logo

Phân tích đánh giá tác phẩm Bên kia Sông của Thạch Lam

Thạch Lam là một cây bút có thực lực trong nhóm Tự lực văn đoàn, ông viết nhiều, viết khỏe và luôn ghi dấu ấn trên mỗi trang văn của mình.  Tác phẩm “Bên kia Sông” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, nằm trong tập truyện “Nắng trong vườn”, đây được xem là một đoạn thiên lãng mạn hay nhất của nhà văn. Qua phân tích, đánh giá tác phẩm: "Bên kia Sông" các em sẽ hiểu thêm về giá trị của tác phẩm này.


Nội dung chính tác phẩm: "Bên kia Sông"

      Truyện được kể bằng lời tự thuật chân thành của một cậu bé về khoảng thời gian ngắn cậu sống ở huyện Văn Dương và tình cảm của cậu dành cho người chị gái tên Thuý, với ngôi kể xưng tôi - ngôi thứ nhất. Qua tác phẩm, Thạch Lam gửi đến bạn đọc rất nhiều những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, đó là hãy biết trân trọng những thứ bình dị xung quanh ta, hãy nâng niu, yêu thương những người ở bên cạnh mình bởi mỗi cuộc gặp gỡ đều là một mối lương duyên, trân trọng nó là ta đang trân trọng chính cuộc đời của mình.


Nghệ thuật tác phẩm: “Bên kia Sông”

- Cốt truyện nhẹ nhàng như không có cốt truyện => một trong những nét đặc trưng của văn Thạch Lam

- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất - xưng tôi

- Cách kể chuyện khéo léo, dẫn dắt tài tình của tác giả làm cho người đọc miệt mài đi theo mạch truyện, khám phá từng diễn biến của truyện để tìm cho mình câu trả lời

- Nhà văn sử dụng điêu luyện nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật


Dàn ý phân tích, đánh giá tác phẩm: "Bên kia Sông"

1, Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.

- Đánh giá ban đầu về tác phẩm: một đoản thiên tình yêu lãng mạn với một cái kết đượm buồn.

2, Thân bài

- Tóm tắt nội dung tác phẩm.

- Phân tích về nội dung và nghệ thuật tác phẩm.

+ Nội dung: đề tài, chủ đề về tình yêu, về cuộc sống đời thường, qua đó thể hiện những rung động đầu đời của tình yêu tuổi học trò.

+ Truyện ngắn có cốt truyện đơn giản: khai thác trên hai không gian huyện lỵ nơi nhân vật tôi sống và tình yêu chớm nở của tôi với người chị bên kia sông.

+ Phân tích nhân vật tôi: cảm nhận về thế giới xung quanh rất tinh tế, tình yêu đầu đầy lãng mạn với người chị lớn tuổi hơn mình.

+ Nghệ thuật: người kể chuyện thứ nhất xưng tôi, cách kể lôi cuốn, hấp dẫn, phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy.

3, Kết bài

- Đánh giá nội dung, nghệ thuật và giá trị của tác phẩm.

- Liên hệ bản thân, khẳng định tài năng của tác giả.


Bài văn mẫu phân tích, đánh giá tác phẩm: "Bên kia Sông"

      Bên kia sông là một trong những truyện ngắn với đề tài tình yêu khá quen thuộc trên trang văn của Thạch Lam. Câu chuyện với cốt truyện nhẹ nhàng, gần như không có cốt truyện nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều những điều ý nghĩa về cuộc sống. Có thể nói đây là một tác phẩm văn học đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật.

Bài văn mẫu phân tích, đánh giá tác phẩm: "Bên kia Sông"

       Truyện kể một cậu học trò cấp ba, mới mười mấy tuổi đã yêu một thiếu nữ lớn hơn mình một cách ngây thơ chân thật. Tình yêu đó nảy nở bằng một thứ tình cảm vô cùng trong sáng, tươi đẹp, hồn nhiên. Tình cảm ấy đã theo cậu bé tôi đến khi trưởng thành, sau này rời xa quê hương, trở về thăm lại nơi này cậu bé ấy vẫn nhớ da diết mối tình đầu đầy khắc khoải ấy.

      Thành công đầu tiên của tác phẩm chính là một cốt truyện nhẹ nhàng như không có cốt truyện. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng của văn Thạch Lam. Ông thường mượn những đề tài, chủ đề rất đời thường, nhẹ nhàng để xây dựng lên những câu chuyện có ý nghĩa. Với cốt truyện ngắn và không có các tình tiết cao trào, người đọc có thể thấy nhàm chán khi dõi theo diễn biến cốt truyện, tuy nhiên với cách kể khéo léo, cách dẫn chuyện tài tình của tác giả người đọc vẫn miệt mài đi theo mạch truyện, khám phá từng diễn biến của truyện để tìm cho mình câu trả lời.

