logo

Nghị luận phân tích đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ tiếng chổi tre

Hình ảnh chiếc chổi tre đã không còn quá đỗi xa lạ với chúng ta, chiếc chổi ấy thường nằm ở góc sân, góc bếp, vô cùng mộc mạc, quen thuộc và rồi ta lại bắt gặp nó trong những dòng thơ đầy sâu lắng của Tố Hữu. Hôm nay, hãy cùng Toploigiai cùng tìm hiểu bài Nghị luận phân tích đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tiếng chổi tre để nhìn thấy được thái độ đáng noi theo của tác giả nhé!


Dàn ý Nghị luận phân tích đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ tiếng chổi tre

a. Mở bài:

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Dẫn dắt vấn đề nghị luận 

b. Thân bài: 

Nghị luận phân tích đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ tiếng chổi tre

+ Khổ 1: Miêu tả không gian, thời gian đêm hè; giới thiệu khái quát về tiếng chổi tre

+ Khổ 2: Miêu tả không gian, thời gian đêm đông => hình ảnh người lao động kiên cường, bất khuất => thái độ trân trọng của tác giả

+ Khổ 3: Cung đường tràn ngập hoa ngọc hà, tỏa hương bát ngát cùng sự gợi nhắc về sự lao động thầm lặng của người lao công đêm qua => nhấn mạnh và giáo dục về lòng biết ơn cho dù là điều nhỏ bé nhất.

+ Khổ 4: Sự nhấn mạnh về những đóng góp của chị lao công => thái độ ngợi ca của tác giả

+ Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của bài thơ
c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ “Tiếng chổi tre”


Nghị luận phân tích đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ tiếng chổi tre

Tố Hữu là cây đại thụ trong làng thơ ca cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc với nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Cuộc đời và sự nghiệp ông như gắn liền, hòa quyện với thi ca, mỗi tập thơ ông cho ra đời đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy máu lửa của dân tộc. Những tập thơ tiêu biểu có thể kể đến như “Từ ấy”, “Việt Bắc” hay “Máu và Hoa” hay “Gió lộng”, chúng đều viết về cuộc cách mạng và chứa đựng tình yêu của người thi sĩ dành cho quê hương và con người Việt Nam. Trong đó, bài thơ “Tiếng chổi tre” sáng tác năm 1981 trong tập thơ “Gió lộng” mang nhiều giá trị to lớn nhờ vào nét đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của nó:

“Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác...

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lạnh ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...

Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.

Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!”


Đến với khổ thơ đầu, Tố Hữu đã tập trung miêu tả không gian và thời gian qua các từ ngữ : “ Những đêm hè”, “Khi ve ve” , “Đã ngủ”, “Trên đường Trần Phú”. Những câu thơ ngắn gọn liên tiếp nhau gợi về khung cảnh buổi tối trên con đường Trần Phú quen thuộc, từ “những” biểu thị rằng đây không phải đêm duy nhất thi sĩ nghe tiếng chổi tre phát ra từ phía đường, mà hằng đêm cứ lặp đi lặp lại đến quen thuộc, tạo ra một nét ấn tượng trong tâm trí của ông. Lạ thay, Tố Hữu đã không ngần ngại sử dụng động từ “quét rác” để đưa vào bài thơ, miêu tả công việc mỗi ngày của chị lao công. Tuy từ ngữ ông dùng nghe trần tục, mộc mạc và giản dị nhưng sâu bên trong, ta lại cảm nhận được một nỗi trân trọng và biết ơn đến khó tả. Qua khổ thơ đầu, tác giả đã khái quát không gian, thời gian để làm cái nền cho tiếng chổi tre xuất hiện.

