logo

Phân tích đoạn trích Hoa đào nở trên vai

“Hoa đào nở trên vai” xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Vại cùng cậu bé Lụm được gia đình ông nhận nuôi sau trận lũ kinh hoàng, câu truyện này đã truyền tải cho người đọc sự lạc quan, tiếp thêm niềm tin về hạnh phúc cho người đọc. Vậy nên, hôm nay hãy cùng Toploigiai tìm hiểu bài Phân tích đoạn trích “Hoa đào nở trên vai” nhé...


Dàn ý phân tích đoạn trích Hoa đào nở trên vai

a. Mở bài: 

+Giới thiệu tác giả, tác phẩm ( tác giả Vũ Thị Huyền Trang, tác phẩm truyện ngắn Hoa đào nở trên vai)

+ Dẫn dắt vấn đề nghị luận 

b. Thân bài:

+ Tình huống truyện

• Lụm được gia đình ông Vại nhận nuôi sau trận lũ

• Tại đây, Lụm được hết mực yêu thương và chăm sóc như con cháu trong nhà

=>Trong mất mát, đau thương vẫn luôn có hạnh phúc mỉm cười.

+ Phân tích nhân vật Lụm

• Qua cơn lũ, trôi dạt đến nhà ông Vại

• Luôn buồn tủi, nhớ về cha mẹ của mình nhưng nhờ có tình yêu thương của gia đình ông Vại, cậu bé đã dần dần hòa nhập và trở nên vui vẻ hơn

• Là đứa trẻ vô cùng hiểu chuyện, trong sáng

+ Cuộc sống của gia đình ông Vại những ngày cận Tết

• Do đợt lũ với vừa đi qua, phải xây sửa lại nhà cửa, đàn gà, vịt thì bị cuốn cả theo cơn lũ nên chẳng có mấy đồng sắm Tết

• Tinh thần của gia đình ông Vại vẫn vô cùng lạc quan: “có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít”

+ Tình cảm, thái độ của gia đình ông Vại đối với cậu bé Lụm

• Con ông Vại cưới nhau nay đã 10 năm nhưng lại chưa có con, sự xuất hiện của Lụm được gia đình ông xem như một món quà => vô cùng yêu thương Lụm

• Gia đình ông vô cùng xót thương cho hoàn cảnh của cậu bé, cũng rất đồng cảm : “Tội nghiệp! Có đứa trẻ nào mất ba mất mẹ mà vui. Dẫu cho cả thế giới có yêu thương ôm ấp nó vào lòng cũng không thể bằng tình thân máu mủ”

• Tuy chẳng có mấy đồng tiêu tết ông ông Vại không quên nhắc chị Thảo mua cho Lụm bộ quần áo mới

• Những đêm chị Thảo nằm ôm Lụm ngủ, hát ru cho cậu bé, tắm rửa, lo cho Lụm từng miếng ăn giấc ngủ => tình thương của chị Thảo đối với Lụm như dành cho con mình

• Ông Vại chiều ý cậu bé, dắt cậu ra đồng bắt cá, còn cho cậu bé đi chợ tết mua đồ cậu thích

+ Hình ảnh vết bớt hoa đào trên vai của Lụm

• Sự hy vọng, niềm tin về một ngày mai tươi sáng hơn

• Giá trị nhân đạo của tác phẩm

+ Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật

• Nghệ thuật : giọng văn mộc mạc, giản dị, gần gũi, khung cảnh làng quê Việt Nam; nhan đề đầy gợi hình, gợi cảm, tình huống truyện nhẹ nhàng mà đầy suy tư, xây dựng tính cách các nhân vật tài tình, miêu tả tâm lý nhân vật, xây dựng các đoạn hội thoại vô cùng sinh động

