logo

Phân tích đánh giá về chủ đề hình thức nghệ thuật bài thơ Dòng sông mặc áo

Bài thơ ‘’Dòng sông mặc áo’’ được sáng tác vào năm 1972 là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Hãy cùng đến với bài Phân tích đánh giá về chủ đề hình thức nghệ thuật bài thơ Dòng sông mặc áo để cảm nhận được tình yêu thiên nhiên chan hòa cùng tình yêu quê hương đất nước đằm thắm, sự rung cảm cũng như niềm tự hào trước vẻ đẹp thân thương của quê hương.


Dàn ý Phân tích đánh giá về chủ đề hình thức nghệ thuật bài thơ Dòng sông mặc áo

1. Mở bài: 

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

- Nêu vấn đề nghị luận: chủ đề hình thức nghệ thuật của bài thơ “ Dòng sông mặc áo”.

2. Thân bài:

- Khái quát tác giả Nguyễn Trọng Tạo: ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành thời kỳ chống Mỹ.

- Khái quát tác phẩm “Dòng sông mặc áo”: Bài thơ được sáng tác vào năm 1972, viết về hình ảnh dòng sông quê hương, qua đó thể hiện tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ.

- Chủ đề của bài thơ: chủ đề về tình yêu quê hương đất nước gắn liền với hình ảnh dòng sông quê hương.

Dẫn chứng Một số tác phẩm lấy nguồn cảm hứng từ dòng sông quê hương 

- Hình thức nghệ thuật của bài thơ: 

+ Thể thơ lục bát, hình ảnh giản dị gần gũi, quen thuộc.

+ Nghệ thuật nhân hóa "dòng sông mặc áo”

+ Nghệ thuật so sánh "áo xanh như là mới may”

+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ“ thính” thành "thơm”.

+ Các từ láy “ tha thiết, ngẩn ngơ,...”

+ Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của nhà thơ

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận


Phân tích đánh giá về chủ đề hình thức nghệ thuật bài thơ Dòng sông mặc áo

Nếu phải chọn một loài hoa đẹp nhất, có lẽ tôi sẽ chọn cánh hồng còn e ấp trong sương đêm. Nếu phải chọn một thanh âm cao nhất, tôi sẽ chọn tiếng hót thiết tha của loài chim họa mi. Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng ca của văn chương bao giờ cũng thiết tha, rạo rực, giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Và một trong những bản nhạc hay nhất của văn chương chạm tới trái tim người đọc nhất phải kể đến tác phẩm “Dòng sông mặc áo” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ lưu lại dấu ấn bởi chủ đề và hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Nguyễn Trọng Tạo là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành thời kỳ chống Mỹ. Ông là một người nghệ sĩ đa tài với nhiều đóng góp quan trọng cho nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ ông mang đậm vẻ đẹp của cuộc sống đời thường giản dị. Bài thơ ‘’Dòng sông mặc áo’’ được sáng tác vào năm 1972 là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ là đứa con tinh thần đặc sắc của thi sĩ, đó là tình yêu thiên nhiên chan hòa cùng tình yêu quê hương đất nước đằm thắm, sự rung cảm cũng như niềm tự hào trước vẻ đẹp thân thương của quê hương.

Phân tích đánh giá về chủ đề hình thức nghệ thuật bài thơ Dòng sông mặc áo

Nghệ sĩ vĩ đại người Nga L. Tônxtôi đã từng nói rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Mỗi một tác phẩm thơ ca để lại là nơi nhà văn gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, chứa đầy tâm huyết của nhà thơ. Bài thơ “Dòng sông mặc áo” được lấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ hình ảnh con sông quê hương giản dị mà gần gũi thân thương. Dòng sông quê hương từ lâu nay đã trở thành nguồn cảm hứng thơ ca bất tận của nhiều thi sĩ. Đến với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh dòng sông Hương hiện như người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở trong tác phẩm “ Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Hãy đến với nhà văn Nguyễn Tuân, thi sĩ đã đưa độc giả đến với hình ảnh sông Đà vừa thơ mộng trữ tình mang vẻ đẹp thướt tha của người thiếu nữ,  vừa mang đẹp  hùng vĩ dữ dội, sức mạnh của thiên nhiên trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”. Đến với bài thơ “Dòng sông mặc áo”,  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đưa ta trở về với hình ảnh của dòng sông quê hương gắn liền với cuộc sống đời thường. 

Nhà văn Nga Lêônít Lêônốp có nói: “Mỗi một tác phẩm là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung”. Cái độc đáo sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ. Bài thơ “Dòng sông mặc áo” với 14 câu thơ lục bát đã gợi lên trước mắt người đọc hình ảnh con sông thân thương  dòng sông ấy có sự đổi thay theo thời gian: sáng- trưa-chiều-đêm- khuya.  

Bằng tài quan sát tinh tế của mình, nhà thơ như thổi hồn vào dòng sông qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, ẩn dụ. “Dòng sông mới điệu làm sao/Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha”, “ áo xanh sông mặc”, “ khuya rồi sông mặc áo đen”, “ dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa”. Dòng sông nào đâu có biết có mặc áo, đâu có biết làm điệu, làm dáng. Dòng sông ở đây được thi sĩ nhân hóa nên cũng biết điệu đà, biết làm đẹp giống như người thiếu nữ làm duyên, làm dáng. Dòng sông khoác trên mình những bộ áo sặc sỡ màu sắc, màu áo lụa đào của buổi sớm mai, màu xanh của buổi trưa, màu hây hây ráng vàng của buổi chiều, tấm áo đen huyền bí vào đêm khuya. Nhà thơ đã dùng những từ ngữ chỉ người để nói về dòng sông, làm cho câu văn trở nên sinh động hấp dẫn, thể hiện được tài năng sáng tạo nghệ thuật của thi sĩ.

Tác giả đã sử dụng phép so sánh ở câu thơ :"Áo xanh sông mặc như là mới may" một cách độc đáo. Nhà thơ đã làm nhấn mạnh màu áo xanh của dòng sông, đó chính là màu của mây , của trời chiếu xuống dòng sông. Dường như nó tạo nên một vẻ tươi mới, trẻ trung như chiếc áo vừa may vậy. Bên cạnh đó, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác ở câu "Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ / Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa". Tác giả đã chuyển đổi từ thính giác (thơm) sang thị giác (áo hoa), nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp tràn đầy sức sống của dòng sông quê hương.

Qua lăng kính của người nghệ sĩ, dòng sông quê hương mang một vẻ đẹp mới mẻ, tinh khôi. Nhà thơ đã thành công trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, kết hợp với thể thơ lục bát giàu cảm xúc, những hình ảnh thân thuộc gần gũi trong đời sống, những từ láy “ thơ thẩn, hây hây, ngẩn ngơ, thiết tha” được sử dụng một cách linh hoạt khéo léo. Tát cả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, để lại trong lòng bạn đọc về hình ảnh dòng sông quê hương.

Mỗi tác phẩm ra đời là đứa con tinh thần, là nơi người nghệ sĩ gửi gắm tình cảm của mình vào trong đó, nó vượt qua sự băng hoại của thời gian để ở mãi với bạn đọc. Bài thơ “ Dòng sông mặc áo”  của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một tác phẩm trường tồn theo năm tháng. Gấp trang thơ vò mà người đọc vẫn không thể nào quên được hình ảnh dòng sông quê hương, đất nước. Bài thơ gợi nhắc mỗi chúng ta về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu với những gì giản dị, gần gũi nhất.

icon-date
Xuất bản : 13/12/2023 - Cập nhật : 13/12/2023