logo

Phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải

Một người Hà Nội là khám phá của Nguyễn Khải về vẻ đẹp Hà Nội được thể hiện qua nhân vật  Hiền − "hạt bụi vàng của Hà Nội". Dưới đây là bài văn Phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải


Dàn ý phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải 

a. Mở bài: Khái quát chung về tác giả, tác phẩm

b. Thân bài

* Khái quát về tác giả Nguyễn Khải

- Nguyễn Khải (1930-2008), tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, sinh tại Hà Nội nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi.

- Nguyễn Khải viết văn từ năm 1950, bắt đầu được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột.

- Sau năm 1975, sáng tác của ông đề cập đến nhiều vấn đề xã hội - chính trị có tính thời sự và đặc biệt quan tâm đến tính cách, tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống:

+ Cha và con, và (1970),

+ Gặp gỡ cuối năm (1982)...

* Khái quát về tác phẩm Một người Hà Nội

- Một người Hà Nội in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Khải (1990).

- Truyện đã thể hiện những khám phá, phát hiện của Nguyễn Khải về vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động thăng trầm của đất nước.

* Phân tich nhân vật cô Hiền

- Lai lịch: người gốc Hà Nội, có nhan sắc, thông minh, gia đình gia giáo, có nền nếp, yêu văn chương.

- Trong kháng chiến chống Pháp: vẫn sống ở Hà Nội. Lí do đơn giản vì không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở một vùng đất khác

-> Tình yêu Hà Nội, sự gắn bó với Hà Nội.

- Nếp sống:

+ Nơi ở, cái ăn - mặc vẫn sang trọng, khác với mọi người

+ Dạy con: chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh và cả cách nói chuyện trong bữa ăn. "Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng"

→Giữ được nếp sinh hoạt truyền thống đẹp đẽ của một gia đình có văn hoá

- Cách quản lí gia đình, tính toán làm ăn:

+ Chuyện hôn nhân, sinh con, tính toán cho tương lai của con cái.

+ Bán một ngôi nhà ở hàng Bún

+ Không đồng ý cho chồng mua máy in, thuê người làm.

+ Bản thân mở một cửa hàng lưu niệm, tự tay làm ra sản phẩm "hoa làm rất đẹp, bán rất đắt".

+ Phê phán thói gia trưởng của người cháu.

→Bản lĩnh, thức thời, khôn ngoan và sắc sảo.

- Bằng lòng cho hai đứa con đi chiến đấu.

+ Vì không muốn con sống bám vào sự hy sinh của bạn bè.

+ Bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết cũng là một cách giết chết nó.

+ Muốn bình đẳng với các bà mẹ khác "hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì"

→ Một con người giàu lòng tự trọng, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, giải quyết việc nhà việc nước rất hợp lí.

→ Tình yêu nước biểu lộ chân thực, tự nhiên, không giả tạo.

- Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước trong thời kì đổi mới, giữa không khí xô bồ của thời kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là “một người Hà nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”.

+ Căn phòng lưu giữ bàn ghế, sập, tủ cổ;

+ Cách cô tỉ mỉ lau đánh bát bày thủy tiên;

+ Không bình luận một lời nào về những nhận xét không mấy vui vẻ của người cháu về Hà Nội. Chỉ kể về cây si đền Ngọc Sơn bị bật rễ và suy nghĩ về sự biến động của cuộc sống

* Đánh giá giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm

- Nghệ thuật

+ Ngôi kể theo kiểu nhân vật hóa, quan sát tinh tế, triết luận sâu sắc; cái nhìn đằm thắm, nhân hậu.

- Ý nghĩa văn bản: Cuộc sống mỗi ngày được nâng cao về vật chất, đòi hỏi con người phải có lòng tự trọng, biết giữ gìn nếp sống văn hóa tốt đẹp của ông cha. Mỗi người hãy góp phần phát huy, giữ gìn truyền thống, vẻ đẹp của văn hóa dân tộc.

c. Kết bài

Phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải

Bài văn phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải

Nếu như Nguyễn Minh Châu viết lên số phận người đàn bà hàng chài trong thời kỳ đổi mới để qua đó thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ hàng chài cam chịu, hy sinh vì gia đình thì Nguyễn Khải cũng góp vào hình tượng người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới với nhân vật cô Hiền trong tác phẩm một người Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Khai mang đến cho người đọc vẻ đẹp của người phụ nữ trong giai đoạn mới với nhiều phẩm chất tốt đẹp.

