logo

Liên hệ Hồn Trương Ba da hàng thịt

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều nhân vật, hoàn cảnh hay cuộc đời cơ cực và khổ đau. Những mảnh đời này được các tác giả đưa vào thơ ca, văn chương và những hồi kịch. Để thấy được nét tương đồng đó, mời các em đến với bài viết liên hệ Hồn Trương Ba da hàng thịt.


Hồn Trương Ba da hàng thịt có thể liên hệ với những tác phẩm nào?

- Chí Phèo của Nam Cao: 

+ Tha hóa về cả nhân hình và nhân tính như Chí Phèo. Từ một người nông dân hiền lành chất phác, Phí Phèo bị sự lẳng lơ của bà Ba, sự thêu dệt và tàn phá của xã hội phong kiến biến thành “Con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. 

+ Bị từ chối: Trương Ba bị người thân từ chối thì Chí Phèo sau khi có lại hy vọng lại bị Thị Nở từ chối. Đây chính là bước ngoặt lớn đẩy Chí Phèo đến ranh giới bờ vực sụp đổ, hắn đến nhà Bá Kiến và kết thúc cuộc đời ở đó.

+ Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo: Chí Phèo từng nói “Ai cho tao lương thiện?”. Cả hai nhân vật không chỉ đấu tranh với xã hội mà còn đang đấu tranh với chính mình. 

+ Tìm đến cái chết để khẳng định khát vọng làm một người lương thiện: Chí Phèo tìm đến cái chết để khẳng định khát vọng làm người lương thiện của mình, cũng như Trương Ba hồn lìa khỏi xác để giữ lại sự trong sạch, thiện lương.

- Lão Hạc của Nam Cao: Lão Hạc kết thúc cuộc đời mình để gìn giữ trái tim nhân hậu của một con người tuy nghèo vật chất nhưng giàu lòng tự trọng.

- Bỉ vỏ của Nguyên Hồng: Sự tha hóa của nhân vật Tám Bính từ một cô gái ngây thơ đến khi đánh mất chính mình làm nghề trộm cướp.

Liên hệ Hồn Trương Ba da hàng thịt

Liên hệ Hồn Trương Ba da hàng thịt với Chí Phèo

Giáo sư Phan Ngọc từng nói rằng: “Không ai bằng trong biệt tài làm nên cái muôn thuở trong cái đời thường, biến cổ tích, huyền thoại thành thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý.” Có lẽ nhiều người khi nghe sẽ cảm thấy lạ và mâu thuẫn với nhau, tại sao phong cách của một người lại trái ngược như thế! Nhưng lại đúng là vậy, Lưu Quang Vũ là một người mâu thuẫn như thế đó, ông dùng những cái tầm thường nhất để nói về một triết lý. Ông biến những thứ khó hiểu trở thành một câu chuyện đáng để suy ngẫm, như trong hồi kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. 

Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ kể về tình huống trớ trêu của Trương Ba, một người hiền lành, yêu vợ, quý cháu và giỏi đánh cờ. Do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình mà Trương Ba bị chết oan. Để có thể tiếp tục sống, hồn Trương Ba được nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Sống trong xác anh hàng thịt, Trương Ba dần dần bị nhiễm những thói xấu của xác thịt như tham lam, thô lỗ, cục cằn. Ông đã phải trải qua những bi kịch lớn nhất của đời người: bị vợ con xa lánh, bị người thân trách móc, bị chính bản thân mình chối bỏ. Cuối cùng, Trương Ba đã quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết để bảo vệ sự trong sạch của tâm hồn.

