logo

Nhận xét về nhân vật ông Diểu trong Muối của Rừng

Muối của rừng là một tác phẩm văn xuôi sinh thái của tác giả Nguyễn Huy Thiệp. Ông Diểu là nhân vật chính trong tác phẩm với sự thay đổi diễn biến nội tâm sâu sắc. Dưới đây là bài văn Nhận xét về nhân vật ông Diểu trong Muối của Rừng


Mục lục nội dung

Mẫu 1

Andersen từng nói rằng:” Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra ra”. Cuộc sống với những âm thanh muôn sắc, với những hình ảnh muôn màu là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ. Văn học bắt nguồn từ đời sống hiện thực, là mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ trải lòng. Bức tranh thiên nhiên, lòng trắc ẩn của con người đã được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rất sâu sắc và chân thực qua truyện ngắn “Muối của rừng”. Hình tượng nhân vật ông Diểu hiện lên với nhiều diễn biến nội tâm khác nhau.

Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có nhiều những đóng góp trong công cuộc đổi mới của nền văn xuôi Việt Nam đương đại. Ông đã để lại một kho tàng truyện ngắn hấp dẫn viết về đời sống và thiên nhiên. Một trong số đó là truyện ngắn “Muối của rừng” được sáng tác năm 1986. Tác phẩm là sự đấu tranh của cái thiện và cái ác, để rồi lòng trắc ẩn và lương thiện hiện lên thật đẹp đẽ.

“Muối của rừng” chỉ có một nhân vật người là ông Diểu, nhưng có hai nhân vật thú là cặp đôi khỉ. Trong khi ông Diểu đại diện cho thế giới văn minh loài người, thì hai chú khỉ là hiện thân của thiên nhiên. Mở đầu truyện ngắn, ông Diểu nhìn thiên nhiên như một thứ phông nền để trục lợi và thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Ông bắn thú không phải để lấy thức ăn, mà để giải trí nhân dịp “thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng.”

Có trong tay cây súng, ông Diểu như một đấng tối cao. Ông có quyền quyết sự sống và cái chết của muông thú. Ông tha cho mấy con chim vì “chim xanh ông chén chán rồi.” Ông tha cho đôi gà rừng sau khi tự nhủ “bắn sẽ trượt thôi”. Và cuối cùng, với cây súng trên tay, ông đã bắn thành công đôi khỉ. Ông Diểu gọi con mồi của mình là “thằng bố ô trọc”, “đồ phong tình phóng đãng”, “vị gia trưởng cộc cằn”, “nhà lập pháp bẩn thỉu”, “tên bạo chúa khốn nạn”. Ông không coi thiên nhiên là thiên nhiên, mà soi chiếu thiên nhiên từ lăng kính con người. Ông trút lên chú khỉ tội nghiệp những hằn học mà ông mang từ xã hội vào trong rừng.

Nếu như bước vào rừng ông Diểu với một tâm trạng hồ hở, đến đây tâm trạng của ông đã có sự chuyển biến. Ông Diểu đã nhắm trúng và bắn con khỉ đực. Nhưng khi khỉ bố ngã xuống đất, cả đàn khỉ hỗn loạn chạy đi thì ông Diểu lại lo lắng và sợ hãi. Đây là lúc lương tâm của ông trỗi dậy, ông thấy như mình đang làm điều ác. Hình ảnh con khỉ cái quay lại cứu khỉ đực, ông coi đó là một điều giả dối rồi dọa khỉ cái chạy đi. Nhưng khỉ cái bỏ đi rồi lại chạy về cứu khỉ đực. Chính việc nhìn thấy con khỉ nhỏ rơi xuống vực khiến cho lương tâm ông trỗi dậy nhiều hơn. Ông tái mặt rồi kinh hoàng trước sự việc vừa xảy ra. Sau đó ông lại vô tình gặp lại con khỉ đực mà mình đã bắn. Lần này nhìn thấy con khỉ bị thương trong ông lại dâng lên sự thương lại. Từ một người đi săn với lòng ác bắn con mồi, nhưng giờ đây lương tâm và lòng trắc ẩn của một con người khiến ông quyết định cứu con khỉ. Ông kiếm lá đắp lên miệng vết thương cho nó, lại lấy chiếc quần duy nhất trên cơ thể để băng bó vết thương cho nó và mang con khỉ xuống núi. 

