logo

Trước những sắc thái và thời khắc khác nhau của bức tranh thiên nhiên chiều thu, duyên tình giữa “anh” và “em” có sự thay đổi như thế nào theo các khổ thơ

Câu hỏi: Trước những sắc thái và thời khắc khác nhau của bức tranh thiên nhiên chiều thu, duyên tình giữa “anh” và “em” có sự thay đổi như thế nào theo các khổ thơ. Có thể trả lời dựa vào bảng sau (làm vào vở):

Trước những sắc thái và thời khắc khác nhau của bức tranh thiên nhiên chiều thu, duyên tình giữa “anh” và “em” có sự thay đổi như thế nào theo các khổ thơ

Lời giải 

Khổ thơ

     Sắc thái thiên nhiên

      Duyên tình “anh” – “em”

Khổ 1 Các sự vật có sự gần gũi, thân mật. Đây là nơi gặp gỡ lần đầu.
Khổ 2 Thiên nhiên rộn ràng, vui tươi, nhưng nhẹ nhàng. Lần đầu rung động.
Khổ 3 Không có. Em bước đi trước, anh theo sau. Anh với em có duyên tình như được ông trời sắp đặt sẵn.
Khổ 4 Giữa khung cảnh rộng lớn, cảnh vật buồn bã, cô đơn. Anh và em sắp sửa phải xa nhau khi trời gần cuối chiều.
Khổ 5 Cảnh vật nhẹ nhàng, êm dịu. Anh thơ thẩn nhận ra đã phải lòng em lúc nào không hay.

>>>Xem trọn bộ: Bài Thơ duyên SGK 10 trang 68, 69 - Văn Chân trời sáng tạo

Phân tích bài Thơ duyên - Xuân Diệu

Mẫu số 1

Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình’ với những vần thơ say đắm, ngọt ngào và mãnh liệt về tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ đều để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm và ấn tượng riêng. “Thơ duyên” là bài thơ tràn đầy cảm hứng mê say, tin tưởng và đầy phấn khởi cho những giây phút rung động trong tình yêu.

Ngay ở nhan đề tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được nét “duyên” của con chữ và nét duyên ngầm trong lòng người. Cảm xúc bao trùm bài thơ chính là niềm hăng say, vui tươi, phơi phới khi có những giây phút rung động đầu đời của một chàng trai mới biết yêu. Người đọc chắc  chắn sẽ mê mẩn với những dòng cảm xúc vừa nhẹ nhàng vừa sôi nổi:

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Xuân Diệu đã mở đầu bài thơ bằng một không gian thật nên thơ và lãng mạn. Hình như không phải một buổi chiều như một ngày mà là “chiều mộng”. Một buổi chiều lãng mạn, tràn đầy chất thơ, chất nhạc, khiến lòng người say đắm. Một buổi chiều mùa thu nhẹ nhàng, tinh tế có cặp chim đang chuyền nhau trên cành cây mẹ. Một sự hòa quyện, giao thoa thật tuyệt vời giữa thiên nhiên và đất trời. Giọng thơ tuy nhẹ nhàng nhưng tràn đấy hứng khởi.

“Nhánh duyên” trong câu thơ đầu tiên khiến người đọc liên tưởng đến một mối nhân duyên ngầm nào đó nhưng vẫn còn e thẹn, ngượng ngùng.

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền

Hai câu thơ như tan ra cùng đất trời, mùa thu hiện hữu rõ từng đường nét và lắng nhẹ vào lòng người. Màu xanh của bầu trời như đang “đổ” xuống vạn vật, tạo nên một màu “ngọc” thật trong lành và dịu mát. Từ “đổ” khiến cho câu thơ bừng sáng lên. Đó như báo hiệu một mùa thu ngọt ngào, tinh tế đã đến. Dường như trời đất của mùa thu luôn có sức hút mạnh mẽ như vậy.

