logo

Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3

Tuyển chọn những mẫu mở bài hay chủ đề Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3. Các bài mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé!  


Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 


Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 - Mẫu số 1

Hàn Mặc Tử một trong ba nhà thơ đỉnh cao của phong trào thơ mới, là nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Các tác phẩm của ông đều được sáng tác với một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại trong đau đớn, luôn có sự giằng xé giữa tâm hồn và thể xác. Đặc biệt bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ đầy tâm trạng của ông giằng cho người mình yêu. Khổ thơ cuối bài là dòng tâm trạng mơ hồ, kì ảo.


Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 - Mẫu số 2

Trong phong trào thơ mới, Hàn Mặc Tử là hiện tượng thơ kì lạ nhất, “một giọng thơ độc đáo không chia sẻ âm hưởng với bất kì ai”. Viết thơ để trải niềm đau trên mảnh giấy mỏng manh, đi đến tận cùng đau thương, thơ Hàn Mặc Tử thực sự là “huyết lệ” của một linh hồn trước giờ hấp hối sắp chia phôi. Tuy nhiêm, bên cạnh những vần thơ huyết lệ, Hàn Mặc Tử vẫn có những tiếng thơ tinh khôi như ánh ban mai, trong trẻo như nước suối đầu nguồn. Rút ra từ tập “Thơ điên”, “Đây thôn Vĩ Dạ” là những vần thơ tinh khôi trong trẻo trong gia tài Hàn Mặc Tử nhưng vẫn ẩn chứa tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời. Nếu khổ thơ đầu tiên diễn tả vườn Vĩ Dạ buổi ban mai, khổ thứ hai là đêm trăng xứ Huế cùng với những mặc cảm, chia lìa, xa cách thì khổ thơ thứ ba lại nói về hình bóng khách đường xa va nỗi niềm mơ tưởng của thi sĩ:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”


Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 - Mẫu số 3

Raxun Gamzatop đã từng nói "Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình-nghĩa là trở thành nhà thơ". Chính vì thế thơ của Hàn Mặc Tử tạo nên dấu ấn sâu sắc trong phong trào Thơ mới bởi phong cách riêng độc đáo. Thơ ông mang đến tiếng nói của một tâm hồn yêu thiết tha cuộc sống. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng thể hiện nổi bật tình yêu của tác giả đối với cuộc đời, nhưng lại ẩn chứa đầy tâm trạng. Hai khổ thơ đầu tác giả đã gợi lên được vẻ đẹp của thiên nhiên thôn Vĩ, đến khổ cuối tác giả lại nêu lên những hoài niệm về con người thôn Vĩ.

Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 ngắn gọn nhất

Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 - Mẫu số 4

Hàn Mặc Tử là cái tên nổi bật thuộc trường phái thơ siêu thực với quan niệm thi ca độc đáo và ngôn ngữ lạ hóa. Ông gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bằng bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" mang phong cách và hương vị trong trẻo, thiết tha. Bài thơ thể hiện nỗi buồn cùng niềm khao khát mãnh liệt của trái tim yêu cuộc sống, thiên nhiên và con người tha thiết. Điều này được thể hiện sâu sắc và cảm động nhất qua khổ thơ kết thúc bài thơ.


Bài văn mẫu Phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ


Phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu số 1

Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa, có sức sáng tạo mạnh mẽ bậc nhất trong phong trào thơ Mới ở Việt Nam những năm 30. Tài hoa là thế nhưng cuộc đời Hàn Mặc Tử là một chuỗi những nỗi buồn, nỗi cô đơn đến ám ảnh. Những tâm sự, suy tư của ông được thể hiện đầy ám ảnh trong những sáng tác thơ văn, đặc biệt thông qua những biểu tượng thơ “máu”, “trăng”, “vầng trăng máu”. Giữa những bài thơ có phần điên loạn, dữ dội ấy vẫn có những bài thơ thật trong sáng, tinh khôi, Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ như thế. Đặc biệt, trong khổ thơ thứ ba của bài, hình ảnh vầng trăng một lần nữa xuất hiện nhưng đó không phải vầng trăng máu đầy dữ dội nữa mà ánh trăng thật nhẹ nhàng cũng thật buồn khi thể hiện niềm khát khao tình đời, tình người của người thi sĩ.