Vào thời điểm này, ông bắt đầu nhận ra rằng hình như thiên nhiên cũng như con người, và rằng muông thú cũng cái tình người của nó. Cái tình ấy dần lấn át cái lý phiến diện của con người và kéo ông về với thiên nhiên. Ông định mang con khỉ về, coi nó như chiến lợi phẩm. Nhưng trước cái tình của loài khỉ, ông đành thả nó đi sau khi đã nhận ra rằng “trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.” Bắn được khỉ nhưng ông không mang con mồi về, mà lại cứu và thả nó bởi sự thay đổi trong nhận thức của ông. Ông không nhìn con khỉ như một con thú nữa. 
Việc ông Diểu tự tin cầm cây súng vào rừng bắn khỉ thể hiện tâm thế đối đầu trực diện với thiên nhiên. Nhưng với hành động tha mạng khỉ, nhân vật Diểu cho người đọc thấy rằng chúng ta còn một sự lựa chọn khác trong cách đối xử với thiên nhiên. Sự cứu rỗi bắt đầu từ sự thay đổi trong thái độ và góc nhìn với miền hoang dã. 

Tới cuối cuộc săn, ông Diểu nhận ra sự tương đồng giữa người và thú, liên kết giữa tự nhiên và văn hóa, và sự nhận thức về gánh nặng và trách nhiệm chung của muôn loài khi cùng chung sống trong một ngôi nhà sinh thái. Từ nhận thức ấy, ông Diểu quay về bản dạng nguyên thủy và tìm về với thiên nhiên trong đoạn kết truyện:

“Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. [...] Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa.”

Có thể nói, nhân vật Diểu tới cuối tác phẩm đã hoàn thành một hành trình. Ông ra đi với súng, với nai nịt, quần áo ấm, mũ lông, giày cao cổ. Ông bước vào rừng, đi tìm bạo lực với tâm thế của kẻ thống trị nắm trong tay hành trang văn hóa, và trần truồng rời đi như một người rừng chưa từng biết tới thế giới sự văn minh tạo dựng của con người.

Nhận xét về nhân vật ông Diểu trong Muối của Rừng

Mẫu 2

Khi gấp lại một truyện ngắn hay, người đọc không sao lý giải được những nỗi niềm sâu kín, những cảm xúc bâng khuâng khắp tâm hồn mà thiên truyện ấy mang lại. Và điều càng không thể lý giải hơn nữa, là bằng cách nào mà chỉ vài trang truyện, mà truyện ngắn có thể truyền tải những cảm xúc mãnh liệt, ồ ạt cuộn trào như thác lũ! Là trái tim người đọc đa cảm, hay bản thân truyện ngắn có một phép màu? Phép màu ấy là bởi “Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống” (Tô Hoài). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gửi gắm vào truyên ngắn "Muối của rừng” của mình biết bao bài học nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, nhân vật ông Diểu đã có sự chuyển biến nội tâm, hành động sâu sắc.

Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có nhiều đóng góp trong việc đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam đương đại. Ông nổi tiếng với các thể loại truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, phê bình văn học. Một số tác phẩm nổi bật của ông phải kể đến là “ Tướng về hưu”, “Không có vua,”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Chảy đi sông ơi”,...Truyện ngắn của ông đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại và khá đa dạng trong cách viết.

Muối của rừng là tác phẩm nằm trong một chuỗi các tác phẩm về đề tài đi săn của ông. Tác phẩm Muối của rừng kể về bối cảnh đi săn trong rừng của nhân vật Diểu, sau đó ông bắn được chú khỉ đực và các sự kiện diễn ra sau đó khiến cho nhân vật có nhiều cảm xúc và bài học về những điều tuyệt vời của cuộc sống sau này.

