logo

Khái niệm phép liên kết Các phép liên kết trong chương trình Ngữ Văn 9

Câu trả lời chính xác nhất:

Liên kết là sự nối kết các câu, các đoạn trong văn bản một cách tự nhiên, hợp lí, làm cho văn bản trở nên có nghĩa, dễ hiểu. Để hiểu rõ hơn về Khái niệm phép liên kết? Các phép liên kết trong chương trình ngữ văn 9 hãy cùng Toploigiai đọc bài viết dưới đây nhé!


1. Khái niệm phép liên kết

Liên kết là sự nối kết các câu, các đoạn trong văn bản một cách tự nhiên, hợp lí, làm cho văn bản trở nên có nghĩa, dễ hiểu.

- Có hai loại liên kết: Liên kết nội dung (chủ đề) và liên kết hình thức (logic).

- Liên kết nội dung (chủ đề) là các câu phải hướng đến nội dung, chủ đề của đoạn văn. Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản.

- Liên kết hình thức (logic) là các câu và các đoạn văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

>>> Xem thêm: Viết đoạn văn có sử dụng phép liên kết


2. Các phép liên kết trong chương trình Ngữ Văn 9

- Về nội dung:

+ Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu trong đoạn cũng phải nói về chủ đề chung của đoạn văn.

+ Liên kết lôgic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

- Về hình thức:

+ Phép lặp: Từ ngữ của câu trước (đoạn trước) lặp lại ở câu sau (đoạn sau).

Ví dụ: Buổi sáng tôi dậy sớm để chuẩn bị cặp sách đến trường. Dậy sớm là một thói quen tốt.

Câu trên sử dụng phép lặp từ: "dậy sớm" ở câu trước lặp lại ở câu sau.

+  Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng: Là các từ ngữ ở các câu có các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hay cùng trường nghĩa.

>>> Xem thêm: Bài tập về liên kết câu và liên kết đoạn văn có đáp án

Ví dụ 1: Tôi thấy cô ấy rất xinh. Còn bạn tôi lại bảo cô ấy đẹp.

Câu trên sử dụng phép đồng nghĩa: "xinh" đồng nghĩa với từ "đẹp" ở câu sau (đồng nghĩa không hoàn toàn).

Ví dụ 2: Người yếu đuối thường hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh. (Nam Cao)

Câu trên sử dụng phép trái nghĩa: "yếu đuối" với "mạnh" và "hiền lành" với "ác".

+ Phép nối:

- Dùng các quan hệ từ để nối các câu lại tạo nên sự liên kết.

- Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng, ...

Ví dụ: Lớp chúng tôi hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học. Đồng thời, chúng tôi còn rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập rất nhiều.

Câu trên sử dụng phép nối: "Đồng thời"

+ Phép thế: Thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương.

Ví dụ 1: Cô Hằng là cô hàng xóm của tôi. Nhà cô ấy có rất nhiều hoa.

Phép thế: dùng đại từ "cô ấy" thay thế cho "cô Hằng" ở câu trước.

Ví dụ 2: Ai cũng muốn cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Muốn được như vậy bạn phải chăm chỉ tập luyện.

Phép thế: từ "như vậy" thay thế cho câu trước đó, mang nghĩa tương đương.

Khái niệm phép liên kết Các phép liên kết trong chương trình ngữ văn 9

3. Bài tập về phép liên kết

Bài 1: Theo em, tập hợp các câu dưới đây có phải là một đoạn văn không? Tại sao?

(1) Mưa ù ù như xay lúa. (2) Cối xay lúa giờ đây đã không còn nhiều ở làng quê Việt Nam. (3) Làng quê Việt Nam rất yên bình với những cánh đồng mênh mông, lũy tre rì rào. (4) Tre rất anh hùng trong chiến đấu, rất thân thiện trong đời sống người dân quê tôi. (5) Quê hương tôi đẹp vô cùng!

Trả lời: Tập hợp các câu trên không phải là một đoạn văn bởi vì các câu văn trên không nói về cùng một chủ đề, các câu văn không có sự liên kết với nhau.

Bài 2: Sắp xếp các câu văn sau theo một trình tự hợp lý để được đoạn văn hoàn chỉnh

a.

(1) Mặt nước sáng lóa.

(2) Trăng lên cao.

(3) Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá.

(4) Bầu trời càng sáng hơn.

(5) Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi.

b.

(1) Em nhìn thấu vào tận trong nhà.

(2) Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét

cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

(3) Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên.

(4) Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay.

(5) Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu.

c.

(1) Những cánh buồm trắng trên biển được nắng sớm chiếu vào sáng rực lên, ở xa trông như nhữngđàn bướm trắng lượn giữa trời xanh.

(2) Biển rất đẹp!

(3) Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch.

(4) Buổi sáng, nắng sớm tràn trên mặt biển.

Trả lời:

a. Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá. Trăng lên cao. Mặt nước sáng lóa. Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi. Bầu trời càng sáng hơn.

b. Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét.

c. Buổi sáng, nắng sớm tràn trên mặt biển. Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch. Những cánh buồm trắng trên biển được nắng sớm chiếu vào sáng rực lên, ở xa trông như những đàn bướm trắng lượn giữa trời xanh. Biển rất đẹp!

---------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu Khái niệm phép liên kết? Các phép liên kết trong chương trình ngữ văn 9. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có thông tin hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

 

 

icon-date
Xuất bản : 08/08/2022 - Cập nhật : 08/08/2022