logo

Phân tích bài thơ Ta đi tới (lớp 8)

Bài thơ “Ta đi tới” chứa đựng những cảm xúc thời đại. Với lời thơ mang tính biểu cảm cao, bài thơ vừa ca ngợi chiến thắng, vừa gợi suy nghĩ về chặng đường sắp tới của dân tộc. Cùng đi Phân tích bài thơ Ta đi tới để hiểu rõ về phong cách cũng như con người Tố Hữu.


Dàn ý phân tích bài thơ Ta đi tới

a, Mở bài

Giới thiệu khái quát tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

b, Thân bài

- Bằng con mắt biết cảm của mình, Tố Hữu cảm nhận vẻ đẹp của đất nước qua hàng ngàn trang lịch sử của đất nước để ta thấy được đất nước ngày này đẹp đẽ thế nào.

- Trước niềm vui sướng về cảnh đất nước yên bình, Tố Hữu ngược dòng cảm xúc bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu quả cảm, oai hùng.

- Cảm xúc chứa đựng đầy suy tư của nhà thơ khẳng định lại tinh thần khiên trung, bất diệt của dân tộc ta khi đối mặt với kẻ thù hùng bạo và tấm lòng thủy chung của con em dân tộc Việt Nam chung một mái nhà.

b, Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm

- Cảm nghĩ của em về nỗi niềm, cảm xúc của nhà thơ gửi gắm qua tác phẩm.

Phân tích bài thơ Ta đi tới (ngắn gọn)

 Phân tích bài thơ Ta đi tới - Mẫu 1

      Tình cảm yêu nước thiết tha, sâu nặng và khát vọng về một đất nước vững mạnh, ấm no luôn là đề tài nóng hỏi của rất nhiều nhà văn yêu nước. Trong đó không thể không nhắc đến nhà thơ Tố Hữu – một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam. Nổi bật là bài thơ “Ta đi tới” được nhà thơ viết vào tháng 8 năm 1954 nhằm ca ngợi chiến thắng lừng lẫy của dân tộc và suy nghĩ, trăn trở về tương lai đất nước trong trang sử mới.

      Đất nước trong con mắt của mỗi người được cảm nhận bởi nhiều mạch cảm xúc khác nhau. Đối với Tổ Hữu cũng vậy, bằng con mắt biết cảm của mình, ông lật qua hàng ngàn trang lịch sử của đất nước để ta thấy được đất nước ngày này đẹp đẽ thế nào:

Ta đi giữa ban ngày

Trên đường cái, ung dung ta bước.

Đường ta rộng thênh thang tám thước

Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên

Đường cách mạng, dài theo kháng chiến…

Đến hôm nay đường xuôi về biển

Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

Đất nước hiện lên trong mắt Tố Hữu với những con đường rộng mở “ung dung ta bước”. Hàng loạt những con đường cách mạng được gọi tên từ phía bắc nơi đường Bắc Sơn, Đình Cà, Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên nay đã được yên bình, xuôi theo về biển. Những con đường từng in hằn dấu chân của những người chiến sĩ nay đã “mới tinh khôi màu đất đỏ tươi”. Đất nước yên bình quả thật làm cho trái tim ta rạo rực, làm cho nhà thơ phải thốt lên rằng: “Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!”. Đất nước thời bom rơi đạn nổ cháy cả đồi cây nay đã thành rừng cọ, đồi chè xanh tươi bát ngát. Dòng sông Lô từng đẫm máu quân thù nay đã yên bình đón nắng mới, hò vang tiếng hát, phải chăng đó chính là tiếng hát trong lòng nhà thơ, tiếng hát tự hào, tôn vinh về những anh hùng dân tộc đã gây dựng nên đất nước hòa bình. Bến Bình Ca một thời máy bay địch oanh tạc nay trở nên hiền hòa, dào dạt.

Trước niềm vui sướng về cảnh đất nước yên bình, Tố Hữu ngược dòng cảm xúc bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu quả cảm, oai hùng:

Ai qua Phú Thọ

Ai xuôi Trung Hà

Ai về Hưng Hóa

Ai xuống khu Ba

Ai vào khu Bốn

Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân.

Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần

Tháng Tám mùa thu xanh thẳm

Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm!

Mây của ta, trời thẳm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!

Tố Hữu tình nguyện trở thành người hướng dẫn viên du lịch để đưa ta trở về với hồi ức xưa. Những con đường Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, khu Ba, khu Bốn có Bốt Tây mà hễ nhắc đến ai cũng phải bàng hoàng khiếp sợ bởi những đòn tra tấn, đày đọa không nhân tính của kẻ thù nay đã “cuốn sạch rồi”. Rồi xuôi thuyền theo sông Thao về thủ đô kháng chiến Hà Nội với mấy ngàn năm chiến đấu không nghỉ, “bắp chân, đầu gối vẫn săn gân” nay ngẩng đầu lên chỉ còn vẻ đẹp của đám mây nhởn nhơ bay, của màu xanh hòa bình. Dân tộc ta với lòng khiên trung, bất khuất đã làm tan tác những bóng thù hắc ám, đổ bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để đổi lại “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!”, để cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc dinh độc lập.

Đã tan tác những bóng thù hắc ám

Đã sáng lại trời thu tháng Tám

Trên đường ta về lại Thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!
...

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Dù ai rào giậu ngăn sân

Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!

Tỗ Hữu tiếp tục miêu tả vẻ đẹp của không gian địa lý đất nước gắn với chiều dài của lịch sử. Từ miền Bắc xuôi về đến Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp,...rồi đến cả những con sông từng nhuốm máu đỏ quân thù như Sông hương, Bến Hải, Cửa Tùng đều được vang danh tưởng nhớ. Tác giả còn gửi gắm tình yêu, tình đoàn kết giữa hai miền Nam Bắc rằng “Nước ta là của chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”. Tố Hữu nhắc nhở mỗi con người chúng ta dù có đi đâu thì chúng ta vẫn là “con một cha, nhà một nóc”. Dù có như thế nào thì dòng máu con người Việt Nam vẫn chảy trong tim, ta vẫn luôn là “dân Cụ Hồ”. Nhà thơ tiếp tục đưa dòng cảm xúc về với những ngày tháng hình thành của đất nước, đất nước là một phần máu thịt trong mỗi con người:

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!

Đất nước được hình thành từ khói lửa, đạn pháo, từ cái thời mà lớp trẻ bây giờ có mong cũng chẳng quay lại được. Đất nước ta hình thành từ những dấu chân của người chiến sĩ anh hùng, mà người chiến sĩ đó chẳng phải là những chiến binh mạnh mẽ, họ điều xuất phát từ “than bụi, lầy bùn”, từ những người dân nhỏ bé nhưng có sức mạnh đoàn kết to lớn của tình yêu đất nước. Họ xông pha chiến đấu, không sợ hiểm huy, cứ thế bước đi dưới ánh “mặt trời cách mạng”. Những bàn chân “Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng” vang danh lừng lẫy trên chiến trường Điện Biên, nổi tiếng khắp cả địa cầu. Những bàn chân đó đã được Tố Hữu nhấn mạnh, lý tưởng hóa như những bàn chân khổng lồ sẵn sàng dẫm đạp đầu “Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp”.

Nếu như những câu thơ trên tưng bừng với những hình tượng hào hùng thì những câu thơ còn lại là những cảm xúc chứa đựng đầy suy tư của nhà thơ khẳng định lại tinh thần khiên trung, bất diệt của dân tộc ta khi đối mặt với kẻ thù hùng bạo và tấm lòng thủy chung của con em dân tộc Việt Nam chung một mái nhà:

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,

Rắn như thép, vững như đồng.

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!
...

