logo

Nằm gai nếm mật nghĩa là gì?

Câu trả lời chính xác nhất: Nằm gai nếm mật nghĩa là chỉ sự vất vả, dám hi sinh và sẵn sàng chịu đựng mọi gian nan (để mưu cầu việc lớn). Để có được thành công thì phải trải qua những vất vả. Chính vì vậy, câu nói Nằm gai nếm mật giúp con người có thêm động lực để cố gắng vượt qua mọi thử thách vươn tới thành công. 

Để hiểu rõ hơn về câu Nằm gai nếm mật, Toploigiai mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.


1. Nằm gai nếm mật nghĩa là gì?

“Nằm gai nếm mật” - Một câu nói rất dễ hiểu mà không cần phải cắt nghĩa quá nhiều.

- Hiểu theo nghĩa đen: Nằm gai nếm mật nghĩa là nằm trên những miếng gai để nếm những giọt mật ngọt.

- Hiểu theo nghĩa bóng: Nằm gai nếm mật nghĩa là chỉ sự vất vả, dám hi sinh và sẵn sàng chịu đựng mọi gian nan (để mưu cầu việc lớn). Để có được thành công thì phải trải qua những vất vả. Chính vì vậy, câu nói Nằm gai nếm mật giúp con người có thêm động lực để cố gắng vượt qua mọi thử thách.

>>> Tham khảo: Nhanh như chớp nghĩa là gì?


2. Nguồn gốc của Nằm gai nếm mật

Xuất xứ của câu thành ngữ này có từ đời Xuân Thu (tên gọi một giai đoạn lịch sử từ 771 đến 476 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc). Khi ấy, nước Việt bị nước Ngô thôn tính. Vua nước Việt là Câu Tiễn bị bắt làm tù binh. Vua nước Ngô là Phù Sai sai quân bỏ Câu Tiễn vào ngục, bắt phải chịu đủ mọi nỗi hành hạ, khổ sở và luôn bị bêu riếu, làm nhục. Câu Tiễn cắn răng chịu đựng, nuôi chí để chờ cơ hội phục thù.

Bề ngoài, Câu Tiễn tỏ ra mềm yếu, quy phục hết lòng. Thậm chí có lần, nghe tin Phù Sai ốm nặng, các danh y chưa tìm ra thuốc chữa, Câu Tiễn xung phong nếm phân Phù Sai để đoán bệnh. Từ hành động ấy, Phù Sai không nghi ngờ gì mà sau đó, thả cho Câu Tiễn về nước. Câu Tiễn bèn quyết tâm phục hận, hàng ngày thường nằm trên đống củi gai, tránh nơi êm ấm, ngày nào cũng nếm một giọt mật đắng, tránh xa của ngon vật lạ để rèn luyện tinh thần, chịu đựng gian khổ, mài sắc ý chí phục thù.

Nằm gai nếm mật nghĩa là gì?

Sau hai mươi năm trời khổ công rèn luyện, chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn xuất đại binh đánh bại quân Ngô. Phù Sai lúc ấy tỉnh ngộ thì đã muộn, phải tự sát.

Để làm cho nước Việt giàu mạnh, Câu Tiễn tự mình tham gia cày bừa, bảo vợ tự dệt vải để khuyến khích dân chúng đẩy mạnh sản xuất. Vì nước Việt lâm vào họa mất nước, nhân khẩu giảm nhiều ông ta liền đề ra chế độ khuyến khích sinh đẻ. Mặt khác, Câu Tiễn trao cho Văn Chủng quản lý việc lớn quốc gia, cho Phạm Lãi huấn luyện quân đội, bản thân khiêm tốn nghe theo ý kiến của mọi người, chú trọng cứu tế cho dân nghèo. Nhân dân toàn quốc đều dốc sức để đưa đất nước bị đè nén đó nhanh chóng trở thành cường quốc.

Từ đó, thành ngữ nằm gai nếm mật được sử dụng rộng rãi trong dân gian và trên văn đàn chỉ sự chịu đựng gian khổ, quyết chí mưu đồ việc lớn.

Mấy thu nếm mật nằm gai,

Thề lòng trả được giận dài mới yên

(Nguyễn Đình Chiểu)

Cho đến thời đại ngày nay đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ vẫn là bài học nuôi chí bền nằm gai nếm mật để chiến thắng kẻ thù. Ngoại trừ phục thù mang tính cá nhân, còn nằm gai nếm mật vẫn là đức tính chịu hy sinh, gian khổ truyền từ đời cha ông. Tuy nhiên, nên hiểu “nằm gai nếm mật” với nghĩa rộng hơn, không chỉ bó khuôn trong nghĩa đen của truyện này.

>>> Tham khảo: Đội quần lên đầu nghĩa là gì?


3. Ý nghĩa của Nằm gai nếm mật

Tích của câu thành ngữ trên cũng là một bài học dân gian ta muốn nhắn gửi cho đời sau. Rằng, chúng ta phải biết dày công chịu đựng, tu chí cho bền thì mới có cơ làm nên sự nghiệp. Không có con đường nào dẫn đến thành công mà lại nhẹ nhàng hay nhờ “ăn may” nhàn nhã cả. Xét cho cùng, việc nào ở đời cũng thế. Có chí thì nên. Nếu nhụt chí và nản chí thì ngay cả những việc nhỏ thôi cũng rất có cơ hỏng việc.

Có người cho rằng sống ở trên đời là để hưởng thụ an nhàn thoải mái, con đường nào mang đến sự an nhàn thoải mái thì đi theo. Khi xưa, nếu Việt vương Câu Tiễn thực sự chịu hàng phục Ngô vương, thì hẳn ông sẽ không phải vất vả khó nhọc đày ải thân mình, nhưng đổi lại nghìn năm sau ông vẫn mang nỗi nhục là ông vua mất nước. Lê Lợi cũng từng được tướng nhà Minh trao cho chức quan để dụ theo, nhưng ông không chịu khuất phục.

Lê Lợi “ẩn giấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi các kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ” (theo Lam Sơn thực lục). Vậy nên, Câu Tiễn và Lê Lợi mới làm nên nghiệp lớn.

--------------------------------

Trên đây Toploigiai vừa giúp bạn trả lời câu Nằm gai nếm mật nghĩa là gì? Với nội dung phân tích đầy đủ, kèm theo câu chuyện về nguồn gốc của Nằm gai nếm mật sẽ giúp bạn có thêm những động lực để bạn cố gắng, quyết tâm theo đuổi để đi đến thành công. Hy vọng những kiến thức trên hữu ích cho bạn. Chúc bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 26/09/2022 - Cập nhật : 26/09/2022