logo

Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức)

“Lá đỏ” là một trong số những bài thơ được viết trước khi  đoàn quân Việt Nam bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng đã tiên cảm được thắng lợi tất yếu của dân tộc. Dưới đây là bài văn mẫu Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức). Mời các bạn cùng tham khảo. 


Dàn ý Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức)

Mở bài: 

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội, là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ. 

Giới thiệu về bài thơ Lá đỏ. 

+ Hoàn cảnh ra đời: : tháng 12 năm 1974 – thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến.

+ Nội dung bài thơ. 

Thân bài: 

Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức)

Phân tích theo bố cục của bài thơ (3 phần) 

Phần 1: 2 câu thơ đầu tiên: không gian nơi hai người gặp nhau.

+ Trên cao.

+ Lộng gió.

+ Rừng lá đỏ.

Phần 2: 4 câu thơ tiếp theo: hình ảnh con đường Trường Sơn. 

+ Em đứng bên đường. 

+ Quàng Súng.

+ Đoàn quân vội vã.

+ Bụi Trường Sơn.

Phần 3: 2 câu thơ cuối: lời hứa hẹn của hai người khi phải chia tay.

+ Lời chào với em gái tiền phương.

+ Lời hứa hẹn gặp giữa Sài Gòn. 

Nghệ thuật sử dụng bài thơ: thể thơ tự do, bút pháp so sánh, ngôn ngữ thơ chân thực, gần gũi với người đọc. 

Kết bài: 

Cảm nhận chung về bài thơ.


Phân tích bài thơ Lá đỏ - Mẫu 1

      Nguyễn Đình Thi (1924-2003) quê ở Hà Nội, ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ. Thơ ông tự do, phóng khoáng, đồng thời cũng hàm súc, giàu chất suy tư, dạt dào cảm hứng yêu nước. Thể loại mà ông tâm huyết nhất vẫn là thơ, bởi đối với ông thơ như là một đứa con tinh thần mà cả cuộc đời của ông hướng tới và theo đuổi. Thơ của ông thường mang cảm hứng về đất nước, con người trong thời kì kháng chiến. Ông viết về đất nước gian khổ đau thương, con người chiến đấu để giành lại độc lập trong thời kì chiến tranh gian khổ. Một số tác phẩm tiêu biểu: Diệt phát xít (1945), Người Hà Nội (1947), Đất nước (1955)......

      Bài thơ Lá đỏ được sáng tác tháng 12 năm 1974 – thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến. Ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt “giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa”. Sự hy sinh mất mát, đớn đau do chiến tranh gây ra và con người lại chính là những cá thể bị tổn hại nhiều nhất… Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một vẻ đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn bao la, với sắc đỏ phủ trời xanh của màu lá đỏ. Xúc động trước cảnh thiên nhiên Trường Sơn lá đỏ ào ào tung bay trong gió và trong khoảnh khắc đó bài thơ được ra đời, và trở thành khúc ca ra trận dọc theo chiều dài đất nước. Bài thơ còn được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc và thành bài hát thể hiện khung cảnh oai hùng của đoàn quân ra trận. 

 

Lá đỏ

“Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”

(Trường Sơn, 12/1974)

      Mở đầu bài thơ là hình ảnh gặp em trên cao, trên cao ở đây đầu tiên là nói về vị trí địa lý có thể là lúc đó tác giả đã gặp được em từ trên núi cao, đèo cao. Trên cao ở đây không chỉ nói về vị trí địa lý mà còn nói đến vị trí về tình cảm trong lòng của tác giả, tình cảm thiêng liêng này được đặt trên cao hơn mọi tình cảm khác. Đó là một nơi đẹp đẽ, thoáng đãng, đứng từ trên cao nguyên lộng gió ta cảm nhận được một khoảng không vô tận, bao la. Và thể hiện trước không gian đó là hình ảnh rừng lá đỏ ào ào, bay trong gió. Giữa khung cảnh bầu trời xanh mát mẻ, nổi bật lên là hình ảnh là đỏ, màu lá đỏ như tô điểm thêm cho bầu trời Trường Sơn giữa lúc khói lửa mịt mù, do bom đạn thả xuống đất Trường Sơn, phải chăng chính hình lá đỏ đó đã chạm đến trái tim của tác giả. Bao nhiêu chiếc là đỏ đó cũng là bấy nhiêu những tâm tư, tình cảm của tác giả gửi vào trong đó. 

Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức)

      Mùa lá đỏ nên thơ ấy đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm hùng tráng và màu đỏ ấy cũng đã vẽ lên sức sống cho con đường Trường Sơn mùa ra trận. Giữa lúc đất nước đang diễn ra cuộc chiến đấu căng co và gay gắt, màu lá đỏ như tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trên chiến trường có thêm sức mạnh để chiến đấu vì quê hương, đất nước thân yêu của mình. 

      Bốn câu thơ tiếp theo là hình ảnh con đường Trường Sơn mùa ra trận. Mở đầu là hình ảnh cô thanh niên xung phong đứng bên đường. Nhắc đến con đường Trường Sơn không thể thiểu hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong, vì lòng yêu nước mà sẵn sàng lên đường. 

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường

      Hình ảnh cô gái trẻ trung, xinh đẹp, dồi dào sức trẻ. Đáng lẽ ra những cô gái này phải được hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Thế nhưng, vì đất nước còn đang có giặc xâm chiếm nên những cô gái ấy sẵn sàng lên đường, đôi vai gầy vẫn sẵn sàng quàng súng xông ra chiến trường. Nhắc đến các cô gái thanh niên xung phong cũng rất nhiều nhà thơ lấy cảm hứng để viết. Trong bài thơ “Cái điểm sáng ấy” của tác giả Trần Nhật Thu cũng đã viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

 

“Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn

Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi

Những cọc tiêu là những cô em gái

Thanh thản đứng bên đường trọng điểm – xe lên.”

      Hình ảnh con đường Trường Sơn được tác giả nhắc đến trong hai câu thơ.

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa.

      Đó là con đường đầy gian khổ và khắc nghiệt. Nhưng đoàn quân ta vẫn bước chân trập trùng, hối hả. Nó như rung chuyển đạp lên mọi khó khăn, thử thách. “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” bầu trời, khung cảnh Trường Sơn mịt mù, không phải do sương hay do cát bụi mà đây là do bom đạn, súng pháo bay nghi ngút. Khung cảnh thật khốc liệt làm sao. Qua câu thơ này ta có tể cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng vô cùng khốc liệt và máu lửa. Đó là một không gian đẹp và cũng chính là một biểu tượng của chiến tranh đã được bài thơ khắc họa.

      Hai câu thơ cuối của bài thơ là lời chào tạm biệt và lời hứa hẹn gặp lại giữa Sài Gòn khi đất nước ta thống nhất. 

Chào em em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn....

      Hình ảnh em ở đây vừa hiện diện của hậu phương đang dồn mọi sức lực cho tiền tuyến vừa là đóng vai trò người lính ở tiền phương. Một lời chào nghe thì rất đơn giản nhưng ẩn sâu bên trong lời chào đấy là lời hứa hẹn về ngày trở lại khi đất nước đã giành được độc lập. Chiến dịch cuối cùng của cuộc trường chinh ấy sẽ mang tên Bác, gặp nhau giữa Sài Gòn là gặp nhau trong ngày toàn thắng. Không còn khói bụi rực trời nữa mà là khung cảnh vui mừng khôn xiết khi đất nước ta giành được độc lập. 

      Bằng thể thơ tự do, giọng thơ chân thực. Hình ảnh của bài thơ cũng rất gần gũi, khái quát được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam ta. Đặc biệt hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc. Bài thơ Lá đỏ là một bài thơ hay và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. 


Phân tích bài thơ Lá đỏ - Mẫu 2

Bài thơ “Lá đỏ” là một sáng tác đặc sắc của Nguyễn Đình Thi viết về cuộc hội ngộ trên đỉnh Trường Sơn. Phân tích tác phẩm này giúp người đọc bồi dưỡng tình yêu quê hương và thêm biết ơn những người đã hy sinh thầm lặng vì đất nước.
Nguyễn Đình Thi sinh năm 1924 tại thành phố Luông Pha Băng ở nước Lào. Nguyễn Đình Thi là một người nghệ sĩ đa tài, có tài làm thơ, sáng tác nhạc, viết kịch,... và ở lĩnh vực nào cũng có những đóng góp rất đáng trân trọng, đặc biệt là ở mảng thơ ca. Thơ của ông có bản sắc và giọng điệu riêng, vừa tự do, phóng khoáng, vừa hàm súc, sâu lắng suy tư. Bài thơ “Lá đỏ” là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Thi được sáng tác vào tháng 12 năm 1974, thời điểm cuộc trường kỳ kháng chiến sắp bước vào hồi cuối.
“Gặp em trên cao lộng gió

