logo

Nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới, được biết đến với nhiều tác phẩm sâu lắng. Ông đã dùng nhiều tư liệu để xây nên một bài thơ, độc đáo nhất trong đó chính là hệ thống hình ảnh ẩn dụ. Để tìm hiểu về điểm nổi bật này, mời các em đến với bài nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận.


Bài thơ Thuyền đi của Huy Cận

Trăng lên trong lúc đang chiều,
Gió về trong lúc ngọn triều mới lên.
Thuyền đi, sông nước ưu phiền;
Buồm treo ráng đỏ giong miền viễn khơi.

Sang đêm thuyền đã xa vời;
Người ra cửa biển, nghe hơi lạnh buồn.
Canh khuya tạnh vắng bên cồn,
Trăng phơi đầu bãi, nước dồn mênh mang.

Thuyền người đi một tuần trăng,
Sầu ta theo nước, tràng giang lững lờ.
Tiễn đưa dôi nuối đợi chờ -
Trông nhau bữa ấy, bây giờ nhớ nhau.

Nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận

Dàn ý phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Huy Cận và phong cách sáng tác của ông

- Giới thiệu bài thơ Thuyền đi và đặc sắc nghệ thuật làm nên thành công của bài thơ: câu tứ và hình ảnh

Thân bài:

- Vẻ đẹp và tác dụng của cấu tứ trong Thuyền đi:

+ Hình ảnh con thuyền được sử dụng làm nhan đề của bài thơ, cũng là cái tứ được tác giả triển khai xuyên suốt bài thơ.

+ Thuyền đi là hình ảnh con thuyền đang rẽ nước xa bờ, buồm no căng gió không thể quay đầu.

+ Con thuyền được gắn cùng những hình ảnh trăng lên, sông nước,... như một thể bổ sung ý nghĩa và gắn kết mạch cảm xúc của nhà thơ. 

- Hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi:

+ Sự vận động của thời gian cũng là sự vận động của tâm trạng nhà thơ, chuyển từ chiều tà đến đêm tối mượt mà.

+ Hình ảnh con thuyền không tĩnh, luôn vận động cũng như cảm xúc của con người. Con thuyền không chỉ là vật, nó còn tượng trưng cho một bóng hình đã đi xa trong lòng tác giả.

+ Kết hợp với hình ảnh thuyền đi xe bến là trăng treo, là con nước giữa tràng giang rộng lớn, càng làm bật lên sự cô đơn lẻ loi của tác giả.

Kết bài: Tác dụng của cấu tứ, hình ảnh đối với thành công của bài thơ và tình cảm của tác giả gửi gắm.


Nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận

Họa sĩ dùng bút để vẽ hoa họa người, nhạc sĩ dùng đàn để tấu lên những khúc nhạc du dương. Trong khi đó, những nhà thơ dùng con chữ để tạo nên một thế giới diệu kỳ với những hình ảnh và cảm xúc phong phú nhất. Để nói đến tài năng họa cảnh thấy tình, Huy Cận chính là một tác giả cống hiến vô số bài thơ trong phong trào Thơ Mới. Chất thơ của ông đầy hình ảnh gợi tả, nhưng cũng cho người đọc thấy được một nỗi buồn miên man day dứt. Thuyền ơi chính là một tác phẩm như vậy, như một bức tranh tả cảnh nhưng lại khiến cho người đọc suy ngẫm. Để làm nên thành công của bài thơ, Huy Cận đã dùng những hình ảnh đặc sắc và cấu tứ thơ liền mạch.

Ngay từ nhan đề, người đọc đã hiểu được cái tứ của bài thơ mà Huy Cận lấy chính là con thuyền. Con thuyền theo chân ông từ bài thơ xuất sắc Đoàn thuyền đánh cá đến Thuyền đi, nhưng để nói đến sự liền mạch cảm xúc thì chắc chắn Thuyền đi đã làm tốt hơn. Bởi tác giả tập trung vào con thuyền, dùng hình ảnh đó làm cấu tứ và chỉ đi theo nó để tuôn trào mạch cảm xúc. Bài thơ được chia làm ba khổ, trong cả 3 khổ đó đều dùng con thuyền để truyền đạt cảm xúc tới người đọc. Thứ vận động không chỉ là thời gian, tâm trạng con người mà còn cả vị trí của con thuyền lẻ loi trên tràng giang vĩ đại.

