logo

Nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra trong tác phẩm Muối của rừng Nguyễn Huy Thiệp

Thiên nhiên và con người luôn có mối quan hệ mật thiết, hãy cùng nhau làm rõ mối quan hệ này qua Nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra trong tác phẩm muối của rừng Nguyễn Huy Thiệp nhé!


Dàn ý Nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra trong tác phẩm Muối của rừng Nguyễn Huy Thiệp

1. Mở bài: Con người và thiên nhiên được gợi ra  qua tác phẩm Muối của rừng.

2. Thân bài: 

- Tác phẩm muối của rừng: 

+ Nhan đề.

+ Tóm tắt truyện. 

+ Thiên nhiên mùa xuân đẹp đẽ thơ mộng.

+ Hình ảnh, hành động của ông Diểu cho chuyến đi săn. 

+ Tâm trạng của ông Diểu theo diễn biến xảy ra.

+ Sự rời đi trần chuồng dưới cơn mưa xuân của ông Diểu. 

- Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người qua tác phẩm: Tuy tách rời nhưng lại có sự liên kết, mối liên hệ và đan xen. 

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề. 


Nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra trong tác phẩm Muối của rừng Nguyễn Huy Thiệp

Chúng ta tồn tại và hoạt động cho sự sống đều cần phụ thuộc vào tự nhiên, bởi vậy ít nhiều gì tự nhiên cũng ảnh hưởng đến chính con người. Đặc biệt khi đọc tác phẩm Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp phần nào khiến ta thêm suy nghĩ về mối quan hệ này.

Trong tác phẩm Muối của rừng ta thấy được rất nhiều lớp ý nghĩa nhân sinh mà tác giả gửi gắm. Ngay từ nhan đề, đã gợi cho chúng ta về một bức tranh khi thiên nhiên cánh rừng kết muối, biểu tượng cho một sự thanh bình. Và trong đó, câu chuyện kể về cuộc đi săn của ông Diểu vào mùa xuân, ông vào rừng dâu da để săn khỉ. Ông thấy gia đình khỉ có cả khỉ đực, khỉ cái và khỉ con đang chăm sóc nhau. Cho rằng hành động chọn quả ngon chén trước rồi mới ném cho vợ là đê tiện nên ông nhắm bắn khỉ đực. Ngay sau đó ông lại cảm giác sợ hãi và đôi chút hối hận. Mặc dù khỉ mẹ và khỉ con bỏ chạy theo đàn nhưng được một đoạn khỉ mẹ quay lại. Ông coi đó là cái đạo đức giả cho nên lại cầm súng bắn cả khỉ cái. Tuy sợ hãi bỏ chạy nhưng khỉ cái vẫn quay lại để ôm khỉ đực chạy. Ông vứt súng định đuổi theo thì khỉ con nhảy ra vồ lấy và để bảo vệ bố mẹ, khỉ con đã ôm súng và lao xuống vực. Hành trình ông Diểu đuổi theo gia đình khỉ, rồi băng bó vết thương cho khỉ đực vì sự chung thủy của gia đình, ông đã có suy nghĩ khác về tự nhiên. Cuối cùng ông từ bỏ, trần chuồng ra về dưới làn mưa xuân. Trên đường đi, ông Diểu may mắn gặp được loài hoa tử huyền ba mươi năm mới nở một lần. Khi hoa tử huyền nở là rừng kết muối, điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc…

Nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra trong tác phẩm Muối của rừng Nguyễn Huy Thiệp

Trong mùa xuân đẹp đẽ và thơ mộng, hiện lên hình ảnh đi săn của ông Diểu. Đó là không gian của sự mộng mơ, nhẹ nhàng “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm.” “Khoảng thời gian này đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật là tuyệt thú. Tất cả những nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc trên cành dâu da.”. Một bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên cùng với làn mưa xuân như nhẹ nhàng đưa con người đến với sự tận hưởng mọi thứ tuyệt vời từ thiên nhiên mang lại. 

Ông Diểu đã trang bị đủ mọi thứ cùng tâm trạng thoải mái và tràn đầy tự tin cho cuộc đi săn của mình. Tự tin với khẩu súng hai nòng trên vai mà thằng con trai ông gửi từ nước ngoài về cho ông. Nó cũng là thứ vũ khí biểu tượng cho cái hủy diệt thiên nhiên. Ông Diểu khá am hiểu về khu rừng này vả lại còn có những kinh nghiệm nhất định trong nghiệp đi săn của mình. Điều đó giúp ông nắm chắc phần thắng, tự tin về chiến thắng sẽ tới với mình. Và rồi ông rình bầy khỉ. Và cũng chính khi rình bầy khỉ, săn gia đình khỉ thì tâm trạng và cách nhìn về thiên nhiên của ông mới có những biến đổi không ngừng. 

