đổi, vẫn hiểm ác, toan tính như nhau.

Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng,

Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.

      Hai câu luận tiếp tục bàn luận mở rộng thêm vấn đề, nó đã khái quát được sự thực đau xót trong cuộc đời. Phép đối khá chuẩn chỉnh trong hai câu thơ: Phượng>< Hoa; những tiếc cao >< thì hay héo; diều hãy liệng >< cỏ thường tươi; trong từng câu thơ: phượng >< diều; hoa >< cỏ; tiếc cao >< liệng; héo >< tươi có tác dụng làm tăng sức gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo sự cân đối và hài hòa cho lời thơ đồng thời nhấn mạnh nghịch cảnh éo le của xã hội: Những thứ xấu xa như “diều quạ”, “cỏ dại” thì thường được ngang nhiên lộng hành “liệng’, “tươi”; còn những thứ tốt đẹp thì thường bị vùi dập, chà đạp không thương tiếc “héo”, “tiếc cao”. Phép ẩn dụ tinh tế trong hai câu thơ đã thể hiện sự chua chát, ngầm phê phán đầy ẩn ý sự đời bạc bẽo trong xã hội. Qua đó thể hiện thái độ đánh giá của nhà thơ trước cuộc đời.

Phân tích Tự thuật bài 9 ảnh 2

Chính vì ông đau xót, chua chát với hoàn cảnh thực tại trắng đen, thật giả lẫn lộn nên ông mới kết luận rằng:

Ai ai đều có hai con mắt,

Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.

      Có một sự thật hiển nhiên trong cuộc đời là ai cũng có hai con mắt để nhìn cuộc đời, thấu rõ được thế sự. Song nhìn cuộc đời với thái độ trân trọng quý mến như màu xanh; hoặc nhìn cuộc đời với thái độ khinh ghét, coi thường như mắt bạc trắng thì còn phụ thuộc vào “mặt chúng ngươi” tức là phụ thuộc vào từng người. Câu thơ khái quát chân lý hiển nhiên của cuộc đời và cũng như ngầm nhắc nhở, cảnh báo con người trong cuộc đời: phải sống làm sao cho thật tử tế, tốt đời, đẹp đạo để đẹp đẽ trong mắt người khác, để nhận được sự yêu thương, tôn trọng. Chớ đừng lừa lọc dối trá sẽ không bao giờ nhận được những điều tốt đẹp.

      Thông qua bài thơ này chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của nhân cách cao đẹp Nguyễn Trãi. Dù trong hoàn cảnh nào Nguyễn Trãi cũng hướng sự quan sát đến xã hội và nhân tình thế thái, luôn trăn trở và ưu tư về cuộc đời, tình người… Đó là vẻ đẹp của cốt cách con người nhà thơ.

------------------------------------

Bài viết trên đây của Toploigiai với nội dung Phân tích Tự thuật bài 9 giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời và nhân cách cao đẹp của nhà thơ Nguyễn Trãi. Chúc các bạn học tập tốt! 

icon-date
Xuất bản : 14/05/2023 - Cập nhật : 21/08/2023