Nguyễn Khải viết văn từ năm 1950, bắt đầu được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột. Sau năm 1975, sáng tác của ông đề cập đến nhiều vấn đề xã hội - chính trị có tính thời sự và đặc biệt quan tâm đến tính cách, tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống: Cha và con, và (1970), Gặp gỡ cuối năm (1982)...

Truyện ngắn Một người Hà Nội là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Khải. Tác phẩm Một người Hà Nội được in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Khải (1990). Truyện đã thể hiện những khám phá, phát hiện của Nguyễn Khải về vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động thăng trầm của đất nước. Đặc biệt, nhân vật cô Hiền hiện lên đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc về hình ảnh của người con gái Hà thành.

Cô Hiền sinh ra trong một gia đình gia giáo, người gốc Hà Nội. Cô xinh đẹp, thông minh lại  yêu văn chương. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cô vẫn sống ở Hà Nội bởi vì không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở một vùng đất khác. Đó là tình yêu Hà Nội, sự gắn bó với Hà Nội tha thiết của cô Hiền.

Cô Hiền là người giữ được nếp sinh hoạt truyền thống đẹp đẽ của một gia đình có văn hoá.  Nơi ở, cái ăn - mặc của cô vẫn sang trọng, rất khác với mọi người. Cô Hiền là người mẹ, người bà nghiêm khắc uốn nắn con cháu của mình: Khi các con còn nhỏ ngồi vào bàn ăn, cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh và cả cách nói chuyện trong bữa ăn. "Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng". 

Cô Hiền là một người bản lĩnh, thức thời, khôn ngoan và sắc sảo trong cách quản lí gia đình, tính toán làm ăn. Chồng của Cô Hiền là một ông giáo viết sách Giáo khoa cấp Tiểu học. Gia đình cô đông con, cô đ quyết định bán ngôi nhà ở Hàng Bún cho người bạn mới kháng chiến về. Khi chồng cô muốn mua một chiếc máy in nhỏ để kinh doanh thì cô không đồng ý cho chồng mua máy in, thuê người làm. Bản thân cô mở một cửa hàng lưu niệm, tự tay làm ra sản phẩm "hoa làm rất đẹp, bán rất đắt"..Cô còn tính toán tới cả chuyện sinh đẻ “Từ nay chấm dứt chuyện sinh đẻ…” Cô hiểu được hoàn cảnh gia đình đông con, khó khăn, lo toan.

Cô là một con người giàu lòng tự trọng, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, giải quyết việc nhà việc nước rất hợp lí.Cô bằng lòng cho hai đứa con đi chiến đấu. Vì không muốn con sống bám vào sự hy sinh của bạn bè.Người con trai đầu của cô vừa tốt nghiệp trung học tình nguyện đăng ký xin đi đánh Mỹ. Ba năm cô không nhận được một tin tức gì về đứa con đã ra đi, lại đến thằng em làm đơn xin tòng quân. Cô muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ có hay hớm gì. Đó là Tình yêu nước của cô Hiền,nó biểu lộ chân thực, tự nhiên, không giả tạo.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước trong thời kì đổi mới, giữa không khí xô bồ của thời kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là “một người Hà nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Căn phòng lưu giữ bàn ghế, sập, tủ cổ. Một bộ sa lông gụ cái khánh, cái sập gụ chân quỳ chạm rất đẹp, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thuý Hồng, một cái lư hương thời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây,.. Đặc biệt, Cách cô tỉ mỉ lau đánh bát bày thủy tiên. Cô không bình luận một lời nào về những nhận xét không mấy vui vẻ của người cháu về Hà Nội mà chỉ kể về cây si đền Ngọc Sơn bị bật rễ và suy nghĩ về sự biến động của cuộc sống. Câu chuyện cô Hiền kể về cây si cổ thụ vừa là lời cảnh báo về sự mất mát gia tài văn hóa, lại vừa như khẳng định niềm tin vào sự sáng suốt của lương tri con người.

Truyện ngắn Một người Hà Nội với cách kể chuyện linh hoạt, tình huống kịch tính, hấp dẫn, nghệ thuật miêu tả cảnh và tâm lí tinh tế, nhiều hình ảnh có nghĩa biểu tượng, ẩn dụ, giàu cảm xúc… Nhà văn Nguyễn Khải đã khắc họa thành công nhân vật cô Hiền. Cô Hiền là một người Hà Nội lịch thiệp, nho nhã, khiêm tốn luôn yêu, gắn bó và tự hào về mảnh đất kinh kì văn hiến. Chất văn hoá của người Hà Nội đã thấm sâu vào lối sống, tâm hồn cô Hiền. Cô như một hạt bụi vàng của Hà Nội. 

icon-date
Xuất bản : 20/02/2024 - Cập nhật : 20/02/2024