logo

Phân tích nhân vật cô Thảo và chủ đề của truyện ngắn Quê mẹ

Truyện ngắn Quê mẹ (1941) là một trong những tác phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn nghệ thuật của Thanh Tịnh. Đến với tác phẩm này, người đọc có thể chiêm nghiệm ra nhiều khía cạnh sâu sắc trong cuộc sống, và cụ thể trong văn học, với nhân vật cô Thảo và chủ đề của truyện


Dàn ý Phân tích nhân vật cô Thảo và chủ đề của truyện ngắn Quê mẹ

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Thanh Tịnh tên khai sinh là Trần Văn Ninh, sinh ra ở ngoại ô thành phố Huế.

- Giới thiệu tác phẩm: Truyện ngắn Quê mẹ (1941) là một trong những tác phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn nghệ thuật của Thanh Tịnh. 

II. Thân bài

- Tóm tắt truyện ngắn: Câu chuyện kể về cuộc sống của cặp vợ chồng anh Vận và cô Thảo với tình huống truyện là một lần cô Thảo muốn xin về quê mẹ để làm giỗ ông.

- Phân tích chủ đề của truyện ngắn: Quê mẹ là nơi mà ta được sinh ra và lớn lên, là nơi mà ta thuộc về, là nơi để ta nhớ về khi phải đi xa, khi gặp phải khó khăn, vấp ngã trên đường đời; là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người con dù đang ở trên đất mẹ hay đang xa xứ phương xa.

- Phân tích nhân vật cô Thảo:  là hình ảnh của một phụ nữ gia đình điển hình; là người con gái lấy chồng xa quê.

III. Kết bài

- Kết luận: Với tác phẩm này, Thanh Tịnh đã thành công hoàn thành thiên chức của người nghệ sĩ chân chính đó là có “cá tính sáng tạo, đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại”
- Nêu cảm nghĩ/Liên hệ bản thân: Là một độc giả, và trên hết là một người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn tác giả đã mang đến cho độc giả một áng văn sâu sắc và ý nghĩa.


Phân tích nhân vật cô Thảo và chủ đề của truyện ngắn Quê mẹ

Tác giả Thanh Tịnh tên khai sinh là Trần Văn Ninh, sinh ra ở ngoại ô thành phố Huế. Ông là một nhà thơ và nhà văn Việt Nam thời tiền chiến. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị như tập thơ Hận chiến trường, bài thơ Mòn mỏi và Tơ trời với tơ lòng,... Truyện ngắn Quê mẹ (1941) là một trong những tác phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn nghệ thuật của Thanh Tịnh. Đến với tác phẩm này, người đọc có thể chiêm nghiệm ra nhiều khía cạnh sâu sắc trong cuộc sống, và cụ thể trong văn học, với nhân vật cô Thảo và chủ đề của truyện, tác phẩm đã thay mặt tác giả Thanh Tịnh mang đến nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Khi đến với truyện ngắn Quê mẹ của tác giả Thanh Tịnh là ta đang tìm hiểu về một đề tài không quá xa lạ, nhưng với giọng văn đặc trưng nhẹ nhàng, êm dịu, mộc mạc mà sâu lắng, độc giả không hề cảm thấy tác phẩm của ông có điểm nào nhạt nhòa mà để lại một ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Chủ đề của câu chuyện này đã gợi lên trong lòng độc giả nhiều suy nghĩ. Đó là những suy ngẫm, chiêm nghiệm về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi mà gia đình dòng họ đời đời làm ăn sinh sống và có mối liên hệ gắn bộ ruột thịt thân thương với mỗi người. Quê mẹ là nơi mà ta được sinh ra và lớn lên, là nơi mà ta thuộc về, nơi lưu giữ kỉ niệm tuổi thơ, là nơi để ta nhớ về khi phải đi xa, khi gặp phải khó khăn, vấp ngã trên đường đời. Quê mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người con dù đang ở trên đất mẹ hay đang xa xứ phương xa nghĩ về những lúc yếu lòng nhất. Ta có thể thấy rõ điều đó khi bắt gặp lời đề từ của truyện là câu ca dao quen thuộc “Chiều chiều ra đứng cửa sau/Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” nói lên nỗi niềm và tâm trạng sầu tủi của người con gái lấy chồng xa quê ngày ngày mong ngóng về quê nhà.

