logo

Phân tích Kiến và người Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

Từ lâu, thiên nhiên là thứ gì đó rất vô tận và con người không thể can thiệp cũng như tác động đến được. Tuy nhiên chắc hẳn bạn không biết, thực chất cuộc sống bình thường và thiên nhiên lại có quan hệ sâu sắc và gắn bó mật thiết với nhau. Để nhận định tính chất ý kiến này, mời các em cùng Toploigiai đến với bài phân tích Kiến và người.


Dàn ý phân tích Kiến và người - Mẫu 1

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Trần Duy Phiên (những nét chính về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,...)

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm Kiến Và Người (xuất xứ, những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật,...)

Thân Bài:

- Cách loài người chống chọi trước các loài vật thiên nhiên

- Người bố và cả gia đình tìm đủ mọi vật dụng để ngăn cản loài kiến

- Loài kiến đang xâm chiếm căn nhà và gây ảnh hưởng đến vật nuôi

- Cuộc trốn chạy gian nan của gia đình trước sự xâm chiến của loài kiến

- Những mất mát to lớn khi con người tác động vào môi trường sinh thái

=> Thấy được mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, khi con người tác động đến môi trường sống sinh thái tự nhiên sẽ đều trả giá

Kết bài:

- Khẳng định lại nội, cách xây dựng câu chuyện đặc sắc của tác giả

- Liên hệ đến giải pháp bảo vệ tự nhiên trước tác động của con người


Dàn ý phân tích Kiến và người - Mẫu 2

I. Mở bài

Truyện “Kiến và người” của nhà văn Trần Duy Phiên có chủ đề về môi trường.

II. Thân bài

1. Nội dung tác phẩm: cuộc chiến của một gia đình nhằm thoát khỏi sự xâm lăng của đàn kiến

2. Phân tích nghệ thuật

- Tác phẩm viết theo thể loại tự sự, góc kể của nhân vật chính là người con.

- Tác giả sử dụng hình ảnh sinh động để diễn tả cuộc chiến giữa kiến và người: dùng thuật ngữ quân sự, hình ảnh chiến trường…

3. Phân tích nhân vật

- Nhân vật người bố: người chỉ huy bất lực, cuồng dại.

- Gia đình: nhu nhược, chỉ biết nghe lời người bố.

- Đàn kiến: tác giả sử dụng nhân cách hóa, cho thấy đàn kiến có tư duy như người.

4. Giá trị tựa đề tác phẩm

Tác giả đặt từ “kiến” trước “người” nhằm thể hiện sự tôn trọng với loài vật.

III. Kết luận

Khẳng định thông điệp của tác phẩm: con người sẽ chịu hậu quả nếu tàn phá môi trường.

Dàn ý phân tích Kiến và người

Phân tích Kiến và người - Mẫu 1

Tập truyện ngắn “Kiến và người” của tác giả Trần Duy Phiên bao gồm những mẩu chuyện về mối quan hệ giữa con người và các loài động vật. Truyện “Kiến và người” là cuộc chiến của một gia đình nhằm thoát khỏi sự xâm lăng của đàn kiến.