Lòng ta không giới tuyến

Lòng ta chung một cụ Hồ

Lòng ta chung một Thủ đô

Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

Bằng bút pháp nghệ thuật so sánh, Tố Hữu miêu tả chặng đường giành lại gian sơn bờ cõi của dân tộc ta không một giây nào chùn bước. Ý chí của dân ta “rắn như thép, vững như đồng”, “cao như núi, dài như sông”, “Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!”. Dân tộc ta “đi tới” với khí thế ngút trời, hùng hậu, đoàn kết “Bắc Nam liền một biển” khiến kẻ địch dù có mạnh đến đâu cũng phải kinh hãi, khiếp sợ. Cuối cùng, bằng điệp từ “Lòng ta”, nhà thơ nhất mực thể hiện tấm lòng trung với nước, hiếu với dân hòa cùng tấm lòng của dân tộc. Dân ta đều chung một nước, quyết không cùng giới tuyến với kẻ thù nào, trong lòng cùng chung một người cha già vĩ đại, cùng chung một Thủ đô kháng chiến, cùng chung một “cơ đồ Việt Nam”

      Thơ Tố Hữu thanh đạm, dịu ngọt với sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời của nhà thơ. Bài thơ “Ta đi tới” ca ngợi những chiến tích oai hùng của ông cha, qua đó gợi suy nghĩ, cảm xúc của thời đại về một đất nước được xây dựng từ những trái tim nồng ấm tình người nhưng cũng không hề mềm yếu, nhẫn nhìn trước bất kì kẻ thù nào xâm hại đất nước của Cụ Hồ, của dân tộc.

 Phân tích bài thơ Ta đi tới - Mẫu 2

Lịch sử hào hùng của đất nước thì luôn tồn tại trên thế gian này, nó không phải là dĩ vãng, đặc biệt không thể để lãng quên, lịch sử đất nước cần là những tri thức cần được ẵm trọn trong cá nhân mỗi con người. Ta có thể thấy nhiều cá nhân họ đã sử dụng tri thức của mình để tri ân những giá trị nhân văn đó, có thể qua hành động và qua lời nói, nhưng đặc biệt ở đây cách tri ân về lịch sử nước nhà đã được Tố Hữu – nhà thơ lỗi lạc với thi văn thời kì cách mạng đã thành công trong việc đưa “Ta đi tới” đến và chinh phục độc giả. Được ra đời trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến chống Pháp tác phẩm ẵm đặm giá trị tinh thần kháng chiến cũng như phác họa thành công những tâm tư tình cảm, những suy nghĩ trăn trở của Tố Hữu về vận mệnh và tương lai đất nước sau này.

Bởi tình yêu dành cho đất nước quá đỗi là cao cả, thế nên Tố Hữu đã hiện thực hóa hình ảnh chiến tranh đất nước, lịch sử của thế hệ bấy giờ làm nên, bằng cái nhìn chân thực và vô cùng khách quan. Tác giả đã cho thấy một Việt Nam hùng cường, một Việt Nam tiên quyết giá trị nhân văn và lịch sử, những điều lớn lao đó được Tố Hữu bộc bạch qua tác phẩm “Ta đi tới”.

Ta đi giữa ban ngày

Trên đường cái, ung dung ta bước.

Đường ta rộng thênh thang tám thước

Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên

Đường cách mạng, dài theo kháng chiến…

Đến hôm nay đường xuôi về biển

Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

Không phải sự bay bổng trong văn chương, thi ca của Tố Hữu luôn luôn chinh phục được trái tim độc giả, hiển nhiên điều đó không phải sự sắp đặt, đó là những điều chân thật, những tình cảm, những gì tinh túy nhất mà tác giả sở hữu để vun đắp cho văn chương của ông. Đoạn thơ trên là vậy! Nó khiến người đọc xao xuyến làm sao! Xao xuyến bởi những điều hiện hữu được khơi gọi lại, là những con đường cách mạng mang tên gọi của phía Bắc đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên. Đó là những con đường đã in hằn dấu chân của của người chiến sĩ cách mạng, bởi sự tuyệt vời của cái đẹp đấy đã được Tố Hữu hiện thực hóa bởi câu thơ “Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!”. Không chỉ là vẻ đẹp đó, tác giả còn cho thấy bức tranh thanh bình của đất nước thời bấy giờ, cụ thể “Ung dung ta bước” là câu thơ chứng minh cho sự yên bình đó. Đất nước không còn là cái bóng của sự u uất, máu lạnh, đất nước qua đoạn thơ trên đã hoàn toàn khoác lên mình chiếc áo mới, mới từ màu đất đến thiên nhiên, mới từ cảnh quan đến sống nước. Tất cả những giá trị đó đều được tác giả lột tả hoàn toàn trơn tru và rõ ràng. 