Mở đầu tác phẩm, tác giả Thanh Tịnh đã mở ra trước mắt người đọc chúng ta một cuộc sống đơn giản nhưng hạnh phúc của người dân nông thôn Việt Nam. Câu chuyện kể về cuộc sống của cặp vợ chồng anh Vận “làm hương thơ trong làng” với mức tiền lương ít ỏi và cô Thảo đậm chất người phụ nữ Việt Nam hiền lành tần tảo, với tình huống truyện là một lần cô Thảo muốn xin về quê mẹ để làm giỗ ông. Từ tình huống truyện này đã khắc họa nhiều chi tiết đắt giá gắn liền với tâm trạng, cử chỉ và hành động của cô Thảo. Từ cái hôm trước khi về giỗ ông, khi đợi mãi mà chẳng thấy chồng lên tiếng nhắc đến, “cô phải mượn đến chuyện cây thanh trà để nhắc xa xôi cho chồng nhớ”. Khi nhận được sự đồng ý từ chồng và mẹ chồng, đặc biệt là khi nhận lấy một hào xu từ mẹ chồng, cô “đưa hai tay nhận tiền tỏ ra vẻ sung sướng lắm”. Tối hôm ấy, dù không đi ngủ sớm nhưng cô Thảo “sắm sửa đi về làng” từ khi trời còn “tờ mờ sáng”, rồi khi về đến làng, “lòng cô lúc ấy nhẹ nhàng và vui sướng lắm”, có lẽ là vì lâu rồi cô mới được về quê nhà, được đắm mình trong bầu không khí của quê mẹ thân yêu, và trong trí nhớ cô hiện lên nhiều kỷ niệm. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh và câu từ tươi sáng và tràn ngập hạnh phúc để miêu tả Thảo và quê hương thân thương của cô. Từng chi tiết nhỏ như những “con đường mòn chạy nấp theo bờ ruộng, hình ảnh cô Thu, cô Nguyệt, cô Hương,..” đã được tác giả miêu tả một cách tinh tế và tình cảm nhất. Những hình ảnh này đã tạo nên một bức tranh sống động về quê hương trong ký ức của cô Thảo và tình yêu mà to lớn mà cô dành cho nơi mình sinh ra và lớn lên. 

Phân tích nhân vật cô Thảo và chủ đề của truyện ngắn Quê mẹ

Khi đã về đến nhà mẹ vào trưa hôm ấy, “Cô Thảo xoa đầu đứa này đỡ cằm đứa khác, nụ cười trên môi cô không khi nào tắt… Cô chạy lại đứng bên mẹ cảm động quá đến rưng rưng nước mắt”. Và rồi đến lúc trở lại nhà chồng, ta nhận thấy rõ ràng sự khác biệt so với ở nhà mẹ khi “cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn”. Bên cạnh đó, tác phẩm này còn phần nào cho thấy được sự mâu thuẫn nội tâm của cô Thảo, khắc họa chân thật suy nghĩ của nhiều người khác trong hoàn cảnh giống như cô. Dù yêu quê mẹ tha thiết, cô Thảo cũng có những suy nghĩ và mong muốn của riêng mình. Cô mong muốn được trải nghiệm cuộc sống ở thành phố, khám phá những điều mới mẻ và phát triển bản thân. Chính điều này đã cho thấy được chiều sâu và sự phức tạp của nhân vật Thảo.

Có thể nói, nhân vật cô Thảo hiện lên dưới ngòi bút Thanh Tịnh là hình ảnh của một phụ nữ gia đình điển hình. Cô là người “ít hay chữ” theo lời của chồng nhận xét, nhưng trái tim cô lại trĩu nặng tình cảm với quê hương, gia đình. Không chỉ thế, cô là con dâu chăm chỉ luôn biết giữ gìn nề nếp, phụ giúp gia đình chồng; cô còn là “cô gái có chồng về nhà mẹ” luôn nở nụ cười với hàng xóm, với những đứa em thơ, sẵn sàng tiêu hết “cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm” cho gia đình mình. Hình ảnh cô Thảo là bóng dáng chung, chân thật nhất của những người con gái lấy chồng xa quê. Thông qua hình ảnh cô Thảo, tác giả Thanh Tịnh đã nhấn mạnh tình yêu quê hương, tình người mộc mạc chân thành và đưa người đọc đến với một làng quê miền Trung với những vẻ đẹp thanh bình, êm ả, nhưng cũng không hiếm những cảnh đời khổ đau, ngang trái.

Thạch Lam đã nhận xét rằng ở Thanh Tịnh rằng “truyện ngắn nào hay đều có chất thơ và bài thơ nào hay đều có cốt truyện”. Điều ấy quả thật không sai. Tác phẩm Quê mẹ thấm đượm tình quê hương, tình người, từng trang viết của ông đều mang theo hương vị làng quê, một làng quê miền Trung với những vẻ đẹp thanh bình, êm ả nhưng cũng không hiếm những cảnh đời khổ đau, ngang trái khó có thể diễn tả bằng lời. Với tác phẩm đặc sắc này, Thanh Tịnh đã thành công hoàn thành thiên chức của một người nghệ sĩ là viết nên một tác phẩm vượt lên được sự băng hoại của thời gian tàn nhẫn để sống mãi với lịch sử văn học. Là một độc giả, và trên hết là một người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn tác giả đã mang đến cho độc giả một áng văn sâu sắc và ý nghĩa. Những giá trị của tác phẩm chắc chắn sẽ còn lưu lại đến các thế hệ mai sau.

icon-date
Xuất bản : 16/04/2024 - Cập nhật : 16/04/2024