Đề tài môi trường không quá phổ biến trong văn học. Tuy nhiên một số tác giả vẫn tìm thấy sức hấp dẫn của chủ đề này và sáng tác tác phẩm nhằm gửi gắm thông điệp về bảo vệ môi trường và các loài sinh vật tự nhiên. Đó cũng là nội dung chính trong truyện ngắn “Kiến và người” của nhà văn Trần Duy Phiên.
Tác phẩm được viết theo thể loại tự sự dưới góc kể của nhân vật chính xưng “cháu”, vốn là người con lớn trong gia đình có ba mẹ và hai con. Gia đình cậu bé dọn từ thành phố ra ngoại ô ở. Họ phá rừng, dựng nhà, canh tác trồng trọt sinh sống. Một thời gian sau, đàn kiến ùa đến tấn công vào nhà họ. Từ đó gia đình cậu sử dụng mọi biện pháp để chống lại đàn kiến dưới sự chỉ huy của bố cậu bé.
Tác giả sử dụng những hình ảnh sinh động để diễn tả cuộc chiến giữa kiến và người như một trận đánh thực thụ, với những thuật ngữ quân sự như “mai phục’, “đổ quân”, “quần đảo”, “mũi tấn công”... Ngôi nhà như một chiến trường với hình ảnh “lối mòn”, “đường quy hoạch”, “đường giao thông”, “vùng an ninh”… Song song đó, hàng loạt hành động dồn dập liên tục của hai bên thể hiện sự căng thẳng và nguy ngập của gia đình trong quá trình chống phá kiến xâm nhập.
Nhân vật người bố trong truyện như một thủ lĩnh đang mất bình tĩnh. Vì quá bực bội bất lực trước quân đoàn kiến đông đảo và gan lì, ông có những hành động cuồng dại theo mức độ ngày càng tăng. Ban đầu chỉ là xua đuổi, phòng ngừa rồi tự vệ, sau cùng đỉnh điểm là đốt nhà để diệt kiến. Đây là cao trào của truyện và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bộc phá của đàn kiến, khiến chúng không thể chịu đựng, đuổi theo gia đình, vừa là để thoát thân, vừa là cách chúng thể hiện sự chống trả ở mức độ cao nhất: chúng bám lên người gia đình họ, chui vào mắt hai mẹ con. Cuối cùng người mẹ chết vì nọc độc kiến. Đây là cái giá quá đắt mà gia đình, trong đó người bố phải chịu trách nhiệm chính. Người bố đã lãnh hậu quả quá lớn không thể cứu vãn.
Bên cạnh người bố, tác giả miêu tả các thành viên trong gia đình cậu bé là những người nhu nhược. Không ai lên tiếng khuyên nhủ hay phản đối ông bố dù mọi việc ông làm hết sức vô lối, kể cả khi ông dự định đốt nhà. Dù người mẹ nhận ra những hành động của ông là sai trái nhưng do bản chất hiền lành và cũng do e ngại sự gia trưởng của chồng nên không mạnh mẽ lên tiếng ngăn cản. 
Để diễn tả sinh động cuộc chiến, tác giả đã nhân cách hóa đàn kiến để chúng có những hành vi như con người. Chúng biết huy động lực lượng để hợp sức chống trả, biết tìm đường chui lách, biết đối phó, biết trả đũa… Qua đó tác giả thể hiện loài kiến có cảm xúc và biết suy nghĩ tư duy chẳng khác gì con người. Do đó chúng sẽ phản kháng trước sự tấn công của những kẻ xâm lăng. Như trong truyện, ban đầu chúng là loài vật vô hại, chỉ khi gia đình người bố đến phá rừng, hủy hoại cuộc sống của chúng, khi đó chúng mới phản ứng chống lại gia đình ông.
Trong tựa đề tác phẩm, tác giả đặt từ “kiến” trước “người” nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với loài vật nhỏ bé này, mở rộng ra là sự tôn trọng giống loài nói chung. Sinh vật, động vật và con người cùng tồn tại trong một môi trường sống, mỗi loài có vai trò riêng và có giá trị nhất định đối với hệ sinh thái, vì vậy cần chung sống hòa bình nhằm cân bằng hệ sinh thái trái đất. Con người bảo vệ các loài sinh động vật cũng là bảo vệ chính mình.
Sứ mệnh của nhà văn là phản ánh hiện thực xã hội và hướng con người đến với chân thiện mỹ nhằm tạo nên và duy trì cuộc sống tốt đẹp. Qua cuộc chiến giữa kiến và người, nhà văn Trần Duy Phiên đã truyền tải thông điệp con người sẽ chịu hậu quả nếu tàn phá môi trường.