Có lẽ khi đọc đoạn kịch, rất nhiều người nhìn Trương Ba mà liên tưởng tới một nhân vật khác trong nền văn học Việt Nam. Đó là Chí Phèo, anh nông dân chất phác và cũng là con quỷ dữ của làng Vũ Đại trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Ban đầu, Trương Ba là một người được coi như có cuộc sống viên mãn bên vợ và cháu trai. Những tưởng những năm này có thể an ổn, ai ngờ do sự tắc trách của những vị “thần tiên” mà ông bị chết oan uổng. Tương tự, Chí Phèo đâu phải khi sinh ra đã là một con quỷ? Hắn cũng là kẻ thiện lương nhưng bần hàn, bị xã hội và lòng người dày vò và biến chất. Phải chăng, cả Lưu Quang Vũ và Nam Cao đều đang cho người đọc thấy bức tranh toàn cảnh khi ấy, khi mà những kẻ tầng dưới bị kẻ “tầng trên” làm cho tha hóa. Có lẽ vốn dĩ, nếu họ sống trong thời đại này đã chẳng đi đến bước ấy. Chí Phèo chẳng lấy dao rạch mặt, Trương Ba cũng chẳng phải chết oan rồi nương nhờ trong thân xác kẻ khác.

Cái bi kịch thứ hai mà người đọc phải thốt lên “giống quá!” chính là cái bi kịch đáng sợ nhất của đời người: bị những người thân yêu từ chối. Trong khi Chí Phèo bị Thị Nở - người dấy lên hy vọng sống tiếp một cuộc đời từ chối thì Trương Ba bị chính những người thân của mình đẩy xuống vực sâu. Từ vợ, con dâu và cháu gái của ông đều đau khổ, nhưng vợ ông lại có suy nghĩ “nhường” Trương Ba cho vợ anh hàng thịt. Ông bị xua đuổi, bị chính những người cùng máu mủ coi như người xa lạ mà quyết liệt đánh đuổi! Nếu nói Thị Nở chính là ánh lửa vừa nhóm lên đã tắt trong cuộc đời Chí thì chính những người thân là bàn tay vô hình đẩy Trương Ba đến nơi tăm tối nhất. Bởi có lẽ, thứ đáng sợ nhất với ông khi đó không phải là cái chết, mà là sống nhưng một đời dằn vặt, còn người thân nhưng không thể ở bên cạnh. Đây cũng chính là một thực tế, khi con người bị xã hội tha hóa làm cho thay đổi, tách họ ra khỏi một cuộc sống “bình thường” và bị phủ định tư cách làm người, tư cách được yêu thương.

Liên hệ Hồn Trương Ba da hàng thịt

M.Gorki đã từng nói rằng, chúng ta phải sống sao cho “Mỗi con người trở thành một Con người viết hoa.” Trương Ba và Chí Phèo đều là những người dũng cảm, đều không bị cái gọi là “số phận” ấy cuốn theo, họ đã tự ý thức được và thức tỉnh. Chí Phèo cầm con dao đến nhà Bá Kiến, hắn lấy lại được con người thiện lương, trả được mối thú với xã hội và cả con người. Trương Ba tự chất vấn mình: “Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác?” và ông cũng nhanh chóng khẳng định rằng: “Không cần đến cái đời sống do mày mang lại!”. Ông đấu tranh để lấy lại được cái “ban sơ” của mình, tìm về những thứ nguyên vẹn nhất của linh hồn. Vậy nên, ông nguyện “hồn lìa khỏi xác”. Cả hai đều đã lấy lại được con người mà mình đánh mất, nhưng bằng một cách đau thương nhất, đó là cái chết.

Tuy rằng cái kết của hai nhân vật đều không hạnh phúc, nhưng đó lại chính là những con người thực sự đã từng sống cách chúng ta cả thế kỷ. Có lẽ họ không tên là Chí Phèo, không tên là Trương Ba, nhưng số phận của họ lại không khác nhân vật trong truyện là bao. Đó mới chính là cái tài của Lưu Quang Vũ, họa lại một bức tranh xã hội trong một vở kịch vừa đời thường, vừa gần gũi lại mang chút màu sắc kì ảo.

icon-date
Xuất bản : 16/10/2023 - Cập nhật : 16/10/2023