Trước hết, ông Diểu hiện lên mở đầu tác phẩm với tâm trạng hồ hở, vui vẻ, tự tin bước vào rừng săn.  Ông bắn thú không phải để lấy thức ăn, mà để giải trí nhân dịp “thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng.” ông Diểu nhìn thiên nhiên như một thứ phông nền để trục lợi và thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Dường như ông trút hết mọi muộn phiền trong cuộc sống vào nơi rừng xanh, đặc biệt là gia đình nhà khỉ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng thành công nhân vật ông Diểu với những diễn biến nội tâm thay đổi. Bước vào rừng săn khỉ, ông Diểu tính toán thận trọng để làm sao có thể bắt được con khỉ mang về. Nhưng khi ông bóp cò bắn trúng con khỉ đực thì ông lại sợ hãi run lên. "Chân tay ông rủn ra”. 

Khi con khỉ cái liều mình đến cứu khỉ đực, ông Diểu đã tức giận, căm ghét. Ông cho rằng đó là hành động xấu xa, giả dối, kệch cỡm mà ông chứng kiến hàng ngày. Ông gọi con mồi của mình là "Cái thằng bố ông trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!”. Ông nhìn khỉ đực với một thái độ căm phẫn, khinh bỉ. 

Sau đó, những con khỉ con cũng lao đến và cướp súng của ông, nhưng không may là chúng lại lao xuống vực. Chứng kiến cái chết của khỉ con, ông Diểu dâng lên một nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Ông nghe thấy một tiếng kêu và khi đến gần thì nhận ra đây là con khỉ đực đang bị thương. Con khỉ run bắn, nó đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn. Ông Diểu cảm thấy thương hại. Ông đã vơ lấy một nắm cỏ Lào vò nát ông cho vào miệng nhai kỹ và đắp nắm lá vào miệng vết thương con khỉ. Nhưng ông cũng cảm thấy vui vì ông chắc chắn sẽ mang được con mồi mình săn được về. Ông đã trần truồng vừa bế vừa đỡ con khỉ tìm đường xuống núi. 

Cuối cùng là tâm trạng buồn bã của ông. Ông thấy kỳ lạ khi thấy khỉ cái lẽo đẽo theo ông từ ở trên núi chạy theo xuống. Ông bất lực khi thấy khỉ được khi được tiếng đồng loại của chúng, chúng cào cấu ông. Đến đây, nội tâm của ông có sự thay đổi. Ông thấu buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra, trách nhiệm đè nặng lên lưng mỗi sinh vật quả nặng nề. 

Vợ chồng nhà khỉ đã giúp ông Diểu tìm lại niềm tin yêu vào cuộc sống. Đặc biệt, hình ảnh hoa tử huyền đã gây ấn tượng mạnh với ông Diểu. Ông dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn.

Nhân vật ông Diểu được xây dựng từ ngoại hình, hành động, nội tâm nhưng chủ yếu tính cách được thể hiện chủ yếu qua hành động, nội tâm. Nhân vật đã có sự chuyển biến suy nghĩ và tính cách: từ cách nhìn nhận và hành xử đối với gia đình khỉ mang tính áp đặt chủ quan, có phần vô cảm, ông động lòng trắc ẩn tha cho gia đình khỉ.


Mẫu 3

Văn học là sợi dây kết nối giữa trái tim của tác giả và trái tim của người đọc. Nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của mình những thông điệp nhân văn, nhân đạo, những cảm xúc ấy được truyền tải qua con đường của tình cảm để chạm đến trái tim của người đọc: "Nghệ thuật không chỉ cho ta biết đường đi, mà còn đốt lửa trong trái tim ta, thúc đẩy ta tự bước lên con đường ấy" - Nguyễn Đình Thi.

Nguyễn Huy Thiệp là một tác giả đương đại, được xem là tay viết truyện ngắn giỏi nhất và là người ảnh hưởng đến nhiều tác giả trẻ hiện nay. Khác với những nhà văn đi trước, ông mở rộng phạm vi của văn học về môi trường không chỉ bằng cách cải tiến kỹ thuật sáng tác, mà còn bằng cách tập trung vào những suy nghĩ mới và cách đặt vấn đề mới về quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong truyện ngắn "Muối của rừng", ông đã thành công trong việc thể hiện những nét mới đó. Tác phẩm kể về cuộc đi săn vào một ngày xuân đẹp trời của ông Diểu. Sau khi bắn chết một con khỉ đực, ông bắt đầu trải qua nhiều sự kiện đáng ngạc nhiên, làm cho ông suy nghĩ lại về tầm quan trọng của thiên nhiên và bản thân ông.