• Nội dung: Thể hiện rõ quan điểm tình yêu thương là thứ có thể cảm hóa và xóa nhòa được nỗi đau, hướng con người tới sự lạc quan, niềm tin về hạnh phúc

c. Kết bài: Nêu cảm xúc, đánh giá về đoạn trích Hoa đào nở trên vai


Phân tích đoạn trích Hoa đào nở trên vai

Vũ Thị Huyền Trang là một nhà văn trẻ, là cây bút mới của nền văn học Việt Nam, tuy vậy cô là một cây bút khá tiêu biểu, có nhiều tác phẩm đóng góp xuất sắc vào nền văn học hiện đại. Vũ Thị Huyền Trang có lối văn bình dị, đơn giản, mộc mạc nhưng đầy sâu lắng, khung cảnh và những tình huống được tác giả xây dựng trong tác phẩm của mình vô cùng gần gũi, quen thuộc, các tác phẩm của cô thuộc nhiều thể loại như truyện ngắn, tản văn,.... có thể kể đến như “Cỗ xe mây” , “Khi không có bà”; “Giặc bên Ngô” “ Chỉ cần nhắm chặt mắt”, “ Kí ức miền quê” Chỉ thấy mây trời”, “Bình yên bóng mẹ”,.... trong đó, tác phẩm truyện ngắn “Hoa đào nở trên vai” của cô cũng để lại nhiều ấn tượng và suy ngẫm trong lòng độc giả. Tác phẩm mang đầy tình yêu thương, sự tích cực qua câu chuyện của gia đình ông Vại, như muốn nhắn nhủ rằng, dù có bị cuộc đời này vùi dập đến đâu, thì vẫn sẽ có những điều tươi đẹp tồn tại xung quanh chúng ta, chỉ cần ta đủ lạc quan để nhìn thấy nó....

Phân tích đoạn trích Hoa đào nở trên vai

“Hoa đào nở trên vai” xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Vại cùng cậu bé Lụm được gia đình ông nhận nuôi sau trận lũ kinh hoàng. Cơn lũ quét đã khiến cho Lụm trở thành đứa trẻ mồ côi đầy tội nghiệp, trôi dạt đến nhà ông Vại và trở thành con nuôi của nhà ông. Tại đây, Lụm được hết mực yêu thương và chăm sóc như con cháu ruột thịt trong nhà, cả làng xóm nơi đây cũng rất chào đón Lụm. Qua đó, cho ta thấy rằng, tuy hoàn cảnh của cậu bé thật đáng xót xa nhưng cũng thật  may mắn khi cơ duyên cho cậu được gặp gia đình ông Vại, trong đau thương mất mát vẫn luôn có hạnh phúc mỉm cười.

Đến với truyện ngắn, ai nấy đều không khỏi xót xa thay cho cậu bé Lụm, mới nhỏ tuổi mà đã mất cha mất mẹ. Xuôi theo cơn lũ, Lụm dạt đến nhà ông Vại, được gia đình ông nhận làm con nuôi. Thoạt đầu, thằng bé lúc nào cũng buồn tuổi, nhớ nhà khôn nguôi, nhưng tình yêu thươn, săn sóc của cả gia đình ông đã cảm hóa, dỗ dành được thằng bé, Lụm dần dần vui vẻ hơn, cười nhiều hơn và mở lòng đón nhận, hòa nhập cùng gia đình ông Vại. Và qua những hành động, lời nói, cử chỉ của Lụm, ta thấy rằng cậu bé là một đứa trẻ vô cùng hiểu chuyện và trong sáng. Bằng ngòi bút của mình, Vũ Thị Huyền Trang qua nhân vật Lụm đã cho người đọc cảm nhận được sự xót xa trong hoàn cảnh của cậu né, đồng thời soi rọi nên tình yêu thương tha thiết đáng trân trọng của gia đình ông Vại dành cho Lụm.

Về phía gia đình ông Vại, đây chẳng phải là gia đình giàu có gì những lại vô cùng tử tế và lạc quan trong cuộc sống. Do đợt lũ tàn khốc vừa đi qua khién nhà cửa tan hoang, ông phải bỏ tiền ra xây lại căn nhà, không những thế, gà vịt nuôi trong nhà cũng theo lũ và đi hết, vậy nên trong nhà cũng chẳng có mấy đồng sắm Tết, cô Thảo có mấy mối nợ cũ nhưng cũng thương họ chẳng buồn hỏi đến. Túng thiếu là thế, song gia đình ông vẫn giữ tinh thần lạc quan rằng “có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít”. Qua đây ta thấy nhà ông Vại không những giàu tình yêu thương mà còn rât lạc quan và tử tế.