Ông đi săn với sự tự tin, bình thản với cái vẻ tĩnh lặng của khu rừng, đó là sự khởi đầu. Con khỉ đế vương vụt qua khiến ông ông trầm trồ nhưng cũng vụt mất khiến ông suy nghĩ về nó không thể thuộc về mình. Và rồi đến với gia đình nhà khỉ. Ông nhìn nhận về một gia đình có ba con mà lại hay quấn lấy nhau. Ngay lập tức ông chọn khỉ đực làm con mồi, vì ông ghét cái giống ấy, “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!”. Cách nhìn của ông về con khỉ đực ấy như nhìn con người trong xã hội vậy, định kiến, tiêu cực mà không nhìn theo hướng cái đẹp. Ông nghĩ hạnh đồng bứt quả trên cây ném cho hai mẹ con của khi bố khi chọn quả ngon cho mình trước là đê tiện. Và điều đó khiến ông ta giận mà bắn khỉ đực. Thường kẻ đi săn khi săn được con mồi sẽ cảm thấy hả hê, thì ở ông Diểu, ông lại cảm giác chút sợ hãi vì bắn khỉ đực vì ông vẫn giữ lại cho mình chút lương tri. Khi khỉ cái đến gần khỉ đực ông lại kêu nó chạy đi, lời kêu như đang thúc dục, tính người trong ông như bộc phát, ông không muốn làm hại cả hai con cùng một lúc. Nhưng rồi ông vẫn dương súng nhưng ông không bắn. Tâm trạng ông Diểu có sự thay đổi, nếu lúc đầu là sự căm ghét khỉ đực vì nó ích kỉ thì sau đó lại nhìn nhận lại. Khi dơ súng khỉ cái sợ vứt khỉ đực lại rồi chạy, ông hả hê nhưng lại thấy hành động quay lại của khỉ cái và cướp súng của khỉ con và hy sinh vì gia đình của khỉ con. Trong ông đã được đánh thức về thứ tình cảm gia đình. Thứ tình cảm đến từ những loài động vật. Ông nhấc con khỉ đực còn một mình lên, chạm vào vết thương của nó, tiếng kêu như tiếng trẻ con như một lời van xin. Ông đã băng bó vết thương cho nó và rời đi. 

Hình ảnh ông Diểu trở về nhà trong bộ dạng trần chuồng vì đồ đã băng bó cho khỉ dưới cơn mưa xuân mang đến sức gợi. Con người trang bị đầy đủ cho cuộc chiến với tự nhiên lại trần chuồng trở về. Là biểu tượng cho nền văn minh mới có đôi chút tàn ác với tự nhiên đã bị thiên nhiên cảm hóa quay về với bản tính thiện lành. Hình ảnh tha cho khỉ đực như là sự chuộc lỗi với thiên nhiên. Trên đường về ông thấy hình ảnh hoa tử huyền mọc nhiều không kể xiết, sững sờ vì loài hoa ba mươi năm mới mọc một lần. Đây có thể coi là phần thưởng cho bản tính lương thiện mà thiên nhiên dành cho ông Diểu. 

Qua đây ta thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa thiên nhiên và con người. Sự bao dung của khỉ đực, thủy chung của khỉ cái, hy sinh của khỉ con cho ta nhận ra rằng thế giới loài vật cũng có sinh mệnh thật sự với số phận, tính cách, tâm hồn và đời sống tình cảm như con người. Hơn thế nữa, bản tính tự nhiên của loài vật là bản tính thiện, vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Không thể áp cái nhìn về con người xấu xa lên con vật để nhìn nhận chúng theo cái tồi tệ. Thế giới tự nhiên sẽ cho con người cái nhìn về tình yêu, về cái đẹp luôn tồn tại khi rất nhiều cái xấu vẫn đang bủa vây trong cuộc sống. Vẻ đẹp và sự thiện lương sẽ chiến thắng và đưa con người tới những điều tốt đẹp. Trong cuộc sống hiện tại, con người đang dần phá hủy đi thiên nhiên, cái thứ tươi đẹp nguyên sơ đã giúp con người tồn tại, đó là vấn nạn đáng báo động. Tác phẩm như là hồi chuông cảnh tỉnh, kêu gọi con người đối xử bình đẳng với tự nhiên. Đồng cảm với những bi thương mà tự nhiên đã phải nhận sau sự tàn phá của con người mà trở lại cái bản tính lương thiện. Bên cạnh đó là niềm tin về con người vươn đến những thứ tốt đẹp được sống dưới thiên nhiên chan hòa. 

Qua tác phẩm Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp đã gợi ra mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Mối quan hệ gắn kết, thức tỉnh con người vươn tới cái đẹp nguyên sơ. Có cái nhìn tốt đẹp về thiên nhiên sẽ giúp con người có cách hành xử đúng mực với cuộc sống. 

icon-date
Xuất bản : 31/01/2024 - Cập nhật : 31/01/2024