logo

Cảm nhận đoạn thơ Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”/Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi

Tiếng gọi đầu tiên của con chính là mẹ, người chịu đau sinh ra con cũng là mẹ. Tình mẹ bao la biết mấy, vậy nên không thiếu thơ ca ca ngợi tình cảm vĩ đại đó. Trong bài viết dưới đây, mời các em cảm nhận đoạn thơ Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”/Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi/Bao ngày, bao tháng dần trôi/Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con.


Mục lục nội dung

Mẫu số 1

Erich Fromm đã từng nói: “Tình yêu của mẹ là một phước lành, là sự bình yên. Nó không cần được báo đáp bằng điều gì xứng đáng. Nếu bạn có nó, đó chính là hạnh phúc. Nếu không, mọi thứ tươi đẹp trong cuộc sống này dường như không còn ý nghĩa.” Cho đến nay, chẳng ai phủ định được câu nói đó, cũng như chẳng ai phủ định được công ơn của mẹ. Đến khi đọc được bài thơ của Nguyễn Chí Thuật, ta lại càng cảm nhận được sự gắn kết giữa mẹ con và tình mẫu tử thiêng liêng:

Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”
Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi
Bao ngày, bao tháng dần trôi
Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con

Hai câu thơ đầu tiên là một bức tranh tuyệt đẹp về tình mẫu tử. Tiếng gọi đầu tiên của con là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người mẹ. Đó là tiếng gọi chứa đựng bao nhiêu yêu thương, hạnh phúc và tự hào khi đứa bé từ bụng mẹ đã cất lên tiếng gọi thân thương. Tiếng gọi ấy cũng là dấu hiệu cho thấy con đã bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh và bắt đầu biết thể hiện tình cảm của mình với mẹ. Bởi con thương, con cần mẹ. Khi con đói, con gọi mẹ. Khi con lạnh, con đau, con cũng gọi mẹ. Tiếng mẹ thiêng liêng nhường ấy!

Quá trình trưởng thành của đứa trẻ tái hiện từng ngày, từ khi bập bẹ tiếng bà tiếng mẹ, đến khi chập chững những bước đầu đời. Lúc này, mẹ vẫn là người kế bên, nắm lấy tay sợ con ngã, cùng con đi những bước chậm rãi. Mặt Trời là biểu tượng của sự sống, của ánh sáng và niềm vui. Sự xuất hiện của Mặt Trời trong khung cảnh này như một lời chúc phúc cho tình yêu thương của mẹ con sẽ luôn được bền chặt, vẹn tròn. Đó cũng như lời chúc của những người sinh thành, mong cho con khôn lớn, tươi vui như ánh trời rực rỡ.

Dù thời gian có trôi qua, dù bao ngày, bao tháng đã dần trôi qua, thì tiếng cười của con vẫn luôn là âm thanh ngọt ngào nhất đối với mẹ. Người ta nói, trong nhà có thêm đứa bé, cả nhà trẻ ra 10 tuổi quả không sai. Bé con trở thành niềm vui và niềm tự hào của cả nhà, mang lại tiếng cười mỗi ngày. Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người đã biến bài thơ ngắn 4 dòng đọng lại mãi trong lòng người đọc. Qua đoạn thơ, người đọc cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ và cả những đấng sinh thành dành cho đứa con thơ.

Dường như sau khi đọc xong bài thơ, chúng ta bỗng nhớ mẹ, nhớ về những ngày tháng được sống dưới sự chở che. Trên con đường tương lai chắc chắn chẳng bằng phẳng, tiếng gọi mẹ ơi như nguồn động lực, cũng là một nơi để con nương tựa khi gục ngã. Hạnh phúc biết bao khi trở về nhà, chúng ta vẫn được gọi “Mẹ ơi” và nhận cái ôm nồng ấm của mẹ.

Cảm nhận đoạn thơ Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”/Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi

Mẫu số 2

Đâu ai biết rằng, mẹ là chỗ dựa của con cái, mà con cái cũng chính là động lực của người mẹ. Nếu bạn đã nghe một lần bài hát Nhật ký của mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, bạn sẽ xúc động vì những lời bày tỏ của mẹ: “Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con biết bao” lặp đi lặp lại trong bài hát. Từ khi con mở mắt đến khi cất tiếng mẹ ơi đầu tiên, người mẹ dường như vỡ òa hạnh phúc, giống như trong đoạn thơ sau đã miêu tả:

Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”
Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi
Bao ngày, bao tháng dần trôi
Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con

Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã khắc họa một khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng và đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người: đó là ngày con gọi tiếng "Mẹ ơi" đầu tiên. Trong cuộc đời, chúng ta biết bao lần cất lên tiếng gọi thân thương ấy, nhưng chính tiếng gọi mẹ đầu tiên mới khiến cho người mẹ vỡ òa hạnh phúc. Bởi sau 9 tháng đợi chờ, một năm chăm bẵm, đứa con nhỏ cuối cùng cũng đã cất lên tiếng gọi đầu tiên sau bao đợi mong. 

Điểm đặc sắc của đoạn thơ là tác giả đã sử dụng hình ảnh Mặt Trời để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ dành cho con. Mặt Trời là biểu tượng của sự sống, của ánh sáng ấm áp chiếu rọi xuống trần gian, mà mẹ mong con luôn đi dưới ánh mặt trời ấm áp đó. Dường như cảm giác ấm áp đó chính là vòng tay mẹ ôm con, khi con vấp ngã cũng chính cái ôm đó đã khiến con vững bước. Dù ngã khi chập chững mới biết đi, hay ngã quỵ trên con đường trưởng thành khó khăn phía trước. Bởi vậy chúng ta mới biết, dù có lớn mẹ luôn dõi theo từng bước đi của con, luôn ở bên con, che chở cho con.

Thời gian trôi đi, con lớn dần lên, nhưng tình yêu thương của mẹ dành cho con vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Không chỉ mẹ, những người thân trong gia đình cũng vui mừng biết bao về sự trưởng thành của con. Nhìn đứa trẻ biết đi bập bẹ gọi bà, gọi mẹ, niềm vui trong mắt mẹ trào dâng và kéo theo đó là tiếng cười hạnh phúc của cả nhà. Những dấu mốc quan trọng ấy đều được mẹ ghi lại, như thước phim quay chậm đầy ắp niềm vui. Đó chính là thứ hạnh phúc giản đơn nhưng lại như dòng nước ấm, khiến cho mẹ nhớ mãi không quên.

Qua đoạn thơ, tác giả Nguyễn Chí Thuật đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con. Tình yêu thương ấy là nguồn động lực, là sức mạnh giúp con vững bước trên đường đời. Không chỉ vậy, tình cảm đó còn là sợi dây gắn kết giữa mẹ và con, là hết thảy tự hào của mẹ với đứa con mãi nhỏ bé.

icon-date
Xuất bản : 01/01/2024 - Cập nhật : 17/01/2024