logo

Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

Bài thơ Hoàng Hạc lâu miêu tả lầu Hoàng Hạc cùng với sự hoài vọng vẻ đẹp xưa và nỗi sầu trĩu nặng của những con người tha hương. Để hiểu rõ hơn về bài thơ, cùng đến với bài Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu sau đây nhé!


Dàn ý Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Thôi Hiệu là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, ông sống vào thời Đường. Thơ của Thôi Hiệu để lại không nhiều, nhưng với số ít bài thơ ấy cũng đủ khiến ông lưu danh muôn thuở.

- Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc) là một trong những bài thơ hay nhất của Thôi Hiệu và được đánh giá là kiệt tác thơ luật bảy chữ đời Đường.

2. Thân bài

a) Nội dung: 

=> Bốn câu thơ đầu là cảnh vật, tâm trạng của quá khứ. Bốn câu sau là cảnh vật tâm trạng của thực tại. Cả hai phần liên kết với nhau bởi dự cảm thiên tài về cái đẹp phôi pha, cái đẹp không còn trong thực tại và nỗi cô đơn muôn thuở mà con người không tránh khỏi trên thế gian rộng lớn này.

* Hai câu đề: Nêu lên cảm nhận khái quát về con người và lầu Hoàng Hạc. Lầu Hoàng Hạc thì còn đây, có xác mà như không có hồn, trơ trọi, cô đơn.

* Hai câu thực: Giải thích rõ hơn về sự mất – còn của con người và thiên nhiên, triết lý về sự vô hạn và hữu hạn của trời đất, nhân sinh.

* Hai câu luận: Mở rộng thêm không gian quanh lầu Hoàng Hạc. Một không gian thoáng đáng, xanh tươi với hàng cây soi bóng, với bãi cỏ mơn mởn xanh.

* Hai câu kết: Nỗi xót xa của tác giả trước vẻ đẹp đã không còn trọn vẹn của lầu Hoàng Hạc, cảnh vẫn đẹp nhưng người xưa đã không còn. Đồng thời hai câu thơ cũng là nhớ thương quê nhà của nhà thơ.

b) Nghệ thuật

* Lặp từ: hoàng hạc

- Tác giả lặp lại ba lần từ “hoàng hạc”: Hoàng hạc nhằm chỉ giống “linh cầm” – chim thiêng vốn được thờ trong các đền miếu, tượng trưng cho những điều quý giá, đẹp đẽ nhưng nay đã còn. Việc nhắc lại nhiều lần như vậy làm nổi bật tâm trạng của con người trước sự tàn phai của cái đẹp, cái đẹp đã không còn trọn vẹn.

* Các từ láy: du du, lịch lịch, thê thê

- Tạo nên âm hưởng trang trọng, mênh mông, vĩnh hằng. 

* Từ ngữ chỉ màu sắc: hạc vàng, mây trắng, cỏ xanh, màu hoàng hôn, màu khói sóng.

=> Bài thơ như một bức tranh nhiều màu sắc, thiên về những gam màu nhẹ, buồn, dễ gợi tình thi nhân cũng như tình độc giả, khiến cho bài thơ mang màu sắc hư ảo.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung – nghệ thuật của tác phẩm.


Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

Thôi Hiệu (704 – 754) là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng vào thời Thịnh Đường. Nhà thơ có tính tình phóng khoáng, lãng mạn, thường đi chu du nhiều miền rồi tòng quân nơi biên tái nên thơ ông chuyển dần từ phong cách phù diễm (đẹp nhưng không sầu) thời trẻ sang khảng khái, hùng hồn. Số lượng tác phẩm ông để lại không nhiều, nhưng với số ít bài thơ ấy cũng đủ khiến ông lưu danh muôn thuở. Trong Toàn đường thi tập có một tập thơ gồm 48 bài của Thôi Hiệu, trong đó nổi tiếng nhất là Hoàng Hạc Lâu. Cũng giống như các bài thơ Đường trác tuyệt khác, Thôi Hiệu cũng miêu tả thiên nhiên để kí thác nỗi lòng, nhà thơ miêu tả lầu Hoàng Hạc qua đó gửi gắm sự hoài vọng vẻ đẹp xưa và nỗi sầu trĩu nặng của những con người tha hương.