Một buổi chiều thật nên thơ, đầy tình tứ sẽ thêm thi vị hơn khi có câu chuyện tình đôi lứa:

Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi thương yêu

Hoa ra sự vui tươi của đất trời đều xuất phát từ nỗi rung động “lần đầu” ấy. Hình ảnh con đường “nho nhỏ’ trong câu thơ có điểm xuyết những cành lá đâm ngang như phác họa nên một bức tranh thu nhẹ nhàng, tinh tế đến lạ kỳ. Một không gian khiến cho người đọc ngỡ như mình đang lạc vào cảnh tiên thi vị. Dường như cảnh vật đang tạo cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm của người đang tràn ngập tình yêu. Câu thơ chợt bừng lên niềm reo vui thật khẽ nhưng thật sâu. Thơ Xuân Diệu cứ nhẹ nhàng nhưng đằm thắm như duyên con gái vậy.

Ở những vần thơ tiếp theo, nhân vật chính của tình yêu lần đầu ấy xuất hiện thật nhẹ:

Em bước điềm nhiên không vướng chân

Anh đi lững thững chẳng theo gần

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu

Anh với em như một cặp vần

Anh chàng thi sĩ đi giữa một con đường mà như có cảm giác đang lạc vào một miền say mê, đắm đuối với tâm thế “lững thững” rất bình tâm, rất nhẹ nhàng và có chút gì đó lưỡng lự. Chàng trai ấy giữ một khoảng cách vừa đủ để cảm nhận được tình yêu đang tan chảy ra cùng mùa thu dịu ngọt, êm ái. Cả “anh” và “em” đều “vô tâm” nhưng dường như ai cũng muốn xích lại gần hơn, gần thêm chút nữa. Bởi ẩn sâu trong suy nghĩ thì câu chuyện tình nhẹ nhàng đó đã như một cặp vần. Những câu thơ nhẹ nhàng, nhịp điệu chậm rãi, khoan thai gieo vào lòng người niềm hân hoan, vui tươi.

Cảnh vật trong bài thơ duyên rất duyên, huyền diệu và tràn đầy vui tươi, làm nền cho tình cảm trở nên lâng lâng:

Ai hay tuy lặng bước thu êm

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm

Trông thấy chiều hôm ngơ ngác vậy

Lòng anh thôi đã cưới lòng em

Mùa thu “êm” như khẽ khàng đi vào trái tim của những kẻ đang yêu, chẳng ai bày tỏ nỗi niềm nhưng lại khiến cho mọi thứ lâng lâng. Buổi chiều mưa thu “ngơ ngác” nhưng nhà thơ đã khẳng định chắc nịch “lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Một Xuân Diệu thật duyên, là duyên ngầm, nhưng cũng thật mãnh liệt. Không phải anh cưới em mà là “lòng anh cưới lòng em”.

“Thơ duyên” của Xuân Diệu là bài thơ tràn đầy niềm tin yêu và tràn nhựa sống. Một bài thơ tình nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.

Trước những sắc thái và thời khắc khác nhau của bức tranh thiên nhiên chiều thu, duyên tình giữa “anh” và “em” có sự thay đổi như thế nào theo các khổ thơ

Mẫu số 2

Trong “lời đưa duyên” đầu tập thơ “Thơ thơ” của Xuân Diệu, ông viết: “Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân và đây là tuổi xuân của tôi nữa… Tôi gửi hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng”. Câu dẫn khiến tôi nghĩ tới bài thơ “Thơ duyên” – một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ của Xuân Diệu.

Xuân Diệu được người đời gọi bằng cái tên trìu mến “ông Hoàng thơ tình”. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu đâu chỉ đơn thuần là tình yêu đôi lứa, nó còn biểu hiện phong phú và tinh tế hơn. Trong bài “Thơ duyên” cũng vậy, thi phẩm nhắc đến “duyên”, song không phải lương duyên, nhân duyên hay duyên phận. Nó là sự gắn bó hòa hợp tự nhiên lòng người với thiên nhiên, vũ trụ nên mới tạo ra một mối “duyên” đẹp như “thơ”.

Trước hết, Xuân Diệu bắt đầu bài thơ bằng bức tranh thiên nhiên đầy sức sống:

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

Cây me ríu rít cặp chim chuyền.

