logo

Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về nhân vật tôi trong bài thơ "Con chào mào"

Bài thơ “Con chào mào” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Mai Văn Phấn. Đây không chỉ là tác phẩm có bút pháp độc đáo, lạ, pha trộn hài hòa giữa hiện thực và huyền ảo, mà nó mở lối dẫn bạn đọc vào/ về với thiên nhiên bất tận; đồng thời, cho họ thấy được vẻ đẹp nguyên khởi, cảm nhận trọn vẹn mạch nguồn cảm xúc của ông. Hình tượng trung tâm của thi phẩm này là con chào mào, được tác giả thể hiện ngay trong tiêu đề bài thơ. Bài thơ là tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng khao khát tự do của tác giả. Sau đây, Toploigiai sẽ mang đến cho các bạn một số đoạn văn mẫu về chủ đề Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về nhân vật tôi trong bài thơ “Con chào mào”.


1. Đôi nét về tác giả, tác phẩm Con chào mào

a. Tác giả

Mai Văn Phấn (1955)

- Quê quán: Ninh Bình

- Năm 1974, Mai Văn Phấn nhập ngũ, đến năm 1981 ông xuất ngũ và theo học Ngôn ngữ học và Văn hóa Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1983, ông tiếp tục tu nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Maxim Gorky, Minsk (Thủ đô của Byelorussian SSR).

- Hiện nay, ông sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng

- Ông sáng tác thơ và viết tiểu luận phê bình.

- Thơ ông phong phú về đề tài, có những cách tân về nội dung và nghệ thuật, một số bài được dịch ra nhiều thứ tiếng.

- Tác phẩm chính: Một số tập thơ như Giọt nắng, Gọi xanh, Bầu trời không mái che, Lặng yên cho nước chảy,…

>>> Xem thêm: Viết một đoạn văn ngắn cảm nhận về nhân vật Kiều Phương trong “Bức tranh của em gái tôi”

b. Tác phẩm

* Thể loại: Thơ tự do

* Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được in trong tập thơ “Bầu trời không mái che” (2010). Tập thơ được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp.

* Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

* Tóm tắt:

Bài thơ khắc họa hình ảnh con chim chào mào với bút pháp tả thực ngập tràn màu sắc và âm thanh. Đồng thời thấy được sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, tình yêu dành cho thiên nhiên của nhân vật “tôi” khi hiểu rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.

>>> Xem thêm: Viết đoạn văn phân tích nhân vật Sơn trong truyện Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam

Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về nhân vật tôi trong bài thơ Con chào mào

* Bố cục:

Gồm 2 phần:

+ Phần 1: Ba câu đầu: Hình ảnh con chào mào trong thực tế.

+ Phần 2: Đoạn còn lại: Hình ảnh con chào mào trong suy nghĩ.

* Giá trị nội dung:

+ Bài thơ Con chào mào là tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng khao khát tự do của tác giả.

* Giá trị nghệ thuật:

+ Thể thơ tự do kết hợp với bút pháp miêu tả linh hoạt, biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ,... đặc sắc.


2. Một số đoạn văn mẫu nêu suy nghĩ về nhân vật “tôi” trong bài thơ Con chào mào

Đề bài: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về nhân vật “tôi” trong bài thơ Con chào mào

Đoạn văn mẫu số 1:

Con chào mào là một bài thơ ngắn gọn mà đặc sắc của tác giả Mai Văn Phấn khi viết về thiên nhiên. Cả bài thơ nổi bật với hình ảnh đẹp đẽ của chú chim chào mào trong tự nhiên. Hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Ba câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh. Đến câu thơ thứ ba của khổ thơ này là một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kỳ vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên. Viết những dòng thơ này, hẳn tác giả đã hóa thân vào thiên nhiên để yêu mến và miêu tả thế giới tự nhiên một cách sinh động.

Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về nhân vật tôi trong bài thơ Con chào mào

Đoạn văn mẫu số 2:

Trong bài thơ Con chào mào, nhân vật “tôi” là nhân vật trữ tình xuất hiện xuyên suốt bài thơ và thể hiện tư tưởng của văn bản. Khi nhìn thấy chú chào mào đẹp đẽ, nhân vật “tôi” đã khao khát được níu giữ vẻ đẹp của tự nhiên bằng cách vẽ ra một chiếc lồng trong tưởng tượng. Nhân vật trữ tình đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Vậy “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng tác giả. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến mất, vuột mất. Đây là một câu thơ kỳ lạ. Từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa ràng buộc, giữ lại, bắt, bó hẹp… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do. Sau đó tác giả lại thốt lên: “Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”, hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi xa, trở về với thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó. Tác giả viết rằng “chẳng cần chim lại bay về” bởi ông đã cảm thấy đủ, thấy trọn vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi hồn mình. Câu thơ đa nghĩa cho ta thấy nhà thơ đang tràn đầy hạnh phúc, mong cho con chào mào bay xa, bay cao hơn, nhưng cũng gợn một chút tiếc nuối dù rất nhỏ.

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã đưa ra đôi nét về tác giả, tác phẩm “Con chào mào” và sưu tầm một số đoạn văn về chủ đề Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về nhân vật “tôi” trong bài thơ "Con chào mào". Chúng tôi hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong việc rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn của mình, chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 30/07/2022 - Cập nhật : 02/08/2022