Bởi thi ca không chỉ được chiêm nghiệm với thực tại, thi ca còn là sự tái hiện của quá khứ, Tố Hữu đã sử dụng nghệ thuật ấy để khơi gợi lại những kỉ niệm của những năm tháng chiến đấu hùng cường.

Ai qua Phú Thọ

Ai xuôi Trung Hà

Ai về Hưng Hóa

Ai xuống khu Ba

Ai vào khu Bốn

Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân.

Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần

Tháng Tám mùa thu xanh thẳm

Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm!

Mây của ta, trời thẳm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!

Điệp từ ai như một cỗ máy đếm số lượng vậy! Đó là số lượng của những cá nhân từng trải qua và tham gia đóng góp đến những địa danh tạo nên chiến tích của thời chiến bấy giờ. Tất cả những địa danh đó dường như đã hằn sâu bởi những vết tích trên những con đường Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, khu Ba, khu Bốn có Bốt Tây. Để mang lại những vẻ vang đó những người lính anh hùng luôn chiến đấu với gian nan, đó là “ba ngàn ngày không nghỉ”, là “bắp chân đầu gối vẫn săn gân”. Họ như những anh hùng sinh ra từ truyền thuyết vậy, sức khỏe không phải mãi trường tồn trong họ nhưng nhờ có động lực tinh thần đã khiến họ vục dậy và hình thành nên tinh thần thép trong họ. Để rồi đến ngày xuân đó tác giả Tố Hữu đã được ngời ngợi vang lên bảy tiếng “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”, tác giả coi bảy tiếng đó là niềm tự hào lớn trong tác ông nói riêng và những người con dân Việt Nam nói chung.

Đã tan tác những bóng thù hắc ám

Đã sáng lại trời thu tháng Tám

Trên đường ta về lại Thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Dù ai rào giậu ngăn sân

Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!

Tố Hữu không chỉ tri ân đến những cá nhân và những tập thể đã đóng góp cho lịch sử nước nhà. Ở đó tác giả vẫn nhớ như in hình ảnh lí tưởng và quan điểm nhân văn của Bác mang đến cho muôn dân. Ngày vinh quang ngày chiến thắng là ngày trời thu tháng Tám, mùa thu lãng mạn ấy lại càng tô điểm hơn khi mang tin chiến thắng nước nhà. Những lá cơ tung bay phấp phới được như được Bác thổi một ngọn quá thiêng đến tác giả lúc này. Cái thiện mĩ trong Bác được coi như thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến đoạn thơ này. Ấy là sự yêu thương đồng lòng giữu hai miền Nam Bắc, ấy là tính thiêng liêng của tinh thần dân tộc. Tất cả những giá trị cốt lõi đó đã được thu nhỏ bởi hình ảnh của vị cha già vĩ đại, để từ đó người người nhà nhà đều luôn ý thức và tôn trọng lịch sử đất Việt.
Hình trình để đi đến vinh quang như ngày hôm nay đâu có đơn giản, đó là những gian truân , những hành trình gang thép, hơn thế nữa còn là những mất mát không đếm xuể. 
 

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!

