logo

Viết văn bản phân tích Cùng ông thăm lúa (gồm liên hệ mở rộng)

Với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước là chủ yếu thì sự gắn bó thân thuộc với những cánh đồng lúa với con người là rất dễ hiểu. Ấy thế mà không có nhiều bài thơ viết về cảnh thăm lúa, miêu tả vẻ đẹp cánh đồng lúa thời con gái như bài thơ “Cùng ông thăm lúa” của Nguyễn Lãm Thắng. Bài thơ có giọng điệu hồn nhiên, trong trẻo, thông điệp ý nghĩa sâu sắc… qua việc viết văn bản phân tích cùng ông thăm lúa (gồm liên hệ mở rộng) dưới đây chúng ta sẽ hiểu thêm về tác phẩm này!


Dàn ý phân tích Cùng ông thăm lúa (gồm liên hệ mở rộng)

a, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ: đề tài cảnh sắc thiên nhiên, cảm hứng chủ đạo là tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người

- Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật: ca ngợi vẻ đẹp của những cánh đồng lúa sắp vào vụ, gián tiếp ca ngợi công lao của những người nông dân làm ra hạt lúa. Sử dụng thể thơ lục bát truyền thống, giọng điệu tươi vui, trẻ trung, hình ảnh so sánh, nhân hóa…

b, Thân bài

* Lần lượt phân tích bài thơ theo chiều ngang, từng khổ

- Khổ 1:

+ Cháu vui vẻ phấn khởi đi thăm lúa cùng với ông trên cánh đồng của quê hương. Điệp từ+tính từ vui vui,  mênh mông=> gợi niềm say mê thích thú của cháu khi được đứng giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và đất trời, trên cánh đồng mùa vụ của quê hương.

+ Từ láy “bồng bềnh”+ phép đảo ngữ gợi những đám mây trắng đẹp, tơi xốp trên bầu trời, với tiếng chim ríu rít, nhân hóa : gọi mời hân hoan=> khung cảnh thiên nhiên không tĩnh lặng mà sôi động, cả cây, hoa lá và cả chim chóc như hòa chung với vẻ đẹp của đất trời, say sưa với niềm vui của hai ông cháu 

- Khổ 2

+ Tập trung tả chi tiết cánh đồng vào mùa vụ với phép so sánh “cánh đồng” như “biển vàng” : gợi vẻ đẹp trù phú, ấm no. Từng hạt lúa tròn mẩy, căng đầy, hương thơm tỏa ngát như tan vào trong không khí.

+ Liên hệ mở rộng với bài thơ “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung cũng viết về hoàn cảnh ra thăm lúa ngoài đồng, cũng tập trung miêu tả cánh đồng lúa chín đẹp:

Mặt trời lên càng tỏ

Bông lúa thêm chín vàng

Sương treo đầu ngọn cỏ

Sương lại càng long lanh

- Khổ 3

+ Suy nghĩ của cháu về giá trị của hạt gạo, để làm ra được hạt gạo người nông dân đã phải đổ biết bao giọt mồ hôi trên cánh đồng.

+ Mở rộng liên hệ với bài ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” => để mỗi người thấy trân trọng giá trị và công sức của người lao động, trân trọng hạt gạo mà ta ăn hàng ngày.

+ Hình ảnh lúa rì rào, sắp vào mùa vui-> Phép nhân hóa thể hiện sự quấn quýt của thiên nhiên, cánh đồng lúa với con người. Cũng là sự gắn bó của con người với thiên nhiên, cây lúa

- Giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ:

+ Thể thơ lục bát quen thuộc, hình ảnh trong sáng, giản dị mà gần gũi.

+ Sử dụng rộng rãi các phép so sánh, nhân hóa

+ Ca ngợi những cánh đồng lúa chín đẹp và gián tiếp đề cao công sức của người lao động.

c, Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp của bài thơ: một bức tranh cánh đồng vào mùa đẹp

- Khẳng định tài năng của tác giả: sự quan sát tinh tế của nhà thơ.


Phân tích Cùng ông thăm lúa (gồm liên hệ mở rộng)

       Dù chủ đề, đề tài rất giản dị nhưng “Cùng ông thăm lúa” của Nguyễn Lãm Thắng vẫn đọng lại trong lòng người đọc những tình cảm thật trong sáng, tươi đẹp. Âm điệu bài thơ nhịp nhàng, trên nền thể thơ lục bát của dân tộc, Nguyễn Lãm Thắng đã tái hiện cảnh đẹp của cánh đồng lúa sắp sửa vào vụ. Qua đó bày tỏ niềm biết ơn, trân trọng những người đã làm ra hạt gạo.