Nếu như khổ thơ đầu tác giả Hàn Mặc Tử đã kỳ công vẽ ra bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ trong trẻo, đắm say lòng người trong ánh nắng của ngày mới, khổ thơ thứ hai là khung cảnh sông nước, mây trời tuyệt đẹp nhưng thấm đượm nỗi đau đớn, xót xa của con người da diết yêu đời nhưng sắp phải lìa xa cuộc đời ấy thì đến khổ thơ cuối của bài, tác giả đã đắm chìm trong thế giới hư ảo với ánh trăng ảo mộng cùng khát khao mãnh liệt đối với cuộc đời.

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Cuộc đời của người thi sĩ là một chuỗi những nỗi buồn không dứt nhưng dù bị cuộc đời vùi dập, tuyệt giao thì tình yêu cuộc đời của người thi sĩ ấy càng trở nên mãnh liệt hơn, tha thiết hơn. Thực tại quá đau đớn, tác giả đã thoát ly hiện tại để trở về với cõi mộng để tìm chút bình yên cho tâm tâm hồn. Cảm xúc bao trùm khổ thơ cuối là màu sắc hư vô, huyền ảo với thực giả lẫn lộn.

Tác giả Hàn Mặc Tử đã nhấn mạnh trạng thái mộng tưởng bằng cách điệp hai lần từ “mơ” “mơ khách đường xa, khách đường xa”. Tuy hoàn toàn chìm đắm trong mộng tưởng nhưng ẩn sâu bên trong giấc mộng ấy lại là khát khao đầy thành thực. Mơ khách đường xa là khát khao được một lần gặp lại người xưa trước khi lìa khỏi cõi đời của tác giả nhưng càng mong mỏi thì giấc mơ càng trở nên xa vời, khắc khoải.

“Áo em trắng quá nhìn không ra”

Trong không gian hư ảo của cõi mộng, hình ảnh áo trắng của “em” như bị lẩn khuất trong cái bằng bạc của sương khói khiến cho thị giác khó có thể tiếp nhận, để phân biệt thực hư “áo em trắng quá nhìn không ra”. Câu thơ thể hiện sự choáng ngợp, nghẹn ngào lại có chút xót của thi sĩ vì dù cố gắng nhưng chẳng thể nhìn rõ ràng, sự tồn tại của em mãi trong thế giới tâm tưởng mà không thể trở thành hiện thực.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

“Ở đây” có thể là không gian hiện thực của xứ Huế với khung cảnh sáng sớm vẫn còn thấm hơi sương cũng có thể là sương khói mờ ảo của không gian tâm tưởng, nơi tác giả đang chìm đắm với những tâm sự, nỗi đau, sự tuyệt vọng riêng. Sự mờ ảo của không gian cũng làm cho câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà” trở nên khắc khoải hơn, da diết hơn.

Câu hỏi tu từ không có lời giải chứa đựng sự bất an đầy hoài nghi về tình cảm của người con gái xứ Huế dành cho mình, đó liệu có phải chân tình hay chỉ là sự ảo tưởng từ bản thân của nhà thơ. Với tình cảnh hiện tại, liệu rằng tình cảm người xưa có đổi thay. Sự bất an thường xuyên xuất hiện trong những câu thơ của Hàn Mặc Tử “Cảnh xưa còn đó, lòng người đổi thay”.

Như vậy, khổ thơ cuối của bài “Đây thôn Vĩ Dạ” đượm màu sắc đượm buồn, có chút hoài nghi, bất an lại tha thiết chân thành của một tâm hồn cô đơn đang khát khao sống mãnh liệt.


Phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu số 2

Trong phong trào thơ mới, Hàn Mặc Tử là hiện tượng thơ kì lạ nhất, “một giọng thơ độc đáo không chia sẻ âm hưởng với bất kì ai”. Viết thơ để trải niềm đau trên mảnh giấy mỏng manh, đi đến tận cùng đau thương, thơ Hàn Mặc Tử thực sự là “huyết lệ” của một linh hồn trước giờ hấp hối sắp chia phôi. Tuy nhiên, bên cạnh những vần thơ huyết lệ, Hàn Mặc Tử vẫn có những tiếng thơ tinh khôi như ánh ban mai, trong trẻo như nước suối đầu nguồn. Rút ra từ tập “Thơ điên”, “Đây thôn Vĩ Dạ” là những vần thơ tinh khôi trong trẻo trong gia tài Hàn Mặc Tử nhưng vẫn ẩn chứa tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời. Nếu khổ thơ đầu tiên diễn tả vườn Vĩ Dạ buổi ban mai, khổ thứ hai là đêm trăng xứ Huế cùng với những mặc cảm, chia lìa, xa cách thì khổ thơ thứ ba lại nói về hình bóng khách đường xa va nỗi niềm mơ tưởng của thi sĩ:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Bị cuộc đời tuyệt giao, nhưng Hàn Mặc Tử không bao giờ chịu tuyệt tình. Càng chia lìa, càng bị cuộc đời bỏ rơi, thi sĩ càng yêu đời thiết tha, đắm say đến đau đớn. Ao ước trở về thôn Vĩ không thành, thi sĩ lại mơ tưởng đến người thương thôn Vĩ: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Thật xót xa trong giấc mơ, người thương đã thành khách đường xa. Lời gọi “khách đường xa, khách đường xa” chất chứa biết bao nhiêu mặc cảm chia li, xa cách. Nỗi cách chở chia li như nhân lên trùn trùng qua nghệ thuật điệp liên tiếp 4/3. Ta tưởng như trong giấc mộng của thi sĩ, bóng dáng người lính vừa chợt hiện lên đã mờ dần, khuất xa, mất hút. Người tình xưa như đang chạy trốn ta vậy. Câu thơ tự sự mà mang âm diệu của tiếng nấc nghẹn ngào, của lời than chới với, hụt hẫng.

Trong giấc mơ của thi sĩ, bóng hình em hiện lên thật ám ảnh: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Áo em lẫn vào sương khói nên không nhìn thấy, không rõ? Có lẽ không phải vậy. Câu thơ chỉ là một cách cực tả sắc trắng tuyệt đối, trắng đến lạ lùng của thi sĩ mà thôi. Cực tả vốn là một thiên hướng của Hàn Mặc Tử. Hơn nữa, những nàng thơ trong cõi thơ của Hàn luôn hiện ra với vẻ đẹp lí tưởng trinh bạch, thanh khiết và vẻ đẹp ấy bao giờ cũng được biểu lộ bằng sắc áo trắng tinh khôi. Ví như vẻ đẹp thanh khiết của cô gái đồng trinh đã được cực tả bằng hình ảnh: “Chết rồi xiêm áo trắng như tinh”. Vẻ đẹp trinh bạch của người chị trong trang văn “Chơi giữa mùa trăng” cũng được thi sĩ gợi tả bằng áo trắng: “Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát và tinh khôi như pho tượng đức bà Maria. Sao đêm nay chị tôi đẹp thế này. Mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi”. Vậy, cực tả sắc trắng lạ lùng của người con gái Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử muốn gửi gắm tâm sự gì? Phải chăng đó là niềm đắm say tột bậc trước vẻ đẹp tinh khôi, trinh nguyên, thanh tiết đến tuyệt vời của người mình yêu dấu. Cùn với vườn ngọc, trăng huyền ảo, hình bóng trinh nguyên của người khách đường xa đã hợp thành thế giới ngoài kia, lộng lẫy, quyến rũ. Nhưng cũng giống như những hoài niệm về vườn Vĩ Dạ lúc hửng đông, sông nước xứ Huế đêm trăng đi liền với niềm đắm say tột bậc là nỗi đau thương đến xót xa. Câu thơ không chỉ đơn giản là lời thú nhận bất lực về thị giác mà là bất lực về tâm hồn của một trái tim phải cách xa cuộc đời ngoài kia cả nghìn thế giới, cả một tầm tuyệt vọng.