Phân tích Kiến và người - Mẫu 2

   Trần Duy Phiên là một nhà văn nổi tiếng từ rất sớm. Những trang truyện ngắn của ông mang đậm màu sắc cá nhân và mối quan hệ mật thiết giữa con người và tự nhiên. Nổi bật nhất trong số đó là truyện ngắn “Kiến và người” in trong Tạp chí Đất Quảng. Tác phẩm là câu chuyện về sự đấu tranh môi trường sống giữa một gia đình và loài kiến, và con người sẽ không thể chiến thắng nếu như xâm chiếm môi trường sống của các loài trong tự nhiên.

     Khi đọc tác phẩm có lẽ điều gây ấn tượng đầu tiên trong truyện ngắn này chính là tiêu đề tác phẩm. "Kiến và người" một bên là con vật một bên là con người, một bên nhỏ bé bên kia thì to lớn, tưởng chừng như không liên quan đến nhau. Nhưng qua ngòi bút của Trần Duy Phiên thì những cái xấu đều bị đánh bại nếu như xâm lấn môi trường sinh thái. Câu chuyện được kể qua mắt nhìn của người con, từ đó thấy cách ứng xử khác nhau của "bố cháu","mẹ cháu" và "cháu" khi đàn kiến tấn công. Khi phá rừng và có căn nhà để ở, cả gia đình bị đàn kiến tấn công. Lúc nào cả gia đình cũng trong trạng thái lo lắng vì sự tấn công của đàn kiến. Người bố lúc nào cũng phải đảo quanh nhà tìm đường ra, lúc thì thở dài tìm mọi cách. Đến mức phải thốt ra "Bọn chúng buộc cả nhà ta phải chết". Chỉ vì muốn chiếm đất để ở mà cả gia đình lúc nào cũng phải khổ sở, trốn chạy đàn kiến. Đàn kiến xâm chiếm chỗ nào là cả gia đình lại lấp chỗ đấy. Chúng tấn công từng đàn gà, đàn lợn dần dần bò vào từng ngóc ngách căn nhà. Khi miêu tả sự xâm chiếm của đàn kiến, tác giả đã dùng từ ngữ chân thật, cái mạnh mẽ cái nhiều vô kể đàn kiến. Nó đối lập với trạng thái lo lắng, cái ít ỏi, càng ngày thu hẹp của gia đình. Cả gia đình chạy trốn, nhà cũng bị cháy, người mẹ thì mất. Người bố đã quá tham lam và sai lầm, đi hết từ cái sai này đến cái sai khác. 

Phân tích Kiến và người

Nếu không cố chấp xâm chiếm môi trường sống sinh thái thì hẳn con người và loài vật đã được chung sống hoà bình. Từ xa xưa con người đã luôn quan niệm: "Con người là chúa tể của muôn loài". Chính vì thế có quyền phá hủy, xâm lấn môi trường sống tự nhiên. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không quan tâm gì đến môi trường xung quanh mình. Câu chuyện như là một bức tranh hài hước khi mà những con người có tri thức, trí tuệ lại bị đánh bại trước con vật nhỏ bé của thiên nhiên. Tác giả đã rất khéo léo sáng tạo, khi vẽ ra một bức tranh tương phản giữa con người và thiên nhiên. Khi con người tác động môi trường sống tự nhiên họ sẽ phải hứng chịu bài học lớn. Trần Duy Phiên cũng có hai truyện ngắn nữa cũng viết về sự đối lập giữa con người và thiên nhiên là "Mối và người", "Nhện và người". Qua đó tác giả như muốn dùng lời văn của mình để lên án những tác động của con người đến môi trường sinh thái và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sống tự nhiên.

    Một nhà văn Pháp đã từng nói: "Một nhà văn đúng nghĩa là một người biết đem con chữ của mình để phản ánh cuộc sống". Trần Duy Phiên đã làm được điều đó qua tác phẩm "Kiến và người". Tác phẩm cho thấy tài năng ngôn từ phong phú của nhà văn, cùng với đó là những mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.


Sơ đồ tư duy phân tích Kiến và người 

Phân tích Kiến và người

-----------------------

Trên đây là những bài phân tích Kiến và người. Hy vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích các em trong quá trình học tập và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 15/02/2023 - Cập nhật : 09/05/2024