logo

Phân tích bài thơ “Một giờ và mười phút“ của Phạm Tiến Duật

Chiến tranh gian khổ đã qua đi, nhưng tình yêu thương được nhen nhóm lên giữa thời khắc gian khổ lại là những gì tinh túy và trường tồn nhất. Cùng Toploigiai Phân tích bài thơ  "Một giờ và mười phút" của Phạm Tiến Duật, để thấy được mối lương duyên đẹp giữa cô giáo trẻ và anh bộ đội cụ Hồ. 


Dàn ý Phân tích bài thơ “ Một giờ và mười phút “ của Phạm Tiến Duật 

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm 

- Khái quát nội dung chính của bài thơ: Tình cảm cùng sự gắn bó khăng khít ở hai đầu trận địa của Tổ quốc. 

II. Thân bài 

- Phân tích ý nghĩa nhan đề: “ Một giờ và mười phút “ 

+ Đây là một nhan đề hay và độc đáo 
+ Vừa là thời gian nghỉ ngơi của cô giáo sau mỗi một tiết học, vừa là thời gian nghỉ ngơi của người lính sau một giờ hành quân. 

=> Sự gắn bó khăng khít, sợi dây vô hình kết nối tình cảm cao đẹp. 

- Phân tích nội dung bài thơ:

+ Mạch cảm xúc được khởi nguồn từ “ nỗi nhớ “. 

+ Sự tương quan tinh tế qua từng chi tiết: họ luôn song hành cùng nhau tại một thời điểm, dù không cùng một bầu không gian. 

+ Chi tiết tấm bảng đen và tấm bảng đêm: cùng vẽ lên tương lai hi vọng tươi sáng 

=> Tình cảm lứa đôi hòa quyện chung vào tình yêu đất nước, trở thành thứ vũ khí sắc bén thiêng liêng. 

- Phân tích nghệ thuật bài thơ: 

+ Điệp từ: “ chẳng phải “, “ mười phút “ : tài năng sử dụng từ ngữ linh hoạt tài tình 

+ Kết cấu sử dụng hình ảnh với tính chất song hành: tái hiện trước mắt ta song song hình ảnh của người lính và cô giáo trẻ. 

+ Gieo vần linh hoạt, nhịp thơ nhẹ nhàng, tươi sáng tràn đầy sức trẻ. 

=> Phong cách cá nhân của Phạm Tiến Duật: Người mang chân dung của thời đại. 

III. Kết bài: 

- Ca ngợi tài năng của Phạm Tiến Duật, cùng cái hay của bài thơ “ Một giờ và mười phút “. 

- Bài học về tinh thần lạc quan cùng ý chí kiên cường của quân dân ta. 


 Phân tích bài thơ “ Một giờ và mười phút “ của Phạm Tiến Duật 

     " Thoạt đọc, thấy những câu thơ trên rất gần văn xuôi, rất gần với một câu chuyện kể và nhiều người rất dễ bỏ qua. Nhưng đọc kỹ, mới thấy ở trong chúng, hàm lượng và giá trị tư tưởng rất cao. “ - Lúc sinh thời, Phạm Tiến Duật đã từng nhận định như thế, về những tác phẩm mình đã viết trên đời. Mang phong cách thời đại hòa cùng với cái đẹp của thơ trữ tình, ông đã mang “ Một giờ và mười phút “ trở thành sáng tác tiêu biểu của thời đại, mang vẻ đẹp cuốn hút cùng giá trị tinh thần. 

Phân tích bài thơ “ Một giờ và mười phút “ của Phạm Tiến Duật

     Đó là bài thơ với ngôn từ giản dị, kể về mối lương duyên đẹp nảy nở giữa cô giáo trẻ và anh bộ đội cụ Hồ, trong cái thời đất nước còn khó khăn loạn lạc. Ấy là thứ tình cảm rất giản dị chân thành, được tái hiện qua lời thơ nhẹ nhàng mà tha thiết, bắt nguồn từ nỗi nhớ không tên: 

" Cứ một giờ lại nghỉ mười phút

Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay

Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày

Cứ một giờ lại nghỉ mười phút “

     Ngay từ nhan đề, ta đã thấy đây là một cái tên rất lạ. Phạm Tiến Duật đã chọn lựa cụm từ “ Một giờ và mười phút”, khiến ta tự hỏi liệu khoảng thời gian đó ẩn chứa điều gì? Khi tìm hiểu sâu hơn một chút, ta chợt cười phá lên trước cái logic của Phạm Tiến Duật. “ Một giờ và mười phút “ - ấy vừa là  thời gian nghỉ ngơi của cô giáo sau mỗi một tiết học, vừa là thời gian nghỉ ngơi của người lính sau một giờ hành quân. Ngay từ cái nhan đề, hình ảnh cô giáo trẻ và anh bộ đội cụ Hồ đã được đặt song song, và song hành. Chẳng biết được, mối lương duyên ấy được nhen nhóm lên từ bao giờ?  Chỉ biết rằng khi đọc những lời thơ ấy, cảm xúc trong ta như lặng đi, bởi những vần thơ đẹp đến nao lòng. 

