logo

Nghị luận chứng minh Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới

Đề bài: Nghị luận chứng minh Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại bên cạnh cái lặp lại có tính kế thừa truyền thống


Dàn ý Nghị luận chứng minh Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo

1.  Mở bài

- Dẫn dắt vào đề: Mối liên hệ giữa văn học và cuộc sống.

- Trích dẫn: “Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại bên cạnh cái lặp lại có tính kế thừa truyền thống".

- Chuyển ý: Bài viết này sẽ làm rõ các vấn đề trên.

2. Thân bài

- Giải thích trích dẫn: 

+ “Người nghệ sĩ chân chính”: là nhà văn, nhà thơ, người đã sống hết mình với các tác phẩm văn học.

+ “cá tính sáng tạo, đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại”: đã nói lên một nhiệm vụ quan trọng của những người nghệ sĩ là phải có nét riêng.

+ “tính kế thừa truyền thống”: văn học phản ánh cuộc sống qua cái nhìn chủ quan của người nghệ sĩ, do đó sẽ có những trường hợp các tác phẩm cùng khai thác về một chủ đề.

- Khẳng định vấn đề: Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn.

- Bình luận và chứng minh: Nêu ra các luận điểm và lồng ghép một vài tác phẩm thơ, truyện để chứng minh cho tính đúng đắn của nhận định.

3. Kết bài

- Kết luận: Nhận định cho thấy được nhiệm vụ chính của người nghệ sĩ là tạo ra cái mới và lưu giữ cái cũ.

- Liên hệ bản thân: Là một người đọc, tôi cảm thấy vô cùng khâm phục những người nghệ sĩ chân chính đã đóng góp vào kho tàng văn học nước nhà những tác phẩm tuyệt vời. 


Nghị luận chứng minh Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng, hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học. Từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn tồn tại trong một mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt, những người nghệ sĩ, bằng tài năng và trái tim đầy xúc cảm của mình đã thu nhặt, gom góp những mảng màu của thế giới đa sắc để đưa vào trong văn học. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình dễ dàng, vì có một nhận định đã cho rằng: “Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại bên cạnh cái lặp lại có tính kế thừa truyền thống.” Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ vấn đề văn học này.

Trước hết, để có cái nhìn sâu sắc hơn về nhận định này, ta cần phải hiểu rõ thế nào là một “người nghệ sĩ chân chính”. “Người nghệ sĩ chân chính” là nhà văn, nhà thơ, người đã sống hết mình với các tác phẩm văn học và làm giàu đẹp hơn kho tàng văn học nước nhà với những áng thơ văn đầy ý nghĩa. Các cụm từ “cá tính sáng tạo, đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại” đã nói lên một nhiệm vụ quan trọng của những người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp đó là phải có nét riêng, phải tạo ra được một phong cách nghệ thuật của riêng mình, không được trùng lặp, không để lại được dấu ấn trong lòng độc giả. “Tính kế thừa truyền thống” là một đặc trưng đáng chú ý của văn thơ. Tác phẩm văn học không xa rời với hiện thực cuộc sống, không được thoát ly với các giá trị đạo đức và truyền thống được truyền lại. 

Nghị luận chứng minh Người nghệ sĩ chân chính khi sáng tác đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới

Từ những giải thích trên, có thể nói rằng, đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn và là một định hướng cho những người nghệ sĩ có lẽ vẫn còn đang loay hoay trước những ngả rẽ của văn chương. Nhận định đã gợi cho chúng ta nhớ đến những quan điểm tương tự về thiên chức của một người nghệ sĩ theo Nguyễn Đình Thi: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng được xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng người nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà có muốn nói một điều gì đó mới mẻ”. Khác với khoa học khá khô khan và cứng nhắc, chỉ có đúng và sai, thì văn chương là lĩnh vực đặc biệt luôn đề cao cái riêng của người cầm bút, mà trước hết là cách mà họ nhìn nhận sự đời. Đó có thể là cái riêng trong giọng văn ở mỗi tác phẩm, ở cách lựa chọn đề tài, triển khai cốt truyện,... Và điều trọng yếu khiến cho nhà văn thành công chính là việc sở hữu cho mình một “đôi mắt mới”, chứ không phải là một “mảnh đất mới”, vì tất cả tác phẩm văn học đều được ươm mầm và nuôi dưỡng từ hiện thực của cuộc đời và trái tim của nhà văn. 

Người nghệ sĩ chân chính phải là người đã sống hết mình với cuộc sống, phải lặn ngụp trong muôn vàn cảm xúc của thế gian. Khác với những người nghệ sĩ thông thường, những người nghệ sĩ chân chính luôn phải khóc cho nỗi đau của nhân loại, mỉm cười cho nỗi hân hoan của thời đại. Hơn ai hết, họ là những người phải trải qua đau khổ, phải nếm mật đắng mới có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị và lưu dấu mãi về sau. Tôi tự hỏi, Nam Cao đã phải thấu hiểu và cảm thông cho kiếp người cơ cực như thế nào mới có thể viết nên những tác phẩm, mà mỗi một con chữ là từng tiếng khóc thương đau đớn cho số phận của nhân vật vang lên. Làm sao có thể quên được cái chết đau đớn và vật vã của lão Hạc: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội.” Hay nói ở một khía cạnh khác, về sự sáng tạo của người nghệ sĩ, bản thân Nam Cao cũng quan niệm rằng: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...” Và có lẽ vì như thế mà khi cùng khai thác về một chủ đề đời sống người nông dân trước Cách mạng Tháng 8, mà hai nhà văn Nam Cao và Kim Lân đã mở ra hai cái kết khác nhau cho nhân vật của mình. Nếu như tác phẩm Chí Phèo khép lại với hình ảnh cái lò gạch cũ gợi sự quẩn quanh, bế tắc, một sự dự đoán bi kịch về tương lai khi một thằng Chí Phèo con sẽ xuất hiện. Thì đến với Vợ nhặt, tác giả đã vạch ra một con đường tươi sáng hơn cho các nhân vật của mình với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay. Chỉ với bấy nhiêu thôi, ta đã có thể hiểu được thế nào là những người nghệ sĩ chân chính có khả năng mang đến những làn gió mới cho những chủ đề đã quá quen thuộc, nhưng vẫn đề cao các giá trị đạo đức, không vượt qua khỏi khuôn khổ nhân tính, vì đến cái người như Chí Phèo vẫn mong muốn “được làm người lương thiện” đấy thôi. 

Nhà văn Thạch Lam đã từng viết: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Điều ấy quả không sai. Đã có rất nhiều những người nghệ sĩ chân chính đã đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị. Cuộc sống cứ trôi đi, nháy mắt hạ hết đông tàn và rồi mùa xuân lại đến, thời gian khắc nghiệt không bỏ qua một thứ gì, thế nhưng những áng văn thơ được viết từ trái tim những người nghệ sĩ chân chính vẫn sẽ mãi tồn tại với nhiệm vụ thắp lên một ngọn lửa sưởi ấm trái tim và dẫn lối cho con người đi đến chân - thiện - mỹ. Với tư cách là một độc giả, tôi vô cùng khâm phục và biết ơn những người nghệ sĩ mà đời xa và rộng, không ai thấy mặt họ, nhưng những tác phẩm của họ vẫn luôn chói sáng như một vì sao rực rỡ.

icon-date
Xuất bản : 16/04/2024 - Cập nhật : 16/04/2024