logo

Phân tích bài Thuật hứng 24

Nguyễn Trãi là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt , các sáng tác của ông giống như những ngôi sao sáng rực rỡ luôn sáng chói và sống mãi trong lòng bao độc giả. Qua Phân tích bài Thuật hứng 24 đã để lại cho ta những ấn tượng sâu sắc về tư tưởng tình và cảm cao đẹp của người thi sĩ.


Bài thơ Thuật hứng 24

"Công danh đã được hợp về nhàn,

Lành dữ âu chi thế ngợi khen

Ao cạn vớt bèo cấy muống.

Đìa thanh phát cỏ ương sen.

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà nặng vạy then

Bui có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen"


Nội dung chính bài Thuật hứng 24

      Bài thơ Thuật hứng 24 đã thành công thể hiện một cách đẹp đẽ và sâu sắc về những tư tưởng tình cảm cao đẹp của người thi sĩ. Khác với những nhà nho cùng thời, Nguyễn Trãi lựa chọn lui về ở ẩn sống một cuộc đời đơn sơ, giản dị mà thanh khiết, không vướng bận bụi trần. Ông coi thường vinh hoa phú quý, chỉ thích sống nhàn trong cuộc đời liêm khiết, thanh bạch, một lòng trung hiếu son sắt, thuỷ chung với đất nước, với nhân dân.


Nghệ thuật bài Thuật hứng 24

- Tác phẩm được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn bát cú, các câu thơ 3, 4, 8 chỉ có 6 từ, cấu trúc câu thơ cân xứng.

- Giọng thơ nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, tâm tình.

- Sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ: phép đối,..

- Các thi liệu như: ao, bèo, muống, đĩa, cỏ, sen, kho, thu, phong, nguyệt, thuyền, yên, hà đã tạo nên một tác phẩm vừa mộc mạc, dân dã vừa cổ điển thanh cao.


Dàn ý Phân tích bài Thuật hứng 24

1. Mở bài

Khái quát chung

- Tác giả Nguyễn Trãi (1380- 1442), là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam.

- Tác Phẩm “Thuật hứng”: thể hiện cuộc sống thanh nhàn, nhẹ nhàng của người thi sĩ khi xa rời khỏi vòng xoáy của danh lợi, lui về ở ẩn.

2. Thân bài

- Phân tích

+ Hai câu thơ đầu: Bỏ lại chốn bụi trần, gánh nặng của công danh mà lui về ở ẩn cùng cuộc sống thanh nhàn.

+ Hai câu thơ tiếp theo: Diễn tả những thú vui bình dị nơi quê nhà.

+ Bốn câu thơ cuối: Lối sống trong sạch, liêm khiến và người thi sĩ bày tỏ nỗi lo ngại cho tương lai của đất nước.

- Nhận xét ý nghĩa, đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận về bài thơ.

Dàn ý Phân tích bài Thuật hứng 24

Phân tích bài Thuật hứng 24

      Nguyễn Trãi sinh năm 1380 mất năm 1442, là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Nói về thơ Nguyễn Trãi, Xuân Diệu từng bộc bạch rằng: “Trán thi sĩ chạm mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm”. Thật vậy, những tác phẩm của ông giống như những ngôi sao sáng rực rỡ, mặc cho dòng thời gian có chảy trôi, nhưng những vần thơ của Nguyễn Trãi vẫn luôn sáng chói và sống mãi trong lòng bao độc giả.

      Nguyễn Trãi sáng tác ở nhiều thể loại, song thể loại nào cũng có những thành công rực rỡ ( bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm) “Quốc âm thi tập” và "Ức trai thi tập" là hai kiệt tác tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đặc biệt là "Quốc âm thi tập" tác phẩm được viết bằng chữ Nôm gồm 254 bài thơ được viết theo thể Đường luật, Đường luật xen lục ngôn. Tập thơ được như một ánh hào quang của ngôi sao Khuê lung linh lấp lánh soi chiếu xuyên suốt hành trình thiên niên kỷ của cả dân tộc.

      Từ khi lui về ở ẩn, Nguyễn Trãi đã có cuộc sống vô cùng bình yên, giản dị gần gũi với thiên nhiên, vạn vật. Cũng từ đó ông đã cảm nhận được nhịp sống bình lặng cùng cảnh sắc tươi đẹp của cảnh vật dân dã chốn quê hương. Khác với những nhà nho khác, ông lựa chọn cuộc sống đơn sơ, giản dị mà thanh khiết, không vướng bận bụi trần. Ngay từ những câu thơ đầu của bài thơ, Nguyễn Trãi đã thể hiện được tâm hồn thanh thản, yêu vui khi bản thân đã bỏ lại được sau lưng những bụi hồng trần cùng một cuộc sống xô bồ giữa chốn quan trường và cái hư danh của chức tước.

 "Công danh đã được hợp về nhàn,

Lành dữ âu chi thế ngợi khen”.

      Từ lâu nay, công danh vẫn luôn là cái đích đến của biết bao nhà Nho xưa. Ngày ngày chăm chỉ tu luyện học hành, rèn luyện phẩm chất, cũng chỉ mong tới một ngày nào đó sẽ có được một chút công danh, được cống hiến tài năng, sức lực của mình để giúp nước, giúp dân. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ khi đề cập tới vấn đề công danh cũng từng nói: 

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”. 