Mơ tưởng về người thôn Vĩ, thi sĩ không sao thoát khỏi nỗi đau thương, hình ảnh người tình xa càng lộng lẫy thì khoảng cách càng đẩy xa vời vợi. Cuối cùng, thi sĩ đành ngậm ngùi mà trở về với thực tại: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. “Ở đây” là không gian nào, Vĩ Dạ mộng mơ hay trại phong lạnh lẽo, là lãnh cung chia lìa mà ngày đêm thi sĩ đang một mình chống chọi ác quái. Ở đây sương khói mịt mù, vùi lấp cả bóng người. Sương khói nào mà lại có sức phủ ghê gớm đến vậy. Đó chỉ có thể là sương khói của thời gian xa cách đằng đẵng, của không gian xa cách nghìn trùng, của mối tình đơn phương vô vọng, của mặc cảm chia lìa. Những lớp sương khói mịt mù, trùng trùng ấy đã phủ kín hình ảnh, bóng ảnh. Thành thử, thi sĩ ơ nơi này mà như không còn tồn tại nữa. Trong câu thơ như có tiếng người khổ đau của kiếp người lãng quên:

Tôi đang ở đây hay ở đâu

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu

Mọi thứ trên cõi đời này đều quay lưng với Hàn Mặc Tử. Chỉ có chút tình kia là sợi dây duy nhất níu buộc thi sĩ với cuộc đời. Thế mà cái tình kia cũng mong manh, xa với lắm: “Ai biết tình ai có đậm đà”. Đại từ phiếm chỉ “ai” được sử dụng linh hoạt biến hóa đem đến cho câu thơ những hàm nghĩa phong phú, thú vị. Có thể hiểu thơ là “Em có biết tình anh vẫn đậm đà”. Hiểu thư thế, câu thơ là lời khẳng định tình cảm tha thiết, sâu đậm mà thi sĩ luôn dành cho người em Vĩ Dạ. Ẩn sau lời bày tỏ tha thiết ấy là chút giận hớn trách móc. Sao em vô tâm không thấu hiểu lòng anh. Lại có thể hiểu ý thơ theo hướng khác: “Anh nào có biết tình em có đậm đà hay không?”. Theo hướng này, câu thơ đưa ra như một lời hỏi đầy hoài nghi, một tiếng thở dài ngậm ngùi chua xót. Và nói có thể chính là câu trả lời cho câu hỏi buôn ra từ đầu bài thơ:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Ai biết tình ai có đậm đà?

Ao ước khát khao đến cháy long được trở về Ví Dạ nhưng anh không thể về Vĩ Dạ vì anh nào có biết tình em có đậm đà. Những lời hỏi áy cứ xoáy xâu vào lòng người đọc một nỗi buồn xót xa. Tình yêu mãnh liệt mà vô vọng đau đớn khi hướng về cuộc đời trần thế đã được thể hiện một cách cảm động trong những câu thơ cuối.

Khép lại “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta mới thấu được tình cảnh của thi sĩ. Không chỉ xúc động lòng người bởi tính khắc khoải, xót xa, “Đây thôn Vĩ Dạ” còn mê hoặc người đọc bởi vẻ đẹp của thơ. Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ với ngôn từ trong sáng, giàu sức tạo hình và có sức biểu cảm tinh tế, chạm tới trái tim. Cảnh sắc thiên nhiên liên tục, không tuân theo tính thống nhất về không gian và thời gian nhưng vẫn gây ấn tượng cho người đọc. Tất cả tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm cũng nhưng làm bật lên ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử. Quả không sai, khi có ai đó tưng nói:

Nếu nhân loại không còn khao khát nữa

Và nhà thơ – nghề chẳng kẻ nào yêu

Người – Thi sĩ – cuối cùng vẫn là Hàn Mặc Tử

Vẫn hiện lên ở đáy vực đợi chờ.

---/---

Trên đây là Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ khổ 3 do Top lời giải sưu tầm được, mong rằng với nội dung tham khảo này các em có thể triển khai bài văn của mình tốt nhất, chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 16/03/2022 - Cập nhật : 19/03/2022