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khư,

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương tảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

Trong một lần đến thăm lầu Hoàng Hạc, cảnh đẹp nơi đây đã khiến tác giả xúc động, lại cảm khoái trước nhân thế hiện tại và hoài niệm thần tiên quá khứ mà Thôi Hiệu đã viết nên bài thơ. Lầu Hoàng Hạc là một địa danh có thật của Trung Quốc. Gắn với lầu Hoàng Hạc là hai sự tích. Một là, tương truyền có Tử An là người của cõi tiên đã cưỡi hạc vàng đến nơi này. Truyền thuyết thứ hai, phổ biến hơn, là từ một mỏm núi bên sông Trường Giang (về sau gọi là mỏm Hoàng Hạc Cơ), Phí Văn Vi đã cưỡi hạc vàng bay lên cõi tiên. Lầu Hoàng Hạc là do người đời sau dựng lên đển kỉ niệm sự tích ấy. Ở Việt Nam, hai bản dịch thành công nhất là của Tản Đà và Khương Hữu Dụng. Cả hai đều sát nghĩa nguyên tác. 

Hai câu đề của bài thơ là cảm nhận của Thôi Hiệu về con người và lầu Hoàng Hạc. Lầu Hoàng Hạc thì còn đây, có xác mà như không còn hồn, trơ trọi, cô đơn. Tích nhân (người xưa) nhằm chỉ người tu tiên đạt đạo. Hoàng hạc nhằm chỉ giống “linh cầm” – chim thiêng vốn được thờ trong các đền miếu. Nơi chim hạc sống, tiên ở, ấy là chốn thần tiên của nhân gian. Chốn ấy tượng trưng cho vẻ đẹp hạnh phúc mà con người mơ ước, tôn thờ. Vậy mà cả người tiên và chim thiêng không còn nữa. Cả hai đều đã ra đi từ lâu rồi. Câu thơ là toàn bộ cảm thức xót xa vì cái đẹp không ở lại.

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khư,

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

Nhà thơ đã kể lại một tích xưa gắn với lầu Hoàng Hạc (câu một) và chỉ ra một sự thật phũ phàng (câu hai): cái còn lại chỉ là kí ức về vẻ đẹp thần tiên ấy. Đến hai câu thực, Thôi Hiệu gửi vào đó quan niệm của mình về cái đẹp, về sự mất – còn của thiên nhiên, nhân sinh.

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Thôi Hiệu quan niệm rằng cõi thần tiên đã không còn, đấy chỉ là kí ức về cõi thần tiên. Câu thơ “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản”, câu thơ bảy chữ nhưng có đến sáu thanh trắc nhằm khẳng định chân lý vĩnh hằng: một đi không trở lại. Cái đẹp trong mắt Thôi Hiệu có tồn tại nhưng rồi cùng sẽ tàn phai theo thời gian. Nhưng con người khao khát cái đẹp mà tượng tưởng ra cái đẹp (câu chuyện Tử An hay Phí Văn Vi cưỡi hạc bay về trời) và tôn thờ nó. Vì lẽ đó, lầu Hoàng Hạc vẫn mãi là chốn thần tiên đối với bao người dù hạc vàng và người tiên đã đi mất từ ngàn xưa. Đó cũng là lẽ thường của tạo hóa, nhà thơ đã khẳng định điều đó trong câu thơ: “Bạch vân thiên tải không du du”.

Nếu như ở bốn câu thơ đầu là sự tiếc quá khứ với hạc vàng đã bay đi mất, với mây trắng ngàn năm thì đến bốn câu thơ sau, thời gian trong bài thơ đã dịch chuyển đến hiện tại. Đó là nỗi niệm hiện tại, trước cảnh đẹp của lầu Hoàng Hạc, lòng chạnh buồn nhớ đến quê hương.

Ở hai câu thơ luận, nhà thơ đã phóng tầm mắt ra xa, từ đó vẽ vào trong thơ không gian xung quanh lầu Hoàng Hạc.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương tảo thê thê Anh Vũ châu.

Không gian nơi đây thoáng đãng, xanh tươi với hàng cây soi bóng, với bãi cỏ xanh ngời mơn mởn. Cảnh của lầu Hoàng Hạc thì vẫn đẹp, chỉ tiếc là không còn người đã từng cưỡi hạc ở chốn này. Một mình đối diện với cảnh trong buổi chiều tà, nhà thơ bộc lộ lòng mình ở hai câu thơ kết.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Hai câu thơ là tâm trạng cô đơn, hoài nhớ da diết. Nhà thơ tiếc nuối trước cái đẹp tàn phai theo thời gian, cái đẹp đã không còn vẹn nguyên từ muôn ngàn năm trước mà còn buồn nhớ quê nhà khi nhìn thấy sương hoàng hôn trên dòng sông lặng. Một nỗi buồn man mác đến nao cả đất trời mà bất kì ai trong bất kì cảnh ngộ tha hương nào cũng tìm đến tứ thơ như nỗi giãi bày tâm sự.

