logo

Phân tích Chiều sương Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

Thiên nhiên luôn khắc nghiệt và tràn đầy những điều ly kỳ, bí ẩn mà con người không thể tìm hiểu hết được. Tuy nhiên, với những con người miền biển, đây là thứ mà họ bắt buộc phải vượt qua để đổi lấy miếng ăn. Họ lao động vất vả, khiến ta tôn vinh những con người lao động miền biển. Trong bài viết dưới đây, mời các bạn tìm hiểu về vẻ đẹp của con người qua bài phân tích Chiều sương cùng Toploigiai nhé!


Dàn ý Phân tích Chiều sương - Mẫu 1

Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Bùi Hiển ( những nét chính về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,...)

- Giới thiệu khái quát về truyện ngắn Chiều Sương (xuất xứ, những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật,...)

Thân bài

- Chàng trai đến thăm lão Nhiệm Bình và nghe những câu chuyện li kì ông kể trong các chuyến ra khơi

- Hình ảnh những người thuyền chài

- Những câu chuyện li kì mà người chài đã từng chứng kiến trong các lần đi biển

- Sự dũng cảm chăm chỉ của những người đi biển và hình ảnh chiếc thuyền trong giông bão

- Những người chài chống chọi để vượt qua bão tố bất ngờ ập đến

- Những mất mát, khó khăn sau mỗi lần đi biển về

=> Thấy được sự lao động cực nhọc của các người dân hàng chài và sự khắc nghiệt thiên nhiên

Kết bài

Khẳng định lại nội dung, cái độc đáo trong các con chữ của Bùi Hiển.


Dàn ý Phân tích Chiều sương - Mẫu 2

I. Mở bài

Truyện ngắn “Chiều sương” của nhà văn Bùi Hiển có chủ đề về cuộc sống dân chài.

II. Thân bài

1. Truyện có mở đầu tự nhiên thông qua câu chuyện của ông lão dân chài kể cho chàng thanh niên trẻ thân thiết với ông.

2. Phân tích hình ảnh nhân vật người âm 

- Là những dân chài đã ra đi trên biển.

- Có cảm xúc như người đang sống.

- Đồng hành cùng dân chài trong những chuyến đi biển: vui đùa, trêu chọc, cứu sống dân chài.

Từ đó cho thấy tình bằng hữu của những người dân chài với nhau.

3. Phân tích thiên nhiên trong truyện

- Mang dáng vẻ trái ngược: vừa trữ tình vừa hung tợn.

- Con người phải hợp sức thì mới chống lại tai họa thiên nhiên.

4. Giá trị nghệ thuật: tác giả miêu tả sinh động các công đoạn đánh bắt cá, sử dụng thuyền; dùng thuật ngữ của nghề chài lưới. Qua đó người đọc hình dung được một ngày làm việc của dân chài.

III. Kết luận

Khẳng định giá trị nội dung của tác phẩm:
- Câu chuyện thể hiện vẻ đẹp của con người trong cuộc sống và lao động.
- Công việc chài lưới khắc nghiệt nhưng cao quý, đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ.


Phân tích Chiều sương - Mẫu 1

Truyện ngắn “Chiều sương” của nhà văn Bùi Hiển đem đến cho người đọc cái nhìn về cuộc sống mưu sinh của những người dân làm nghề chài lưới.