Nghị luận phân tích đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ tiếng chổi tre


Ở khổ thơ thứ hai, tác giả đã tận mắt chứng kiến công việc của chị lao công bên chiếc chổi tre của mình. Tố Hữu đã không ngần ngại mà thể hiện sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với chị. Ông dùng biện pháp tu từ so sánh để miêu tả người lao công ấy : “Như sắt” “Như đồng”. Ở đây, tác giả đã nhấn mạnh không gian đêm ấy : “Những đêm đông”, “Khi cơn giông”, “Vừa tắt”, “Trên đường lạnh ngắt”. Từ đó, đã làm nổi bật thêm vẻ đẹp lao động của con người Việt Nam, đầy kiên cường và bất khuất. Cho dù là hè hay đông, tiếng chổi tre ấy vẫn đều đều mà vang vọng trên cung đường, con người bé nhỏ ấy vẫn mặc kệ sự khắc nghiệt mà hoàn thành công việc, qua đó, nó còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người lao động. Khổ thơ thứ hai đã nêu lên được tấm lòng trân trọng của tác giả đối với người lao động, ông không phân biệt việc lớn hay nhỏ, chỉ cần có đóng góp cho quê hương, giữ gìn và dựng xây đất nước thì ông đều trân trọng bằng cả tấm lòng mình, đồng thời, độc giả còn nhìn thấy được vẻ đẹp lao động , sự kiên cường của một con người bé nhỏ, đáng quý...


Không gian đã chuyển từ đêm thành ngày ở khổ thơ thứ ba, cung đường đêm quen thuộc nay được phủ kín bằng hình ảnh bông hoa ngọc hà tuyệt sắc, ngát hương. Chỉ vài câu thơ ngắn vỏn vẹn mà Tố Hữu đã làm cho người đọc hình dung được vẻ đẹp, khung cảnh của con đường khi ấy – một con đường tràn ngập những cánh hoa cùng làn hương thoang thoảng của nó, thật khiến người ta dễ dàng say đắm.  Nhưng cho dù đẹp đẽ và ngát hương đến thế cũng đừng quên rằng từng có người chịu rét đêm qua để giữ cho cung đường chẳng còn bóng rác, để hôm nay dưới ánh mặt trời, hoa ngọc hà tự tin mà khoe sắc, khoe hương. Ở đây, tác giả muốn nhắc nhở chúng ta về sự biết ơn, biết ơn những điều nhỏ bé, biết ơn những con người thầm lặng trong đêm tối. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải biết giữ gìn một đất nước luôn sạch đẹp, xinh tươi. Những lời thơ mang đậm tính giáo dục ấy là lời kêu gọi và cũng chính là mong muốn của ông. Ông mong muốn mọi người cùng nhau sống chan hòa, biết ơn, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng, giữ gìn hình ảnh quê hương tươi đẹp.


Kết thúc bài thơ, Tố Hữu lần nữa nhấn mạnh về vẻ đẹp và sự lao động thầm lặng trong những đêm tối, bất kể là hè hay đông, quanh năm chẳng xót hôm nào. Tiếng chổi tre bình dị, quen thuộc mà sao lớn lao đến lạ bởi nếu chẳng có chị lao công đêm đêm quét rác thì làm sao có được những lề đường sạch đẹp vào sáng sớm mai, làm sao phố phường trong lành để ta hưởng thụ. Cũng chính bởi lẽ đó, tác giả đã không ngần ngại thể hiện sự trân trọng và thái độ ngợi ca của chính mình, ông biết ơn sự cống hiến thầm lặng ấy vì nó thật sự xứng đáng...


Bằng những hình ảnh mộc mạc, giản dị hơn bao giờ hết, phép tu từ so sánh, ẩn dụ, thể thơ tự do đã tạo nên thành công cho bài thơ “Tiếng chổi tre”. Bài thơ chính là tiếng lòng của Tố Hữu, là thái độ trân trọng, ngợi ca và biết ơn đối với những con người lao động sớm tối trong xã hội, những đóng góp của họ xứng đáng được công nhận và tôn vinh. Từ chính những nét đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật ấy đã tạo nên một tác phẩm mang trong mình một giá trị to lớn hơn bao giờ hết.


Dù trải qua dòng chảy khắc nghiệt của thời gian nhưng những vần thơ của “Tiếng chổi tre” vẫn luôn luôn vang vọng và tìm được cho mình một chỗ đứng trong trái tim của mỗi đôc giả.

icon-date
Xuất bản : 29/12/2023 - Cập nhật : 17/01/2024