logo

Nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến

Những đau thương và mất mát do chiến tranh gây ra thì không gì có thể so sánh nổi. Vì chiến tranh mà có biết bao những bà mẹ đã mất con, những người vợ mất chồng, người con mất cha… chiến tranh gây ra tội ác và đau thương tột cùng nhất là với những người mẹ già. Thông qua Nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào nỗi đau thương tột cùng ấy của những bà mẹ trong chiến tranh.


Dàn ý nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.

- Đánh giá chung về hình ảnh người bà: người phụ nữ tần tảo, hy sinh nhưng lại chịu nhiều đau khổ mất mát do chiến tranh gây ra.

2, Thân bài

- Bối cảnh xuất hiện nhân vật.

- Những nét ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ nhân vật.

- Những đau thương mất mát mà người bà đã phải gánh chịu.

- Đánh giá phẩm chất của nhân vật người bà. 

- Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật.

- Ý nghĩa hình tượng nhân vật.

3, Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp, ý nghĩa hình tượng nhân vật người bà trong đoạn văn.

- Mở rộng, liên hệ bản thân.


Nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến

     Bà ngoại tôi được trích trong tuyển tập Hoa hậu làng Cào của nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến. Tác phẩm đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật người bà và để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Đó là một người phụ nữ tiêu biểu cho vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến: tần tảo, hy sinh, chịu nhiều đau thương mất mát.

     Tác phẩm được kể lại theo dòng hồi ức của nhân vật tôi. Sau 40 năm kể từ ngày bà ngoại của tôi từ giã cõi đời, nhân vật tôi vẫn nhớ đến bà, nhớ đến những kỷ niệm và thèm được về quê để thắp một nén nhang lên mộ bà. Và thế là những dòng ký ức, hoài niệm về bà ngoại tôi lần lượt hiện ra trong ký ức mờ nhoè của nhân vật tôi.

Nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến

     Hình ảnh người bà được cảm nhận chủ yếu qua nhận xét, đánh giá và những dòng hồi ức của nhân vật tôi. Đó là một người phụ nữ đã già “ngoài tám mươi tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng trí nhớ của bà vẫn còn minh mẫn lắm!” Tám mươi năm cuộc đời nhưng chưa bao giờ bà được hạnh phúc, nhàn hạ. Chồng mất từ lúc còn rất trẻ, con còn nhỏ, bà một mình ở vậy nuôi con mà không đi thêm bước nữa dù có rất nhiều người để ý. Nuôi con mà không có chồng đã khổ rồi, lại đúng những năm tháng chiến tranh đói nghèo thì lại càng khổ hơn. Nhưng bà ngoại tôi luôn lạc quan, tích cực và dành mọi tình yêu thương cho con cháu. Trong ký ức của tôi ấn tượng nhất về hình ảnh của bà đó là “vẻ mỏi mòn, đợi trông của bà dành cho người con trai duy nhất tập kết ra Bắc trong những ngày đầu quê hương vừa giải phóng” con trai của bà ngoại tôi là cậu Hai cũng nối gót theo nghiệp của bố sớm đi bộ đội, phục vụ cho dân cho nước. 

     Ngày tiễn con đi bà nước mắt lưng tròng “ Bà quàng lên cổ cậu tấm khăn len màu xanh nước biển và nói cho cậu biết, thời tiết ngoài miền Bắc vào mùa đông rất lạnh, con mang theo cho ấm” giây phút ấy cũng chính là lần cuối cùng hai mẹ con được gặp nhau và kể từ ấy cậu Hai đi mãi, chẳng về thăm bà lấy một lần. Với bà thời gian đằng đẵng trôi, và động lực sống duy nhất của bà chính là mong tin con trở về. Bà luôn động viên con ra chiến trường sống chết không biết nhưng chiến đấu vì dân tộc và đất nước ấy chính là niềm tự hào, con đã viết tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình. Đó là suy nghĩ rất đáng quý của những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong kháng chiến. Dù biết hy vọng sống rất mong manh nhưng bằng tình yêu thương con tha thiết, bà ngoại tôi luôn tin tưởng rồi sẽ có một ngày khi đất nước giải phóng cậu Hai sẽ về và hai mẹ con sẽ được đoàn tụ.