Đất Việt không hiển nhiên mà yên bình như vậy, để mang lại cái tên thiếng liêng ấy không biết bao tính mạng của những thế hệ ông cha đã bỏ mạng để nâng bước xây dựng nước nhà. Họ không phải bậc hiền tài sở hữu sức mạnh phi thường, họ là những con dân đất Việt nhỏ bé nhưng tinh thần quả cảm, họ biết cách vươn lên từ những mặt hạn chế để “Góp gió thành bão”. Bởi vậy ta thấy rằng thi ca của Tố Hữu hoàn toàn nhân nghĩa, đó là một thông điệp, đó là một bài học lịch sử, đặc biệt đó là một lời tri ân lớn lao đến các thế hệ đi trước. Vì thế ta thấy rằng đoạn thơ trên là một mảnh ghép không thể thiếu trong thi phẩm “Ta đi tới”.

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,

Rắn như thép, vững như đồng.

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!

Lòng ta không giới tuyến

Lòng ta chung một cụ Hồ

Lòng ta chung một Thủ đô

Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

Phải thấy rằng tác giả đã mang một lòng nồng nàn với tình yêu đất nước và Bác Hồ. Liên tục trong những đoạn thơ đều in đậm hình ảnh về Bác kết hợp với hàng loạt những điệp từ tôn vinh lên tinh thần của những anh hùng trong thời chiến đó. Ngoài ra còn là sự liên tiếp của những địa danh ghi lại dấu ấn lịch sử vĩ đại, khắp mọi miền lịch sử địa phương trên toàn quốc dường như đã được Tố Hữu gói gọn trong một “Ta đi tới” hào hùng. Ta sẽ thấy quan điểm quen thuộc như “Nghệ thuật là lớp kính ngăn cản bui, nó góp phần giữ được sự trong sạch và mới mẻ cho bài thơ” là vô cùng đúng đắn. Tố Hữu đã không đi ngược với điều đó, tác giả hoàn toàn chạy theo mạch thiết thực của quan điểm trên. Đặc biệt với đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng nghệ thuật so sánh với chi tiết “rắn như thép, vững như đồng”, “cao như núi, dài như sông”, “chí lớn như biển Đông trước mặt!”. Tại sao tác giả lại liên tục sử dụng yếu tố so sánh như vậy? Cũng bởi vì ý chí cũng như quãng đường chông gai đi đến vinh quang quá đỗi cao cả của các thế hệ trước đây. Họ xứng đáng với vị trí mà tác giả so sánh, hơn hết tinh thần và sức mạnh của họ còn là nỗi lo ngại đối với kẻ thù. Ta đi tới chắc hẳn đã mang lại thành công lớn bởi cái nhìn đa diện của Tố Hữu, con mắt trữ tình mà tinh tường ấy đã đưa người đọc chạm đến nhiều cảm xúc trong nhịp thơ của ông. Có lẽ người đọc sẽ không đếm hết được những ý nghĩa của thi phẩm trên, một sự toàn vẹn đáng ngưỡng mộ bao gồm cả thi nhân đến thi phẩm. 

Cho đến giờ đây chắc chắn không ai có thể phản bác lại giá trị cũng như ý nghĩa của “Ta đi tới” nữa, bởi đó là sự kết hợp hoàn hảo, sự kết hợp tài tình đến từ nội dung và nghệ thuật. Những giá trị đó đều phải nghiêng mình vì cái tâm huyết mà Tố Hữu đã bỏ mồ hôi nước mắt để xây dựng nên. Kho tàng văn học của ông có lẽ đã ngày một khiến trái tim độc giả thán phục và lay động, đặc biệt “Ta đi tới” là một mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một bức tranh toàn vẹn đó. Ấy là bức tranh được tô điểm bằng lịch sử nước nhà, bức tranh được tô điểm bởi tinh thần xây dựng đất nước, đặc biệt bức tranh tri ân sự cống hiến của nhiều thế hệ cha ông. Bởi chừng đó giá trị là chưa đủ đối với vị thi sĩ này, tác giả đã linh hoạt sử dụng hoàng loạt biện pháp nghệ thuật hấp dẫn để từ đó ấn định và làm nổi bật lên nội dung chủ thể của bài thơ. Đồng thời “Ta đi tới” cũng được coi như một thông điệp nhân văn của tác giả về cách xây dựng và giữ gìn lịch sử dân tộc.