Đối với Lụm, nhà ông Vại hết mực thương yêu cậu bé. Một phần là bởi con cái ông cưới nhau nay đã 10 năm nhưng lại chưa có con, sự xuất hiện của Lụm được gia đình ông xem như một món quà mà ông trời ban cho. Nhà ông Vại vô cùng xót thương cho hoàn cảnh của cậu bé, ông rất đồng cảm : “Tội nghiệp! Có đứa trẻ nào mất ba mất mẹ mà vui. Dẫu cho cả thế giới có yêu thương ôm ấp nó vào lòng cũng không thể bằng tình thân máu mủ”. Ông chẳng để tâm gì đến chuyện Lụm có phần lầm lì, ngược lại ông càng xót xa và thấu hiểu cho thằng bé. Đặc biệt, chi tiết đáng nói trong truyện ngắn là khi ông dặn chị Thảo nhớ phải mua cho Lụm một bộ quần áo mới mặc dù khi đó trong nhà chẳng có mấy đồng tiêu tết, vậy nên ta cảm nhận được rằng, tuy Lụm chẳng phải máu mủ ruột rà gì của ông nhưng ông lại thương hơn cả bản thân mình. Không những thế ông còn chiều theo ý cậu bé, dắt cậu ra đồng bắt cá, còn cho cậu đi chợ tết mua những thứ đồ mà cậu bé thích. Đồng thời, trong những đêm lạnh, ông Vại còn nhắc chị Thảo rằng “Kéo chăn đắp cho thằng nhỏ kẻo ho đấy con ơi”, chỉ một câu nói mà ta thấm thía được một tấm lòng đầy tình yêu thương mà chẳng có từ ngữ nào diễn tả được. Về phần chị Thảo, có những đêm chị nằm ôm Lụm ngủ, chị hát ru cho cậu, tắm rửa và lo cho Lụm từng miếng ăn, giấc ngủ, như thế ta thấy rằng người phụ nữ không con ấy đã coi Lụm như con mình, mặc dù chị hiểu trong lòng thằng bé chẳng ai có thể thay thế được người mẹ đã đứt ruột sinh cậu ra, điều đó đã khắc họa đầy đủ tình yêu thương và lòng bao dung của chị Thảo. Tới đây, tác phẩm như gợi lên cho người đọc về hai câu thơ của Tố Hữu:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”

Thật vậy, chỉ cần có tình yêu thương thì mọi bất hạnh trên đời đều may mây khói mà tan đi, chỉ còn lại tiếng cười và niềm hạnh phúc mà vật chất chẳng thể nào mua được.

Đặc biệt, trong truyện ngắn có chi tiết làm nên nhan đề của tác phẩm, chính là hình ảnh vết bớt hình hoa đào nở trên vai của Lụm. Hình ảnh tươi sáng đầy ý nghĩa, đó là hình ảnh về sự hy vọng, niềm tin về một tương lai tươi sáng, hạnh phúc hơn. Từ đó tạo nên giá trị nhân đạo cho tác phẩm, khiến truyện ngắn có chiều sâu hơn, để lại nhiều suy nghĩ và lưu luyến trong lòng độc giả.

Bằng giọng văn mộc mạc, giản dị đầy gần gũi, khung cảnh làng quê Việt Nam; nhan đề đầy gợi hình, gợi cảm, tình huống truyện nhẹ nhàng mà đầy suy tư, xây dựng tính cách các nhân vật tài tình, miêu tả tâm lý nhân vật, xây dựng các đoạn hội thoại vô cùng sinh động, nhà văn Vũ Thị Huyền Trang đã kể lại câu truyện đầy tình người xoay quanh gia đình ông Vại cùng bé Lụm. Từ đó làm nổi bật được quan điểm rằng tình yêu thương là thứ có thể cảm hóa và xóa nhòa được nỗi đau, đồng thời, ngòi bút của tác giả còn hướng con người tới sự lạc quan, niềm tin về hạnh phúc, tạo nên giá trị nhân đạo to lớn cho tác phẩm này.

“Hoa đào nở trên vai” là tác phẩm truyện ngắn đầy ý nghĩa và tràn ngập tình yêu thương. Tác phẩm tuy mới được sáng tác gần đây nhưng bằng những giá trị mà nó mang lại thì tác phẩm đã khẳng định vị thế của mình trong lòng người đọc bởi câu truyện đem lại cho đọc giả sự tích cực và niềm tin về cuộc sống, tin rằng sự lạc quan và tình thương giữa người với người chính là chiếc chìa khóa dẫn đến hạnh phúc đầy nhiệm màu.

icon-date
Xuất bản : 19/04/2024 - Cập nhật : 19/04/2024