      Trái với Nguyễn Công Trứ, ở Nguyễn Trãi ta lại thấy được sự nhẹ nhõm, thanh thản khi trút bỏ được bụi trần, gánh nặng của công danh. Phải biết rằng, Nguyễn Trãi là người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn, công danh cũng đã được. Nhưng về sau, khi chứng kiến cảnh loạn lạc của chốn quan lại, ông đã quyết định vứt bỏ mọi công danh, tránh xa vòng xoáy của danh lợi. Tự dặn lòng mình: "hợp về nhàn", nên từ đó Nguyễn Trải chuyển về Côn Sơn ở ẩn, sống cuộc đời thanh nhàn chan hoà với tạo vật. “Hợp” ở đây là nên, nghĩa là gạt bỏ những ham muốn về công danh, tìm về với cuộc sống dân dã, hòa nhập với thiên thiên đất trời.

Phân tích bài Thuật hứng 24

      Câu thơ thứ hai thế hiện thái độ, cách ứng xử của người thi sĩ: sẽ chẳng còn quan tấm tới mọi chuyện thị phi "lành dữ" hay khen chê của người đời. Bởi sau cùng mọi sự đánh giá sẽ do lịch sử, mọi việc sẽ được phơi bày, cần chi phải mệt lòng trăn trở. Đây chính là tiêu biểu cho một thái độ đúng, đó chính là khí tiết của kẻ sĩ khi đã rời ra khỏi vòng xoáy của tiền tài, danh lợi, lui về ở ẩn tại chốn yêu bình. Như trong tác phẩm thơ "Cuối xuân tức sự", Nguyễn Trãi đã viết: 

"Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn,

Khách tục không ai bên mảng gần".

      Thật là một giọng thơ nhẹ nhàng, đủng đỉnh, khoan thai từ đó đã phản ánh được cuộc đời ung dung, tự tại, không lo nghĩ khi nhà thơ đã về với núi rừng. Hai câu trong thơ gợi nhịp điệu cuộc sống thư thái của Ức Trai khi đã "về nhàn": 

"Ao cạn vớt bèo cấy muống.

Đìa thanh phát cỏ ương sen." 

      Mỗi câu thơ gồm 6 từ (lục ngôn), với cấu trúc câu thơ cân xứng qua đó cho thấy sự tài tình của Nguyễn Trãi trong việc sử dụng hiệu quả phép đối. "Ao cạn" cùng "đìa thanh", "vớt bèo cấy muống" cùng "phát cỏ ương sen" đối nhau một cách chặt chẽ qua đó đã thể một cuộc đời cần mẫn, trong sạch, thanh bạch đáng tự hào. Một cuộc sống chẳng có sơn hào hải vị, nhưng vẫn rất bình dị, thanh cao khi có "muống", có "sen". Từng là quan lớn trong triều, là người chức trọng quyền cao, nhưng Nguyễn Trãi trước sau vẫn là một ông quan thanh liêm, trong sạch: 

"Một tấm lòng son ngời cửa luyện

Mười năm thanh chức ngọc hồ băng”.

(Mạn hứng – 2)

      Hai câu thơ tiếp với những thi liệu mang đậm màu sắc ước lệ cổ điển đầy thi vị, nên thơ:

"Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà nặng vạy then".

      Bầu bạn cùng "phong, nguyệt", lấy "yên, hà" làm nguồn vui, hỏi rằng trong thiên hạ này còn mấy ai có được đời sống tinh thần thanh nhàn và phong phú như Ức Trai? Với người thi sĩ, cả ba tháng mùa thu là một cái kho chứa đầy gió trăng. Con thuyền của tác giả suốt ngày đêm chỉ chở khó ráng ấy vậy mà cũng làm oằn đi những chiếc thang thuyền. Qua đây đã cho độc giả thấy một hồn thơ thanh cao, cùng cuộc sống tinh thần giàu đẹp, ung dung, tự tại ức Trai khi hòa cùng thiên nhiên, tạo vật. 

      Với hai câu kết, Nguyễn Trãi bộc bạch tấm lòng mình:

"Bui có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”.

      Một cách nói khiêm tốn nhưng cũng khẳng định rõ nét về lòng trung hiếu của mình luôn bền vững, son sắt, dù có mài đi cũng chẳng khuyết. 

      Tác phẩm được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn bát cú, các câu thơ 3, 4, 8 chỉ có 6 từ. Kết hợp cùng giọng thơ nhẹ nhàng, giọng điệu nhỏ nhẹ, tâm tình. Bài thơ đã thành công thể hiện một cách đẹp đẽ và sâu sắc những tư tưởng tình cảm cao đẹp của người thi sĩ. Ông coi thường vinh hoa phú quý, chỉ thích sống nhàn trong cuộc đời liêm khiết, thanh bạch, một lòng trung hiếu son sắt, thuỷ chung với đất nước, với nhân dân. Quả đúng là một "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo" như vua Lê Thánh Tông đã ngợi ca.

------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích bài Thuật hứng 24. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt bộ môn Ngữ Văn

icon-date
Xuất bản : 17/07/2023 - Cập nhật : 19/08/2023