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất thơ Đường không phải chỉ là “hữu danh vô thực”, yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm không chỉ ở nội dung mà còn ở nghệ thuật của bài thơ. 

Nghệ thuật đối ở hai câu luận “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ/Phương tảo thê thê Anh Vũ châu” đã giúp nhà thơ miêu tả không gian nơi Hoàng Hạc lâu. Không gian ấy được tác giả miêu tả tài tình, kết hợp được nhiều chiều không gian trong thế đối xứng tự nhiên: Cao (trên lầu, trên núi) đối với thấp (dưới sông); trên (trời) đối với dưới (bãi). Một không gian rộng lớn, đẹp đẽ nhưng cũng vắng lặng, u sầu. 

Việc sử dụng màu sắc trong bài thơ cũng là một nghệ thuật đặc sắc. Sắc màu đầu tiên của bài thơ là màu vàng. Màu tượng trưng cho thời hoàng kim, đô hội. Màu này được điệp lại ba lần, trong ba từ “hoàng hạc”. Trong đó, từ ở giữa là một cái tên (lầu Hoàng Hạc). Hai từ còn lại chỉ loài chim hạc (hạc vàng). Theo quan niệm dân gian, chim hạc là loài mang đến ấm no hạnh phúc. Nơi nào chim hạc xuất hiện, nơi ấy thanh bình, trù phú. Thế nhưng, thi nhân hai lần để hạc vàng xuất hiện trong tư thế đã ra đi (khứ) và không bao giờ về nữa (bất phục phản). Phải chăng đó là dự cảm chẳng lành của nhà thơ về sự suy tàn của một thời đại hoàng kim. Màu sắc thứ hai là một sắc trắng mênh mông ngàn năm vẫn ôm lấy mảnh đất thần tiên ấy. Âm sắc câu thơ đượm sự tiếc nuối. Hạc vàng đã ra đi không trở lại. Dưới trời mây là cả bầu trống vắng khôn cùng. Màu sắc của bài thơ được gia tăng thêm màu xanh nơi dòng sòng in bóng hàng cây đất Hán Dương và màu cỏ thơm mơn mởn xanh tươi trên bãi cồn Anh Vũ. Việc sử dụng nhiều màu sắc (hạc vàng, mây trắng, cỏ xanh, màu hoàng hôn, màu khói sóng) như vậy làm bài thơ như một bức tranh nhiều màu sắc, thiên về những gam màu nhẹ, buồn, dễ gợi tình thi nhân cũng như tình độc giả, khiến cho bài thơ mang màu sắc hư ảo.

Việc sử dụng ba từ láy toàn phần: “du du”, “lịch lịch”, “thê thê” cũng là một yếu tố nghệ thuật độc đáo của bài thơ. Những từ láy này vẫn rất hiếm khi xuất hiện nhiều như thế trong thơ Đường. Giá trị của chúng là tạo nên âm hưởng trang trọng, mênh mông và vĩnh hằng. Nếu ba câu đầu đều có sự lặp lại của từ hoàng hạc thì ba câu tiếp theo đều có từ láy xuất hiện. Tứ thơ xuất hiện, Thôi Hiệu ngay lập tức ghi lại nên hơi thơ hồn nhiên, khỏe khoắn như cảnh vật, đất trời sinh ra nó. Một lần nữa, Thôi Hiệu đã khiến cho cả tòa lầu dựng để tưởng nhớ tích xưa bay lên cõi tiên như chính sự tích về lầu Hoàng Hạc.

Như vậy, từ những đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật, bài thơ Hoàng Hạc Lâu hoàn toàn xứng đáng nằm trong số những bài thơ Đường hay nhất, một bài thơ tả cảnh ngụ tình tài hoa và giàu cảm xúc. Bài thơ sự tiếc nuối cho cái đẹp đã qua đi, chỉ còn lại kí ức xa xôi về chúng, và nỗi nhớ quê hương vô định, quê hương khuất lấp trong sương khói chiều tà biết tìm nơi đâu. Bên cạnh đó bài thơ còn thể hiện được tài năng của Thôi Hiệu, một nhà thơ viết ít nhưng không vì thế mà tài năng của ông bị phủ nhận. Tên tuổi của ông xứng đáng được lưu danh sử sách và được người đời nhắc đến mỗi khi bàn luận về thơ ca đời Đường.

icon-date
Xuất bản : 01/04/2024 - Cập nhật : 01/04/2024