" Lúc em ngồi với học sinh là lúc

Anh đứng đỉnh đèo gió thổi mênh mông

Giấy bạc thuốc lá để lại đầy phòng

Khi em cắt làm hoa cho học sinh đem múa

Là khi anh đi những nơi bom nổ

Nào sắt nào nhôm phơi bạc vùng rừng "

Phân tích bài thơ “ Một giờ và mười phút “ của Phạm Tiến Duật

     Cô giáo trẻ và người lính vốn ở hai đầu chiến tuyến, nhưng dường như lúc nào họ cũng luôn song hành cùng với nhau. Đó là sự tương đồng nhỏ bé nhưng rất đặc biệt của “ nghỉ mười phút sau một giờ “, là lúc anh đứng trên đỉnh đèo gió thổi mênh mông - nhớ về cô giáo nhỏ cần mẫn đang dạy học. Là khi em biến giấy bạc thuốc lá vô tri thành những cánh hoa xinh xắn, và biến cái lạnh lùng nhạt nhẽo của con người anh trở nên sống động và có hồn, trở thành người lính “ hào hùng và hào hoa “ thời chinh chiến. Thực kỳ diệu khi đang ở hai đầu nỗi nhớ, họ vẫn luôn luôn hướng về nhau. 

" Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu

Giữa năm tháng hào hùng và biến động

Em của anh, quanh ta là cuộc sống

Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu "

     Thật vậy, chẳng điều gì cũng lặp lại nhau đâu. Điệp ngữ cùng lời thơ da diết đã biểu trưng cho cái “ tôi “ trong nghệ thuật của Phạm Tiến Duật. Ấy là cái tôi :” hào hoa”, tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng. Khi em cầm phấn trắng vẽ lên tấm bảng đen, cũng là lúc anh ở chiến tuyến vẽ lên màn đêm một vệt đường đạn. Cái điểm chung tài tình, rằng đây đều là ánh sáng nhỏ bé được lóe lên từ màn đêm, là biểu trưng cho tương lai rực sáng cùng khát vọng. Cô giáo ở hậu phương miệt mài dạy con chữ, anh vững bước cầm súng nơi chiến trường, đều là để hướng về Tổ quốc độc lập cùng tương lai tươi sáng. 

" Mười phút cho chung hay mười phút cho riêng

Mà lúc nhớ nhau lại nghĩ về đất nước

Ngày thắng giặc đang tới gần phía trước

Tình yêu nào không nhắc đến ngày mai "

     Giữa cuộc đời dài rộng, ta có thể không được song hành cùng nhau. Thế nhưng, hoàn cảnh không thể nào chia cắt được nghị lực và quyết tâm của họ, cùng chung suy nghĩ hướng về đất nước, cùng mang cái riêng hướng về cái chung, về ngày mai tươi sáng. 

     Đó là cái hay trong thơ Phạm Tiến Duật, biểu trưng cho tình yêu giản dị giữa mưa bom bão đạn nơi chiến trường. Khép lại bài thơ, bồi hồi trong ta vẫn là một tình yêu đẹp, xuyên không gian và thời gian, vượt qua mưa bom bão đạn khốc liệt của đời thường của anh bộ đội và cô giáo trẻ. “ Một giờ và mười phút “ - liệu ở đâu ta mới lại thấy được mối tương giao nhẹ nhàng, lãng mạn mà lại hào hùng như thế, nếu không phải qua sáng tác của Phạm Tiến Duật trên đây? 

-------------------------------------------------

Bài viết vừa rồi của Toploigiai đã Phân tích bài thơ "Một giờ và mười phút" của Phạm Tiến Duật, qua đó cho ta thấy được mối lương duyên đẹp giữa cô giáo trẻ và anh bộ đội cụ Hồ. Chúc các bạn học tập tốt! 

icon-date
Xuất bản : 11/05/2023 - Cập nhật : 15/08/2023