logo

Phân tích bài thơ Trăng trối của Tố Hữu

“Trăng trối” là tác phẩm được Tố Hữu viết trong những ngày tháng tuyệt thực trong tù Lao Bảo. Cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng sống vì lý tưởng và cũng đã không ít lần bị chịu tù đày. Để hiểu hơn về những suy nghĩ, lí tưởng sống của nhà thơ trong thời khắc ấy, cùng Toploigiai tham khảo bài phân tích dưới đây nhé.


Dàn ý Phân tích bài thơ Trăng trối

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Trích thơ

2. Thân bài

- Cuộc đời người chiến sĩ cách mạng với lý tưởng cao cả, người đã tự nhận biết rằng: sẽ luôn có mất mát, đau thương, tù đày,...=> Nhà thơ không bao giờ tiếc bởi đó là sứ mệnh mà dù có chết cũng không bao giờ hối hận.

- “Phút chết đã kề bên”, “kiệt sức”, “tôi nằm rên”, “không mảnh mền, manh chiếu”: thực tại vô cùng khốc liệt khi bị giam tại nhà tù.

- “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”, với lý tưởng cao đẹp hy sinh hết mình cho Tổ Quốc. 

- Tư tưởng về một tương lai tất thắng, là bài ca chiến đấu như một bản ca anh hùng, để rồi cái chết được người coi nhẹ như nụ cười trên môi.

- Chỉ cần một ý chí vững bền, luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ khi tổ quốc gọi tên nhất định ta sẽ giành được chiến thắng.

- Những người chiến sĩ cách mạng ra đi bảo vệ tổ quốc nếu không có tinh thần, xác định cái chết nhẹ tựa lông hồng thì mình chết trước.

- Họ ngã xuống trong khúc nhạc bi tráng của núi sông, là bài hùng ca bất tử của đời lính.

3. Kết bài

- Đánh giá lại giá trị tác phẩm: niềm tự hào về những năm tháng cách mạng, nỗi đau khi bị giam cầm trong nhà lao. Thế nhưng một tâm hồn cháy bỏng với khát vọng tự do khát vọng được công hiến được hy sinh cho tổ quốc vẫn luôn cháy mãi trong tâm hồn.


Phân tích bài thơ Trăng trối

     Tố Hữu là người tiên phong trong phong trào thơ ca cách mạng và cũng là nhà thơ lớn trong nền văn học Việt Nam. Với sự gắn bó sâu sắc với cách mạng nên thơ Tố Hữu vừa trữ tình, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng gắn bó chặt chẽ với cách mạng Việt Nam. Trong rất nhiều bài thơ của ông, “Trăng Trối” là tác phẩm được Tố Hữu viết trong những ngày tháng tuyệt thực trong tù Lao Bảo. Cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng sống vì lý tưởng và cũng đã không ít lần bị chịu tù đày. Tác phẩm là một trong những áng văn hay thể hiện đúng phong cách sáng tác của nhà thơ với sứ mệnh luôn vì dân tộc.

“Từ thuở ấy, quăng thân vào gió bụi
Đến hôm nay phút chết đã kề bên
...
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng”.

      Có đau đớn nào hơn nỗi đau đớn bị mất tự do? Nằm trong ngục tù tối người chiến sĩ cách mạng trẻ luôn hướng tâm hồn mình nghĩ về cách mạng, cảnh nhà tù tăm tối chật hẹp chết chóc và lạnh lẽo:

“Đến hôm nay phút chết đã kề bên
Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên
Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu”

Cuộc đời người chiến sĩ cách mạng với lý tưởng cao cả, người đã tự nhận biết rằng: sẽ luôn có mất mát, đau thương, tù đày,... Tuy nhiên nhà thơ không bao giờ tiếc bởi đó là sứ mệnh mà dù có chết cũng không bao giờ hối hận. “Phút chết đã kề bên”, “kiệt sức”, “tôi nằm rên”, “không mảnh mền, manh chiếu” Tố Hữu tái hiện thực tại vô cùng khốc liệt khi bị giam tại nhà tù, đói là những giây phút nếm đủ mùi cay đắng, ông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa”

Nhà thơ sẵn sàng chấp nhận những đắng cay, đã xác định cho mình những khó khăn mà cuộc đời người chiến sĩ phải luôn đối mặt và trải qua. “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”, với lý tưởng cao đẹp hy sinh hết mình cho Tổ Quốc. Bài thơ “trăng trối” không chỉ thể hiện được những suy nghĩ của Tố Hữu khi tuyệt thực mà điều làm nên giá trị và ý nghĩa của bài thơ chính là tư tưởng. Đó là tư tưởng về một tương lai tất thắng, là bài ca chiến đấu như một bản ca anh hùng, để rồi cái chết được người coi nhẹ như nụ cười trên môi.

“Rồi chiến thắng sẽ về ta, chiến thắng
Và tương lai, ta sẽ chiếm về ta!
Trường đấu tranh là một bản hùng ca
Ta sẽ chết trong điệu đàn tranh đấu”

 

Phân tích bài thơ Trăng trối

Đó là niềm tin mãnh liệt, là ý chí của người chiến sĩ cách mạng không bao giờ lung lay trước mọi khó khăn. Tố Hữu luôn tin tin rằng chỉ cần một ý chí vững bền, luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ khi tổ quốc gọi tên nhất định ta sẽ giành được chiến thắng.

“Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng”

“Con người cố nhiên sẽ một lần chết, có cái chết nặng hơn Thái Sơn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, là do cách sử dụng cái chết khác nhau mà ra”. Những người chiến sĩ cách mạng ra đi bảo vệ tổ quốc nếu không có tinh thần, xác định cái chết nhẹ tựa lông hồng thì mình chết trước. Những người chiến sĩ ấy hiện lên là những người phi thường, tràn đầy khí phách anh hùng dám đương đầu với mọi thử thách và gian truân. Đó là thái độ tư thế và khí phách hiên ngang trước cái chết. Cái chết trên chiến trường của những anh bộ đội cụ Hồ là hình tượng của những người lính dù hy sinh nhưng vẫn phải đẹp, sang, hào hùng. Họ ngã xuống trong khúc nhạc bi tráng của núi sông, là bài hùng ca bất tử của đời lính. Tố Hữu đã tái hiện lại một cách chân thực về tinh thần ý chí, khí phách anh hùng, một thái độ tự hào khi được hy sinh cho tổ quốc. Bài thơ xứng đáng là bức tượng đài về hình tượng người lính.

       Bài “trăng trối” cho thấy niềm tự hào về những năm tháng cách mạng, nỗi đau khi bị giam cầm trong nhà lao chỉ trói buộc được thân xác nhà thơ. Thế nhưng một tâm hồn cháy bỏng với khát vọng tự do khát vọng được cống hiến được hy sinh cho tổ quốc vẫn luôn cháy mãi trong tâm hồn. Bài thơ là tiếng ca hào hùng, là bản trường ca ngàn đời với những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.


Sơ đồ tư duy phân tích bài thơ Trăng trối của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Trăng trối của Tố Hữu
icon-date
Xuất bản : 06/03/2024 - Cập nhật : 25/04/2024