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”

Trong không gian chiều, khoảng thời gian gợi buồn, là lúc một ngày sắp kết thúc, con người thèm được nghỉ ngơi thì Xuân Diệu lại vẽ một bức tranh thiên nhiên không ngơi nghỉ. Tiếng chim vẫn tiếp tục véo von, cây hoa vẫn xanh mướt, mọi vật khi thu sang cựa quậy sinh động. Những câu thơ Tây quá! Xuân Diệu thoát ra khỏi hoàn toàn ý niệm chung về không gian và thời gian, chỉ để trái tim sống động này được tươi trẻ. Thế nên mới có một buổi chiều là “chiều mộng” chứ không phải chiều thực chăng?

Tiếp tới, thi sĩ thu hẹp không gian hơn, mọi thứ như gần gũi và chân thực hơn:

“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang nắng trở chiều.

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,

Lần đầu rung động nỗi thương yêu.”

Ấy vậy thôi, chứ những câu thơ vẫn “mộng” lắm. Cái nét “nhỏ nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả” kia làm không gian như đang tan ra theo lời thơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh nhận xét “Nó chỉ mất một ít rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”. Hơn nữa, nội tâm còn như đang hóa thành ngoại giới khi mà mới chỉ nghe “ý bạn” thôi mà cũng thấy được “nỗi thương yêu” rồi. Thật vậy, Xuân Diệu luôn nhìn đời bằng cặp mắt “xanh non biếc rờn”.

Đến hai khổ thơ tiếp, ta không còn thấy sự hòa hợp giữa lòng người và cảnh vật nữa mà là sợi dây giao cảm giữa lòng người với lòng người:

“Em bước điềm nhiên không vướng chân,

Anh đi lững đững chẳng theo gần.

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,

Anh với em như một cặp vần.

 

Mây biếc về đâu bay gấp gấp,

Con cò trên ruộng cánh phân vân.

Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”

Bề ngoài, hai nhân vật xuất hiện trong khổ thơ như là xa lạ lắm “em bước điềm nhiên”, “anh đi lững đững” thế nhưng lòng người thì lại như “một cặp vần” hòa hợp với nhau. Thiên nhiên cũng như rơi vào cảm xúc chung ấy. “Gấp gấp” là từ láy chỉ sự khẩn trương, sôi nổi, say đắm tiến tới tình yêu. Còn “phân vân” chỉ sự e dè, dùng dằng, chẳng dứt. Hơn nữa, con người lại có đôi chút lo sợ và dự cảm. Thế nên chim không bay, nó “nghe” ra được là trời rộng. Một chút “lạnh” chiều sương giăng thể hiện nỗi băng giá trong lòng người. Như vậy, Xuân Diệu đã thực hiện nội tâm hóa cảnh giới, thổi hồn mình và hồn tạo vật.

Ai hay tuy lặng bước thu êm,

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

Lòng anh thôi đã cưới lòng em.”

Cuối cùng, khổ thơ cuối kết thúc với niềm bộc bạch trực tiếp của nhân vật. Sự gắn bó hòa hợp lên cao tới mức không còn là “rung động”, yêu đương nữa mà đã như là “cưới” rồi. Cái cưới này là cưới của “lòng anh” và “lòng em”, là cái cưới trong tâm tưởng. Cái khát khao được giao cảm bộc lộ thật chân thật và trần thế. Chẳng phải một Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ Mới” ở đây chứ đâu nữa?

Tóm lại, bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu đã chứng minh một phong cách rất Tây, rất Mới thông qua hình ảnh, ngôn từ, diễn đạt, nhịp điệu… mới mẻ và tinh tế. Có lẽ, “Thơ duyên” chính là cách riêng của Xuân Diệu làm đẹp cho đời và thể hiện tâm hồn riêng của mình. Thế nên, có ai đó đã bình “Với bài “Thơ duyên”, Xuân Diệu thực sự đã làm duyên với cuộc đời và sự làm duyên ấy chính là duyên thơ”.

icon-date
Xuất bản : 29/08/2022 - Cập nhật : 30/11/2022