      Những ấn tượng đầu tiên về tác phẩm chính là một bức tranh thôn quê rất đỗi quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Nhà văn đã dành tới ⅓ tác phẩm chỉ để miêu tả những khung cảnh bình yên của làng quê. Đó là một huyện lỵ nhỏ, rất sầm uất và đông đúc một dãy nhà lá trát vách hay tường gỗ, những cửa hàng nho nhỏ của người trong làng mở bán các thức lặt vặt. Và trong ấn tượng của nhân vật tôi con người ở huyện lỵ nơi mình sống cũng thật đặc biệt “ tôi dừng lại đứng ngắm họ, nhìn nhận các cử chỉ của họ, và nghe tiếng họ nói líu lo, khiến tôi nghĩ đến một thế giới khác lạ lùng”... có thể thấy nhân vật tôi đã có những cảm nhận rất sâu sắc về cuộc sống và con người ở quê hương thứ hai của mình. Điều đó cho thấy sự gắn bó tha thiết của tôi với cuộc sống nơi này.

      Một không gian nữa cũng ấn tượng không kém trong tác phẩm này là bên kia sông: Bến Sen. Bến Sen ở bên này sông, từ huyện lỵ của tôi đang sống đến bến Sen phải đi qua một cây cầu gỗ đã rất cũ kỹ “Bến Sen là một túm nhà độ hơn mười nóc, lấp vào cây cối xanh um… Phía sau, là một cánh đồng hoang, đầy bãi tha ma và bụi dứa; bên này, một con đê nhỏ và một rặng cây; bên kia, một cái quán cột đá” phép liệt kê đã cho thấy một không gian thật đặc biệt, lạ lùng và có phần bí ẩn về bến Sen. Chính cách kể, dẫn chuyện độc đáo này khiến người đọc bị lôi cuốn vào diễn biến cốt truyện, tò mò đi theo để khám phá không gian bến Sen như thế nào, con người nơi đây ra sao.

      Trong một lần khám phá bến Sen cùng với người bạn học của mình nhân vật tôi đã có cuộc gặp mặt với chị gái Thuý - là chị ruột của bạn Tiến. Vẻ đẹp dịu dàng, hoà nhã của chị Thuý đã khiến tôi nảy sinh tình cảm với nhân vật tôi. Dưới con mắt quan sát của tôi chị Thuý có một vẻ đẹp thật đặc biệt “ chị Thúy nở một nụ cười trên đôi môi thắm, một nụ cười tươi và duyên sắc như trong đời tôi chưa từng thấy bao giờ”, “giọng nói trong trẻo và nhẹ nhàng” chính vẻ đẹp ấy đã khiến tôi ngây ngất, si mê.

      Một tình yêu chân thực trong lòng cậu bé mười ba tuổi, đó là thứ tình đầu đẹp đến mơ hồ. Nó thực sự đeo đẳng cậu đến tận mười năm sau, lớn lên cậu có dịp trở về Văn Dương, trước mắt quang cảnh sầm uất hơn xưa. Cậu bé nay đã thành người lớn đi đò sang sông để hy vọng gặp lại người con gái xinh đẹp năm xưa và cũng để tìm lại dấu vết của mối tình đầu ngây thơ chân thật ngày nào. Thế nhưng khung cảnh hoang tàn, đổ nát, cảnh cũng thay đổi mà người cũng chẳng còn nữa. Chàng cố tìm kiếm trong khung cảnh ấy một hình bóng quen thuộc nhưng tất cả chỉ còn lại hư ảo.

Phân tích, đánh giá tác phẩm Bên kia Sông

      Truyện được diễn tả bằng lời tự thuật chân thành của một cậu bé về khoảng thời gian ngắn ngủi mà cậu đã sống ở huyện Văn Dương và tình cảm của cậu dành cho người chị gái tên Thuý, với ngôi kể xưng tôi - ngôi thứ nhất, câu chuyện trở nên chân thật hơn, nhân vật cũng có thể nhận xét, đánh giá các nhân vật khác theo cảm nhận của mình. Với đề tài tình yêu quen thuộc nhưng Thạch Lam đã thổi thêm một luồng gió mới vào đó, làm cho thiên truyện tình yêu này đậm đà màu sắc hơn.

       Với tác phẩm này Thạch Lam đã gửi đến người đọc rất nhiều những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, đó là biết trân trọng những thứ bình dị xung quanh ta, hãy nâng niu, yêu thương những người ở bên cạnh mình, mỗi cuộc gặp gỡ đều là một mối lương duyên, trân trọng nó là ta đang trân trọng chính cuộc đời của mình.

--------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn mẫu  phân tích, đánh giá tác phẩm "Bên kia Sông" . Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 10/05/2023 - Cập nhật : 15/08/2023