 Phân tích bài thơ Ta đi tới - Mẫu 3

Nhắc đến thơ Tố Hữu, Xuân Diệu đã từng nói : “Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đạp cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa : Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ”. Với thái độ toàn tâm toàn ý với cách mạng, Tố Hữu đã cho ra đời những tác phẩm chạm đến trái tim người đọc như thế, chúng là những chiếc chiều khóa mở ra cách cửa kết nối người đọc để họ hiểu hơn về thời chiến lúc bấy giờ. “Ta đi tới” là một trong số các tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ là một thánh ca, vừa ca ngợi những chiến thắng lừng lẫy của cuộc kháng chiến, vừa thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về chặng đường sắp tới của dân tộc.

Tố Hữu là nhà Cách mạng đồng thời là nhà thơ, ông là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lí tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Nội dung trữ tình chính trị trong thơ ông thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu tâm tình, ngọt ngào tha thiết, kết tục truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam qua nhiều thời đại; gắn bó với vận mệnh của đất nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc. Bài thơ “Ta đi tới” (in trong tập Việt Bắc) được Tố Hữu sáng tác vào tháng 8 năm 1954 – thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Bài thơ vừa ca ngợi những chiến thắng lừng lẫy của cuộc kháng chiến, vừa thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về chặng đường sắp tới của dân tộc.

Qua hàng nghìn trang lịch sử, vẻ đẹp đất nước ta hiện lên với những nét độc đáo, ấn tượng, đó là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Vẻ đẹp ấy được thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, đến bản sắc văn hóa đa đạng, phong phú và con người với những phẩm chất tốt đẹp. Nước ta được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp. Đó là những con đường “rộng thênh thang tám thước” , là “Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”, hay đó là những ánh nắng chói chang soi chiếu con đường Cách mạng của dân tộc ta. Tất cả đã tạo nên một bức tranh về một đất nước xinh đẹp những cũng rất kiên cường và bất khuất. Đất nước hiện lên trong mắt Tố Hữu với những con đường rộng mở và những con đường ấy, nơi đã từng in hằn rất nhiềi dấu chân của người linh nay đã “mới tinh khôi màu đất đỏ tươi”. Còn dòng sông Lô từng đẫm máu quân thù nay đã yên bình đón nắng mới, hò vang tiếng hát, phải chăng đó chính là tiếng hát trong lòng nhà thơ, tiếng hát tự hào, tôn vinh về những anh hùng dân tộc đã gây dựng nên đất nước hòa bình. Cảnh tượng đất nước yên bình ấy xinh đẹp đến mức khiến nhà Cách mạng Tố Hữu cũng phải thốt lên “Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!”.

Trước niềm vui sướng về cảnh tượng đất nước yên bình ấy, Tố Hữu ngược dòng cảm xúc bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm về ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng những người lính vẫn rất quả cảm và oai hùng. Đưa ta về với hồi ức xưa, Tố Hữu đã liệt kê những con đường Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, khu Ba, khu Bốn có Bốt Tây mà hễ nhắc đến ai cũng phải bàng hoàng khiếp sợ bởi những đòn tra tấn, đày đọa không nhân tính của kẻ thù mà nay đã “cuốn sạch rồi”. Qua ngàn năm chiến đấu không ngừng nghỉ, nay khi nhìn lên bầu trời đã trong xanh cùng những đám mây nhởn nhơ bay chứ không còn là bầu trời đen kịt bom khói và bão đạn. Màu xanh hòa bình của bầu trời ấy lúc này như một sự an ủi cho tâm hồn của những người lính, những người đã liều mạng bạo vệ đất nước này. Dân tộc ta với lòng khiên trung, bất khuất đã làm tan tác những bóng thù hắc ám, đổ bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để đổi lại “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!”, để cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc dinh độc lập. Những cảm xúc chứa đựng đầy suy tư của nhà thơ khẳng định lại tinh thần khiên trung, bất diệt của dân tộc ta khi đối mặt với kẻ thù hùng bạo và tấm lòng thủy chung của con em dân tộc Việt Nam chung một mái nhà.