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
Mở đầu bài thơ, hiện lên trước mắt người đọc là một cuộc gặp gỡ tình cờ trên đỉnh Trường Sơn:
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường”
Với thể thơ tự do linh hoạt, không bị khuôn khổ gò bó, Nguyễn Đình Thi đã mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc khác nhau. Cách dùng từ của nhà thơ đơn giản nhưng rất gợi hình gợi cảm. Tác giả đã dùng “gặp em” thay vì “thấy em” khiến cho câu thơ thêm phần nhẹ nhàng và tình cảm. Không chỉ vậy, đoàn quân “gặp em” không phải ở nơi đồng bằng mà ở “trên cao lộng gió”. Họ gặp nhau trong một khung cảnh hùng vĩ trên đỉnh Trường Sơn hoang sơ, vắng vẻ nhưng vẫn hùng tráng với những cơn gió lộng. Hình ảnh “em”,  cô gái tiền phương với lòng nhiệt thành yêu nước đã hiện lên giữa không gian “lá đỏ” dường như đã hòa vào với thiên nhiên, với Tổ quốc Việt Nam. “Lá đỏ” không chỉ đơn thuần mang một vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn có sức khái quát về vẻ đẹp cách mạng, tinh thần nồng nàn yêu nước của con người Việt Nam. Cụm từ “vai áo bạc quàng súng trường” là minh chứng cho những tháng ngày gian lao dầm mưa dãi nắng của cô giao liên nơi núi rừng Trường Sơn.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng phải đến hồi kết. Những câu thơ tiếp theo miêu tả cuộc chia tay đầy cảm động trên đỉnh Trường Sơn:
“Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
Trong hai mươi năm chống Mỹ, chiến trường Trường Sơn là một trận địa thiêng liêng, và cũng là nơi nằm lại của những người con yêu nước. Câu thơ “bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” khiến cho người đọc bất giác liên tưởng đến hình ảnh “bụi phun tóc trắng như người già”. Với cách sử dụng từ ngữ tinh tế, Nguyễn Đình Thi đã khắc họa một cách chân thực những chặng đường hành quân gian khổ, khốc liệt nhưng cũng không kém phần hào hùng như một khúc ca hành quân. Song, dù những con đường ấy khúc khuỷu, khó đi như thế nào thì “đoàn quân vẫn đi vội vã”, có lẽ là vì trong trái tim họ vẫn luôn có hình bóng miền Nam thân thương phía trước. Cái đích hướng đến cuối cùng của những người lính là Sài Gòn, ngày thống nhất đất nước đã đến thật gần, dân ta đã dần chạm đến độc lập, tự do mà ta hằng ao ước. Lời chào “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” không chỉ là một lời tạm biệt, mà còn là một lời hẹn ước chân thành thấm nhuần nhiệt huyết tuổi trẻ, của khát khao, lý tưởng giành lấy tự do.
Như bao người nghệ sĩ khác, Nguyễn Đình Thi là một thi nhân nhạy cảm với thời cuộc, trước cuộc đời và con người, đặc biệt là trước những người đã thầm lặng hy sinh thân mình vì lý tưởng cao cả. Bài thơ “Lá đỏ” mang đậm dấu ấn cá nhân của Nguyễn Đình Thi rất rõ nét bởi góc nhìn hiện thực mới mẻ, lối gieo vần tài tình kết hợp với chiều sâu triết lý. Sự đan xen giữa hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh con người đã tạo nên một bức tranh đa chiều, càng đọc, càng ngắm lại càng cảm thấy cuốn hút. Sau khi đọc xong tác phẩm này, tôi vô cùng trân trọng và biết ơn tài năng của tác giả vì đã cho người đọc một cảm nhận sâu sắc về sự hòa trộn giữa cảnh vật và tâm trạng con người.


Sơ đồ tư duy phân tích Lá đỏ

Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức)

------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã mang đến cho các bạn Bài văn mẫu Phân tích Lá đỏ (Văn 8 Kết nối tri thức). Hi vọng bài viết này giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 23/02/2023 - Cập nhật : 09/05/2024