Hoài Thanh nói rằng “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.” Điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ có lẽ đúng là chỉ Huy Cận, một nhà thơ với cái hồn và lời thơ “suy” và miên man đến tận cùng. Con thuyền của ông như không có bến đỗ, chơ vơ giữa đất trời. Từ nhan đề Thuyền đi là sự kết hợp của danh từ và một động từ, chỉ một hoạt động của con thuyền. Chẳng có bến đỗ, con thuyền ấy loanh quanh trên dòng nước giữa đêm khuya, chở theo trăng sáng và tình người vừa cô độc, vừa u buồn.

Nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận

Cứ mỗi lần thuyền đi là một lần con người sầu lặng: “Thuyền đi, sông nước ưu phiền”, “thuyền đã xa bờ… nghe hơi lạnh buồn”, “Thuyền người đi một tuần trăng, Sầu ta theo nước, tràng giang lững lờ”. Cái hay không chỉ là tứ thơ liền mạch giữa cả ba khổ, mà nó còn có sự chuyển dời và gắn kết với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Cái tình và cái ảnh đi liền với nhau, chứ không phân ta anh riêng biệt. Con thuyền được gắn cùng những hình ảnh trăng lên, sông nước,... như một thể bổ sung ý nghĩa và gắn kết mạch cảm xúc của nhà thơ. Phải chăng khi ông trông con thuyền xa bến, buồm no gió căng phồng như không bao giờ trở lại, ông đã nhớ đến một người? Vì lạ thay, chúng ta đọc bài thơ về con thuyền, nhưng man mác đâu đây như một cách ẩn dụ thay ông tỏ lòng với người nào đó thông qua tứ thơ. Hay, trên con thuyền đi cả tuần trăng không về đó mang theo cả người ông thương, băng qua muôn trùng khơi, băng qua cả ngàn nỗi suy tư trong lòng Huy Cận. Cấu tứ của bài thơ thể hiện sự vận động của thời gian và tâm trạng của nhà thơ. Từ cảnh tượng thuyền đi trong buổi chiều tà, nhà thơ dẫn dắt người đọc đến với cảnh tượng con thuyền trong đêm tối mịt mùng. Sự vận động của thời gian cũng là sự vận động của tâm trạng con người, từ nỗi buồn man mác đến cô đơn, lẻ loi hơn.

Để kết hợp với tứ thơ, Huy Cận cũng dùng những hình ảnh thể hiện sự vận động thời gian để bổ sung cho tâm trạng của con người, “cái thương vô hạn… cái tủi vô cùng” của ông. Xung quanh nhân vật trữ tình khi đó chỉ có độc sông nước với mặt trăng làm bạn, đối diện lại là tràng giang vô cùng tận. Thêm một lần nữa, hình ảnh “tràng giang” lại được xuất hiện. Có lẽ theo nhận định của nhiều nhà thơ khác, Huy Cận là đại diện cho cái “hồn xưa” quả thực không sai. Ông dùng con thuyền, ông dùng tràng giang từ Đoàn thuyền đánh cá và Tràng giang để kết nối và bổ sung. Đứng trước tràng giang, không chỉ con thuyền mà cả con người cũng trở nên nhỏ bé đến lạ! Trăng lên - gió về - thuyền đi, dòng thời gian cứ trôi nhè nhẹ như vậy cho đến khi sang đêm, thuyền đi đã tuần trăng. Chẳng cần người, chỉ cần một con thuyền, một mặt trăng sáng tỏ và đôi nước đã hoàn thiện hết mạch cảm xúc và hình ảnh của bài thơ. Đến cuối cùng, khi con người “Trông nhau bữa ấy, bây giờ nhớ nhau” xuất hiện, lòng người đọc bỗng nhiên gật gù: “Phải như thế chứ!”. Ấy mới chính là cái tài của Huy Cận.

Nỗi nhớ thương day dứt mà chẳng thể tỏ bày đã khiến cho cảm xúc trong bài thơ Thuyền đi của Huy Cận sâu lắng mà u buồn chạm đến trái tim người đọc. Để làm nên thành công đó, cấu tứ và hình ảnh thơ đóng vai trò không nhỏ, trở thành cái hồn của bài thơ. Từ Tràng giang đến Thuyền đi, Huy Cận không làm phụ lòng khán giả khi xây cái tứ thơ ngày càng độc đáo, ngày càng đặc sắc.

icon-date
Xuất bản : 31/10/2023 - Cập nhật : 31/10/2023