logo

Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Bà già lẩn thẩn.

Chế Lan Viên đã từng viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Quả đúng như vậy, tình mẹ vô cùng dạt dào và sâu lắng. Hãy cùng tham khảo bài phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật truyện ngắn “Bà già lẩn thẩn”  của Tạ Tư Vũ để thấy được vai trò của tình mẫu tử đối với cuộc sống sống mỗi người nhé!


Dàn ý Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Bà già lẩn thẩn. 

Mở bài: Giới thiệu tác giả Tạ Tư Vũ, tác phẩm Bà già lẩn thẩn.

Thân bài: 

Giá trị nội dung: 

- Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Bà Nẫu yêu thương, suy nghĩ cho con từ bé cho tới khi trưởng thành: 

+ Dành hết tình yêu thương của mình cho con, con chính là nguồn sống của bà.

+ Khi biết con thích theo nghề diễn viên, bà không cấm cản nhưng muốn con thử các nghề khác đỡ vất vả và ổn định hơn.

+ Quyết định bán mảnh vườn để đầu tư cho con làm diễn viên, luôn theo dõi, ủng hộ con bằng việc cùng mọi người xem phim của Tâm.

+ Luôn đi chùa cầu may cho con, khi thấy con bị đánh trên phim thì lo lắng và quyết định vào Nam thăm con.

+ Đau đớn khi con không muốn gặp mình, sống tệ bạc nhưng vẫn “lẩn thẩn” bảo vệ danh dự con…

=> “Bà già lẩn thẩn” thực chất nói đến người mẹ yêu thương con đến mức để mọi người và chính bản thân gọi mình là “lẩn thẩn”. Tình yêu của mẹ khiến bà mặc dù nhận ra sự thật nhưng luôn cố tình “lẩn thẩn” để bảo vệ con.

- Phê phán sự bất hiếu, vô tâm của người con.

+ Hành động thô lỗ, vô tâm khi mẹ không muốn Tâm đi làm diễn viên…

+ Bỏ đi mà không nói với mẹ, chỉ để lại tờ giấy với những nét chữ nguệch ngoạc.

+ Không về quê thăm mẹ, giỗ cha mà chỉ gửi tiền về.

+ Nói mẹ “lẩn thẩn” khi tìm thăm mình, lấy lý do bận để không gặp mẹ,…

=> Tâm đã bị đồng tiền, danh tiếng mà quên đi mẹ, sự bội bạc, bất Hiếu ấy ngay chính bà bán nước mía còn thấy rõ thế mà Tâm vẫn vô tâm, bạc bẽo,…

Giá trị nghệ thuật. 

  • Kết cấu truyện không theo trình tự thời gian, tạo sự cuốn hút, hấp dẫn người đọc. 
  • Kết hợp giữ ngoại hiện và miêu tả nội tâm trong việc khắc họa nhân vật.
  • Điểm nhìn linh hoạt, ngôn ngữ giản dị, súc tích.
  • Giọng kể có sự thay đổi: khi chậm rãi chia sẻ, khi mỉa mai, phê phán.

Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm 

Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Bà già lẩn thẩn. 

Bài mẫu Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Bà già lẩn thẩn. 

Chế Lan Viên đã từng viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Quả đúng như vậy, mẹ không những là người sinh ra và nuôi dưỡng mỗi con người mà còn chăm sóc, lo lắng cho con đến hết cuộc đời mẹ. Ta đã từng bắt gặp nhiều tác phẩm viết về tình mẫu tử và đến với truyện ngắn “Bà già lẩn thẩn” của Tạ Tư Vũ, người đọc một lần nữa xúc động trước tình mẹ dạt dào, sâu sắc. 

Truyện kể về bà Nẫu có một đứa con trai duy nhất tên là Tâm. Vì chồng mất sớm nên bà dồn hết tất cả tình yêu thương cho đứa con. Bà muốn Tâm có một cuộc sống đầy đủ với nghề nghiệp ổn định thế nhưng Tâm lại thích làm diễn viên và tự bỏ nhà vào Sài Gòn lập nghiệp. Thương con, bà Nẫu luôn đi chùa cầu may, luôn theo dõi và ủng hộ Tâm bằng việc xem phim con hằng ngày. Một lần, bà thấy trong phim Tâm bị đánh, mặc dù biết chỉ là diễn nhưng bà vẫn lo cho con. Bà vào Sài Gòn tìm con nhưng lại bị Tâm lấy lý do bận diễn để không nghe điện thoại và gặp mặt mẹ. Điều này bị bà bán nước mía nhận ra, vì không muốn làm mất danh tiếng con, bà Nẫu giả vờ không nhận ra con và tủi thân trở về. 