Tố Hữu tiếp tục miêu tả vẻ đẹp của không gian địa lý đất nước gắn với chiều dài của lịch sử. Chiến tranh qua đi, trong trời thu tháng tám ấy là biết bao con người có cuộc sống mới. Ngay lúc này, họ sẽ sống một kiếp người khác, cây xanh có thể mọc lại mà không bị bon thiêu cháy nữa, trâu có thể ra bãi đồi, các em nhỏ có thể đi học. Từ miền Bắc xuôi về Nam Bộ, tất cả mọi người đều có chung một cảm xúc. Tác giả đã gửi gắm tình yêu, kết nối hai miền Nam Bắc sau những tháng ngày chia xa : “Nước ta là của chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”. Xuyên suốt bài thơ, tác Tố Hữu luôn muốn nhắc nhở chúng ta một điều là : “Chúng ta, con một cha, nhà một nóc/Thịt với xương, tim óc dính liền”. Tác phẩm không chỉ là một bài thơ mà còn là một lời nhắc nhở, là một nơi kết nối tinh thần dân tộc của ta :

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Dù ai rào giậu ngăn sân
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!

Nhà thơ tiếp tục đưa dòng cảm xúc về với những ngày tháng hình thành của đất nước, đất nước là một phần máu thịt trong mỗi con người, Đất nước được hình thành từ những điều nhỏ bé và đơn giản nhất, từ khói lửa, đạn pháo hay từ cái thời mà lớp trẻ bây giờ có mong cũng chẳng quay lại được. Và dấu chân của người lính đã ghim chặt từng mảng đất lại với nhau tạo nên một nền móng đấy nước vững chắc và bảo vệ chúng. Những người chiến sĩ đó chẳng phải là những chiến binh mạnh mẽ, họ điều xuất phát từ “than bụi, lầy bùn”, từ những người dân nhỏ bé nhưng có sức mạnh đoàn kết to lớn của tình yêu đất nước. Họ xông pha chiến đấu, không sợ hiểm huy, cứ thế bước đi dưới ánh “mặt trời cách mạng”. Những bàn chân đã được lý tưởng hóa ấy đã dẫm đạp lên quân thù một cách kiên cường như thế. Từ những cảm xúc chứa đựng đầy suy tư, nhà thơ đã khẳng định lại tinh thần khiên trung, bất diệt của dân tộc ta khi đối mặt với kẻ thù hùng bạo và tấm lòng thủy chung của con em dân tộc Việt Nam chung một mái nhà qua những câu thơ tiếp theo. Nhà thơ nhất mực thể hiện tấm lòng trung với nước, hiếu với dân hòa cùng tấm lòng của dân tộc. Dân ta đều chung một nước, quyết không cùng giới tuyến với kẻ thù nào, trong lòng cùng chung một người cha già vĩ đại, cùng chung một Thủ đô kháng chiến, cùng chung một “cơ đồ Việt Nam”.

Qua ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, kết hợp sử dụng nhiều động từ mạnh cùng với việc sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ, Tố Hữu đã khéo léo thể hiện sự kiên cường và quyết tâm của con người trong cuộc sống. Tố Hữu đã gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ, từ sự tự do và mạnh mẽ, đến sự nhẹ nhàng và yêu thương, cùng với những kỷ niệm đáng nhớ.

Bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu là một tác phẩm vô cùng đặc biệt và sâu sắc. Bài thơ mang đến một cảm giác rất tự do, phóng khoáng nhưng đồng thời cũng không quên nhắc nhở ta công lao của thế hệ đi trước, sự gian khổ khi họ đã phải hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ đất nước xinh đẹp này.


Sơ đồ tư duy Phân tích bài thơ Ta đi tới

Phân tích bài thơ Ta đi tới (lớp 8)

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến bài văn mẫu Phân tích bài thơ Ta đi tới (ngắn gọn). Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

icon-date
Xuất bản : 24/02/2023 - Cập nhật : 09/05/2024