     Thế rồi ngày ấy cũng đến, cả dân tộc phấn khởi trong ngày hoà bình, đoàn tụ, cả làng tấp nập người ra vào, tiếng nói, tiếng cười rộn rã hẳn lên, thế nhưng căn nhà của bà ngoại tôi vẫn lạnh lẽo, không có bóng người, cậu Hai chẳng thấy về. Ngày một, ngày hai, một tháng, hai tháng rồi cả năm trôi qua, tin cậu Hai vẫn bặt vô âm tín. Bà tôi đã sống trong nỗi chờ đợi suốt mấy chục năm và giờ lại tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Những đêm như dài hơn, tóc bà bạc trắng nhiều hơn, đôi mắt đã mờ đục, không còn nước mắt để khóc nữa, bà biết điều đáng sợ nhất ấy đã đến nhưng cả tôi và bà đều không muốn tin đó là sự thật “Rồi nửa năm trôi qua! Một năm trôi qua! Thời gian vùn vụt trôi. Vẫn không một tin tức gì về cậu tôi. Bà tôi thì ngày một già thêm. Lưng bà đã còng hẳn xuống. Bước đi đã trầy trật, run rẩy” thời gian đã tàn phá đi hình hài của bà, nhưng có lẽ chính sự đau khổ và chờ đợi trong vô vọng đã khiến bà ngày một gầy yếu đi. Những câu chuyện về cậu Hai vẫn được tôi nhắc đến với bà, tôi huyên thuyên kể cho bà nghe biết bao điều tốt lành về cậu, bà chỉ cười, rồi lại lặng đi vì bà biết tôi chỉ đang an ủi bà, sự thật là cậu Hai có lẽ đã vùi thân ở chiến trường, ngày mà hai mẹ con có thể đoàn tụ sẽ không bao giờ có thể đến được nữa. 

Nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến ảnh 2

     Thế là mấy chục năm chờ đợi của bà chỉ là vô vọng, tia hy vọng sống cuối cùng của bà cũng không còn nữa. Bà khô héo rồi đến một ngày “bà ngoại tôi đã vĩnh viễn ra đi chỉ sau một trận ốm mấy ngày. Bà mất nhưng hai mắt bà chỉ khép hờ như còn muốn trăn trối điều gì. Má tôi phải vuốt vuốt mấy lượt mắt bà mới khép hẳn lại” đó là nỗi đau, nỗi trăn trở của người mẹ không bao giờ được nhìn thấy con một lần nữa. 

     Với việc sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất tác phẩm đã khắc hoạ chân thực hình ảnh người bà - đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Đó là những người phụ nữ kiên trung, tảo tần, suốt đời hy sinh vì chồng vì con. Nỗi đau mất con, mất chồng của bà cũng là nỗi đau chung của tất cả những người phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Hình ảnh bà mỏi mòn chờ con trong đau khổ, vô vọng thật sự có sức ám ảnh khủng khiếp với người đọc. Đó chính là hình ảnh có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của chiến tranh đã gây ra cho biết bao gia đình Việt.

----------------------------------

Như vậy Toploigiai đã trình bày xong bài văn mẫu nghị luận 500 chữ về hình ảnh người bà trong đoạn văn "Bà ngoại tôi" của Nguyễn Ngọc Chiến. Có thể nói đây là một hình ảnh xúc động về những người phụ nữ trong chiến tranh đồng thời có sức ám ảnh lớn với bạn đọc.

icon-date
Xuất bản : 23/05/2023 - Cập nhật : 19/08/2023