Tình cảm của bà Nẫu dành cho con thật lớn lao, cao cả. Tình mẫu tử của bà khiến người đọc phải xúc động, nghẹn ngào vì sự hy sinh vô điều kiện mà bà dành cho đứa con trai của mình. Bà dồn hết tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho con, đối với bà, Tâm chính là nguồn sống của bà. Chính tình yêu con đã khiến bà cũng như mọi người nói mình lẩn thẩn. Trong truyện có ba lần bà Nẫu bị nói là “lẩn thẩn”. Lần thứ nhất là đi bà tự nhận bởi sự bao dung của bà khiến bà nhận mọi sự ngờ vực về bản thân. Khi biết con thích theo nghề diễn viên, bà không cấm cản nhưng muốn con thử các nghề khác đỡ vất vả và ổn định hơn. Thế nhưng Tâm lại không hiểu cho bà và tỏ thái độ hỗn xược, cho rằng mẹ đang cấm cản mình. Biết rằng bà không thể khuyên con nữa, bà đã tự an ủi bản thân và đồng ý ủng hộ con: "Chắc mình là bà mẹ lẩn thẩn. Cứ kiếm chuyện mà lo lắng". Bà định bán mảnh vườn để đầu tư cho con làm diễn viên. Đối với người dân ở nông thôn, mảnh vườn được xem là tài sản quý giá nhất vậy mà bà vẫn muốn bán để thực hiện ước mơ của Tâm. Mặc dù Tâm bỏ đi mà không thông báo và xin phép nhưng bà Nẫu vẫn bỏ qua và một lòng lo lắng cho con. Tình mẫu tử của bà đối với tâm to lớn đến mức chiều nào bà cũng cùng mọi người ủng hộ, xem phim của Tâm. Mặc dù chỉ thấy qua phim nhưng bà vẫn luôn quan sát, theo dõi con hằng ngày. Bà đi chùa cầu may cho Tâm, khi thấy con bị đánh trên phim thì lo lắng và quyết định vào Sài Gòn thăm con. Lần thứ hai bà bị gọi lẩn thẩn là chính Tâm nói với bà khi trách bà không nhận ra việc Tâm bị đánh là trên phim chứ không phải ngoài đời thực: "Trời, má lẩn thẩn hả, đóng phim mà. Con đang diễn ở miền Tây, má đừng lên. Xong việc rồi con tính". Tâm đâu biết được rằng bà biết đó là phim nhưng vì quan tâm và nhớ anh nên mẹ mới vào thăm anh. Nhưng đau đớn thay khi Tâm không muốn gặp bà, lấy lý do bận diễn để tắt điện thoại của bà Nẫu. Chính người bán nước mía cũng nhận ra sự vô tâm của Tâm: "Sao bà lẩn thẩn vậy. Bộ tui hổng biết mặt nghệ sĩ Đại Tâm hả?". Cả ba lần bị gọi “lẩn thẩn” của bà đều xuất phát từ tình yêu thương và lo lắng cho Tâm, và ở lần thứ ba, ngay cả khi bị con phũ phàng thì bà vẫn bảo vệ con. Những uất ức, nghẹn ngào bà không dám nói ra vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của con, tình mẫu tử đã khiến bà chấp nhận mọi tủi cực để cho Tâm được sống cuộc sống Tâm mơ ước.

Trái ngược với tình cảm của bà Nẫu dành cho con thì Tâm lại tỏ ra vô cùng thờ ơ, bất hiếu. Khi thấy mẹ muốn mình chọn nghề nghiệp trái với mong muốn của bản thân thì Tâm lập tức hỗn xược, tức giận. Tâm không quan tâm đến những suy nghĩ và lo lắng của mẹ, chỉ khăng khăng thực hiện ước mơ của mình. Tâm bỏ đi mà không xin phép mẹ, chỉ để lại cho bà một mẩu giấy sơ sài. Khi đã thành danh, Tâm xem tiền bạc, danh vọng là tất cả, chữ “hiếu” của Tâm được thực hiện bằng tiền, Tâm không lo lắng hay về thăm mẹ dù chỉ một lần. Khi biết mẹ lên thăm mình, Tâm đã vô tình, thờ ơ, không muốn gặp mẹ. Mọi người nói mẹ “lẩn thẩn” đã đành, đến Tâm cũng nói bà Nẫu như vậy. Mặc dù đi xe sang, ở trong căn nhà giàu có nhưng Tâm đã quên mất tình cảm của mẹ dành cho anh. Đây là thái độ sống bất hiếu, vô ơn, không xứng đáng với tình mẫu tử thiêng liêng của bà Nẫu. 

Thành công của tác phẩm không chỉ ở nội dung ý nghĩa, sâu sắc mà còn ở nghệ thuật kể chuyện cuốn hút người đọc. Truyện được kể theo ngôi kể thứ ba, tạo sự chân thực, khách quan cho câu chuyện. Thời gian trong truyện không theo trình tự tuyến tính, bắt đầu từ hiện tại - quay về quá khứ - hiện tại làm cho câu chuyện trở nên sinh động, phù hợp với chủ đề tác phẩm. Tác giả miêu tả nhân vật không chỉ ở bên ngoài mà còn kết hợp với miêu tả nội tâm nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, gần gũi tạo sự chân thực, khiến câu chuyện như diễn ra thật trước mắt người đọc. Bên cạnh đó, việc khắc họa nội tâm nhân vật khiến nhân vật hiện lên cụ thể, đặc điểm tính cách nhân vật trở nên rõ ràng hơn. Tác giả không chỉ sử dụng một điểm nhìn Trần thuật mà “trao quyền” kể chuyện cho các nhân vật trong truyện. Sự đa thanh giữa các nhân vật kết hợp với giọng kể khi chậm rãi chia sẻ, khi mỉa mai, phê phán thể hiện thái độ cảm thông, ngợi ca của tác giả đối với tình mẹ cao cả, thiêng liêng. Bên cạnh đó, bài học về đạo làm con, thái độ phê phán đối với sự bất hiếu, vô ơn cũng là giá trị để lại nhiều ấn tượng trong lòng đọc giả.

Như vậy truyện ngắn “Bà già lẩn thẩn” là một trong những tác phẩm để lại nhiều giá trị tốt đẹp, thể hiện tài năng bậc thầy trong việc khám phá cũng như thể hiện những điều mới mẻ ngay trong những điều quen thuộc của tác giả Tạ Tư Vũ. 

icon-date
Xuất bản : 01/05/2024 - Cập nhật : 01/05/2024