Trong tác phẩm, ông Diểu được xem là nhân vật duy nhất. Ngoài ra còn có hai con khỉ. Ông Diểu săn thú không phải vì mục đích săn mồi mà chỉ để giải trí, nhân dịp “thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng”. Tay cầm khẩu súng, ông cảm thấy như một vị thánh, người có quyền quyết định số phận của muông thú. Ông lại tha cho mấy con chim vì cho rằng "chim xanh ông chén chán rồi", và tha cho đôi gà rừng. Và với sức mạnh của khẩu súng, ông đã bắn thành công một chú khỉ. Nhìn vào cảnh gia đình khỉ 3 ôm nhau, ngay lập tức ông quyết định sẽ chọn khỉ bố làm mục tiêu tiêu diệt, bởi ông cực kỳ ghét con đực đó: "Cái thằng bố đó thật đáng ghét! Từng hư hỏng phong cách đàn ông! Tàn nhẫn và bạo lực! Chẳng đáng làm gia trưởng!". Ông không nhìn thiên nhiên là một phần của tự nhiên, mà thay vào đó, ông nhìn thiên nhiên từ góc nhìn của con người. Ông đã dồn những suy nghĩ và hành vi đầy kiêu ngạo và độc đoán của xã hội lên chú khỉ tội nghiệp. Con khỉ đực trong mắt ông trở nên xấu xí và đê tiện như một con người. 

Sau khi phát súng trong suy nghĩ của ông lại có những chuyển biến. ông Diểu ngay lập tức nhận ra sai lầm của mình. Cảm giác run rẩy lan tỏa trong chân tay ông, giống như một vật nặng vừa được cất đi. Khi nhìn thấy đôi khỉ chạy thoát và con khỉ đang vắt vẻo chờ chết trên mỏm đá, ông Diểu lấy lại vận may và vui mừng chộp lấy cơ hội để săn bắt con khỉ. Tuy nhiên, khi đứng trước bản chất tình cảm và nỗi đau của con khỉ, ông bị mềm lòng và băng bó cho nó. Ông bắt đầu nhận ra rằng thiên nhiên và con người đều có tình cảm và rằng muông thú cũng có thể có những cảm xúc của riêng chúng. Cảm giác đó đánh thức ông khỏi bề ngoài của những quy tắc xã hội và kéo ông quay về với thiên nhiên. Nếu như ngay khi bắn được con khỉ ông muốn giữ làm chiến lợi phẩm thì sau khi ông cảm nhận được tình cảm của nó, ông thả nó ra và không muốn đè nặng trách nhiệm lên lưng sinh vật. Hành động đó không phải là yếu lòng của một thợ săn, mà đánh dấu sự thay đổi của ông trong cách nhìn nhận về cuộc sống và mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. 

“Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết”. “Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng”. Hình ảnh của bông hoa tử huyền giúp Ông Diểu nhận thức được sự tương đồng giữa con người và động vật, sự kết nối giữa thiên nhiên và văn hóa, cũng như trách nhiệm và gánh nặng chung của tất cả các loài khi sống cùng nhau trong một môi trường sinh thái. Ông Diểu đã từ bỏ hoàn toàn quan điểm độc tài của con người và hòa mình vào thiên nhiên. Ông đã vứt bỏ mọi dấu vết của nền văn minh như áo quần và súng để tìm thấy vị trí của mình trong thế giới này.

Bằng một giọng văn lạnh lùng, không chứa bất kỳ sắc thái biểu cảm nào, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một thế giới của nhân vật và một bức tranh cuộc sống với sự trung thực và khách quan. Trong truyện "Muối của rừng", ta được truyền cảm hứng về tình người và tình cảm trong cuộc sống. Hành động của con khỉ cái đã cho ta một cái nhìn khác biệt so với loài người, nhưng vẫn rất đẹp đẽ. Nhìn thấy hình ảnh đó, ta cảm thấy tình người trong tim mình được khuấy động và lan truyền. Câu chuyện thực sự đã "gột rửa" tâm hồn con người, đẩy ta suy nghĩ về những trăn trở và bận rộn trong cuộc sống hiện tại.