      Như tên gọi của nó “Cùng ông thăm lúa” được viết trong hoàn cảnh hai ông cháu cùng ra đồng thăm những cánh đồng lúa sắp sửa vào vụ thu hoạch. Khỏi phải nói cháu vui vẻ và phấn khích như thế nào khi được thăm những cánh đồng lúa vàng - những hạt vàng của quê hương. Điệp từ “vui vui” kết hợp với tính từ mênh mông gợi niềm say mê thích thú của cháu khi được hòa mình vào thiên nhiên, say sưa khám phá những vẻ đẹp của đất trời, trên cánh đồng mùa vụ của quê hương:

Bồng bềnh mây trắng êm trôi

Tiếng chim ríu rít gọi mời hân hoan

      Vào tháng năm sắp sửa gặt, bầu trời như cao hơn, rộng hơn, từ xa là những đám mây trắng bồng bềnh, phép đảo ngữ gợi ra những đám mây đẹp, tơi xốp trên bầu trời, với tiếng chim ríu rít càng làm cho cảnh sắc không gian thêm tươi vui, nhộn nhịp. Không gian được miêu tả rộng hơn, từ gần đến xa, từ mặt đất lên đến bầu trời vì thế cảnh sắc có phần khoáng đạt, cánh đồng lúa mênh mông, rộng lớn hơn. Từ láy ríu rít ở câu thơ cuối khổ một cộng với động từ gọi mời, tính từ hân hoan có cảm giác chú chim cũng đang vui đùa tíu tít với con người và say trong niềm vui của hai ông cháu. Khung cảnh thiên nhiên không tĩnh lặng mà sôi động, cả cây, hoa lá và cả chim chóc như hòa chung với vẻ đẹp của đất trời, say sưa với niềm vui của hai ông cháu.

Viết văn bản phân tích Cùng ông thăm lúa (gồm liên hệ mở rộng)

      Phép so sánh “cánh đồng” như “biển vàng”gợi vẻ đẹp trù phú, ấm no, thể hiện niềm vui ngây ngất của con người, hứa hẹn sẽ có những vụ mùa bội thu

Cánh đồng như một biển vàng

Gió đưa lớp lớp hàng ngàn sóng lay

      Từng hạt lúa tròn mẩy, căng đầy , hương thơm tỏa ngát như tan vào trong không khí.

      Cũng nói về vẻ đẹp của những cánh đồng lúa sắp vào vụ thu hoạch bài thơ “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung cũng quay cận cảnh cánh đồng đẹp ấy nhưng có sử dụng những ngôn ngữ và hình ảnh nghệ thuật hơn

Mặt trời lên càng tỏ

Bông lúa thêm chín vàng

Sương treo đầu ngọn cỏ

Sương lại càng long lanh

      Hình ảnh mặt trời lên cao gợi không gian bao la, thoáng đãng, sương tan dần dần và chỉ còn đọng lại một vài giọt long lanh trên ngọn cỏ, có nắng chiếu vào giọt sương càng thêm long lanh, trong vắt, đẹp đẽ đến lạ kỳ. Một hình ảnh đẹp, giản dị nhưng không phải ai cũng phát hiện ra được. 

Theo ông cháu biết bao điều

- Có hạt cơm, phải mất nhiều công lao.

Nói gì mà lúa rì rào?

Hình như lúa bảo: - sắp vào mùa vui.

      Để làm ra được hạt gạo người nông dân đã phải đổ biết bao giọt mồ hôi trên cánh đồng nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Nghe ông giảng giải người cháu như càng thấm thía hơn những giá trị của hạt gạo. Người nông dân đã vất vả một nắng hai sương như thế nào, thế nên chúng ta càng phải biết trân trọng hơn những hạt gạo. Cũng nói về sự vất vả này ca dao dân da đã có những vần thơ tương tự

      “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”nhắc nhở mọi người thấy trân trọng giá trị và công sức của người lao động, trân trọng hạt gạo mà ta ăn hàng ngày.

      Lắng tai nghe thiên nhiên cháu như đang cảm nhận được âm thanh của lúa “hình như lúa bảo: sắp vào mùa vui” phép nhân hóa thể hiện sự quấn quýt của thiên nhiên, cánh đồng lúa với con người cũng là sự gắn bó của con người với thiên nhiên, cây lúa.

      Với thể thơ lục bát quen thuộc, hình ảnh trong sáng, giản dị mà gần gũi, sử dụng rộng rãi các phép so sánh, nhân hóa, bài thơ đã miêu tả bức tranh cánh đồng lúa tuyệt đẹp vào vụ mùa, gián tiếp đề cao công sức của người lao động. Nhắc nhở mỗi người cần biết yêu thương, đồng cảm với nỗi vất vả của người dân.

      Khép lại bài thơ là tiếng nói của lúa gửi đến những người lao động: sắp mùa vui rồi. Sau những ngày vất vả sẽ là niềm vui say sưa khi được thu hoạch những hạt vàng của bội thu. Phải có một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, phải có sự đồng cảm sâu sắc với người lao động nhà thơ mới viết lên những vần thơ dạt dào cảm xúc như vậy. Cảm ơn Nguyễn Lãm Thắng với bài thơ “Cùng ông thăm lúa” giúp người đọc hiểu được những vẻ đẹp bình dị gần gũi trong cuộc sống hàng ngày vốn ở rất gần xung quanh ta.

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Viết văn bản phân tích Cùng ông thăm lúa (gồm liên hệ mở rộng). Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 11/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023