Nhà văn Bùi Hiển là một trong những cây bút viết truyện ngắn nổi bật của văn học nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Các sáng tác của ông thường có chủ đề về làng quê Việt Nam với những con người bình dị nghĩa tình. Truyện ngắn “Chiều sương” của nhà văn Bùi Hiển là một phẩm nổi tiếng của ông kể về đời sống những con người ở làng chài.
Câu chuyện được khơi gợi rất tự nhiên bằng cuộc trò chuyện của một chàng trai trẻ với lão Nhiệm Bình. Thời còn trẻ ông lão là dân chài nhưng nay lớn tuổi nên không còn ra khơi nữa. Chàng trai vòi vĩnh ông kể về những câu chuyện ngoài biển. Thông qua lời kể của ông lão, tác giả dẫn dắt người đọc đến với cuộc sống gian nan của nghề chài lưới, nơi người dân phải đối mặt với hiểm họa từ thiên nhiên.
Trong câu chuyện của ông luôn có nhân vật đặc biệt là người cõi âm, chính là hồn ma những dân chài đã ra đi trong biển. Nhưng những con người cõi âm này chẳng khác gì đương còn sống. Họ xuất hiện “chỉ để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời, vì cảm thấy lòng biển quá mênh mông, lạnh lẽo”. Họ đồng hành cùng dân chài trong mỗi lần ra khơi, họ nghịch ngợm, biết trêu đùa “đồng nghiệp”. Sự có mặt của họ làm dân chài vơi bớt nỗi buồn chán trong những ngày lênh đênh trên biển. Không những thế có lần trong cơn giông bão, ông Bình còn gặp cả đội thuyền ma. Chiếc thuyền ma tự xưng là thuyền ông Xin Kính, đã làm hoa tiêu dẫn đường đưa họ bình yên vượt qua cơn bão, đồng thời còn khiến họ cứu được anh Hoe Chước – là dân chài bị mất tích. Thuyền ông Xin Kính đã bị sóng đánh giạt vỡ trong một cơn bão lớn, cả thuyền không còn ai sống sót, chỉ riêng có anh may mắn thoát được.
Không rõ những chuyện gặp người âm của ông Bình không rõ là thật không, nhưng với cách xây dựng tình tiết sống động, chi tiết cùng với cảm xúc ẩn lấp trong đó khiến chàng thanh niên “có thể nào không tin” và cả người đọc cũng tin là thật. Bởi biển khơi là một vật thể bí ẩn chứa nhiều sự huyền bí mà chưa ai có thể khám phá. Đồng thời trong câu chuyện của ông Bình toát lên vẻ đẹp của tình nghĩa. Đó là tình nghĩa bằng hữu cùng vào sinh ra tử. Ở đó biển cả là chiến trường và thiên nhiên là đối thủ đang chực chờ lấy đi sinh mạng của họ. Tình nghĩa ấy giúp người dân chài có được những phút giây thư giãn trong những giờ đi biển căng thẳng. Tình nghĩa ấy cũng cứu sống họ theo một cách thật đáng trân quý: những người dân chài bị bão tố cướp tính mạng đã cố gắng cứu đồng loại của mình thoát khỏi những cơn bão tố sau này.
Thiên nhiên trong truyện hiện lên với những dáng vẻ khác nhau. Có khi đẹp trữ tình “bình minh giát ánh vàng trên những dải mây bông thoáng nhẹ” nhưng cũng đầy âm hiểm “sóng vùng lên, cuốn, réo, đuổi dồn nhau, va vào nhau tóe bọt, ngụp xuống, trồi lên, đã thấy một sức mạnh hỗn độn và bất ngờ”. Hiểm họa tự nhiên có thể đánh quật con người bất cử khi nào, kể cả cướp đi sự sống. Nhưng phải đối mặt với bão tố thì lòng dũng cảm, ý chí quật cường và tình đoàn kết của con người mới được thể hiện rõ nét nhất. Ngoài khơi xa thiếu thốn trăm về, người dân chài chỉ có thể tin tưởng cùng trao tính mạng cho nhau. Họ hợp sức chống lại thiên nhiên hung tàn để cùng nhau được bình yên trở về với gia đình. 
Tác giả đã miêu tả công việc chài lưới với những động tác thả mồi, kéo lưới, đàn cá mắc lưới… rất sống động; cũng như cách sử dụng và giải thích những thuật ngữ riêng của nghề chài như cái bóng, trứng nước, sự kiêng kị… đem lại cảm giác chân thực. Qua đó, người đọc có thể thấy được một ngày làm việc trên biển của người dân từ khi bình minh cho đến tận lúc “mặt trời đứng bóng, biển biếc ngả sang mầu lục”, từ những giờ phút thảnh thơi bên bữa cơm đơn sơ cho đến khi chống chọi với nguy hiểm.
Truyện ngắn “Chiều sương” là vẻ đẹp của người dân chài trong cuộc sống và lao động. Thông qua câu chuyện, người đọc hiểu được sự khắc nghiệt của nghề chài lưới. Mỗi chuyến đi biển là một lần xác định phải đối mặt với nguy cơ không có ngày trở về. Đó không đơn thuần là mưu sinh là còn là trận chiến giữa con người và hiểm họa thiên nhiên. Bất kỳ công việc nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ do đó nghề nghiệp nào cũng đáng trân quý.