Mẫu 4

Tác giả Nguyễn Huy Thiệp gửi đến người đọc thông điệp về sức mạnh của niềm tin vào khát khao hướng thiện và nhân tính con người qua truyện ngắn Muối của rừng. Tác phẩm này được xây dựng dựa trên cấu trúc thời gian, bắt đầu từ cuộc đi săn của ông Diểu và kết thúc với sự hiện diện của loài hoa tử huyền. Tuy kết thúc theo lối mở, nhưng điều này mang lại một chất thơ và mở ra không gian huyền thoại cho tác phẩm.

Tình huống truyện xoay quanh sự kiện ông Diểu đi săn và bắn hạ khỉ bố trong gia đình nhà khỉ. Quá trình ông theo đuổi con mồi để bắt lại cho mình đã cho ông chứng kiến tình nghĩa đáng kinh ngạc của thế giới động vật. Tác giả sử dụng ngôi kể thứ ba để tạo ra một góc nhìn khách quan, trung tính đối với câu chuyện. Điều này giúp tác phẩm trở nên trần thuật và giữ khoảng cách với nhân vật ông Diểu, từ đó cho phép độc giả tự suy ngẫm và rút ra nhận xét của riêng mình. Ban đầu, ông Diểu có một cái nhìn đầy định kiến về loài vật. Ông căm ghét khỉ đực và khỉ cái theo một cách tiếp cận tiêu cực, đánh giá chúng dựa trên suy nghĩ và kinh nghiệm tiêu cực của con người trong xã hội giả dối. Ông coi hành động của khỉ đực là đê tiện và quyết định tiêu diệt chúng mà không nhìn thấy sự đáng thương và tình cảm trong gia đình khỉ.

Tuy nhiên, khi ông Diểu hạ gục khỉ bố và khỉ cái liều mình quay trở lại để cứu khỉ con, ông bắt đầu nhận ra sự tận tụy và thủy chung của loài vật. Hành động và tình cảm của khỉ cái khiến ông thay đổi suy nghĩ và nhận thức về loài vật trong tự nhiên. Ông nhận ra rằng loài vật cũng có sinh mệnh và có những giá trị đáng quý, như lòng tốt, bản năng tự nhiên và tình yêu thương thân thiết. Sự thay đổi này trong cách nhìn nhận của ông Diểu mang đến cho ông một sự nhìn thấy sự đẹp và thiện trong thế giới tự nhiên, đồng thời đánh thức lòng nhân đạo và tình yêu thương trong tâm hồn con người. Ông cảm nhận được trái ngược của tự nhiên đối với thế giới con người, với sự xảo trá và lọc lừa của xã hội.

Mặc dù tác phẩm của ông thể hiện những khía cạnh tiêu cực và cái xấu xa trong xã hội, nhưng nó vẫn lấp lánh chất nhân văn bởi niềm tin vào sự tốt đẹp, tình yêu và lòng thủy chung trong con người. Tác phẩm này cũng phản ánh cuộc đấu tranh bên trong con người để đạt tới cái cao cả, cái tốt đẹp. Nó thể hiện sự tiến bộ của con người trong quan điểm nhân văn sinh thái, coi trọng tự nhiên và đối xử bình đẳng với nó. Tác phẩm khuyến khích sống hòa hợp với thiên nhiên thay vì chiếm đoạt và chinh phục nó.

Từ hình ảnh của ông Diểu, chúng ta thấy sự phức tạp và sự phát triển của nhân văn trong tác phẩm Muối của rừng. Nhân vật ông Diểu trải qua một cuộc truy hồi và đấu tranh giữa cái ác và cái thiện, giữa thế giới con người và thế giới tự nhiên, từ đó đem đến cho độc giả cảm xúc và suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

icon-date
Xuất bản : 01/02/2024 - Cập nhật : 01/02/2024