Phân tích Chiều sương - Mẫu 2

    Bùi Hiển là nhà văn nổi tiếng ở vùng đất nắng gió Nghệ An. Trước và sau giai đoạn năm 1945, ông là nhà văn có sự sáng tạo phong phú, luôn bền bỉ sáng tác và cho ra đời rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nổi bật là truyện ngắn “Chiều sương” in trong tập truyện ngắn "Nằm vạ" sáng tác năm 1941. Truyện ngắn là hình ảnh những con người làng chài với những đức tính tốt đẹp, cùng với nét vẽ đặc sắc về bức tranh thiên nhiên.

     Mở đầu là hình ảnh chàng trai gặp được lão Nhiệm Bình, nghe ông kể về những câu chuyện li kì mà mình đã từng gặp trong các lần đi biển. Nhưng ly kỳ nhất là chuyện gặp được ma, đó là lần hòn đá giữ lưỡi câu không kéo lên được, rồi lần khác nửa đêm đi qua miếu thì có một bầy lại xin cá. Chuyện lão chài kể như là những câu chuyện thường ngày mà những người chài từng trải qua. Ông không coi đó là điều đáng sợ gì cả, vẫn vừa kể vừa đan lưới. Dù đó là những câu chuyện huyễn tưởng, hay đã từng là sự thật thì thấy rằng cõi chết và cõi sống vẫn sẽ hiện hữu mà không phân biệt rạch ròi. Ngoài ra cảnh vật ở làng chài vào chiều xuân hiện lên qua ngòi bút của tác giả cũng thật đẹp và bình yên. Một buổi chiều yên ả với những tiếng người hòa lẫn trong sương, rồi xa xa hình ảnh bóng thuyền chài chuẩn bị ra khơi. Tất cả tạo nên một khung cảnh bình yên, thật đối lập với khung cảnh khi ra khơi của những người thuyền chài. Sang ngày mới, những người chài lưới tiếp tục ra khơi. Đây là công việc thường xuyên mà mỗi ngày họ đều phải làm. Họ ra khơi với tâm thế thoải mái và chăm chỉ đánh được nhiều cá nhất. Bùi Hiển đã dùng từ câu văn miêu tả rất đặc sắc về hình chiếc thuyền “ nặng nề, lừ đừ tiến, hai mắt tròn trân trân nhìn phía trước”. Nhưng mà thiên nhiên con người được thể hiện rõ nhất khi mà gió nổi lên, bão bùng kéo tới. Thiên nhiên thì khắc nghiệt như muốn nhấn chìm tất cả. Nhưng những người chài vẫn dũng cảm kiên trì giữ thuyền. Thiên nhiên và con người giằng co, nhưng con người đã chiến thắng trước thiên nhiên. Bão qua đi, những ngư dân cũng như kiệt sức. Ta thấy được những khó khăn, những nguy hiểm vẫn luôn rình rập trong cuộc sống lao động của người ngư dân. Nhưng họ vẫn không từ bỏ, vẫn luôn bám biển vừa nuôi sống gia đình vừa giữ gìn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Sự xuất hiện về chiếc “thuyền ma” cũng yếu tố đặc biệt cho câu chuyện này. Nó chính là sự phản ánh cho những tai ương, những nhọc nhằn mà người dân chài phải trải qua. Tác giả miêu tả thật khéo léo, tinh tế khiến người đọc không cảm thấy lạnh lẽo ghê sợ mà lại là không khí gần gũi ấm áp. Nhắc đến hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt, con người dũng cảm vượt qua thiên tai, làm ta lại nhớ đến hình ảnh người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Cả hai tác giả đều ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của những con người lao động khi đứng trước thiên nhiên khắc nghiệt

Phân tích Chiều sương

      Đọc truyện ngắn ta như được đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên, cái vẻ đẹp của con người qua ngòi bút miêu tả đặc sắc, cùng tài năng nghệ thuật độc đáo của Bùi Hiển. Đọc “Chiều sương” ta càng thêm trân trọng hình ảnh về những người lao động tần tảo chịu khó, mang một nét đẹp truyền thống của người lao động Việt Nam.


Sơ đồ tư duy phân tích Chiều sương

Phân tích Chiều sương

-------------------------

Trên đây là những bài phân tích Chiều sương. Hy vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích các em trong quá trình học tập và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 15/02/2023 - Cập nhật : 09/05/2024